22.7 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano – Marina Fiorato

Featured Image: Bìa sách “Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano”

 

Con gái bây giờ ưa ngôn tình Trung Quốc. Chẳng phải vì lý do cầu kỳ gì, đơn giản vì con gái tìm được thứ mình mong muốn trong đó: một tình yêu mỹ mãn và một kết thúc có hậu. Thế nhưng con gái nhiều khi chẳng nghĩ, câu chuyện mỹ mãn ấy thực sự có ý nghĩa gì hay không. Nói thế không có nghĩa là tôi ghét chúng, bản thân tôi cũng thích ngôn tình Trung Quốc; nhiều lúc tự dưng mất niềm tin vào cuộc sống, kéo một quyển ngôn tình ra rồi chìm đắm tận đến khi đóng quyển sách lại. Nhưng đến khi đóng quyển sách lại, tôi lại thấy dường như mình lại vừa mất đi tất cả niềm tin vừa tìm thấy; cảm giác giống như tỉnh dậy từ một giấc mơ vốn không có thực vậy.

Ngôn tình Trung Quốc, nhiều khi chỉ làm con gái mơ mộng quá đáng. Trước giờ, tôi nghĩ chỉ có truyện ngụ ngôn mới có thể để lại chút ý tứ trong lòng người đọc. Nhưng rồi một hôm, chị gái tôi đem một quyển sách về, được đính kèm câu: “Tiểu thuyết ăn khách nhất châu Âu”, bìa sách in hình một trong những con kênh nổi tiếng nhất ở Ý: Grand Canal. Đó là quyển The Glassblower of Murano – Người thổi thủy tinh xứ Murano.

Tôi hiếm khi đọc tiểu thuyết của châu Âu, vì nó có vẻ “khó gần” và “khó hiểu”. Tôi thực sự không nghĩ rằng mình sẽ chạm đến quyển sách ấy, thứ nhất là vì nguyên nhân phía trên; thứ hai, là vì tôi chả có chút hứng thú nào về chuyện thổi thủy tinh cả, chưa kể đến cái “người thổi thủy tinh” kia nữa. Cho đến một hôm tôi “thèm” đọc sách, “thèm” kinh khủng. Và tôi nhìn thấy nó, Người thổi thủy tinh xứ Murano.” Sách mà, đọc có mất mát gì đâu.” Tôi nghĩ rồi mở nó ra.

Người thổi thủy tinh xứ Murano, ban đầu, có thể là một quyển sách khó hiểu. Marina Fiorato viết nên câu chuyện của Leonora Manin, người phụ nữ sau khi ly hôn với chồng đã quyết định đi theo tiếng gọi của tổ tiên, để tìm về Venice quê hương nơi cô được sinh ra, tìm về với quá khứ bí ẩn của ông cố Corradino Manin – người làm nên danh tiếng của thủy tinh xứ Murano. Lối kể chuyện song hành, một của Leonora, một của Corradino làm người đọc chìm đắm trong dòng xoáy của câu chuyện về những mối “tình”. Không chỉ có tình yêu; tình cha con, tình bạn bè, tình thầy trò, tình bạn, và cả tình yêu với nghề thổi thủy tinh cũng được tác giả đề cập và nhấn mạnh.

Lấy bối cảnh là thành phố Venice tráng lệ, người ta không tìm thấy được sự khác biệt của nó trong cái nhìn của Leonora và ông cố Corradino, mọi thứ có vẻ như không hề thay đổi sau bốn trăm năm cách biệt. Từ những lâu đài nguy nga, mỗi dòng phá uốn lượn – hay người Ý gọi là laguna, từng viên đá lát vỉa hè cho đến những lò lửa tạo ra thứ quý giá nhất và độc nhất của Venice thế kỉ thứ 17: thủy tinh, thủy tinh Murano.

“ Faccia soltanto una passeggiata, Signorina. Soltana una passeggiata. Cứ đi, cô gái à. Chỉ đi thôi. ” Leonora đã đi lang thang mất dấu của thời gian và phương hướng, chìm đắm trong vẻ đẹp mê hoặc của thành phố Venice như một con thuyền được tháo dây buộc sau những năm tháng tưởng chừng như đã sống một cách vô nghĩa. Venice chảy trong dòng máu cô, như thôi miên dẫn lối cô đi về nhà thờ Pietà, nơi Leonora con gái Corradino đã từng sống.

Cô cầm trái tim thủy tinh óng ánh trên sợi dây ruy băng xanh mà Corradino làm ra cho con gái ông, thứ bà Elinor mẹ cô đã trao cho cô mà cha cô – ông Bruno đã tặng bà, thứ cho cô niềm tin và sức mạnh đến đây để làm một người thổi thủy tinh như tổ tiên cô, thứ duy nhất nhắc nhở dòng máu trên người cô đang sôi sục lên vì háo hức. Để rồi cuối cùng, cũng giống như mẹ cô, cô tìm thấy “một người đàn ông giống như từ trong tranh bước ra”, một người đàn ông Ý. Cô cũng hoảng sợ, sợ tình yêu này cũng đi theo vết xe đổ của mẹ cô, chỉ vì một sai làm nhỏ mà tan vỡ.

Leonora ở lại Venice, cố gắng chen chân vào làm công việc của một người thợ cả, một nghề trước giờ chỉ dành cho đàn ông. Những giấy tờ phức tạp đe dọa đến sự dừng chân của cô tại Venice làm cô mất kiên nhẫn. Những mưu toan, tính toánh, ganh ghét trong công việc đôi lúc cũng làm cô mệt mỏi. Những đầu mối về ông tổ Corradino lúc ẩn lúc hiện đẩy cô vào vòng xoáy của thù hận. Nhưng cô có Alessandro, người đàn ông bước từ trong tranh ra luôn ở bên cô, dẫn cô đi đường tắt một cách vô cùng “Ý”, kéo cô ra khỏi mớ hỗn độn ấy. Và yêu cô. Và cô cũng yêu anh.

Nhưng những tin đồn rằng Corradino phản bội nước Ý, phản bội lại Venice làm Leonora suy sụp. Quyết tâm làm rõ lời đồn về vụ việc ông cố của mình bỏ trốn sang Pháp và bán lại bí quyết làm thủy tinh của Ý cho người Pháp, cô vùi đầu vào công cuộc tìm kiếm tất cả những tư liệu liên quan và những mối quan hệ nhằm lấy lại thanh danh cho dòng họ Manin. Nhưng mọi thứ ngày càng rối rắm. Những bài báo chỉ trích vu khống xuất hiện, rồi cô vô tình phát hiện mình có thai với Alessandro sau cả-cuộc-đời bị gán cho cái mác vô sinh với người chồng cũ, rồi mâu thuẫn với anh, rồi cãi nhau gây gổ. Nhưng cuối cùng cũng chính anh đã bí mật giúp cô tìm ra bức thư chứng minh sự trong sạch của Corradino, cô sinh đứa bé an toàn trong lời cầu hôn vội vàng của anh, và cũng đặt tên cho thằng nhóc là Corradino. Điều cuối cùng là cô đã trở thành một thợ cả, một người thổi thủy tinh chính thức đầy tài năng như cô mong muốn, như ông cố của cô, Corradino Manin.

Câu chuyện còn nhấn mạnh tình thầy trò của Corradino và Giacomo – người đã mạo hiểm che giấu Corradino khỏi những người truy sát ông, người thầy cũng là người bạn trong suốt cuộc đời của Corradino. Tuy cuối cùng bị Giacomo phản bội đến mức phải buộc quay lại Venice để chịu chết, Corradino vẫn tha thứ cho ông. Bên cạnh đó, sự hy sinh vì lòng yêu nghề cũng được nhắc đến. Corradino đã dùng chính đôi bàn tay của mình để cảm nhận và tạo nên hình thù cho từng vật mình tạo ra, đến mức “sức nóng của thủy tinh đã bào mòn toàn bộ dấu vân tay”. Và nổi bật nhất là tình cha con giữa Corradino và Leonora. Chính vì cô bé mà ông trốn khỏi Murano sang Pháp, cũng chính vì cô mà ông đã quay lại nhận cái chết để đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống của cô sau này. Không chỉ có tình yêu nam nữ mới là thứ tình cảm đặc biệt, mà bất cứ thứ tình cảm nào cũng được Marina Fiorato nhấn mạnh và tô vẽ cẩn thận.

Luôn cẩn thận sau mỗi lời nói, cử chỉ và hành động của mình; không vì một chút khó khăn mà buông bỏ thứ mình đang cố gắng chạm đến, dám mạo hiểm theo đuổi ước mơ của bản thân; không sống quá phụ thuộc vào người khác nhưng luôn cố gắng đứng trên đôi chân của mình; đủ tỉnh táo để không lầm bước nhưng cũng đủ mù quáng để yêu thương ai đó một lần là những thông điệp nổi bật nhất mà Marina Fiorato muốn người đọc tự cảm nhận được nó sau khi đóng quyển sách lại.

Cuốn sách là một thế giới khác biệt mà khi bước chân vào, ta sẽ không cưỡng lại được cảm giác bị cuốn theo từng tình tiết của câu chuyện, mỗi biểu hiện và suy nghĩ của nhân vật làm ta tưởng như mình đang sống trong đó – một cách lặng lẽ nhưng đầy chân thực. Đôi lúc ta biết chuyện gì sẽ xảy ra ở trang kế tiếp, đôi khi không. Nhưng bản thân lại không thể tự chủ để có thể đặt cuốn sách xuống; từng dòng chữ như nước ở những dòng kênh tại Venice, cuốn tâm trí ta nhè nhẹ trôi theo.

 

[L.]


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI