28.7 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao, John Green – Ở nơi tận cùng nỗi đau

“Chào mừng tất cả quý ông quý bà đến với thế giới của sự mỉa mai chua chát. Nếu các người muốn tìm thấy dòng suối mát lành của tình yêu thương thì trước hết hãy tập len lỏi sao cho thật giỏi giang giống như một con suối qua những khe đá mấp mô khô khốc ngoài kia đi đã. Còn nếu có ai đó trong số quý ông quý bà ở đây đang bị ung thư thì xin được chúc mừng! Quý vị sắp đến được với mảnh đất của Thiên Đường theo nghĩa bóng rồi đó ạ!” – Ngài John Green đã xuất hiện và phát biểu như vậy, ngay sau khi mình đọc xong cuốn “Khi lỗi thuộc về những vì sao” mà ông ta là tác giả. Vâng! Ông John đứng trên một sân khấu chỉ có một chiếc đèn hắt thứ ánh sáng màu xanh lá dịu nhẹ từ trên đầu ông xuống. Và ở phía dưới, một nửa khán giả bỏ về và một nửa ở lại vỗ tay như chưa bao giờ được vỗ.

“Khi lỗi thuộc về những vì sao” là cuốn sách đầu tiên làm mình có ngay sự tưởng tượng như vậy chỉ sau 5 phút đọc xong nó(!)

Cuốn sách kể về câu chuyện tình giữa hai bệnh nhân ung thư Augustus Waters (mọi người thường gọi anh là Gus) và Hazel Grace. Họ đã tình cờ gặp nhau tại Hội Tương Trợ – nơi mà họ và những người trẻ cũng bị ung thư như họ tâm sự về cuộc chiến đấu của chính mình. Tình yêu đã nảy nở giữa hai con người khốn khổ và làm thay đổi cuộc đời của chính họ: Họ trở nên biết yêu thương bản thân mình và cuộc sống xung quanh (Một điều khó có thể tìm thấy ở những người luôn bị bệnh tật hành hạ và lúc nào cũng mong mình được chết càng sớm càng tốt). Những trăn trở của đôi bạn trẻ về giá trị của bản thân, về cuộc sống của những người ở lại nếu như Gus và Hazel có ra đi vào một ngày bất chợt, hay như sẽ thật sự có bao nhiêu người còn nhớ đến họ như đúng là con người họ, đều được tác giả lần lượt đề cập đến với một phong cách viết vừa mỉa mai, vừa hóm hỉnh mà cũng đầy chua chát.

Anh chàng Gus và cô nàng Hazel, họ được khắc họa rất tỉ mỉ trong từng cử chỉ điệu bộ. Điều này góp phần rất lớn giúp bạn đọc thấy được rõ hơn về cảm xúc và thái độ của nhân vật mà không cần phải để họ phải gào lên rằng: “Tôi đang đau!” hay “Tôi cảm thấy thật phẫn nộ!” hoặc là “Tôi sẽ đá bay mông cái lão Van Houten đáng ghét trong vòng 2 giây nữa!”. Chính vì được chắt lọc và biểu đạt nhiều qua việc mô tả hành động, thái độ, cử chỉ nhân vật nên lời thoại trong truyện rất súc tích và sâu sắc, nó thể hiện cá tính mạnh mẽ đặc biệt mà không phải ai cũng có. Gus và Hazel luôn tìm thấy tiếng cười trong những khoảnh khắc khó khăn hay nghiêm trọng, cho dù đó là tiếng cười giễu cợt về sự thật đau đớn mà hai người đó đang phải đối mặt. Trong truyện này, chúng ta được biết thêm một loại tiếng cười nữa: Tiếng cười khiến người khác phải bật khóc!

Riêng bản thân mình thấy câu chuyện không nhẹ nhàng, cũng không dữ dội, cũng không đau thương nốt. Câu chuyện đơn giản là đắng nghét như miệng của những người bị ốm, nếu như không muốn nói là những người bị ung thư. Đắng từ đầu chí cuối. Chính vì cái sự đắng đó trải đều khắp truyện như những tế bào ung thư di căn khắp cơ thể thì nó tự nhiên có tác dụng đẩy bạn đọc đi tìm kiếm những dấu hiệu ngọt ngào để trung hòa lại. Vậy nên, một cái xích đu cô đơn bị đem bán cũng ngọt ngào, một cái bình dưỡng khí cùng dây dợ loằng ngoằng cũng ngọt ngào, một trận nôn sau bữa ăn tối cũng ngọt ngào, và cả cái chết cũng ngọt sau rốt!

Đây là cuốn sách đầu tiên của John Green mà mình được đọc. Ông ta quả thực có một óc hài hước đã đạt đến độ vô cùng sắc sảo. Đến nỗi mà người ta sau khi được chứng kiến thì có thể thốt lên rằng: “Ôi Jonny, anh sắc sảo đến mức sự hài hước cũng phải bật nhảy cả ra ngoài!” Không có một lời thoại nào trong truyện là thừa thãi nếu như không muốn nói là nó quá chất lượng. Nhiều khi chúng ta gặp những tình huống bất ngờ trong cuộc sống, phải đối đáp với nhau từ những chuyện đơn giản cho đến phức tạp. Sự đơn giản thì đơn giản, nhưng sự phức tạp luôn khiến chúng ta bối rối và cho đến cuối ngày nhìn lại, chúng ta lại tự cười vào mặt mình rằng: “Sao lúc ấy mình lại trả lời một cách thiếu muối như vậy!” Và cho các bạn biết nhé, ngài John đây là một người bán muối đích thực đó ạ!

Ngoài ra, cái cách mà tác giả dẫn dắt câu truyện cũng là một điều đáng để nói. Ông ấy khiến bạn hồi hộp, nghẹt thở rồi được thở phào nhẹ nhõm, rồi lại nghẹt thở, nhưng lần này nghẹt dữ hơn lần trước. Câu chuyện về bệnh nhân ung thư cũng kịch tính, gay cấn và khó đoán hệt như truyện trinh thám vậy! Vì ta chẳng biết bao giờ họ chết, dù chuyện họ sẽ chết là điều mà ai cũng biết rằng sẽ xảy ra! Một năm hay hai tháng nữa, hay là ngay trang sau? Bạn chẳng biết được, không thể biết được. Chính vì thế mà mỗi khi lật giở từng trang truyện, bạn cảm giác như chính mình là một bệnh nhân ung thư đang đếm những ngày ít ỏi mình còn được sống vậy. Liệu hôm nay đã là cái Ngày Cuối Cùng ấy? Ồ, vẫn chưa, mới là chương thứ 9! Hên quá! Mà khỉ thật, mình đâu có bị ung thư!

Câu chuyện mà tác giả xây xựng lên hoàn toàn mới mẻ với mình. Nó là đỉnh cao của nỗi đau nếu không muốn nói là tận cùng. Nick Vujicic thiếu tay chân vươn lên bằng nghị lực và niềm tin phi thường, nhưng đọc sách anh viết, mình vẫn chưa cảm thấy được bức vách tận cùng đó.

Còn trong cuốn truyện về hai bệnh nhân ung thư này, khi vẽ nên bức tranh tận cùng của nỗi đau, John Green đã cho mình thấy được khung cảnh mà ở đó sự hài hước và đau khổ tan vào nhau trong không khí, yêu thương và thù hận thì sánh lại thành một khối đặc sệt, còn sự sống và cái chết thì cùng nhòe đi như hai vệt đèn cao áp dưới đêm mưa được nhìn qua đôi mắt của một người bị cận thị nặng. Điều này làm mình nhớ đến một câu nói của Pippi trong truyện “Pippi tất dài”:

“Nhưng biết đâu sẽ đến một ngày buồn chán trong mùa mưa, mặc dù cởi trần cởi truồng chạy dưới trời mưa cũng vui đáo để, bởi con người ta không thể nào ướt hơn được nữa.”

Họ đã không thể ướt hơn được nữa, Gus và Hazel ấy, nên tất cả những gì họ làm bây giờ là tận hưởng những giọt mưa đang nhảy múa trên da thịt họ.

Lấy đi nước mắt của người khác bằng cách cố xoáy vào lòng trắc ẩn của người ta, thì nhân vật trong truyện sẽ là những kẻ đi ăn xin tình thương chính hiệu, nhưng cho dù suy cho cùng, đó không phải là lỗi của họ. Càng trong sự khốn khổ, cái mà con người ta mong muốn được nhìn thấy nhất là ý chí sức mạnh ở nơi đó chứ không phải bất kì sự giả tạo mạnh mẽ nào. Sự mạnh mẽ không thể làm giả được. Mình có cảm giác rằng John Green thừa biết điều đó. Vậy nên Gus và Hazel trong truyện ông viết, họ hoàn toàn là chính mình, họ nói những gì họ muốn dù điều đó có vô tình làm tổn thương người khác rồi sau đó lại thấy hối hận, họ làm những điều mình thích để rồi cảm thấy thật “đã đời” với chúng, hân hoan trong một cuộc sống đầy những trớ trêu.

Họ là những vị Phật của cuộc đời bệnh tật vì qua việc trải nghiệm nó, họ tìm thấy chân lí cuộc sống cho dù căn bệnh ung thư khiến họ luôn ở trong đau đớn như một kiểu hành xác mà bạn có thể bắt gặp trong cuốn “Thiên thần và ác quỷ” của Dan Brown. Còn những bài học hai người nhận được đã trở thành Đạo của riêng họ – Đạo Ung Thư.

Xuyên suốt cuốn truyện này, cái mà hiện lên rõ ràng nhất trong tâm trí mình đó là: Ở tận cùng nỗi đau thì sự mâu thuẫn, mỉa mai, nực cười của thế giới trở nên dễ nhìn thấy hơn bao giờ hết, và rằng cánh cửa ngay nơi ấy không mở đi xuống địa ngục (dù người chịu đựng những nỗi đau đó cũng như đang ở trong địa ngục), mà mở đi tới dòng nước của sự cứu rỗi chính bản thân mình và lẫn nhau.

Trong một trận sốt cao gần đây của mình, toàn thân đau khắp lượt và đầu óc quay cuồng, nửa tỉnh nửa mê, mình đã có ý nghĩ rằng cánh cửa của thế giới bên kia đang mở ra chào đón đứa trẻ hư đốn nhất định không chịu uống thuốc này. Mình nằm đấy, chỉ khóc. Khóc là tại sao mình không làm ngay những việc mình cần làm, như là nói con thương bố mẹ nhiều lắm, hay tặng bằng được cái bạn mà mình đang thích cuốn truyện tranh và bảo bạn ấy rằng tớ rất quý cậu, hay tự tay làm cho mình một tấm thiệp trên đó có viết: “Ngày hôm nay thật tuyệt phải không!” v.v… “Khi lỗi thuộc về những vì sao” đã đưa mình quay về những dòng suy nghĩ của trận sốt hôm ấy. Khi gấp cuốn sách lại, nước mắt mình cứ tự động trào ra cùng với hàng loạt những câu hỏi về cuộc sống ở ngay nơi Trái Đất này, ngay xung quanh chính chúng ta:

Tại sao con người ta không thích nhau nhưng vẫn cố gây ấn tượng với người kia bằng những lời nói, những biểu cảm dễ thương (dù biết tận sâu trong lòng họ là một bức tranh lạnh ngắt, thậm chí đầy những dao nhọn và trứng thối)?

Tại sao con người ghét bị thương hại hoặc nghĩ rằng người khác đang thương hại mình trong khi họ vẫn hành động như thể họ sinh ra là để được thương hại vậy?

Tại sao họ nén chặt bao nhiêu điều cần nói ở trong lòng hoặc nói với những người không cần nghe chúng, trong khi những lời nhảm nhí, dễ gây tổn thương, chia rẽ lại để dễ dàng phun ra từ miệng họ đến vậy?

Tại sao họ nói rằng yêu người kia lắm lắm nhưng tận sâu trong lòng họ lại mong mỏi sự đền đáp xứng đáng với những gì mà họ đã đem trao tặng, và rồi thấy phát điên lên khi ở đó chẳng có sự đền đáp chết tiệt nào để mà xem xem nó có xứng đáng hay không?

Còn rất rất nhiều câu hỏi nữa, tất cả ngập tràn về thế giới con người. Điều gì đã khiến họ trở nên khô cứng và tội nghiệp đến vậy? Điều gì khiến họ càng ngày càng xa rời dòng suối tình yêu đến vậy? Liệu mỗi người có nên mắc lấy một bệnh ung thư đau đớn tột cùng nào đó để mà nhìn ra chính mình và thế giới hay không, khi mà bản thân người đó đã là một khối ung thư của cuộc đời chính họ và đang di căn ra toàn bộ xã hội?

Càng đọc thì người ta càng nhìn rõ sự vĩ đại của John Green hơn cả thảy sự vĩ đại của các nhân vật trong truyện cộng lại (Dù sự thật đúng là như thế). Có những câu chuyện người ta chỉ nhớ đến nhân vật chính mà không hề mảy may nhớ đến tên người tác giả tội nghiệp. Nhưng ở đây, cho dù chuyện tình của hai nhân vật chính đẹp vô cùng, và họ có một cá tính độc nhất vô nhị, nhưng hình ảnh của họ vẫn không thể vượt qua được John Green cho dù ông ấy đã nhường cho họ cái ngôi thứ nhất số ít để mà kể chuyện(!) Gus và Hazel chỉ là một trong muôn vàn biến, còn John Green, ông ấy là cả vũ trụ! “Vũ trụ muốn được chú ý!” – Bố của Hazel nói vậy.

Có thể các bạn đang có những thắc mắc rằng tại sao mình không trích dẫn thêm một vài câu, một vài đoạn nữa trong tác phấm để mọi người có thể nhận định sơ qua về văn phong của tác giả, xem xem nó có hợp với bạn không. Vậy mình xin được nói rằng: Đôi khi trong cuộc sống, có nhiều thứ sẽ chẳng còn là nó nữa khi mà chúng ta nói ra nó. Tất cả những gì ta nên làm là để kệ nó đúng như nó đang là. Giống như bạn mang trên tay một quả bóng bay xinh đẹp, hãy đem tặng ngay nó cho người bạn yêu, chứ không phải châm thủng một lỗ trên quả bóng và miêu tả lại với người đó rằng quả bóng đã trông như thế nào.

Hay khi bạn sáng tác được chục bài thơ hay ho và tung tất cả chúng lên facebook cho bàn dân thiên hạ thưởng thức, mình cam đoan rằng suốt hai tháng sau hoặc lâu hơn nữa, bạn sẽ chẳng còn dù chỉ là một chút xíu cảm hứng trong người để mà sáng tác thơ thêm nữa. Vì tất cả chúng đã bay đi theo hết những bài thơ cũ mà bạn đã khoe khoang rồi. Vậy nên, riêng với cuốn truyện đặc biệt này, mình không muốn trích dẫn câu từ là vậy! (Trừ một câu về vũ trụ mà mình đã buộc phải nói ra ở đoạn trên!)

Cảm nhận cái hay của cuốn “Khi lỗi thuộc về những vì sao” giống như ăn sầu riêng vậy đó. Ai lần đầu không ưa mùi vị này thì sẽ không bao giờ ăn nữa, còn ai đã “trót yêu” thì việc được ăn sầu riêng từ đó trở đi sẽ giống như là một ân sủng vậy! Tất nhiên, bạn sẽ ghi nhớ nó suốt đời, và biết đâu đấy bạn có thể rút ra được một triết lí ghê gớm nào đó từ việc ăn sầu riêng ấy thì sao! Hãy cứ thử nó đi, trái sầu riêng của ngài John Green!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: quotecatalog

Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

28 BÌNH LUẬN

  1. Dù chưa hết năm 2014 nhưng đây là cuốn sách được mình và đứa bạn chọn là 1 trong 2 quyển sách “gây ảnh hưởng” nhất trong năm 2014 cho đến thời điểm này(ít nhất là với mình và bạn của mình). Mình thích tác phẩm này vì nhiều lý do, có cái như bạn nói và có nhiều lý do khác nữa. Kết thúc buồn nhưng mình không thấy quá đau. Mình thấy hài lòng vì các nhân vật của mình đã sống trọn vẹn, họ sẽ không còn hối hận, tiếc nuối điều gì mà mình chưa làm được. Còn về văn phong và ngôn ngữ của tác giả thì mình không còn gì để nói, mình đang đọc lại bằng bản tiếng Anh. Tận cùng của vẻ đẹp là sự đơn giản-cái này chắc chính xác cho ngôn ngữ của tác phẩm này. Cảm ơn bài chia sẻ của bạn 🙂

  2. Nhận xét của BGK (còn cập nhật):

    Nguyễn Hoàng Huy: Anh không biết em vô tình hay cố tình gọi John Green bằng ông mà không gọi bằng anh. John Green còn trẻ măng mà; theo anh thì em nên gọi bằng anh 😀 Đoạn đầu bài em viết ngay lập tức gây cho anh ấn tượng, nhưng không phải vì thế mà những đoạn tiếp theo xuyên suốt bài viết không làm được chuyện đó. Toàn bộ những gì em viết là một sự thú vị to lớn. Một tác giả như John Green cần một người review như em, vì anh thấy phong cách của em cũng khá giống anh ta. Khác với đa số những bài viết khác, bài viết của em có chứa đựng những ý tưởng, câu từ mới mẻ anh có thể học được, hay nhớ lại vì đã quên. Anh có cảm giác như những câu từ trong bài được gọt dũa rất cẩn thận, không có từ nào dư, từ nào thiếu. Lần đầu anh đọc bài này không hiểu sao cảm thấy rất xúc động; hễ nghe thấy ai khóc là anh xúc động, không lẽ em biết được bí mật này của anh?

    Nói về tận cùng của nỗi đau, anh nghĩ mình mới là người có quyền claim cái danh hiệu đó, nhưng có lẽ sẽ ít có người biết được chuyện gì đã xảy ra với anh. Nỗi đau mà không thể kể cho ai được mới là một nỗi đau tận cùng. Anh chỉ có một than phiền về bài viết này đó là quan điểm của anh khác với câu trích dẫn duy nhất em chọn, “Vũ trụ muốn được chú ý!” Có thể anh không biết được hoàn cảnh câu nói này, hay không hiểu được đúng ý câu nói, nhưng đối với anh thì vũ trụ không muốn được chú ý, chỉ có đa số nhiều người mới muốn được chú ý, “Cái đẹp đích thực không đòi phải được chú ý.” Chấm điểm 95/100

    • @Anh Huy: Anh nói em mới biết John Green còn trẻ! :)) Với một giọng văn và những ý tưởng sắc sảo vậy em không nghĩ tác giả lại rơi vào một người không phải từ 40 tuổi trở đi. 😛 Nên em gọi là “ông” và “ngài”.
      Còn câu trích dẫn duy nhất trong bài có ý rằng ông John quá giỏi, quá khủng đến nỗi em cũng phải ghen tị. Và khi ghen tị thì em sẽ phải kiếm cớ chê bai một chút gì đó nên bảo rằng: “John Green là cả vũ trụ. Vũ trụ muốn được chú ý ấy mà!” Nhưng vì em xấu hổ quá nên phải nhờ bố Hazel nói hộ cái vế thứ hai! 😛
      Đọc được lời nhận xét của anh em thấy xúc động lắm. Anh em mình chưa có một cuộc nói chuyện nào đáng kể từ xưa tới nay, nhưng anh lại cho em cảm giác rằng anh em mình có thể tâm sự với nhau qua một cách khác, đó là những bài viết. Em viết bài này trong một tâm trạng kiểu như có một cái gì đó cứ nghẹn ở cổ họng, không lẽ anh biết điều này? 🙂
      Còn về nỗi đau tận cùng, anh nói đúng. “Nỗi đau mà không thể kể cho ai được mới là một nỗi đau tận cùng” Và em cũng có một cái. 😀
      Nếu anh nghĩ một tác giả như John Green cần một người review như em thì em nghĩ một cuộc thi giới thiệu sách cần một ban giám khảo như anh! 😀
      Em cảm ơn anh nhiều lắm! 😀

  3. Cả bài viết mình chờ đợi cái chi tiết nỗi đau số 10 với Hazel từ người yếu nhất thành người khỏe nhất mà k có, hơi tiếc chút.
    Bài viết của bạn hay nhưng với mình thì chưa trọn vẹn lắm. Nhưng chắc chắn bạn viết hay hơn mình rồi. Mình chỉ dám “bình loạn” chút thôi 🙂

    Mình khuyên bạn nên đọc thêm bản tiếng Anh để so sánh thêm. Bản tiếng Việt bị khá nhiều lỗi dịch thuật đó. Lỗi nhỏ thôi nhưng mình nghĩ nếu bạn cầu toàn thì nên tìm hiểu thêm 😀

    Mà cho hỏi tác giả là bạn có khóc khi đọc cuốn này k? Chỉ là mình đã đọc sách và xem phim rồi mà k rơi giọt nước mắt nào, chả bù cho nhiều bạn kêu phải chuẩn bị trước khăn giấy. Muốn biết có ai giống mình k thôi 🙂

    • Cảm ơn những lời “bình loạn” của bạn! 😀
      Chi tiết mức đau số 10 đúng là rất hay, và mình nghĩ trong truyện còn rất nhiều những chi tiết đắt giá vậy nữa! Cảm ơn bạn!
      Bản thân mình không khóc khi đọc truyện, còn xem phim thì mình khóc hầu như là suốt phim. Việc trực tiếp nhìn một người đang chịu đau đớn làm mình dễ khóc hơn là lúc phải chủ động tưởng tượng ra cảnh ấy! 😀

  4. Mình sẽ tìm mua tác phẩm này sớm nhất. Cảm ơn vì những chia sẻ này. Mình đã trải qua những ngày tháng”địa ngục” đó bằng nụ cười để trào ra nước mắt đẫm cả tâm can, nhưng chính vì luôn tìm cách để cười mà mình đã quên đi những thời khắc kinh hoàng ấy. Vay nhất là, hôm nay, mình đang sống một cuộc sống khác, sống để k bao giờ hối hận và sống để yêu thương mọi người khi còn có thể. Vì cuộc đời này rất đáng để cảm ơn nó và trân trọng nó trong từng khoảnh khắc!!!

  5. Bài review hay nhất từ trước đến giờ em từng đọc. Rất thích cách chị pha trò trong từng câu chữ của mình, dòng nào cũng có những điểm riêng của nó, không gây nhàm chán cho người đọc. Khi đọc xong bài này em ước nó dài như một quyển sách. 😀

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI