16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chuyện nhỏ xíu ở nước Mỹ

Featured Image: Robin Jaffray

 

Người ta thường nói nước Mỹ là thiên đường. Thành ra tôi tự nhủ phải tận dụng từng phút từng giây sống ở đất nước này để quan sát và cảm nhận bằng hết cuộc sống thiên đường dưới mặt đất từ lúc đặt chân tới đây cho tới ngày cuối cùng trở về để đi tìm câu trả lời của riêng mình.

Không ai nói với ai nhưng cảm giác chung của những người lần đầu, hay những lần đầu tới nước Mỹ, đều ngạc nhiên, trầm trồ, thán phục về vẻ đẹp cũng như những điều khác biệt họ lần lượt khám phá được của đất nước này mà nước họ không có, hoặc có nhưng không ấn tượng bằng. Cảnh đẹp thì không giới hạn, không đóng khung vào hình mẫu nào cả. Mỗi địa danh, mỗi vùng đất có một vẻ đẹp riêng, một kiến trúc riêng, một lịch sử riêng không lẫn vào nhau. Nhưng vẻ đẹp của nước Mỹ có cái gì đó chạm được tới tâm can của khách thập phương, nhất là của những người tứ xứ tìm đến miền đất này sống và học tập xa quê hương, dù không gọi tên được vì nó không chỉ giới hạn trong một điều, hai điều mà là trong từng cảm nhận khác nhau của những người khác nhau tạo thành. Tựu chung lại, đó là vẻ đẹp riêng của nước Mỹ tạo nên bởi những con người Mỹ.

Kể một vài chuyện nhỏ xíu để các bạn dễ hình dung con người Mỹ tạo ra sự khác biệt thế nào. Nếu bạn là người từ nước khác đến, đang đi trên đường phố Mỹ với bộ dạng ngơ ngơ ngáo ngáo, băn khoăn có vẻ như đang cần giúp đỡ, cần hỏi đường… thì chắc chắn chưa cần mở lời nhờ giúp đã có người tiến về phía bạn hỏi xem họ có thể giúp gì bạn được không kèm theo nụ cười rất thân thiện. Tôi đã liên tục nhận được sự trợ giúp như vậy trong hầu hết những ngày mới đến khi lang thang trên đường. Lúc thì tìm địa chỉ ở Wilson Blvd thay vì đi đúng hướng thì lại đi ngược lên hướng ra trạm Metro Rosslyn. Anh trung niên nhìn thấy hình bản đồ trong điện thoại tôi cầm trên tay thì chỉ hướng đi ngược lại, còn tặng thêm câu động viên “cũng không xa lắm đâu“, như một làn gió mát giữa trưa nắng 90oF (~ 32oC), dịu cả người.

Lúc thì ở Metro hỏi cách mua thẻ, nạp tiền thế nào. Người nhân viên ngồi trong quầy hướng dẫn thấy tôi lớ ngớ lập tức ra khỏi quầy, đến tận từng bảng chỉ dẫn hướng dẫn tận tình, vui vẻ, kiên nhẫn giải đáp mọi yêu cầu không hề tỏ ra sốt ruột. Thậm chí có lần gặp người cùng xuống ga Metro hỏi tôi cần giúp gì, khi thấy họ không biết rõ tuyến đường tôi cần đi còn dắt tôi ra tận xe bus gặp tài xế để hỏi, và khi biết chắc là tôi tìm được cách đi đúng mới vẫy tay tạm biệt.

Tôi đã đi các loại phương tiện khác nhau: Tàu điện ngầm Metro, xe bus, tàu điện (light rail), tàu lửa (train) thì một đặc điểm chung là tiết kiệm được rất nhiều công sức của hành khách. Thứ nhất có một loại thẻ vừa đi được tàu điện Metro vừa đi được xe bus rất tiện. Mua thẻ cứng (SmarTrip) thì còn có thể nạp tiền nếu thẻ hết tiền) để đi lại lâu dài. Ngạc nhiên đầu tiên là đi tàu lửa trước lúc khởi hành cũng có 5 phút hướng dẫn an toàn và có tờ hướng dẫn để ở mặt sau ghế trước hệt như đi máy bay. Thật là yên tâm với những hướng dẫn như vậy cho những khách mới đi lần đầu. Nào là bạn hãy theo dõi từng bước chân khi bước lên tàu (Watch your step…)… Tôi ít đi tàu lửa ở Việt nam, không biết tàu lửa của chúng ta bây giờ có dán những hướng dẫn này trên tàu không? Ai biết xin trả lời giúp tôi.

Ngạc nhiên thứ hai là lên xe bus chỉ cần bỏ tiền vào máy tính tiền hoặc cà thẻ ngay khi bước lên. Không có người soát vé và cũng không cần phải báo cáo với tài xế “tôi xuống chỗ a,b,c…” gì sất. Dòng chữ điện tử thông báo tên đường hoặc tên giao lộ sắp đến hiện ra ngay trên đầu xe, hành khách nào cũng có thể nhìn thấy. Muốn xuống chỗ nào bạn chỉ cần giật sợi dây “stop requested“ (đề nghị cho xuống) là được toại nguyện. Dòng hướng dẫn “nhấn vào sợi dây màu vàng” để yêu cầu được xuống ghi ở rất nhiều nơi trên thành xe bus. Thật là tiện lợi. Chỉ cần quan sát và làm theo, ai cũng có thể làm, không cần phải la to cho cả làng nghe “tôi xuống chỗ này”… hay chăm chú nhìn đường cho kỹ để tránh bị nhầm bến như ở mình. Điều thú vị là khách xuống xe bus giữa chừng thường hay chào tài xế “chúc ngày tốt lành“… thật dễ thương.

Cái hay nữa là tất cả các tuyến tàu, xe đều có thể Google là ra hết, có đầy đủ cả sơ đồ tuyến đường lẫn giờ tàu. Chỉ cần có internet/3G trong tay, bạn cứ việc Google là thoải mái lên đường. Google map cũng giúp bạn đầy đủ từng lộ trình, khúc này đi bộ, khúc kia đi bus, khúc kia đi Metro… không chệch vào đâu được, rồi thì đoạn đường này đi mất bao nhiêu phút, tổng thời gian hết bao nhiêu phút…. rõ ràng, cụ thể. Mà giờ tàu, xe bạn yên tâm là chính xác. Tôi có lần cũng vì sự nhiệt tình quá của anh bạn cùng đường. Thay vì chỉ cần trả lời tôi cái trạm này tên Penn Station đúng không, thì anh ấy còn tận tình chỉ rõ cách đi thế nào từ trạm Light Rail tới Nhà ga Penn Station, nên cửa tàu chỉ mở mấy giây rồi đóng lại, báo hại tôi phải đi tới đi lui mấy bến, mấy tàu vì có tàu không ghé trạm đó và khi lội được tới nơi thì tàu chạy mất rồi.

Ôi cái sự tàu chạy đúng giờ làm tôi chậm 1 phút mà phải chờ 1 giờ mới có chuyến tàu tiếp. Nhưng mà cũng vui, vui vì biết chắc mình là người từ xa đến đi đâu cũng được giúp đỡ. Vui vì đi đâu cũng thấy những nụ cười, những sự trợ giúp đầy ân tình mến thương. Vui vì khi đi bộ cùng một bạn trẻ kéo valy cũng đi cùng tôi tới Ga Penn Station, biết tôi sắp muộn giờ tàu cứ giục tôi đi đường này ngắn nhất, và tới mỗi góc đường dành cho người đi bộ, đều chạy vào nhấn nút xin đường để được ưu tiên. Thế mà rồi vẫn lỡ tàu như thường.

Chưa kể suýt lỡ thêm một chuyến nữa vì hỏi ngay một anh cũng cà lơ phất phơ như mình, suýt nữa thì cả hai đều bị lỡ chuyến do cùng một giờ (2 giờ 35 phút) tại cùng nhà ga có 2 chuyến tàu cùng chạy về Washington DC, cùng boarding (lên tàu) một lúc, nhưng khác nhau là, chết tiệt, hai tàu của hai hãng khác nhau. Mà tệ hại nhất là cái tên trên vé cùng đề AmTrack, trong khi cái tàu tôi mua vé là Marc Train thì dòng chữ Marc Train lại in nhỏ xíu ở bên dưới nên không để ý. Tôi và anh bạn kia là 2 hành khách cuối cùng chạy lên tàu và cửa đóng. Hú vía. Nhờ khả năng đi bộ và chạy qua đường mỗi lúc băng qua các ngã tư được tập luyện mỗi ngày ở đây mới cứu được tôi lần này J.

Kể chuyện đi lại mãi cũng chán. Kể chuyện mua sắm nhé. Có lần khi mua một ổ cắm điện chuyển đổi từ đầu cắm tròn sang dẹp giá 5$, ( bạn nhớ là nước Mỹ , hay chắc chắn hơn là vùng DC/VA tôi ở không dùng phích cắm có lỗ tròn), anh chàng bán hàng da trắng tóc xoăn còn đề nghị phải lấy để thử xem có vừa không mới chịu bán. Anh ấy còn giải thích rằng may là tôi có mang theo đồ để thử, chứ nếu không vừa thì mua về không sử dụng được rất lãng phí.

Lần khác trong một siêu thị, tôi đã mang đồ ra quầy tính tiền thì mới phát hiện ra trong siêu thị còn có tầng lầu. Tôi hỏi anh chàng da màu nhân viên tính tiền, trên đó bán gì, được biết có bán thứ tôi đang cần mua, bèn tỏ ý lên lầu mua tiếp. Anh này cười rất dễ thương, để đồ đó tôi giữ cho. Tôi ung dung lên lầu ngắm nghía chọn lựa, cũng khá lâu mới xuống thì thấy anh chàng trẻ tuổi kia đã đóng quầy, đang ôm giỏ đồ của tôi, chỉ đứng chờ tôi xuống là đem sang quầy khác bàn giao. Tôi bối rối xin lỗi khi biết vì anh ấy vừa hết ca làm, nãy giờ phải chờ tôi “dung dăng dung dẻ” trên lầu. Nhưng nụ cười có chiếc răng khểnh khá duyên của anh ấy làm tôi bớt ngại. Còn nhắc tôi nhớ lấy cái nón tôi để trong giỏ hàng kẻo quên.

Bạn biết không, có hai điều ngạc nhiên, khác với quê nhà mình khi đi siêu thị (mall) ở đây. Thứ nhất, bạn có thể tự tính tiền không cần nhân viên, ở máy tự tính tiền riêng. Thứ hai nếu khách hàng không quá đông, nhân viên tính tiền luôn tự sắp đồ lên băng truyền tính tiền. Những món đồ tạm coi là hơi nặng bạn cứ việc để ở xe đẩy, nhân viên tính tiền sẽ tự lấy máy quét giá món hàng ngay tại xe đẩy, chứ không máy móc phải đặt lên bàn. Một quầy tính tiền ở những siêu thị lớn (costco) thường có 2 nhân viên và ở đâu bạn cũng thấy nhân viên mỉm cười tươi tắn với khách hàng.

Đi ngân hàng còn là “thượng khách hơn nữa“. Chưa cần biết bạn có thuộc loại khách VIP hay khách thường, mở cửa vào được chào đón nồng nhiệt, mời vào bàn có người tiếp riêng. Một chai nước mát lạnh đưa đến trước, rồi bạn mới cần nói những yêu cầu của bạn. Sự ân cần, tận tình và luôn luôn hỏi lại để chắc chắn là bạn đã hiểu đúng ý của cô nhân viên trao đổi và chắc chắn đó là điều bạn muốn. Điều này tôi cũng đã được chứng kiến ở Citibank Tp.Hcm (không phải quảng cáo cho Citibank đâu nhé, mà cái gì của nước mình hay cũng phải khoe cho mọi người biết), nhưng khác hơn là Citibank cũng chỉ phục vụ đặc biệt với khách hàng VIP thôi và khác hơn nữa là ở đây thẻ debit được phát hành ngay lập tức và cũng có hiệu lực ngay tắp lự.

Ở đây, tôi chưa từng bị từ chối giúp đỡ bao giờ. Từ những câu hỏi thăm rất cơ bản ai đi tàu cũng phải biết là đón tàu metro nào, đi hướng tàu nào để về được điểm mình cần (nếu lên nhầm tàu thì sẽ mất thời gian), cho đến những câu hỏi như học sinh vỡ lòng là: Đồng xu nào là quarter (25 cent), đồng nào là dime (10 cent), đồng nào là nickle (5 cent), đồng nào là penny (1 cent) mỗi khi trả tiền cứ loạn hết cả lên. Mà hay nhất là hỏi ai cũng nhiệt tình giảng giải, trả lời. Bạn đã thấy thiên đường mờ mờ chưa J. Thế này đã là gì đâu. Ở nước văn minh nào chẳng có. Đúng là người ta thường sẵn lòng hơn với người lạ, nhưng ở nơi mà tất cả đều có chung cách hành xử, đều sẵn sàng trao tặng nụ cười như ở nơi này thì không phải tất cả mọi nơi. Hay là chỉ có tôi gặp may?

Nước Mỹ có là thiên đường như người ta nói không, tạm thời tôi cũng chưa dám đặt tên, chỉ gọi là một đất nước văn minh, thân thiện cho nó gần nhất với những cái tôi đang cảm nhận. Còn nó có phải thiên đường hay là hạ giới hay cái gì khác thì tôi sẽ trở lại trong những câu chuyện khác hầu các bạn sau. Mọi thứ đều có thể đổi thay. Cảm nhận của tôi rồi mai đây cũng khác. Nhưng bạn tin tôi nhé, những câu chuyện này hiện giờ đang là những cảm xúc trong trẻo, cảm xúc mặn nồng nhất với nước Mỹ nói riêng và vùng đất tôi đang sống DC/VA như một thời kỳ trăng mật của bất cứ lữ khách nào từng đến và từng sống trên nước Mỹ đều phải có. Người ta đã chỉ ra điều này, trong một bài giảng về Culture Shock cho sinh viên quốc tế. Bạn tìm trên youtube là có đấy.

Những câu chuyện nhỏ xíu này thật là nhỏ xíu như những hạt nhân nguyên tử đối với những người sống lâu ở Mỹ, nhưng vẫn còn là mới lạ cho những người lần đầu đặt chân tới nơi đây và càng lạ hơn đối với những người chưa từng ghé qua. Tôi ghi lại hầu mong cho những người cần biết thì khỏi phải tự tìm hiểu, những người muốn biết và mong muốn những chuyện nhỏ xíu này một ngày nào đó cũng là chuyện nhỏ xíu xiu trên quê hương chúng ta.

Một cách khách quan, ở Việt Nam tôi cũng từng biết có những chuyện giống như xứ thiên đường. Ấn tượng về một bệnh viện ở Đà nẵng có chế độ chăm sóc người già, người mắc bệnh hiểm nghèo thật đặc biệt mà khi biết ai cũng có cảm giác muốn được là công dân Đà nẵng. Chỉ là thông tin trên mạng, tôi không kiểm chứng được, nhưng ước gì chúng ta có nhiều bệnh viện như thế.

Một bệnh viện khác là bệnh viện Da liễu Tp.Hcm cũng có một sự khoa học và cải tiến trong cách phục vụ bệnh nhân tôi từng biết. Đó là bệnh viện dán ngay thông báo hướng dẫn các bước của quy trình tới khám bệnh, ngay trên cửa tiếp nhận bệnh nhân, từ khâu mua sổ tới khám bệnh, lấy thuốc như thế nào rất tiện cho bệnh nhân, khỏi phải thấy cảnh “người đi sau hỏi người đi trước” là điều thường thấy ở khắp nẻo công đường. Đôi khi tôi nghĩ, người Việt mình mắc bệnh nói nhiều, tà lanh, lanh chanh cũng là do đi đâu cũng phải hỏi nhiều, phải trả lời nhiều những điều lẽ ra ai cũng cần biết mà không được hướng dẫn cụ thể. Còn các công chức viên thì không biết cười và cũng chẳng có thời gian để trả lời mãi một câu hỏi trong một ngày. Tại sao chúng ta không cải thiện được điều đơn giản này nhỉ?

Bệnh viện Da liễu TpHcm còn có một dịch vụ ưu việt nữa mà tôi thấy rất đáng hoan nghênh, là dịch vụ khám bệnh qua điện thoại. Lệ phí khám bệnh đắt gấp 3 (nếu tôi nhớ không nhầm, chính xác là 150.000đ/1 lần khám ) bình thường, nhưng bạn được ưu tiên phục vụ rất nhanh, từ lúc khám tới khi lấy thuốc, xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra, tiết kiệm được thời gian ít nhất một buổi sáng nếu khám bình thường. Bệnh viện mở ra dịch vụ này vừa có thêm doanh thu, vừa phục vụ được nhu cầu chính đáng của các khách hàng bận rộn không có thời gian, vì bạn không tưởng tượng được số bệnh nhân tới bệnh viện này khám mỗi ngày đâu. 300-400 người, không ít.

À mà còn nữa, tại sao người Việt mình bị ghẻ ngứa, chàm lác gì nhiều thế… là câu hỏi lần nào tới đó cũng ám ảnh tôi? Nhưng thôi chuyện không liên quan. Chỉ muốn nói lời cảm ơn tới Ban Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Tp.Hcm và ước mong, lại ước, cho các bệnh viện khác, các cơ quan công quyền khác.. cũng có những hướng dẫn và cách làm khoa học như thế này để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của người dân mình thôi.

Cuối cùng, nói về nước Mỹ thì phải dành ít dòng cho Washington DC (DC) và Virginia (VA), nơi đã cho tôi cơ hội để viết ra những câu chuyện nhỏ xíu này.

Virginia đón tôi bằng những ngày nắng đẹp. Trời trong vắt. Ngay cả giữa trưa nắng cũng dịu dàng, không gắt như nắng quê nhà. Ngày ở đây thật dài. Mọi hoạt động thường nhộn nhịp từ 9 giờ sáng và kéo dài tới gần 7-8 giờ tối là thường. Nắng đến tận 8 giờ mới tắt hẳn. Lúc đó ra ngoài trời mới thấy gió se se. Virginia, DC, đâu chỉ thể nói mỗi từ đẹp lắm là xong, là đủ. Không muốn tìm đọc trước những bài viết, những mô tả về vẻ đẹp của nơi này trên google, mà tôi muốn tự mình cảm nhận, bằng tất cả giác quan của mình, bằng sự trải nghiệm từng ngày sống ở nơi đây.

Chỉ có điều lạ, là không biết tại sao đã từng đi qua một số bang khác trên đất này, nhưng chưa có nơi nào đem lại cho tôi sự quyến luyến, cảm giác thân thương như ở đây. Mỗi con đường, mỗi vạt cỏ, mỗi cánh hoa đã đi qua tầm mắt tôi trong những chiều lang thang tản bộ dọc theo những con phố yên tĩnh, sạch đẹp cứ làm trái tim tôi thương mến làm sao. Như những người bạn, như những niềm vui nho nhỏ chào đón tôi đến với miền đất lạ. Cả những người không hề quen tôi đã gặp trên đường đi, trong siêu thị, trong cửa hàng.. đều tặng tôi những nụ cười thân thiện, sự chỉ giúp, hướng dẫn tận tình.

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc câu chuyện dài lê thê này.

Sẽ còn trở lại với những câu chuyện khác…

 

Julia Le

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Những câu chuyện nhỏ nhưng nó như những chiếc bánh răng cũa một cỗ máy khổng lồ :))
    Đầy đủ thì chạy êm, thiếu mất thì phát ra tiếng khó chịu :))
    ~Meow~

  2. Julia biết không, những câu chuyện nhỏ nhưng rất hay. Đó hẳn là những trải nghiệm tuyệt vời ở xứ cờ hoa. Mình không xem Mỹ là thiên đường nhưng cũng yêu nước Mỹ và mong một lần được đặt chân lên miền đất huyền thoại này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI