29 C
Nha Trang
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Khu Vườn Mùa Hạ – Kazumi Yumoto, cuốn sách viết về những mối liên kết đẹp đẽ

Featured Image: Takashi Hososhima

 

“ Nếu bạn chỉ có thể giới thiệu một cuốn sách duy nhất thì cuốn sách đó là gì?”, ngay khi nhìn thấy câu hỏi này thì tức khắc trong tâm trí tôi hiện ra hình ảnh một mảnh vườn hoa cúc cánh bướm với ánh nắng chan hòa, hình ảnh Khu vườn mùa hạ của tác giả Kazumi Yumoto. Đó là một cuốn sách mà tôi rất muốn nói lên những cảm nhận của mình.

Khi đọc những trang đầu của cuốn truyện, tôi đã biết rằng tôi thực sự rất thích nội dung cũng như những điều mà tác giả viết bởi tôi đã luôn rất thích sự liên kết giữa con người với nhau. Một cuộc gặp gỡ tình cờ, tưởng chỉ thoáng qua nhưng lại có ý nghĩa rất to lớn thậm chí có thể làm thay đổi, khác đi một con người. Điều đó không tuyệt diệu sao?

Tác giả Kazumi Yumoto đã từng nói rằng : “Tôi tin là có tồn tại một mối quan hệ giữa trẻ em và người lớn dẫu cho hai bên không hề là ruột thịt, và rằng mối quan hệ đó có thể sâu sắc đến mức trùm bóng lên một phần đời của đứa trẻ ngay cả khi đứa trẻ ấy trưởng thành”

Và những điều đó, những điều mà cô luôn tâm niệm đó hiện diện thật rõ ràng, sinh động trong từng trang sách, từng câu thoại và từng hình ảnh mà tôi có thể tượng tượng ra, thật sự rất rõ ràng. Mối quan hệ đó thật tự nhiên, không gượng ép, không cố tình để phát triển… chỉ là giữa những đứa trẻ và người già, có một sự liên kết thực sự. Khi đọc thấy những điều đó, tôi đã cảm thấy dễ chịu và vui thích biết bao.

Mạch kể của truyện không vội vã, cứ từ từ chậm rãi viết nên một câu chuyện trong cái nóng bức mùa hè về ba đứa trẻ mười hai tuổi đầy tò mò và một ông cụ có vẻ sẽ sắp chết. Nó được kể bởi nhân vật tôi _ cậu bé Kiyama cao kều, nhân vật tôi không hiểu sao lại chơi với Wakabe bốn mắt với tính cách khá quái lạ và nhóc mập Yamashita, một nhân vật tôi hay bị ám ảnh bởi những bóng ma. Chúng có một cuộc gặp gỡ và mối dây liên kết với ông cụ _ người sống tách mình ra khỏi mọi người, người chạy trốn gia đình người thân vì những tội ác và tổn thương trong chiến tranh.

Khởi đầu có vẻ kỳ lạ về sự hiếu kỳ của những đứa trẻ về việc con người ta chết đi như thế nào và vì muốn được chứng kiến cảnh một người chết đi, chúng đã theo dõi một ông cụ. Một ông cụ ở trong một căn nhà “trông như căn nhà hoang không người ở”, luôn mở tivi và ngồi trong lò sưởi, hầu như chẳng làm gì ngoài đi mua đồ ăn ở tiệm tạp hóa. Dù chúng làm việc đó với sự tò mò vô tội, không ác ý của trẻ con thì khi phát hiện ra rằng có ba đứa nhóc cứ theo dõi mình bằng ánh mắt chòng chọc đầy chờ đợi đó thì tất nhiên ông cụ vẫn nổi giận ; đã có một cuộc cãi nhau nổ ra, cũng gay gắt, mang tính tổn thương nhau nhưng lại không thể kết thúc sự quan tâm về nhau.

Sự bắt đầu kỳ cục, vô lý và nghe có phần hơi khó chịu vậy nhưng thật vui là lại mở ra một mối quan hệ thật ấm áp và dịu dàng. Tôi phải gọi đó là một mối quan hệ dịu dàng vì dù không dùng những từ ngữ nhỏ nhẹ để nói chuyện với nhau nhưng cách mà bọn nhóc và ông cụ đối xử với nhau thật rất dịu dàng. Mời nhau ăn những món ngon, lao động cùng nhau, cùng nhau chăm sóc nhà cửa, khu vườn, dành tặng nhau món quà bất ngờ, luôn quan tâm đến nhau … đó không phải mối quan hệ dịu dàng thì còn gì khác để ta có thể gọi tên nữa. Thật sự khi đọc truyên, có nhiều lúc tôi đã bất giác mỉm cười, một cảm giác dễ chịu lan tỏa trong tôi cứ như được nhìn thấy những điều như vậy cũng có thể khiến tôi thấy hạnh phúc theo.

Hành động theo dõi của mấy cậu nhóc, ban đầu chỉ là để xem cách một con người chết đi như thế nào, nhưng khi ông cụ thực sự gặp vấn đề, chúng lại lo lắng hơn bao giờ hết và rồi bỗng nhiên trở thành những người bạn nhí rất đáng yêu, được ông cụ dạy cho nhiều điều; còn ông cụ từ một người bê tha, xuề xòa thì khi phát hiện có người dõi theo mình lại trở nên sống động, chăm chỉ hơn bao giờ hết; chịu khó ăn uống hơn, dọn dọn nhà cửa gọn gàng hơn, quan tâm đến mình và người khác hơn, sống cởi mở hơn.

Có lẽ đã có chút giật mình khi tôi thấy bản thân cũng như vậy . Khi người khác để ý chuyện của mình, tôi thấy rất khó chịu và bực bội vì cảm thấy đời tư bị xâm phạm, ấy thế nhưng khi không ai quan tâm đến việc mình làm, không ai buồn để ý và hỏi han thì tôi lại có cảm giác hụt hẫng đến vô cùng, làm gì cũng qua loa và xuề xòa. Đúng là tôi khá mâu thuẫn và khá phù phiếm, nhưng đấy là một tôi thực sự đã bắt gặp chính mình trong một ông cụ.

Những gì tôi cảm nhận về Khu vườn mùa hạ có rất nhiều, có những điều mơ hồ, nhỏ lẻ mà tôi khó có thể gọi tên nhưng cũng có những điều lại rõ ràng, lắng đọng ngay trong từng câu chữ; nó đầy tính nhân văn nhưng lại không hề giáo điều, đó là khi cậu nhóc mập Yamashita suýt chết đuối và giấc mơ về nàng công chúa cùng sự nuối tiếc về món cá bơn đã kéo cậu về với cuộc sống này. Những điều cậu nhóc nói đã làm tôi cứ suy nghĩ mãi “Tao vẫn chưa chế biến được cá bơn. Chưa làm được mà đã chết thì thật đáng ghét! Cứ nghĩ rằng chưa kịp có thành quả gì mà đã phải chết cũng đủ thấy sợ rồi. Dù tao chẳng biết đến lúc làm được rồi liệu tao có mãn nguyện mà sẵn lòng chết hay không.”

Khi nghe câu chuyện đó hẳn là không chỉ tôi mà rất nhiều người đều trăn trở như Kiyama “ Liệu đến một lúc nào đó, tôi có thể làm được điều mà sau đó có chết cũng mãn nguyện không? Dù không làm được, tôi vẫn muốn tìm kiếm một điều gì đó như thế. Nếu không làm vậy thì tôi sống vì cái gì cơ chứ?”. Một câu hỏi thực sự rất khó trả lời.

Dù đối với tôi, Khu vườn mùa hạ là một cuốn sách rất ấm áp và dịu dàng thế nhưng tôi lại không thể chối bỏ được cái cảm giác cứ lấn cấn, luẩn quẩn trong từng trang sách và trong cả lòng tôi, đó là sự cô đơn. Sự cô đơn của mỗi con người trong cuộc sống và ngay cả trong tâm hồn. Một nỗi cô đơn mà bạn có thể không biết đến cũng chẳng muốn thừa nhận. Bạn tưởng rằng bạn có thể sống một mình, ko cần ai quan tâm, lo lắng; chỉ cần bạn có ăn, có nơi ở là bạn sẽ sống được nhưng có lẽ đó chỉ là tồn tại, sự “thở” của mỗi con người. Sự quan tâm, dù là của bất cứ ai cũng khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn, muốn sống tốt hơn dù chỉ là để cho họ nhìn vào. Tôi như nhìn thấy một chút về xã hội hiện đại, nơi con người làm việc, sinh hoạt cách biệt với những người khác thậm chí là gia đình. Họ đơn độc nhưng vẫn không nhận ra hoặc không muốn thấy bản thân mình như vậy. Một nỗi cô đơn tưởng chừng vô hại.

Có lẽ rất lâu về sau nữa, khi nhớ về cuốn sách trong tôi vẫn luôn hiện lên hình cảnh một ngôi nhà Nhật cũ xưa với một khu vườn trồng rất nhiều hoa cúc cánh bướm, màu hoa rực sáng “như những đốm lửa nhỏ đàn cháy rực giữa đám cỏ dại” ánh lên gương mặt hồn nhiên của ba cậu nhóc và một gương mặt già nua cứ hay ra vẻ cau có của ông cụ. Một cuốn sách mà như School Library Journal đã nhận xét “kể về sự ra đi nhưng cùng lúc khơi gợi niềm khao khát nắm bắt cái đẹp thuần túy khi được sống”.

Tôi ao ước rằng mình sẽ có một mảnh đất nhỏ để có thể trồng loại hoa đó, để có thể ngắm chúng vươn mình trong mưa nắng, vượt qua giông bão, để thấy tâm mình bình yên hơn và để như sống cùng những nhân vật mà tôi biết sẽ có thật ở đâu đó ngoài đời _ba cậu nhóc, Wakabe bốn mắt, Yamashita mập và Kiyama cao kều cùng ông cụ. Một sự kết hợp thật rất đỗi thú vị. Và tôi cũng như cậu nhóc có lẽ sẽ luôn giữ mãi trong lòng kỷ niệm về mùa hè đó dù năm tháng có qua đi và giữ nó như là một phần không thể thiếu trong những ngày trưởng thành.

Clover


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI