20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Rừng Na Uy – Haruki Murakami, viết cho những yêu thương và mất mát

Featured Image: orangefruits

I once had a girl, or should I say, she once had me…
She showed me her room, isn’t it good, Norwegian wood?

Năm 1965, John Lennon đã viết những ca từ mộc mạc này cho bản tình ca mà sau đó trở thành bất hủ của The Beatles: Rừng Na Uy. Hơn hai thập kỷ sau, có một nhà văn người Nhật, từ niềm cảm hứng với bài hát đã viết nên câu chuyện của riêng ông, một Rừng Na Uy khác. Cũng nhẹ nhàng, sâu lắng như tình khúc của Lennon, nhưng đó là câu chuyện kể về nước Nhật thời hậu chiến. Phồn vinh mà u buồn, hào nhoáng nhưng lạc lõng, cuốn sách đã lay động trái tim của hàng triệu độc giả trên thế giới và đưa tên tuổi của tác giả lên vị trí của một trong những nhà văn được yêu thích nhất. Đó chính là Rừng Na Uy của Haruki Murakami. Nếu bạn đã từng yêu và từng nếm trải hết các cung bậc cảm xúc của tình yêu, thì đây là cuốn sách dành cho bạn.

Có một nhà phê bình từng viết về Murakami như thế này: “Văn ông không thuộc trường phái nào, nhưng lại có chất gây nghiện của loại văn chương tuyệt hảo nhất.” Đó không hề là lời nhận xét suông. Nếu từng đọc qua một vài tác phẩm của Murakami, bạn sẽ nhận ra những câu chuyện của ông là sự pha trộn của rất nhiều thể loại: tình cảm lãng mạn, trinh thám, đôi lúc là cả kinh dị. Tác giả người Nhật thích làm khó độc giả bằng lối ẩn dụ siêu hình cùng những tình tiết mơ hồ, với thực tại và tưởng tượng đan xen, chồng chéo lên nhau. Vì thế mà thật bất ngờ khi Rừng Na Uy không hề có những yếu tố ấy. Tác phẩm đơn thuần là lối văn chương tự sự hiện thực rất mộc mạc và giản dị. Người đọc sẽ không thể tìm thấy bất cứ một chi tiết bí ẩn nào trong câu chuyện cả. Nhưng không vì thế mà cuốn sách mất đi những bản sắc vốn có của Murakami. Trái lại, dưới một vẻ ngoài đơn giản, những hương vị được coi là tinh túy nhất trong câu chữ của ông thậm chí còn được phô bày rõ ràng hơn, nhất là với những người lần đầu đến với tác giả.

Bối cảnh của truyện mở ra tại một sân bay ở Hamburg, khi Toru Wantanabe tình cờ nghe thấy bản hòa tấu không lời ca khúc Rừng Na Uy. Giai điệu ấy chợt làm anh nhớ về Naoko, mối tình đầu thời sinh viên 20 năm về trước. Nhưng ký ức về nàng giờ đây đã nhạt mờ đi nhiều, “sự thật đáng buồn là cái mà tôi có thể nhớ lại được trong năm giây chẳng mấy chốc đã phải mất mười, rồi ba mươi giây, rồi trọn cả một phút – giống như cái bóng đổ cứ dài mãi ra cùng hoàng hôn vậy. Sẽ đến ngày, tôi nghĩ vậy, những cái bóng đổ ấy sẽ bị màn đêm nuốt chửng hết.” Toru nhận ra rằng anh phải viết lại câu chuyện của mình trên giấy, như một cách để hiểu về Naoko và hiểu về chính con người anh. Đó là lúc câu chuyện bắt đầu.

Murakami vào vai nhân vật chính của mình – Toru Wantanabe, kể lại câu chuyện thời sinh viên của anh tại Tokyo. Dòng ký ức của Toru bắt đầu khi anh vào ở trong một khu học xá để theo học đại học. Từ đó, các sự kiện thường nhật nối tiếp nhau diễn ra, dẫn dắt người đọc đến với các nhân vật khác như Naoko, Nagasawa hay Midori. Đồng thời, tác giả cũng đã đưa vào câu chuyện của mình những sự kiện có thật của nước Nhật đầu những năm 70 như phong trào bãi khóa của sinh viên hay sự xuất hiện của những hệ tư tưởng tả khuynh. Cốt truyện khá đơn giản và gần như không có cao trào, nhưng phong cách miêu tả tâm lý độc đáo của tác giả biến cuốn tiểu thuyết thành thứ văn chương rất dễ gây nghiện. Nếu đã một lần cầm lên, người đọc sẽ nhanh chóng bị cuốn vào tác phẩm của Murakami và không dễ gì đặt xuống được.

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là lối tự sự chậm rãi và có phần nhẩn nha vốn đã trở thành thương hiệu của tác giả. Dưới ngòi bút của ông, nước Nhật hiện lên với vẻ ngoài giàu có và phồn thịnh, nhưng bên trong đó là sự cô đơn lạc lõng đến tột độ của con người, nhất là những người trẻ. Từ Toru đến Kizuki, từ Naoko đến Midori rồi cả Nagasawa và Reiko, tất cả đều chơi vơi trong thế giới của họ vì không tìm được ngôn ngữ chung với xã hội. Ngọn nguồn của những chơi vơi ấy, có lẽ xuất phát từ việc họ can đảm lắng nghe theo trái tim và quyết tìm cho mình một lối sống riêng, cho dù nó mâu thuẫn và va đập mạnh mẽ với lối sống và suy nghĩ đã được định hình sẵn bởi xã hội.

“Này Kizuki, tôi nghĩ, cậu chẳng bỏ lỡ cái quái gì đâu. Thế giới này là một bãi cứt. Lũ khốn kia đang được điểm tốt và sẽ tạo ra một xã hội theo hình ảnh ghê tởm của chính chúng”

Tôi thực sự tin rằng, bất cứ ai đọc Rừng Na Uy cũng sẽ có những cảm nhận rất riêng. Người đọc dễ dàng nhìn thấy bóng dáng chính bản thân mình nơi những nhân vật trong truyện. Tác giả đã khéo léo xây dựng những con người với tính cách rất đặc trưng và có phần đối lập nhau: một Midori mạnh mẽ, đầy sức sống tương phản hoàn toàn với một Naoko yếu đuối, mỏng manh; một Kizuki (mặc dù chỉ xuất hiện qua hồi ức của Toru) có phần rụt rè, ít giao tiếp và một Nagasawa sát gái, ngang tàn, thích thách thức cả xã hội. Họ tạo thành hai thái cực khác nhau xung quanh nhân vật Toru và độc giả có lẽ sẽ thấy thích thú trước rất nhiều sắc màu hiện lên nơi những nhân vật này.

Trong truyện, những trang viết về Naoko luôn chất chứa nét u buồn và có gì đó khiến người đọc phải thấy tiếc nuối. Trái lại, Midori gây ấn tượng bởi vẻ tươi vui, tính cách phóng khoáng nhưng cũng không kém phần nữ tính. Tác giả cũng chọn một cách xây dựng nhân vật “tôi” – Toru khá độc đáo và thú vị. Ông dường như rất “kín” trong việc bộc lộ cá tính cho chàng trai này. Nhưng không vì thế mà Toru trở nên nhạt mờ giữa các nhân vật khác xung quanh anh. Bằng cách phản chiếu những nhân vật, sự kiện qua góc nhìn và cảm nhận của Toru, Murakami nhường lại cho người đọc việc tự do tưởng tượng và khắc họa một Toru Wantanabe của riêng mình.

Tình yêu và sự mất mát là hai chủ đề chính luôn song hành và đan xen nhau trong tác phẩm. Với tình yêu, Murakami chọn cho mình một cách diễn tả rất riêng. Thật khó để nói rằng Rừng Na Uy viết về những mối tình lãng mạn. Nếu bạn mong chờ những cuộc tình đẹp như trong truyện cổ tích, cuốn sách chắc sẽ làm bạn thất vọng. Rừng Na Uy viết về những mối tình rất thật, rất đời, không hề lý tưởng hóa hay tô vẽ thái quá. Dưới con mắt của tác giả, tình yêu là điểm tựa duy nhất cho những nhân vật cô đơn và ưu tư của ông.

Như tình yêu đau đớn và khắc khoải Naoko gửi về quá khứ cho Kizuki, như tình yêu đơn phương chất chứa đầy nỗi buồn Toru dành cho Naoko, hay tình yêu tươi vui và mãnh liệt của Midori với Toru, và cả mối tình thiết tha, vô điều kiện của Hatsumi với Nagasawa. Không có cuộc tình nào hoàn hảo cả. Giữa họ – những người đang yêu nhau, dường như luôn có một khoảng cách vô hình nào đó ngăn cản không thể gọi tên, cũng không thể khỏa lấp. Tác giả có lẽ cố tình để lại những dấu hỏi trong thế giới nội tâm của các nhân vật, để mỗi người đọc đều được tự do tìm cho mình câu trả lời riêng.

          “Midori nói, nép mãi vào ngực tôi. “Nếu cậu thích tớ đến thế, cậu sẽ làm mọi thứ tớ bảo cậu chứ? Cậu sẽ không nổi cáu chứ?”

          “Không đâu, tất nhiên là không rồi.”

          “Và cậu sẽ luôn luôn chăm sóc tớ chứ, luôn luôn chứ?”

          “Ừ, tất nhiên rồi,” tôi nói, vuốt ve mái tóc mềm mà ngắn như tóc con trai của cô. “Đừng lo, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả mà.”

          “Nhưng mà tớ sợ,” cô nói.”

Một trong những tài năng độc đáo của Haruki Murakami đó là ông viết về sex rất tự nhiên, không hề gò bò hay gượng ép. Yếu tố tình dục xuất hiện rải rác khắp tác phẩm, và một vài người có lẽ sẽ bị sốc trước những cảnh sex trần trụi trong đó. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là ấn tượng thoáng qua ban đầu. Nếu thực sự nhập tâm vào câu chuyện, người đọc sẽ chấp nhận nó rất tự nhiên. Murakami nhìn sex bằng con mắt của một người từng trải và thể hiện nó dưới ngòi bút tinh tế của ông. Tình dục đối với tác giả là phương tiện để giải phóng con người khỏi những nỗi thất vọng với thời cuộc. Hơn thế nữa, đó còn là phương cách để khỏa lấp nỗi cô đơn của tâm hồn những nhân vật trẻ tuổi .

Sẽ là thiếu sót nếu không nói về cái chết và những suy tưởng về nó của Toru. Cái chết được nhắc đến nhiều lần trong truyện, và tất cả những lần ấy, nhân vật đều chọn cách tự vẫn. Naoko lớn lên với ám ảnh về cái chết của chị gái. Rồi đến năm 17 tuổi, người yêu Kizuki cũng chọn cách tự vẫn để rời bỏ cô. Những cái chết là ngọn nguồn mở ra mâu thuẫn cho câu chuyện. Và cũng chính những cái chết là cách các nhân vật trong truyện chọn để tự thoát khỏi nỗi cô đơn, bế tắc mà họ gặp phải trong cuộc đời. Đó giống như một vòng tuần hoàn liên tục không có hồi kết. Cái chết là câu hỏi đầu tiên, khởi nguồn cho mọi câu hỏi khác và tự nó, cũng là câu trả lời đầu tiên và dễ tìm thấy nhất cho những câu hỏi ấy.

“Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống”

Sâu trong suy tưởng của Toru là những ẩn dụ mang đậm màu sắc triết học. Đặt mình vào nhân vật này, độc giả sẽ nhận thấy nhiều câu hỏi về sự sống – cái chết, yêu thương – mất mát còn đang bỏ ngỏ. Trải qua nỗi đau và sự cô đơn, tâm hồn mất đi điều gì và còn lại gì? Bước qua tình yêu và những mất mát, trái tim học được gì và đổi thay ra sao? Murakami dường như giấu câu trả lời đích thực của ông về tình yêu và cuộc sống dưới những câu chữ, và bắt người đọc kiếm tìm nó. Nhưng không phải bằng cách lật giở những trang sách, mà bằng cách tự trải nghiệm và lục tìm câu trả lời trong tâm hồn, người ta mới thực sự hiểu được điều mà tác giả muốn gửi gắm.

Đối với tôi, câu trả lời cho những câu hỏi ấy đều là lòng can đảm. Can đảm như Toru, bước qua quá khứ u buồn để tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương. Kể cả khi tương lai phía trước có thể còn nhiều bất trắc và đau khổ, anh đã không chọn cái chết để giải thoát cho mình. Cuộc đời đáng sống khi ta tin rằng nó tốt đẹp, vì thế hãy biết cách lưu giữ quá khứ trong kí ức, và học cách yêu thương thực tại hết lòng, đó là triết lý mà tôi tin Murakami đã gửi gắm trong tác phẩm của ông.

Rừng Na Uy chắc hẳn không phải là một tác phẩm được liệt vào hạng “kinh điển”, và với bản thân tôi, đây cũng không phải cuốn sách hay nhất của tác giả. Nhưng cuốn sách này đẹp đẽ một cách khó tin. Lời văn nhẹ nhàng như thơ và bối cảnh truyện tràn ngập văn hóa nhạc Jazz những năm 60, với chủ đề quen thuộc tình yêu và sự cô đơn, Rừng Na Uy là khúc hát say đắm, mênh mang và đôi lúc khiến người đọc phải ngộp thở. Nếu bạn đang muốn kiếm tìm một cánh cửa để mở ra thế giới diệu kì của Haruki Murakami, hay đơn giản chỉ muốn một câu chuyện tình nào đó, chân thực nhưng khác lạ, giản dị nhưng lôi cuốn để làm nơi nghỉ chân cho tâm hồn, Rừng Na Uy chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

 

Giang Dương


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI