19.1 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] “Chuyện Trò” cùng chim én – Cao Huy Thuần

Featured Image: Bìa sách “Chuyện Trò”

 

1.“Bạn đang tần ngần trong tiệm sách? Xin bắt chước người xưa trao một lời khuyên: nếu chỉ đủ tiền mua một quyển sách, bạn nên mua quyển sách này!”

Ồ, một lời giới thiệu đầy ma thuật phải không nào? Nhưng khoan đã các bạn, xin cho tôi mấy lời đính chính. Lời giới thiệu trên vốn được in ở bìa sau của quyển sách với tên gọi “Chuyện trò” của giáo sư Cao Huy Thuần do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2013. Và chủ nhân của những lời lẽ đầy ma thuật ấy không ai khác mà chính là nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn – một người bạn (cũng rất đáng kính khác) của giáo sư Cao Huy Thuần. Thực sự, tôi biết mình không có khả năng viết nên những câu văn đầy ma lực như nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nhưng không tôi cũng không lấy đó làm buồn. Vậy nên tôi sẽ viết về quyển sách này theo cách của riêng tôi. Tôi nghĩ mình có đủ sự tự tin để làm điều đó với bạn đọc của “Triết học đường phố”.

2. Tôi đọc Triết học đường phố và phát hiện ra rằng, người Việt chúng ta quả thật rất có đầu óc và tâm hồn triết học. Theo tôi, có nhiều bài viết trên Triết học đường phố (dù vô tình hoặc “cố ý”) đã “chạm” đến tư tưởng của các triết gia lớn trên thế giới. Và nếu không quá khắc khe, có thể gọi một vài cây bút trên Triết học đường phố là những “triết gia đường phố” được chăng?

Các bạn chắc đang hoài nghi tôi – kẻ viết bài này đang lấy lòng ban quản trị và các thành viên của Triết học đường phố chăng? Xin thưa với các bạn, với tôi chuyện này là hoàn toàn không cần thiết. Sở dĩ tôi nói như vậy là do tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần Chuyện trò của GS Cao Huy Thuần và nhận ra Triết học đường phố chính là một con chim én mà tôi rất yêu thích. Con chim én mà nói như GS Cao Huy Thuần là:“Một con én chỉ biết đưa thoi, mùa xuân có đến hay không én không đặt vấn đề”.

Các bạn có quyền không tin nhưng đó là sự thật. Và còn một sự thật nữa là, tôi biết đa phần các bạn (nhất là những ai sinh ra và lớn lên sau ngày 30/4/1975) có một điểm chung giống nhau đó là được (hay bị) nền giáo dục nhà trường nhét vào đầu quan điểm triết học duy nhất có tên gọi “Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Ở đây tôi không bàn về chuyện “chính chị chính em” nhưng tôi cam đoan không một sinh viên năm nhất nào ở Việt Nam khi bước chân vào trường đại học mà không có cái vinh dự được một vị GS-TS đáng kính nào đó lên giảng đường “truyền thụ” cho cái “bí kíp võ công” bằng một phương pháp rất đặc trưng (mà tôi tạm gọi là): “vãi lúa cho gà ăn”.

Tức là, các bạn thử hình dung có bác nông dân ở quê mỗi khi cho gà ăn, bác ta chỉ ngồi việc một chỗ rồi tung nắm thóc cho nó văng tung tóe ra mặt sân. Và ở dưới kia con gà nào mổ được thì mổ, ăn được thì ăn; con nào không mổ, không ăn được thì ráng mà chịu; sau đó thì tự đi tìm giun, dế, cào cào… để ăn bù nếu không muốn chết đói. Điều này cũng giống như đa phần các GS – TS đáng kính của chúng ta hiện nay mỗi khi lên giảng đường, chỉ việc mở quyển “Giáo trình Triết học Mác-Lênin” ra đọc lại cho sinh viên phía dưới ghi lại chính xác đến từng mỗi dấu chấm, dấu phẩy; sinh viên nào có thắc mắc thì giải thích thêm không thì thôi. Tuy nhiên giải thích gì thì tùy nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “không ra ngoài giáo trình” nhất là không được phép đặt vấn đề “phản biện” hay “trái chiều”…

Hậu quả của lối học, cách học này đưa đến tôi và đa phần các bạn có lúc bỗng đâm ra khiếp đảm mỗi khi nghe ai nhắc đến hai từ “triết học”. Nhưng có lẽ, cái hậu quả đáng buồn nhất mà ai cũng nhìn thấy là chúng ta ngày một trở nên lạc hậu với bạn bè tiến bộ trên thế giới? Chúng ta – những “chủ nhân tương lai của đất nước” này cả đời chỉ luyện duy nhất “món” Mác-Lê nhưng vẫn không xong, không thành thục trong khi đó có biết bao món ngon khác của nhân loại mà ta chưa một lần nếm thử.

Nhưng may mắn thay, nhờ có những bộ óc vĩ đại đã nghĩ và sáng tạo ra cái mạng thông tin vừa ảo lại vừa thật để những cái đầu “ếch ngồi đáy giếng” của đa phần chúng ta đây được “khai sáng”. Có lẽ, nhờ vậy nên khoảng mươi mười năm trở lại đây, bằng những kênh trao đổi “không chính thống” khác nhau, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay mới có cơ hội nếm và thưởng thức nhiều món ngon trên bàn tiệc triết học nhân loại (nhất là triết học Tây phương) bên cạnh một món buộc phải ăn hoài (nên ai cũng ngán đến tận cổ). Đến đây thiết nghĩ sẽ là một thiếu sót nếu tôi không gửi lời tri ân đến anh Huy cùng những thành viên trong ban quản trị và những cây bút tiêu biểu của trang Triết học đường phố.

3. Tôi có hơi dông dài một chút cũng là để muốn nói với các bạn một điều, nếu có Chuyện trò của GS Cao Huy Thuần trong tay, tôi tin các bạn sẽ hài lòng giống như tôi. Trước hết, quyển sách này sẽ cung cấp và hệ thống lại cho các bạn những trào lưu tư tưởng triết học phương Tây mà các bạn còn thiếu sót hoặc đang rất ngổn ngang trong đầu. Đặc biệt, Chuyện trò sẽ giúp các bạn một cái nhìn đối sánh đồng thời kết nối giữa một bên là tư tưởng triết học Phật giáo phương Đông với một bên là những tư tưởng triết học phương Tây. Ví như, mở đầu Chuyện trò, bằng nhãn quan của một nhà giáo, một Phật tử, tác giả quyển sách sẽ giúp bạn tóm tắt cuộc tranh luận nổi tiếng giữa hai triết gia Benjamin Constant và Kant thông qua câu chuyện với nhan đề “Sợi tóc”.

Hay đến những trang cuối của quyển sách, các bạn sẽ có cơ hội thưởng thức câu chuyện bàn về sự xấu hổ của con người trong cuộc sống. Tại sao con người ta lại xấu hổ? Tại sao cậu bé trong câu chuyện có nhan đề “Cái nhìn” rất hay xấu hổ, nhất là lúc nào cũng chạy trốn ánh nhìn của một cô bé đồng trang lứa với mình? Như có ma thuật, từ chuyện xấu hổ của cậu bé ở thì hiện tại, tác giả sẽ đưa bạn “ngược thời gian, trở về quá khứ” thâm nhập vào nỗi xấu hổ của các triết gia lừng danh như: Freud, Sartre, Camus…

Ai trong cuộc sống mà không từng cảm thấy xấu hổ về bản thân mình, nhưng rõ ràng chỉ đến khi những bộ óc vĩ đại như Freud, Sartre, Camus… biết xấu hổ thì nhân loại mới có Phân tâm học, mới có tư tưởng hiện sinh, mới có quan niệm về “trí thức dấn thân” kiểu Sartre hay kiểu Camus để mà nghĩ ngợi về kiếp người trong cõi nhân sinh. Quả là ai cũng nhìn thấy sông, nhìn thấy nước chảy nhưng câu nói bất hủ“không ai tắm hai lần trên một giòng sông” thì chỉ có những cái đầu của những triết gia mới nghĩ ra được phải không nào?

Các bạn thân mến, tôi đọc Triết học đường phố thấy có rất nhiều người bàn về sự khủng hoảng các thang giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc; nhiều người bàn về sự vô cảm của con người trong xã hội ta hiện nay. Tất cả những vấn đề này nhìn chung đều được lý giải do sự khủng khoảng của nền giáo dục nước nhà mà ra. Đây là nguyên nhân sâu xa mang tính cốt tử nhất. Vì vậy, đến với Chuyện trò, các bạn cũng sẽ có cơ hội cùng với tác giả quyển sách một lần nữa nhìn lại tất cả những vấn đề trên. Và tôi tin là những ai đang nặng “nợ” với nền giáo dục nước nhà sẽ bất ngờ về sự giống nhau trong quan niệm và phương pháp giáo dục của Đức Phật Thích Ca và triết gia Socrate thời cổ đại Hy Lạp – điều mà theo tác giả là “tinh túy Tây phương bắt gặp tinh túy Đông phương?”

Hay những ai đang trăn trở trước thực trạng các thang giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc ngày một “xuống cấp” tôi tin là sẽ được tác giả chia sẻ và an ủi qua hàng loạt những bài viết và trả lời phỏng vấn như: Lá sầu riêng và hoa nghĩa địa, Một ngày lịch sự, Cây diêm cuối cùng, Một đồng xu, Sách cũ, Tự tin là vương quốc của bình an, Hãy bay với hai cánh vào hiện đại…

Các ban thân mến, tôi lại phải khen ban quản trị Triết học đường phố nữa đây. Thật tuyệt vời khi họ quyết định mở thêm chuyên mục thơ ca dành cho những bạn yêu thơ và có tâm hồn triết học. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Vì trong Chuyện trò, GS Cao Huy Thuần cũng có những giây phút lãng mạn đầy chất thơ và đầy chất triết học như vậy. Đến với Chuyện trò, những ai yêu thơ và nhất hâm mộ thơ của “ông hoàng thơ tình yêu” – Xuân Diệu tôi tin sẽ rất thích thú khi nghe tác giả tham vấn và lý giải tại sao Xuân Diệu là “người đi trước thời đại” trong quan niệm về tình yêu. Tại sao khi yêu Xuân Diệu bất chấp và“mặc kệ thiên đường hay địa ngục”? Và đặc biệt khi sống thì Xuân Diệu nguyện yêu người, đến lúc chết thì ông nguyện yêu…ma:

“Kẻ đa tình không cần đủ thịt da
Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma.”

Nào, những ai cho rằng mình là “thiên hạ đệ nhất tình trường” thời nay có dám thề nguyền sau khi chết rồi sẽ yêu… ma như chàng thi sĩ đa tình Xuân Diệu nhà ta không?

4. Tôi nói nhiều về Chuyện trò như trên hẳn có bạn sẽ hoài nghi tôi đang nói quá hay tôi đang “quảng cáo không công” cho GS Cao Huy Thuần và Nhà xuất bản Trẻ chăng? Trước hết, tôi muốn nói nếu bạn nào nghĩ vậy thì hãy yên tâm rằng suy nghĩ của các bạn không có gì sai cả vì nói cho cùng đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi. Với riêng tôi thì Chuyện trò đã cho tôi một cái nhìn nhẹ nhàng hơn về cuộc sống đặc biệt là những vấn đề được xem là gay góc, là đại nạn, “quốc nạn” trong xã hội ta hiện nay.

Thứ nữa, các bạn cần phải luôn hoài nghi như vậy vì như thế mới đúng với tinh thần tư biện của các triết gia trên thế giới; vì hoài nghi là yêu câu tối cần thiết khi các bạn bàn về triết học dù là ở “đường phố” hay ở “trong nhà”. Thà các bạn cứ hoài nghi trước rồi tin sau còn hơn là các bạn tin trước rồi sau đó mới hoài nghi. Làm như vậy, vừa mất thời gian vừa hoài công sức của các bạn.

Cuối cùng, các bạn sẽ hỏi tôi có phải tại thời điểm năm 2013 do bị tác động bởi câu nói của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nên tôi mới mua quyển Chuyện trò? Tôi xin trả lời đúng là…một nửa như vậy. Thế một nửa còn lại là gì ư?

Có lẽ phải nói như vầy, thực sự cũng không biết lúc nào tôi lại đâm ra nghiện sách, nghiện các bài viết của của GS Cao Huy Thuần. Trước khi có Chuyện trò, trên giá sách của tôi là những Thấy Phật, Nắng và hoa, Khi tựa gối khi cúi đầu,… của ông rồi. Cho nên, nếu không có lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn thì tôi cũng mang “Chuyện trò” về nhà. Nhưng phải nói thật, câu nói ấy chính là một lời xác nhận, là sự bảo chứng cho quyết định chọn mua sách của tôi trong những lần vào nhà sách trước đây là hoàn toàn đúng đắn.

Ý nghĩa và giá trị của sống phải chăng phụ thuộc ở quyết định “lựa chọn” của mỗi người? Nhưng vấn đề là làm sao để mỗi quyết định của chúng ta nếu có sai lầm thì cũng là ở mức thấp nhất? Hình như vấn đề này trong Chuyện trò, GS Cao Huy Thuần cũng có lý giải bằng quan niệm về sự tự chủ của mỗi cá nhân thông qua câu hỏi bất hủ của Kant. Theo đó Kant hỏi: “Khai sáng là gì? Và ông tự trả lời: “Là con người bước ra khỏi tình trạng vị thành niên.” Tự chủ theo Kant đơn giản chỉ có vậy. Quả là rất giản dị nhưng thật sâu sắc phải không nào?

Là người đi trước, nói trước, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã giới thiệu Chuyện trò của GS Cao Huy Thuần với mọi đối tượng bạn đọc; là kẻ đi sau, nói sau nên bài viết này tôi chủ yếu gửi đến những ai chưa “bước ra khỏi tình trạng vị thành niên” và dĩ nhiên cũng đang tần ngần trước một rừng sách trong một tiệm sách nào đó nhất là trong túi đầy ắp những tiền là tiền.

Bạn đã thật sự biết tự chủ chưa? Nếu chưa hãy mua Chuyện trò.

Xin cảm ơn tất cả mọi người!

 

Nguyễn Trọng Bình


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI