18.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ – Nguyễn Ngọc Thuần

Featured Image: Bìa sách “Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ”

 

Trong lời tựa của cuốn sách “Tôi ươm ánh mặt trời” – Lữ có những câu thế này:

“Sáng dậy, quờ tay bật computer theo quán tính. Trong lúc máy khởi động, ta bước vào phòng vệ sinh, làm vài thao tác qua loa quen thuộc. Rồi vội vã về ngồi trước màn hình, ta để hai mắt lướt nhanh thời sự trong nước và quốc tế. Dừng lại ở vài sự kiện và sự cố, cộm và lạ. Ta sống và chờ đợi những sự lạ xảy tới, ở một nơi rất xa. Lạ và xa. To lớn và trọng đại. Trong khi ta lãng quên những sự vật sát cạnh mình, quanh mình. Nhỏ vụn và thường ngày. Ánh trăng, hoa cúc, gương mặt người bạn, nỗi buồn của chị, cái lo của mẹ, con mèo, con bướm, chim sẻ, mùi hoa mộc lan…

….

Sáng dậy. Nuốt vội miếng bánh mì kẹp thịt, ực vài hớp cà phê pha sẵn, lao ra khỏi nhà đến bến xe buýt. Cho kịp giờ vào công xưởng, văn phòng, tòa soạn,…Bao nhiêu là công việc dở dang cần giải quyết, ở đó. Luôn luôn là dang dở, chờ thanh lí, quyết toán. Rồi ngày mai sẽ tồn đọng bao nhiêu công việc khác chờ thanh lí và quyết toán nữa. Mãi mãi là không có thời giờ.”

Điều đó có giống cuộc sống của chúng ta không? Có giống cuộc sống của những người lớn siêu nghiêm túc luôn bận rộn như thể phải có mình thì Trái đất mới quay đúng nhịp của nó? Thầy giáo tôi nói rằng bây giờ có nhiều người nhện quá, lúc nào họ cũng ở trên…mạng !!! Như những kẻ háu đói thông tin thậm chí sẵn sàng vơ về cả rác truyền thông – những chuyện cướp, giết, hiếp, và rồi cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm, người ta cứ nói với nhau về những chuyện trên báo như vậy.

Ai đó nói rằng, đại loại, nếu bạn không có một tuổi thơ đúng nghĩa thì bạn cũng sẽ không bao giờ trở thành những người lớn thực sự. Nhìn quanh đi, có ít người lớn thực sự lắm. Bận rộn và nghiêm túc không có nghĩa là lớn thực sự. Có lẽ họ đã không có tuổi thơ đúng nghĩa. Và “ Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần sẽ cho bạn biết thế nào là tuổi thơ đúng nghĩa. Nó là phép lạ. Nó thậm chí còn hơn cả cổ tích. Cổ tích là những chuyện thêu dệt lộng lẫy hay ly kì. Cuốn sách chỉ là những điều nhỏ vụn thường ngày, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên vì một cuốn sách viết cho trẻ em lại khiến cho người lớn vừa yêu thích vừa tan chảy lại vừa nghĩ lại mình nhiều đến vậy.

Nhân vật “ tôi” là cậu bé tên Dũng – một đứa mười tuổi – đang kể chuyện cho tất cả chúng ta nghe. Nó giống một cuốn nhật kí, không có cốt truyện li kì, không có văn phong lão luyện sắc sảo say mê. Đọc sách, tôi có cảm giác như mình đang cầm một túi kẹo nhỏ, ngồi dưới hiên nhà trong một ngày mưa mát trời như ngày còn nhỏ tuổi, từ từ bỏ nó vào miệng, từng chút một và thấy ngọt ngào, dễ chịu, thư thái vô cùng, để nghe kể về cái tên, cái răng khểnh, cô giáo, bố và mẹ, thằng Tí bạn thân, ông Tư, cô Hồng, chú Hùng, ông lang, bà ma xơ, thằng bé ăn mày ngoài chợ. Quỹ đạo xoay quanh cuộc sống một đứa bé mười tuổi chỉ có vậy, mà sao mỗi mẩu chuyện lại như một tiểu vũ trụ bao la.

“ Tôi đi nhẹ ra vườn. Tôi hiểu, khu vườn là món quà bất tận của tôi. Mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là một món quà lớn. Tôi nhắm mắt và chạm tay rồi gọi tên từng món quà. Tôi chạm phải bố. Tôi la lên:

–         A! Món quà của tui đây rồi. Ôi cái món quà này bự quá!

Bố lại nghĩ ra trò chơi khác. Thay vì chạm vào hoa, bây giờ tôi chỉ ngửi rồi gọi tên nó. Bố đưa bông hoa trước mũi tôi rồi nói, hoa gì? Trò chơi cứ được diễn ra liên tục cho đến hồi tôi nhận diện được tất cả mùi hương của các loài hoa.

Đêm, tôi mở cửa sổ và nói:

–         Hoa hồng đang nở kìa bố ơi!”

Đây chỉ là một đoạn nhỏ dễ thương trong rất nhiều đoạn dễ thương. Nó có giải thích một chút về cái tên truyện. Cậu bé và bố mình đã chơi trò nhắm mắt lại và đoán hoa, và cậu nói ngay cả khi nằm trên giường, cậu cũng đi dạo trong vườn được. Chỉ cần mở cửa sổ, để mùi hương dẫn đi, các bông hoa sẽ chỉ đường và bạn sẽ biết nó nằm ở đâu.

Tôi xa bố mình khi chưa sinh ra. Năm 8 tuổi là lần đầu tôi gặp ông, trong một tháng, và xa vài năm nữa, và gặp lại, và xa. Cứ thế, tôi đã lớn, tôi không có một câu chuyện để kể lại như cậu bé này kể lại, về bố mình. Dũng thuần khiết đến mức lay động. Ngôi nhà của cậu bé, những câu chuyện về bố và mẹ, đã làm tất cả chúng ta nhớ ra rằng chúng ta cần một mái ấm đến thế. Một mái ấm, chứ không phải một ngôi nhà làm bằng bê tông!

“Tôi nhặt tóc sâu cho mẹ. Bố “nịnh” mẹ, bảo tóc mẹ sợi nào cũng đẹp. Mẹ cứ im im không nói gì nhưng khuôn mặt rặng rỡ hẳn lên.

Những lúc đó, cả nhà tôi đều vui. Mỗi người đều tìm thấy một niềm vui riêng thuộc về mình, nhưng cũng có những niềm vui chung thuộc về tất cả. Niềm vui đó như một sợi dây đàn, chạm vào thì nó ngân lên cả nhà và thế là ta vui.”

“Nhà mình” là một điều giản dị và ấm lòng. Nhà mình đâu phải chỉ là một cái nhà có mái và tường bao. Ở đâu cũng có những hình khối có mái và tường bao. Che gió, mưa và nắng. Nhưng nhà mình thì che được cả trái tim. Ở đấy, người ta tạo ra kỉ niệm. Ở đấy, người ta kể chuyện cho nhau nghe. Ở đấy, người ta lớn lên. Ở nhà, bố đừng nói không yêu mẹ, mẹ đừng nói không yêu bố, vì những đứa trẻ sẽ buồn. Ở nhà, đừng nói con không đủ tốt, bố mẹ không đủ tốt, quan trọng là đã ở đây với nhau lâu đến thế kia mà.

Thế giới bên ngoài đầy sự phán xét chưa đủ phức tạp sao. Về nhà, hay chỉ dốc lòng mà yêu nhau đơn giản. Ở nhà, đừng zoom phóng đại những chuyện vặt vãnh, cuộc sống chẳng phải có nhiều chuyện lớn hơn và những chuyện be bé đáng quan tâm khác hay sao. Nhà là nhà, không phải thùng rác đựng nỗi bực dọc chúng ta mang về từ thế giới.

Có bao nhiêu ngôi nhà mà khi bố mẹ từ sở làm bàn nhậu về, con đã ngủ với cô giúp việc từ lâu? Có bao nhiêu ông bố bà mẹ muốn nhào nặn con mình thành siêu nhân trước khi cho nó quyền được làm một đứa trẻ? Có bao nhiêu đứa trẻ đã lớn lên như một sản phẩm lỗi của quá trình nuôi dưỡng ấy, trở nên vô cảm, nhạt nhẽo và thụ động, cứng nhắc vô cùng?

“ Chú Hùng bảo ngày xưa con người có cánh, nhưng vì làm việc nhiều quá, nó mòn đi”

Chúng ta là những thiên thần gãy cánh đã quên sống cũng là để sống. Chúng ta không thấy phép lạ như cách mà Dũng nhìn vào cuộc sống này. Có đứa trẻ nào nói với cô giáo của mình rằng mũi cô hồng hơn những người khác đấy? Vì mỗi người đều có một điều kì lạ riêng. Dũng nói với ông Tư mất đi cánh tay rằng con sẽ làm bàn tay của ông, rằng khi con chạy sang đây, ông chỉ cần kêu lên “ bày tay ơi lấy cho tui cái bánh”, thế là bàn tay chạy đến lấy cho ông ngay.

Từng mẩu chuyện nhỏ như thế, cứ ở lại mãi trong lòng, khi ngày tháng vội vã qua đi, khi tôi đã gấp lại trang sách từ lâu. Siêu nhân không tồn tại. Siêu nhân không giải cứu thế giới. Cứu kinh tế khỏi khủng hoàng, bảo vệ môi trường cũng vẫn chưa thể cứu thế giới. Thế giới cần được giải cứu bằng tình yêu nữa. Tình yêu phân biệt con người với các sinh vật khác. Tôi đố bạn tìm được câu văn nào có mảy may một sự chỉ trích, tranh luận, hơn thua, đố kị, hận thù. Vì tất cả những điều đó không có trong cuộc sống của Dũng. Và ngay cả những người lớn xung quanh cậu, họ là những bằng chứng sống về tình yêu. Điều đó khiến tôi tin tưởng cuồng nhiệt rằng nếu bản thân không biết cách yêu đời, yêu người, rồi sẽ có những bi kịch mang tính thế hệ được tạo ra, vì chúng ta sẽ dạy con cháu chúng ta về hạnh phúc khi chúng ta thậm chí không biết về nó!

Tình yêu bị biến dạng thành áp đặt và đòi hỏi. Nó không tỏa phát tự nhiên, nó làm người cho và nhận khổ sở chứ không hạnh phúc! Tình yêu giữa bố và mẹ, tình cảm gia đình, tình bạn, tình làng xóm, tình thầy trò trong cuộc sống của Dũng, đều không phải dạng thức như vậy.  Một cậu bé như Dũng, liệu lớn lên có trở thành người tốt hay không, khi mà ngay từ những ngày nhỏ tuổi, cậu đã yêu và được yêu thuần khiết như thế? Ngôi nhà chính là trường học lớn nhất với mỗi đứa trẻ. Một xã hội có tốt đẹp hay không, bắt đầu từ những ngôi nhà như vậy.

Với tôi, “ Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một tặng phẩm để giải cứu thế giới. Một thứ thuần khiết chỉ là tình yêu, thuần khiết đến mức độ khiến cho chúng ta nghĩ rằng nó là hư cấu, có phải vì chúng ta vốn là một trong số những kẻ hoài nghi hàng loạt không tin hạnh phúc là có thật? Sao cuộc sống trong đó lại êm dịu nhường ấy, nơi mà người ta tôn trọng sự khác biệt và tình yêu là chất liệu dệt nên cuộc sống, nơi người ta tạo ra và cảm nhận phép lạ từ những chuyện thường ngày, nơi nhắc nhở chúng ta về lời của Đạt Lai Lạt Ma rằng mục đích của cuộc sống này là hạnh phúc.

“…trên trái đất này trẻ con vẫn không ngừng được sinh ra và lớn lên. Chúng là những ngôi sao trên tấm thảm kia, điều bí mật mà tôi chẳng thể nào nói hết.”

Trong thế giới của trẻ thơ lấp lánh và bí ẩn ấy, có những điều minh triết mà cuộc sống của một người lớn không thể có được. Từ ngay khi bạn cầm lên cuốn sách, Nguyễn Ngọc Thuần đã bí mật gieo xuống lòng bạn một hạt mầm. Và khi bạn đọc đến trang cuối thì có một cái cây non đã lớn lên tự lúc nào, và nó sẽ còn lớn nữa, cho đến khi có thể tỏa bóng rộng, che chở chúng ta khỏi những bất an xô bồ trong vòng quay bất tận của cuộc sống.

Nhắm mắt lại, để nhìn vào bên trong chính mình. Mở cửa sổ ra, để phép lạ tràn vào trong bạn. Hãy mọc cánh. Hãy bay đi. Hãy tin. Hãy tự mình cầm đũa thần và tạo ra phép lạ.

Miễn là chúng ta đừng quá bận rộn. Miễn là chúng ta đừng có lúc nào cũng dùng đầu thay vì trái tim, người lớn cứ luôn cần phải hiểu một cái gì chứ không phải cảm nhận một cái gì. Miễn là trong mỗi chúng ta, vẫn còn một hoàng tử bé, một Peter Pan nào đó.

Vì cổ tích là có thật.

 

Trang Xtd


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Nhận xét của BGK (còn cập nhật)

    Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo: Đây là một tác phẩm ngắn nhưng lại rất hay, thậm chí có thể nói là hay đến từng con chữ một. Nó còn một cái hay nữa là trẻ con đọc cũng hiểu mà người lớn đọc cũng hay. Em đã thể hiện rất tốt cái nhìn của người lớn khi đọc tác phẩm này, những câu trích dẫn của em cũng thiên về triết lý nhiều hơn là cái đẹp.

    Phần mở đầu bài viết của em hơi dài và hẹp, có lẽ vì một đoạn trích hơi dài từ một quyển sách khác (sao em không trích luôn từ sách đang giới thiệu nhỉ?). Em đã giới thiệu được cái hay của tác phẩm, cảm nhậ ncủa bản thân em và cũng khá thu hút với người chưa đọc sách. Điều thiếu sót chính là những nét đẹp trong ngôn từ, những hình ảnh dễ thương mà một bạn đọc nhỏ tuổi có thể yêu thích. Người lớn sẽ đọc, còn trẻ con thì không. Tuy nhiên kết lại thì đây cũng là một bài giới thiệu tốt. Chấm điểm: 79/100

    Nguyễn Hoàng Huy: Vấn đề của tuổi thơ đúng nghĩa đó là ai là người có quyền đưa ra định nghĩa? Anh nghĩ chúng ta dùng tính từ hạnh phúc có lẽ hay hơn, rõ ràng hơn. Bài giới thiệu này có lẽ em viết khá hơn bài kia. Những đoạn em trích ra anh thấy rất hay khiến anh nghĩ rằng Nguyễn Ngọc Thuần này là một ngòi viết có tài. Càng đọc về sau anh càng thích hơn. Anh chấm bài này 75 điểm.

    Đoàn Minh Hằng: Bài viết của em có những đoạn rất hay bởi bản thân cuốn sách này cũng là một cuốn sách đẹp. Nguyễn Ngọc Thuần là nhà văn có một giọng văn trong sáng và đẹp đẽ. Tuy nhiên điểm trừ của bài viết là lời giới thiệu dài và bản thân bài viết hơi lan man, các đoạn trích cũng dài nữa. Nó khiến cho sau khi đọc xong thì các ý tứ bị trôi hết cả. Chấm điểm 78/100

  2. truyện này nói riêng và truyện của NNT nói chung mình thấy viết cho người lớn để họ tìm về tuổi thơ thì hợp hơn là viết cho trẻ con, hồi bé mình hay đc bố mua cho truyện của bác này (vì truyện bác viết hay đc giải cao trong mấy cuộc vận động sáng tác truyện cho thiếu nhi) nhưng mình ko thích, vì đọc cứ mệt mệt buồn buồn thế nào ấy, cứ có cảm giác quá tầm với trẻ con (nhưng có lẽ vì thế nên đc giải?) Sau khi đọc bài của bạn thì mình nghĩ sẽ đọc lại cuốn truyện này xem cảm nhận có khác đi không, nhưng theo mình truyện viết cho trẻ con thì nên để trẻ con đánh giá là đúng nhất

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI