29 C
Nha Trang
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bế tắc, âm nhạc và hời hợt

Featured Image: Anthony Maragou

 

Thất bại thì thật đau đớn. Nhưng vấp đi vấp lại thất bại còn đau đớn gấp nhiều lần, như ngàn nhát dao cứa vào vết thương cũ còn chưa lành hẳn. Niềm tin sụp đổ phũ phàng, đam mê đang bùng cháy thì vụt cái trở thành ngọn lửa tí tách tin hin. Bế tắc, như một tất yếu, xâm chiếm cái tinh thần mỏng manh dễ vỡ. Và vỡ oà, trăm ngàn tấm gương bay tán loạn cắm phập vào những cố gắng đầy miễn cưỡng… Buông xuôi…

Trong thời gian lướt facebook “giết thời gian”, tôi tình cờ quen một người bạn mới. Hai tâm hồn nói chuyện với nhau đồng điệu một cách lạ lùng, cảm xúc ngấm cả vào những con chữ vô hồn. Cậu ấy khuyên tôi một vài bài của ban nhạc mà cậu ấy rất thích – The Beatles.

“Hey Jude, don’t make it bad
Take a sad song and make it better
[…]
And anytime you feel the pain, hey Jude, refrain
Don’t carry the world upon your shoulders
For well you know that it’s a fool who plays it cool
By making his world a little colder.”
 – The Beatles (Hey Jude)

https://www.youtube.com/watch?v=eDdI7GhZSQA

Đó là khi âm nhạc lại cứu rỗi tôi lần nữa, lần này là những bài hát “cũ kỹ” nhưng sống cùng năm tháng. Tôi nhìn sâu vào trong tâm hồn mình, và nhận ra vấn đề đâu có quá phức tạp như bản thân đinh ninh.

“Càng đơn giản bao nhiêu thì cuộc sống lại càng nhiều sắc màu bấy nhiêu, đừng tự phức tạp nó nên, để rồi cuộc sống chỉ bao trùm một màu đen không lối thoát.” – Mưa

Đơn giản là tôi đã sai mà không chịu sửa chữa, là do mình, do chính mình. Tôi cứ bận tìm lý do ở tận đâu đâu rồi thật sự không nhận ra cái gốc là phải từ bản thân. Thất bại nối liền thất bại, đó là vì tôi đã sống một cuộc sống quá hời hợt.

Hời hợt trong công việc

Trước đây, tôi có tham gia một cuộc thi Khoa học kỹ thuật của Thành phố. Trước khi nó nổ ra, tâm trạng của ai trong nhóm tham gia cũng đều rất sôi nổi, hào hứng. Đặc biệt là tôi, tôi tự tin bản thân mình sẽ giúp nhóm đạt được giải nhất và tiến vào vòng Quốc gia. Nhưng những khó khăn ban đầu chưa gì đã khiến tôi phát chán. Tôi phải có một báo cáo hay nhất quả đất, nhưng viết đi viết lại cũng chỉ là một đống rác ngôn từ. Sản phẩm tham gia dự thi cho đến khi tham khảo mới nhận ra là chưa thật sự mới; chưa thật sự sáng tạo so với hàng trăm những điều tuyệt vời ngoài kia. Khó khăn này, tôi đã xác định được ngay từ khi bắt đầu. Nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện, tôi mới dính mùi đời và chả bao giờ chịu làm cho đến nơi đến chốn.

Tôi lao vào những thú vui giết thời gian đã thành thói quen; chỉ làm việc khi rảnh rỗi, tí là lại nghỉ ngơi. Và hậu quả là đến ngay sát deadline mới hoàn thành được bản báo cáo vá sửa tùm lum. Sự nửa vời của tôi đã làm thất vọng người đồng đội, bao nhiêu những tốt đẹp tôi vạch và hứa sẽ thực hiện không một điều nào trở thành hiện thực cả. Cuối cùng, nhóm tôi chỉ đạt được giải khuyến khích, quá tồi tệ so với những gì tôi đã mơ mộng. Người ta nói giải thưởng không phải là tất cả, quan trọng là ta đã cố gắng hết mình để với tới mục tiêu đó. Nhưng, tôi đã cố gắng hết mình đâu…

Tự tin là điều tốt, nhưng nếu không có hành động đi kèm theo thì nó không khác gì hơn sự ảo tưởng. Khó khăn là điều chắc chắn sẽ đến, đời đâu có như mơ. Vì vậy hành động chứng minh không những phải làm, mà phải nỗ lực hết mình, cho đến nơi đến chốn.

“Khả năng nỗ lực không ngừng… đó là tài năng lớn nhất mà ai đó có thể có.” – Hiroshi (Phim Barakamon)

Hời hợt trong các mối quan hệ

Mạng quan hệ xã hội của tôi không được gì là tự hào cho lắm. Nó thực sự rất bé và nông cạn, hầu như chỉ là xã giao, bạn thân thì ít, nên tri kỷ lại càng hiếm hoi. Tôi có thể nói chuyện, giao tiếp cũng không đến nỗi nào, câu hỏi thường trực của tôi là: Tại sao?

Hời hợt! Hay tôi đã phạm phải một trong những điều tệ hại nhất của mối quan hệ: sự coi thường. Tôi đối xử với người trò chuyện một cách coi thường. Nhưng không dễ để nhận ra đâu, nó ẩn nấp dưới hình hài của những cuộc giao tiếp bỏ lửng, trả lời cho qua, hay những lần chán chả thèm quan tâm. Tất cả những gì tôi nghĩ là chỉ bản thân mình, mau chóng kết thúc nhanh nhanh đi để vì làm cái lý do khỉ gì cũng chả nhớ được.

Sự khốn đốn vì mạng quan hệ bé tẹo ấy gây ra dạy cho tôi một bài học: Luôn phải tôn trọng và trân trọng người giao tiếp với mình; tuyệt đối không được nghĩ đến việc ậm ừ cho qua trừ những trường hợp quá cấp bách. Trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản có một triết lý thế này: Ichigo Ichie – Nhất kỳ nhất hội (đời người gặp nhau chỉ một lần): Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta với một ai đó đều chỉ có một lần nên chúng ta nên trân trọng cuộc gặp gỡ ấy, đối xử với người đó bằng tấm lòng chân thành để về sau không phải tiếc nuối. Tiếp khách là phải cho đến nơi đến chốn.

Phần chốt

Sự hời hợt, đó là kẻ thù lớn mà chúng ta phải cố gắng vượt qua để đạt đến được sự thoả mãn – to the fullest. Dù là công việc, mối quan hệ hay bất cứ cái gì cũng vậy. Đó là khi ta nỗ lực cố gắng hết mình. Kết quả sẽ không còn là quan trọng nữa, mà ta chỉ nghĩ mình được sống – thật sự sống.

Đó là lời khuyên chân thành của tôi – một kẻ thất bại đắm mình trong Âm nhạc, phiêu cùng Tản văn, và bái bai cái của nợ bế tắc gông cùm bấy lâu.

“For the loser now
Will be later to win
For the times they are a-changin”
– Bob Dylan (The Times They Are A Changing)

Tạm dịch:
“Những kẻ thất bại bây giờ
Sau này sẽ thành người chiến thắng
Vì theo thời gian họ là những người thay đổi.”

Hiệp Siêu Nhân

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI