18 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ai cho em tuổi thơ?

Featured Image: Takuro Kikuchi

 

Tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua giữa nơi phố thị, trong sự bảo bọc ấm yên của cha mẹ tôi. Khi tôi lớn lên, đọc được câu chuyện ai đó kể lại về tuổi thơ dữ dội họ đã từng trải qua, tôi thèm lắm. Tuổi thơ với những bước chạy rong chơi, nghịch đùa, phiêu du với cánh diều, những cánh đồng xanh ngát, ngút ngàn mây, những con sông quê hương tắm táp cả quãng đời tuổi thơ. Tôi luôn mơ ước giá như mình cũng được có một tuổi thơ như vậy.

Cho rồi, đến một ngày, khi tôi đọc được trên những trang báo mạng hay qua các phương tiện thông tin đại chúng về những sự vụ nào đó liên quan đến những đứa trẻ, tôi giật mình, gạt phắt khỏi tâm tưởng những suy nghĩ về một tuổi thơ dữ dội nào đó tôi đã luôn ao ước, giờ tôi chỉ biết thầm cảm ơn sự bình yên tôi đã được sống và trải qua.

Tôi tự hỏi: Nếu tôi và bạn đã từng có một tuổi thơ giống như những đứa trẻ đang xuất hiện trên mặt báo của ngày hôm nay thì giờ này chúng ta sẽ ra sao?

Ước mơ nào cho những đứa em thơ, khi chúng đang phải chịu những trận đòn roi vọt đến phi nhân tính? Ước mơ nào cho những đứa em thơ khi chúng được sinh ra trong một gia cảnh cơ hàn, cha mẹ chúng buộc phải bỏ rơi hoặc để chúng nương nhờ nơi cửa phật để những bữa cơm đáng giá 1,000đ sẽ nuôi chúng lớn khôn, rồi đến một ngày chúng được bán trao tay như những món hàng để khoả lấp sự thèm khát mùi tiền của những con người có thể đã là cha, là mẹ của những đứa trẻ khác? Tuổi thơ thực sự mới chua chát làm sao và ai sẽ cho chúng tuổi thơ đúng với ý nghĩa của nó?

Tôi không quan tâm liệu bà sư trụ trì ngôi chùa nọ có biết đến vụ việc mua bán những đứa trẻ ngay trong chính ngôi chùa do mình quản lý hay không, tôi cũng không quan tâm liệu câu chuyện về bữa ăn 1000đ của chúng có chính xác. Nhưng tôi mong hơn bao giờ hết lúc này là một câu chuyện có kết thúc nhân quả như những gì tôi đã được học trong các bài học về đạo lý đầu đời. Cái ác phải bị trừng phạt cho dù nó có được bảo bọc, nương náu tại nơi thanh tịnh hay chốn tôn nghiêm nhất.

Và đằng sau những sự vụ như thế này, chúng ta đã nhìn ra được gì? Rồi mai đây, một sự rối rắm của pháp luật sẽ dẫn đến đâu với cơ chế quản lý lỏng lẻo, ai có thể thấu hiểu được nỗi đau em thơ khi chúng nào có cơ hội cất lên tiếng nói của mình. Quá rõ rồi, mùi tiền che lấp đi mùi vị của lòng tốt, để rồi sau tất cả giữa trốn trần thế, những đứa trẻ nào có được giấc ngủ yên lành? Nơi bình minh yên tĩnh nào sẽ cưu mang em khi lũ người với lòng dạ nham hiểm, không từ mọi thủ đoạn để kiếm tiền trên thân xác các em.

Ngày mai của chúng bao giờ mới tới…? Chúng nó, những trái tim được sinh ra trong thời bình, đáng nhẽ phải được hưởng một cuộc sống mà phía trước là tương lai của những niềm mong ngóng. Sự kỳ vọng của cha mẹ, sự kỳ vọng của xã hội và niềm hân hoan khi được bước chân vào đời. Tuổi thơ theo như tôi vẫn mặc định hiểu đó phải là nơi cho tiếng cười em thơ ngự trị, nơi chúng được thả ước mơ ngập tràn màu sắc, đặt những kỳ vọng vào một cuộc sống còn đang rộng mở phía trước chứ không thể là những bước chân lầm lũi nơi hè phố, hay giấc ngủ co quắp dưới gầm cầu.

Nhưng rồi tương lai nào gọi tên những đứa trẻ này, những đứa trẻ đi học qua sông trong những cái túi nilon. Những đứa trẻ bị cha mẹ thẳng tay bạo hành, đánh đập. Những đứa trẻ khi còn đang ẵm ngửa đã được chính những người sinh thành ra chúng cho người khác thuê để kiếm tiền theo giờ, đi theo những kẻ lang thang trong bộ dạng ăn xin, ăn mày, kiếm sống nơi mọi nẻo đường dưới nắng nóng và những cơn mưa tầm tã. Tương lai nào khi chúng chạy lăng xăng trên khắp các ngõ phố, bán những tờ vé số dạo, đánh những đôi giầy, học cách móc túi khách du lịch, để rồi cuối ngày những đồng tiền mà chúng kiếm được cho chúng bữa cơm không đủ no do lũ bảo kê ngồi hưởng thụ ở một góc nào đó ban phát.

Những tên lưu manh đường phố, cướp của giết người, mối nguy hiểm cho xã hội phải chăng được bắt nguồn từ đây, ai cho chúng một tương lai làm con người lương thiện với cái tuổi thơ này? Phải chăng khi những tin tức đầy phẫn nộ được đưa lên mặt báo như: Nghịch tử sát hại những người thân trong gia đình hay các vụ án đau lòng khác là một trong những hậu quả của tuổi thơ đòn roi, đầy bạo hành và uất ức.

Đau đớn hơn nữa khi số phận gọi tên những đứa trẻ, thậm chí còn không có cơ hội được sống, được sửa sai và vươn lên đón lấy ánh nắng từ lớp bùn nhầy nhụa mà tuổi thơ đã phải vẫy vùng trong đó. Chúng đã mãi ra đi. Đứa bị một ông bố đánh đến chết trong cơn say, đứa bị tiêm nhầm vắc xin một cách vô trách nhiệm, đứa bị bảo mẫu giẫm đạp trong cơn cuồng nộ, rồi 108 đứa ra đi trong dịch sởi mà chúng ta đã loay hoay đi tìm câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Tôi chẳng nhớ tên được bất kỳ đứa nhỏ nào trong số chúng cả. Chiến tranh đã đành, loạn lạc hay bom rơi đạn nổ đã đành, giữa thời bình chúng ra đi như vậy sao chấp nhận được?

Trong một chuyến phượt lên Hà Giang, tháng 12 năm ngoái, chúng tôi, những thanh niên phố thị rong chơi, đi tìm kiếm và trải nghiệm những điều mới lạ trong cái giá rét chỉ dưới 5 độ C ở vùng núi, được trang bị tận răng nhiều lớp quần áo, găng tay, giày, mũ để làm ấm cơ thể mà vẫn phải run lên cầm cập. Còn lũ nhỏ nơi đây, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh chúng, với đôi bàn chân đứa đi đất, đứa đi dép, tuyệt nhiên không một đôi giầy hay một đôi tất, đôi mắt tròn nhìn chúng tôi ngơ ngác chìa đôi tay lấm lem ra để xin bất cứ thứ gì có thể ăn được.

Lũ chúng tôi ngậm ngùi. Và nếu lũ chúng tôi, những thanh niên có học hành đến nơi đến chốn, được sinh ra và lớn lên ở vùng đất địa đầu của Tổ quốc này thì liệu chúng tôi sẽ có được ngày hôm nay? Ai đó đã nói, chọn lọc tự nhiên sẽ đưa nhưng cá thể thích nghi với cuộc sống xung quanh. Nhưng làm gì có thứ chọn lọc tự nhiên nào biết cho những đứa trẻ này tuổi thơ.

Ngay trước khi định ấn nút gửi bài này tới ban biên tập THĐP thì tôi có đọc được thông tin mà tôi nghĩ mình nên đưa vào phần kết của câu chuyện ngày hôm nay. Nó khiến tôi không khỏi rùng mình nhưng tôi nghĩ thông tin này sẽ làm cho lũ người lớn chúng ta phải sửng sốt nhìn nhận lại thực sự câu chuyện của ngày hôm nay. Trẻ em chính là thế giới của ngày mai. Nhưng cái ngày mai ấy lại đang bị huỷ hoại bởi chính những con người của ngày hôm nay.

“Cộng đồng những người sử dụng Twitter sốc khi Khaled Sharrouf, một người Úc Hồi giáo cực đoan, đăng tấm ảnh đứa con trai 7 tuổi của hắn tươi cười giơ đầu một người lính Iraq lên chụp hình. Hắn đang sống ở Úc thì mang con trai sang Iraq tham gia đội quân ISIS, hiện đang diệt chủng người Yazidis. Tệ hại hơn là mấy thằng bạn của Sharrouf hiện sống ở Úc ủng hộ Sharrouf và bảo việc gì phải ồn ào vì tấm ảnh thằng bé đó.”

Và một thằng bé 7 tuổi đã được dạy cách trở thành ác ôn như thế.

 

Nguyễn Trần Chung

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

Trả lời Minh Hải Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI