16.2 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

6 năm học đại học và bài học trách nhiệm

Featured Image: Nathan Siemers

 

Xã hội chung quanh đem đến cho chúng ta rất nhiều kiểu mẫu đa dạng, thành công lẫn thất bại, ở những thái cực đối lập nhau (…) Cái gì cũng vậy, không chỉ là học, nếu làm không đến nơi đến chốn, thì ngay đến những việc nhỏ nhặt, tầm thường nhất, cũng có kết quả là thất bại.

Trong bầu không khí đầy cảm xúc của những vui, buồn, sung sướng và thất vọng sau kết quả của kỳ thi đại học, tôi cảm thấy mình cần góp thêm một góc nhìn cho những tân sinh viên cũng như “tân lập nghiệp”.

Tôi đã trải qua cảm giác đậu đại học và thất vọng với môi trường đại học sau một học kỳ. Tôi tiếp tục thi lại vào một trường khác và mất nhiều năm mới tốt nghiệp được. Quả là một hành trình gian nan mà tôi không dám quay trở lại.

Như bao sinh viên khác, sau 12 năm đèn sách “nhọc nhằn” (có lẽ do chúng ta nghĩ thế thôi), tôi tự cho mình thả cửa trong thời gian mới vào đại học. Một cuộc sống tự do xa gia đình, nhiều thú vui, cộng thêm những môn học đại cương nhàm chán khiến tôi rời xa giảng đường và dần dần không còn biết mình đi học làm gì. Tôi kết thúc đại học sau năm đầu tiên vì mất phương hướng hoàn toàn.

Mất một năm nữa để ôn thi lại khối khác mong có niềm cảm hứng mới, tôi lại đậu. Nhưng cảm hứng chỉ kéo dài hơn hai học kỳ, tôi lại tiếp tục thấy chán và nghỉ học triền miên. Tôi nhớ có một lần, tôi bước vào lớp, cả lớp đồng loạt vỗ tay rần rần. Ai cũng chắc mẩm là tôi đã bỏ học. Nếu các bạn muốn biết thời gian thì đó là một năm rưỡi. Tôi không biết tại sao mình không bị đình chỉ học. Có lẽ do tôi vẫn đóng học phí đầy đủ và đi thi cuối kỳ đều đặn (tất nhiên kết quả là toàn rớt).

Noi gương các bậc tiền bối thành công, tôi định bụng sẽ nghỉ học và đi làm. Để chắc chắn về quyết định này, tôi tham khảo ý kiến của hai người cố vấn mà tôi tin tưởng. Lời cố vấn đầu tiên ủng hộ tôi cứ hành động theo những điều mình cảm thấy đúng. Lời cố vấn thứ hai thì bảo tôi đừng bỏ đại học. Thực tình, tôi không nhớ là người thứ hai đã khuyên tôi cụ thể những gì nhưng kết quả thì tôi đã quyết định sẽ đi học lại.

Một năm rưỡi bỏ, một khối lượng môn học khá lớn phải theo kịp, tôi chắc các bạn có thể hình dung được. Mới quyết định chơi lại đã gặp ngay màn khó. Tôi quyết định xin học lùi khóa, một tiền lệ mà cũng chưa ai nói tới, tôi chỉ liều làm đơn xin như vậy. Mất rất nhiều công sức và giấy tờ thủ tục này nọ, cuối cùng, tôi cùng vào học với một lớp toàn những gương mặt mới toanh. Đây là màn khó thứ hai. Tuy nhiên, tính ra, tôi vẫn mất thua họ một học kỳ, cộng thêm khá nhiều môn bị nợ ở năm học đầu tiên. Đó là màn khó thứ ba.

Tôi không biết mà bằng cách nào đó, tôi đã xốc được tinh thần, lên lớp chăm chỉ, trả nợ môn đều đều qua các học kỳ và cuối cùng là tốt nghiệp. Ngày tôi nhận bằng, ông thầy dạy môn biên dịch trợn mặt bảo: “chú mày cũng ra trường được hả” (chả là tôi với thầy có vài kỷ niệm nho nhỏ, gần như là tôi bị thầy “đì” vì cái tội “lì”). Cùng hội ham chơi với tôi, một số bạn bè tôi đều bỏ học giữa chừng.

Tính ra tôi đã mất 6 năm cho trường đại học thứ hai. Không thể xem nó là thành công được. Mất quá nhiều thời gian và công sức mà kiến thức tích lũy được cũng không bao nhiêu. Vậy thì tôi kể câu chuyện này để làm gì?

Các bạn thân mến, cuộc đời chúng ta lúc lắm lúc sẽ định hình bằng những quyết định, rất quan trọng, vào những thời điểm khó khăn. Nhưng tôi tin rằng, chính những quyết định đó, sẽ làm nên con người của chính bạn.

Việc học đại học hay bỏ đại học để lập nghiệp phải dựa trên thiên hướng của chính bạn. Vì biết đâu, bạn sẽ cảm thấy chán nản giữa những năm đại học như chính tôi, hoặc cũng có thể tuyệt vọng trên con đường lập nghiệp chông gai, đầy va chạm. Ở những thời điểm khốn khổ đó, chúng ta thường hay ngước nhìn những gương mẫu đối lập để tìm lối thoát.

Tuy nhiên, điều đo lường mức độ trưởng thành của một con người chính là mức độ chịu trách nhiệm. Ít ra bạn cũng 18 tuổi rồi, độ tuổi của quyền công dân, vậy hãy tập cho mình thói quen chịu trách nhiệm. Bạn quyết định thế nào? Đeo đuổi việc học hay đam mê khởi khiệp. Bạn nên tự chọn lấy và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho điều đó. Cá nhân tôi, mất 6 năm để lấy bằng đại học vì biết mình chả có ý tưởng nào cho việc khởi khiệp cả, đồng thời, việc học bê bối là từ chính bản thân tôi chứ không phải vì môi trường đại học.

Điều tôi học được trong những năm ở giảng đường chính là vấn đề chịu trách nhiệm. Tôi đã quyết định vào đại học, vậy thì tôi có trách nhiệm phải kết thúc nó, không bao biện, không đổ thừa. Những ngày tháng vô cùng khó khăn khi quay lại trường đi học với mấy đứa đàn em và vất vả đi học trả nợ môn đã cho tôi nhiều giá trị thấm thía. Đôi lúc buông bỏ và đổ thừa vì hoàn cảnh thì dễ, nhưng ở lại với một tinh thần trách nhiệm, chơi đến hết trận đầu thật gian vô cùng.

Xã hội chung quanh đem đến cho chúng ta rất nhiều kiểu mẫu đa dạng, thành công lẫn thất bại, ở những thái cực đối lập nhau. Học đại học ra trở thành những bác học danh tiếng cũng có mà thành những công chức rỗng tuếch cũng đầy. Khởi nghiệp rồi trở nên giàu có lẫy lừng hay phá sản, ăn bám vào tiền bố mẹ cũng không thiếu (và đôi khi, vì không cam chịu thất bại, nhiều người đã đi theo con đường làm ăn bất chính).

Như vậy, dù bạn chọn đại học hay khởi nghiệp, thì hãy tin tưởng vào quyết định của chính mình. Và quan trọng, hãy chịu trách nhiệm cho quyết định đó. Đừng là một nạn nhân của hoàn cảnh, cố gặp đi tìm một phao cứu sinh để thoát khỏi bế tắc. Bởi vì, một khi bạn đã quen với việc vô trách nhiệm, thì dù bạn đi học hay bạn ra đời, bạn sẽ dễ dàng trở thành kẻ vô giá trị.

Tôi muốn trích dẫn điều tiến sĩ Lý Khai Phục (phó tổng giám đốc Google Châu Á) từng chia sẻ:

“Tôi chưa từng bao giờ nghĩ bằng cấp là thứ quan trọng, thiên tài với danh nhân đâu phải từ lò luyện và trường lớp mà ra. Nhưng nếu bạn không học tới nơi tới chốn, thì dù có đi làm cửu vạn, ngay cả bao cát cũng sợ rằng chẳng biết cách mà vác.”

Cái gì cũng vậy, không chỉ là học, nếu làm không đến nơi đến chốn, thì ngay đến những việc nhỏ nhặt, tầm thường nhất, cũng có kết quả là thất bại.

 

AVKH

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

20 BÌNH LUẬN

  1. Mình cũng đang ở trường hợp như tác giả, cũng đã quyết định là tiếp tục học nhưng nói thì dễ hơn làm. Cứ nghĩ đến việc phải đi học là mình bị căng thẳng khủng khiếp T.T Chắc phải đọc đi đọc lại bài này để nhắc nhở bản thân.

    • Bạn thân mến, một trong những áp lực khi trở lại là chúng ta tự đặt cho mình một mục tiêu quá lớn. Ở thời điểm đó, tôi tự coi mình là đứa dốt nhất lớp và bắt đầu lại từ đầu. Cũng không đặt ra mục tiêu điểm cao hay kết quả xuất sắc, như vậy sẽ thoải mái tâm lý hơn. Tôi hi vọng bạn sẽ có thêm những liệu pháp “tâm lý” khác để tự giúp mình. Thân (AVKH)

  2. cám ơn tác giả về bài viết, tôi cũng đang ở hoàn cảnh như bạn, tôi cũng có nguy cơ ra chậm một năm. Tuy nhiên tôi đang cố gắng chịu trách nhiệm với bản thân mình và tận dụng quãng thời gian ở giảng đường đại học để làm những việc có lợi nhất cho bản thân cũng như tạo những kỷ niệm đep cho thời sinh viên.

Trả lời Vu Nguyen Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI