20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Việt Nam: Làm giàu từ nông nghiệp, tại sao không?

Featured Image: Fabrice Instinct Voyageur

 

Càng tìm hiểu sâu vào Israel và nền nông nghiệp thần kỳ của họ, tôi lại càng ngạc nhiên và khâm phục. Thế rồi, tôi nhìn lại, Việt Nam chúng ta là nước 70% làm nông nghiệp nhưng sao chẳng thấy thành tựu nào ra hồn. Người nông dân cả nước đang làm gì? Chúng ta có thể làm giàu từ nông nghiệp không? Có thể giúp đất nước phát triển bắt đầu từ nền tảng nông nghiệp không? Thế là tôi tìm hiểu, và tuyệt làm sao tôi đã tìm ra nhiều điều, nhiều chuyện, nhiều tấm gương hay ho, thú vị và cả bất ngờ nữa.

Trời ơi, nhiều quá, nhiều người giàu có nhờ nông nghiệp quá, gần như gõ từ khóa nào đại loại “làm giàu từ chuối, từ đu đủ, từ rau thơm, từ cá, từ rắn rết bọ cạp ễnh ương” từ cái quái gì cũng có người giàu cả. Cả một kho tấm gương làm giàu như thế, mà xưa giờ chúng ta quá thờ ơ. Phải chăng vì không bạn trẻ nào muốn làm nông nghiệp? Phải chăng vì làm nghề nông, làm người nông dân nghe nó “tầm thường” hay “hèn mọn” quá đi? Bao nhiêu cử nhân rời trường đại học Nông-Lâm giờ họ đang làm gì? Đang có những trang trại riêng hay đang cố gắng tìm một công việc gì đó nghe nó sang chảnh “văn phòng” hơn để bám trụ nơi thành phố?

Làm nông có phải chỉ đơn giản là nuôi và trồng, thu hoạch và bán nông sản không? Làm nông nghiệp có giàu nổi không? Tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi và tự đi tìm câu trả lời. May thay, câu trả lời là chúng ta hoàn toàn có thể có thể làm giàu từ nông nghiệp, giàu bền vững và không giới hạn khả năng. Với nông nghiệp, chúng ta có thể làm giàu từ những thứ giá trị cho tới những thứ bỏ đi nữa kìa (như là tận dụng đồ phế thải làm phân bón, thức ăn cho cá, làm giàu từ vỏ bao xi măng…) Nông nghiệp như là một môi trường tuyệt vời, sẽ trả công xứng đáng cho những người xứng đáng, yêu mến nó, hết lòng vì nó và nhất là không xem thường nó:

Những lão nông tỷ phú

1. Tiền Giang có ông “Vua mít Ba Lập” bắt đầu từ 10 cây mít giống trong một lần đi thăm bà con ở Đồng Nai. Ông được giới thiệu về một loại mít có nguồn gốc từ Thái, tò mò mua 10 cây giống về trồng thử. Chăm sóc kỹ và đợi một năm rưỡi sau, 10 cây mít đầu tiên cho trái. Ông ăn thử thấy rất ngon mới bắt đầu ghép cành, nhân giống ra trồng đại trà. Đặc điểm của loại mít này là múi to, cơm dày, ăn giòn, ngọt thanh, rất ít xơ và mủ. Thế là từ 10 cây giống đầu tiên, ông ghép cành và nhân ra lần đầu khoảng 50 cây rồi tăng dần lên, đến nay vườn mít 9.000m2 của ông có chừng 600 cây mít đủ cỡ. Ông Lập cho biết đặc điểm của loại mít này là không theo mùa mà ra trái thường xuyên, hết đợt này đến đợt khác liên tục, chu kỳ từ khi ra hoa đến khi thu hoạch gần 4 tháng. Vì vậy, để trái có trọng lượng lớn, bán được giá cao, cần phải tỉa bỏ bớt. Tùy theo độ tuổi của cây mà chừa trái cho thích hợp.

Trung bình nếu bón phân, tưới nước đầy đủ thì mỗi đợt chỉ nên chừa lại chừng 10 trái mỗi cây. Khi thu hoạch, mỗi trái có trọng lượng từ 20 đến trên 30 kg là bình thường. Càng ít trái thì trọng lượng mỗi trái càng lớn. Với giá mít dao động từ khoảng 28.000 đến 34.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi trái mít có thể bán được hơn 500.000 đồng. Như vậy mỗi đợt thu hoạch, một cây mít có thể thu được trên 6 triệu đồng và một năm có thể thu hoạch được 3 lần. Vườn mít của ông Lập có chừng 600 cây nên mỗi năm có thể thu được tiền tỉ là dễ hiểu. Đó là chưa kể nguồn thu nhập từ bán cây giống. Chỉ riêng năm 2011 ông Lập cung cấp ra thị trường gần 20.000 cây mít giống. Với giá 12.000 đồng/cây, ông thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng.

Thế là ông trở thành “Vua mít”, thành tỷ phú nhờ mít. Thật đáng thèm thuồng!

2. Ghé về Trà Vinh có ông “Sang cam sành”: Là một trong những tỷ phú cam sành của xã Tam Ngãi, Hai Sang hiện canh tác 3,5 ha đang giai đoạn cho trái. Chỉ tính mùa cam năm 2010 và 2011, ông thu về hơn 3 tỷ đồng. Bí quyết của Hai Sang là trồng cam nghịch vụ. Nghề trồng cam vùng này lâu nay mỗi héc ta thu vài trăm triệu đồng là chuyện thường. Nhưng trong 3 năm liên tục, mỗi héc ta cam nghịch vụ thu bạc tỉ, khiến bản thân Hai Sang cũng cảm thấy… sửng sốt. Từ 2009 tới nay, chỉ với chưa đầy một mẫu đất, Hai Sang thu về hơn 4 tỷ đồng, con số trước đây có mơ ông cũng không dám nghĩ tới.

Hai Sang phân tích, đất mà nhà vườn Tam Ngãi đang trồng cam là đất phù sa bồi đắp bởi sông Tiền. Từ xưa tới giờ vùng này không bao giờ thiếu nước ngọt nên trồng cam muốn xử lý cho ra trái bất kỳ tháng nào trong năm đều được. Trái cây mùa thuận phải nhờ đến nước mưa, còn đất ven sông Tiền có lợi thế là không lệ thuộc nước mưa nên nhà vườn có thể đổi sang thu hoạch mùa nghịch theo ý mình. Ở xã Tam Ngãi, trồng cam nghịch vụ thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm tính ra tới mấy chục hộ chứ không phải ít. Cam mùa thuận giá 4.000-5.000 đồng/kg, mỗi héc ta bình quân 25 tấn, nhà vườn thu hơn 100 triệu đồng, vẫn cao hơn lúa. Còn trồng vụ nghịch, mỗi kg giá 25.000-30.000 đồng, có khi cao hơn nên thu về tiền tỉ cũng không có gì lạ.

(Thu tiền tỷ mà không có gì lạ, ôi tự nhiên tôi muốn trở thành “P.T cam sành” quá chừng!)

Ngoài ra còn vô vàn những lão nông với thu nhập khủng, tính bằng tiền tỷ mỗi năm như ông “Vua lúa Chín Táo” với tổ hợp sản xuất diện tích hàng trăm ha, cung ứng ra thị trường tới 10.000 tấn lúa giống/năm, doanh thu 70-80 tỉ đồng. Hay ông Biền – Tiền Giang thu nhập hơn tỷ đồng mỗi năm nhờ cây khóm trên vùng đất phèn vùng Đồng Tháp Mười. Hay anh Tấn Tài với những nhạy bén trong chăn nuôi heo gà, cá sấu đã giúp anh gầy dựng cơ ngơi cả chục tỷ đồng chỉ sau vài năm… Những tấm gương đó bạn có thể tham khảo ở đây.

Thật tình mà nói, họ thật đáng ngưỡng mộ, nhưng họ đều là những lão nông lâu năm dãi dầu. Thành công của họ không phải ai muốn cũng có thể bắt chước làm theo và đạt được điều họ đã đạt. Nhưng không gì là không thể đúng không? Sao chúng ta biết chúng ta không thể nếu ta không thử? Và thế hệ trẻ như chúng ta, được biết, được học và được tiếp xúc với khoa học – công nghệ – kỹ thuật càng nhiều, thì ta lại càng có nhiều cơ hội để thành công và thậm chí là thành công vượt bậc nữa kìa.

Những câu chuyện “sinh ra từ làng”

Không màu mè mà gần gũi, bình dị, “Sinh Ra Từ Làng” là chương trình chính luận về thanh niên nông thôn lập nghiệp rất thành công, bởi sức lan tỏa đến không ngờ về những hoài bão, lí tưởng sống của giới trẻ lập thân, lập nghiệp trong cuộc sống hiện nay. Sau 2 năm phát sóng, chương trình đã giới thiệu 52 tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu, những mô hình kinh tế điển hình, xuất sắc trên khắp cả nước. Những câu chuyện như:

Nguyễn Văn Bách (1981, Tuyên Quang) năm 2010 anh bắt đầu nghiên cứu và đưa giống chanh tứ mùa từ Đà Lạt về trồng với số cây giống ban đầu là 100 cây. Đến nay mỗi năm, anh thu được 20 tấn quả trị giá 400 triệu đồng; ngoài ra anh còn thu nhập từ việc bán cây giống 750 triệu đồng. Tổng doanh thu 1 năm đạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Không chỉ giỏi trong việc tăng năng suất cây trồng, nhiều thanh niên nông thôn đã sớm trở thành những ông chủ thành đạt nhờ ý thức bảo vệ môi trường. Điển hình là Đặng Văn Mạnh (Hải Dương), người được mệnh danh là “thầy phù thủy” nhờ những vỏ bao xi măng cũ lại được anh “hô biến” thành… 700 triệu đồng/ tháng. Từ những chiếc vỏ bao xi măng cũ bị vứt bỏ, anh Mạnh đã góp phần bảo vệ môi trường bằng cách tái chế chúng thành những chiếc vỏ mới tinh nhưng lại không thải ra môi trường lượng nước thải độc hại chứa lượng xi măng dư thừa. Chỉ mới 35 tuổi, anh Mạnh đã sở hữu một cơ sở sản xuất 500m² , mỗi ngày cho ra lò 20.000 vỏ bao xi măng mới. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh xuất ra thị trường 30 – 35 vạn chiếc vỏ bao xi măng với giá thành 2.200 đồng/ chiếc. Tính ra, mỗi tháng, anh thu về hơn 700 triệu đồng.

Hay như chàng cử nhân trẻ Nguyễn Duy Thiên Ân (1990, Đồng Nai). Đây là nhân vật đã từ chối suất học bổng toàn phần đi du học Pháp để ở lại… nuôi gà. Tuy nhiên, để kiếm được tới gần 20 triệu đồng/ngày từ những quả trứng lại là một chặng đường vất vả với nhiều thất bại. Rốt cuộc, chàng sinh viên trẻ này đã tìm ra được cách nuôi gà rất đặc biệt: Ngoài việc đảm bảo môi trường vệ sinh, nguồn thức ăn sạch và đủ dinh dưỡng, đàn gà còn được thưởng thức những bản nhạc giao hưởng êm dịu của Mozart và Beethoven để không gian luôn lý tưởng. Với sự say mê đầy sáng tạo, chàng trai Nguyễn Duy Thiên Ân trở thành người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất trứng gà Omega 3 -loại trứng nhiều dinh dưỡng gấp 3 lần trứng gà thông thường, có nhiều chất làm giảm mỡ máu,chữa tim mạch, ung thư, đẹp da, tốt cho não… và mô hình nuôi gà của anh đã mang lại thành công trên con đường làm giàu cho bản thân và quê hương.

Học đại học về làm nông dân, tại sao không?

Tốt nghiệp khoa cơ khí trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 2000, trong khi bạn bè kéo nhau đi kiếm việc ở các công ty với mức lương khá cao thì anh Vũ Văn Vương (Xuân Lộc) lại khăn gói về quê để làm nông dân. Anh chia sẻ: “Thấy bà con trồng rau vất vả quanh năm mà thu nhập vẫn thấp nên tôi muốn mình sẽ làm mô hình điểm về trồng rau năng suất cao và tự tìm đầu ra cho mình và bà con. Có đầu ra ổn định, lợi nhuận sẽ cao.” Hiện tại, rau do gia đình anh Vương sản xuất đã được một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đặt hàng với giá ổn định. Từ hai bàn tay trắng, nhờ trồng rau hiện anh Vương đã có trong tay cơ ngơi khang trang với lợi nhuận thu được mỗi năm vài trăm triệu đồng. Và khoản tiền lời đã được anh đầu tư vào việc mua đất để mở rộng sản xuất.

Năm 2002, anh Quyền (Đà Nẵng) cầm tấm bằng cử nhân Quản trị du lịch cùng bằng cử nhân luật đi xin việc ở thành phố. Nhưng với đồng lương tháng ba cọc ba đồng không đủ sống, sau gần 1 năm bám trụ thành phố, anh quyết định về quê lập nghiệp. Tuy nhiên lúc đó vốn liếng không có, bản thân anh cũng không có kiến thức gì về nông nghiệp. Nhờ người thầy giáo thời đại học giới thiệu mô hình trồng nấm rơm, anh quyết định vay tiền làm liều. Thời gian này cơ sở nấm của anh độc quyền trên thị trường Đà Nẵng nên nấm làm tới đâu bán hết tới đó. Thừa thắng, anh thuê đất của các gia đình trong vùng mở rộng mô hình trồng nấm.

Chỉ trong vòng 1 năm anh giàu lên trông thấy, dư tiền mua xe hơi xây nhà lầu nhưng anh lại chọn cách tiết kiệm để giúp những bà con lối xóm xung quanh cùng giàu với mình. Khi không còn đất để tiếp tục do bị giải tỏa, anh mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm tiên tiến ít lệ thuộc vào đất và đã thành công. Anh Quyền tiết lộ, hiện thu nhập của anh từ trồng nấm khoảng 50 triệu đồng/tháng. Có điểm tựa vững chắc anh mạnh dạn nghiên cứu để từng bước cho ra thị trường các sản phẩm đặc biệt từ nấm như: Nước mắm nấm, mắm ruốc từ nấm.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học Cây trồng – Đại học Nông nghiệp I, anh Trương Văn Dư (1981, Hà Nội) tìm được một công việc trong doanh nghiệp nước ngoài tại thủ đô. Đến năm 28 tuổi anh nhận tấm bằng thạc sĩ khi đang làm cho một doanh nghiệp Nhà nước với mức lương cao. Nhận xong bằng thạc sĩ, anh Dư rủ một số bạn bè lên Mộc Châu thuê đất để làm nông nghiệp vì thấy khí hậu ở đây rất phù hợp. Ý tưởng này vấp phải phản đối mạnh mẽ từ gia đình, đặc biệt là mẹ anh. Thất bại khi trồng cây dưa hấu, anh chuyển qua trồng cà chua trái vụ vì nhận ra mặt hàng này nguồn cung ở miền Bắc khá hạn chế. Và anh lại thất bại lần nữa cho tới khi Viện Rau quả Việt Nam được chuyển giao kỹ thuật lai ghép cà chua lên gốc cà tím từ trung tâm phát triển rau thế giới nhưng chưa có đối tác dám nhận thử nghiệm. Anh Dư quyết định mạo hiểm thêm một phen mặc dù chi phí đầu tư cho dự án này không phải nhỏ.

Để thực hiện kế hoạch mới, anh vay một tỷ đồng từ bạn bè, gia đình để làm nhà kính và sản xuất cà chua giống ghép trên cây cà tím trên diện tích ban đầu là 8.000 m2. Không lâu sau đó, anh đã thành công khi ghép được 18.000 cây giống đưa ra thị trường. Năm 2012 anh Dư đã quyết định thành lập Công ty cổ phần GreenFarm. Hiện diện tích sản xuất của Green Farm đã được mở rộng và công suất ghép hàng năm được 2,5 triệu cây giống, với giá bán 1.200 đồng mỗi cây. Ngoài ra, anh còn phát triển thêm diện tích hơn 1,5ha trồng rau an toàn cung cấp cho các nhà bán lẻ ở khắp nhiều tỉnh thành. Anh cho biết, năm 2013, doanh thu từ tiền cây giống ghép khoảng 3 tỷ, sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận đạt trên một tỉ đồng. Còn lợi nhuận từ sản xuất rau an toàn vào khoảng 300 triệu đồng. Những con số trong mơ với phần lớn những thạc sĩ giấy ngoài xã hội…

Những nguời bạn nông dân

Thôi không nói chuyện trên báo đài nữa, giờ nói chuyện thực tế xung quanh, chuyện người thật việc thật nhé.

Bạn tôi, nhà nó ở Bình Thuận và như mọi người, nhà bạn trồng trái thanh long, tôi mới hỏi: “Sao trồng thanh long mà người ta lại giàu được nhỉ?” “Tại sao không?” “Vì cứ đến mùa mình thấy trái thanh long đổ đống ngoài đường như núi, 10 ngàn/ 3kg thế thì giàu làm sao?” “Ôi bạn ơi, cái đống đó là hàng dạt, hàng thải rồi, trái ngon người ta đem đi xuất khẩu hết còn đâu.” “Trời, mình không biết luôn”. “Này nhé, 1 ha thanh long 1 năm thu vài trăm triệu/vụ thôi, nhưng giờ 1 năm người ta thu được mấy vụ lận, trung bình 1 ha thanh long 1 năm cho thu cả tỷ đó bạn. Nhà nghèo thì 1-2ha, trung bình như nhà mình 5-6ha, nhà giàu thì 10-40ha, đại gia thì 50-100ha. Bạn tính đi.” “Thế chi phí thế nào?” “Chi phí cho 1 ha khoảng 500tr/năm, trù chi phí rồi thì 1 ha thanh long 1 năm sẽ sinh lời 500 triệu”. Quả là con số trong mơ. Tôi muốn đi trồng Thanh Long quá.

Một người anh (xã hội) của tôi, vừa mới đăng những bức hình tuyệt vời. Một bức là hình gốc cây củ mỳ chi chít củ, cây mỳ này do anh và bạn bè hợp tác trồng tại … Campuchia. Dạ vâng, anh cùng bạn bè qua đó thuê đất, thuê nhân công làm nông nghiệp, trong khi ở Việt Nam anh vẫn đi làm công việc văn phòng bình thường. Anh cho biết chi phí thuê đất và nhân công bên đó rẻ hơn, trang trại củ mỳ của anh áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới nên cho rất nhiều củ so với thông thường. Còn ở Việt Nam, anh cũng về quê ở miền tây, mua vài sào đất, giá đất nông nghiệp ở quê thì rẻ và anh đang đầu tư trồng cây bưởi da xanh. Nhìn những cây bưởi thấp lè tè mà trái sai trĩu cành anh khoe trên facebook, tôi tin chắc anh sẽ thành công, anh sẽ giàu thôi, nhờ vào nông nghiệp chứ không phải bất cứ công việc bàn giấy nào ở Sài Gòn mà anh đang làm. Tôi tin như thế.

Tôi muốn trở thành cô nông dân

Khi đọc những bài viết về nông nghiệp và nghiên cứu chủ đề này. Tôi có nói chuyện với một cậu bạn, hiện đang làm cafe và kinh doanh thu mua cafe, cậu ấy đã hướng tôi tới việc tìm hiểu một loài cây khác, loài cây mới, với những lợi ích kinh tế to lớn trong tương lai. Và tôi bỗng nhìn thấy một cơ hội tuyệt vời. Không muốn nói gì quá sớm vì tất cả chỉ là một ý tưởng lóe lên bất chợt. Chẳng có gì đảm bảo tôi sẽ thực hiện hay sẽ thành công. Nhưng điều đáng tự hào là, tôi có ý tưởng, có ý tưởng ta sẽ có tất cả. Tuyệt vời làm sao nó lại từ ngành nông nghiệp, một ngành mà trước tới nay tôi chỉ xem thường và bĩu môi.

Có cả ngàn cả tỷ cơ hội để bạn làm giàu bằng nông nghiệp. Đó là cái giàu bền vững và thiết thực, chứ không chỉ đơn giản là mua đi bán lại những mặt hàng đơn lẻ hay chứng khoán, cổ phiếu. Bạn có thể không có nhiều đất đai, bạn có thể không có nhiều vốn, bạn có thể không biết gì về kỹ thuật và công nghệ… Không hề gì cả, nông nghiệp luôn đón chào mọi người đến thử nghiệm, học hỏi và thành công, từng chút một. Bạn sẽ nhận ra, bạn không chỉ giàu nhờ bán quả, bán rau, bán cá mà bạn còn giàu nhờ bán cây con, hạt giống và nguyên liệu nữa. Rồi bạn sẽ lại nhận ra, cam không chỉ là cam, chuối không chỉ là chuối. Mà chúng còn có khả năng gia tăng lợi nhuận tới không ngờ, nếu như bạn biết sáng tạo, lai tạo chúng thành những thứ nghe có vẻ lạ lùng: chuối tím, thanh long ruột đỏ, xoài vỏ tím, dưa hấu ruột vàng, dưa hấu vuông, bưởi Phật… Đó là những thứ đã có trên thị trường. Nếu như bạn có thể tạo ra gì đó, đại loại khoai tây ăn vị như khoai lang, quả cam ăn có vị như quả đào hay lạ lùng hơn là cho ra giống chuối tròn xoe chẳng hạn… Tôi dám cá bạn sẽ giàu lên, rất nhanh thôi.

Ai cũng muốn làm giàu, nhất là thế hệ trẻ chúng ta, nhưng tại sao luôn là các ngành công nghệ, dịch vụ, kinh doanh mới chịu? Chúng ta chẳng có thế mạnh gì ở các lĩnh vực đấy cả, hơn nữa làm nông nghiệp không phải là làm kinh tế sao? Làm nông nghiệp thì không được thành lập công ty, không được làm giám đốc à? Làm gì có chuyện đó. Nên các bạn của tôi ơi. Nếu như bạn đang đau đáu về những biện pháp làm giàu bền vững, nếu như bạn đang phân vân và hoài nghi về những dự định hay kế hoạch mơ hồ cho tương lai. Hãy thử một lần, suy nghĩ đi, bạn có thể làm gì với nông nghiệp?

Biết đâu đấy, Israel nổi danh vì những công nghệ nuôi trồng tiên tiến, xuất khẩu hàng đầu, Việt Nam chúng ta lại trở thành nước hàng đầu thế giới về những thứ trái cây lai tạo “thần tiên” không giống ai với đủ mọi hình thái, màu sắc, hình dạng và hương vị thì sao. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra đúng không? Biết đâu Việt Nam lại rạng danh vì những thứ: chuối tròn xoe Việt Nam, khoai lang-tây Việt Nam, sầu riêng không gai, xoài chín thơm mùi mít, trái bơ tự nhiên ngọt ngon như dằm sữa… Nghe thôi đã thấy hào hứng quá đỗi rồi.

(Tuy nhiên từ góc độ cá nhân, tôi không khuyến khích các phương án nuôi trồng cấy ghép biến đổi gien đâu ạ)
Hi vọng đọc bài viết này, sẽ có nhiều người hơn, suy nghĩ một cách nghiêm túc tới việc trở thành những cô/cậu nông dân. Những cô/cậu nông dân triệu phú, tỷ phú một ngày không xa nhé, để những câu “cô nông dân biết phải làm sao? người nông dân phải làm sao đây? … trên facebook không còn vô nghĩa nữa.

 

Phi Tuyết

Các bạn có thể tham khảo thêm những câu chuyện làm giàu từ nông nghiệp:

  • http://www.hoinongdanhungyen.org.vn/index.php?option=com_content&view=category&layout=blog&id=58&Itemid=37
  • http://dantri.com.vn/xem-an-choi/sinh-ra-tu-langnhung-dai-gia-tre-lam-giau-tren-que-huong-783432.htm
  • http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121213/muu-sinh-tu-dong-von-nho-ky-17-trong-chuoi-thu-tien-ti-moi-nam.aspx
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

29 BÌNH LUẬN

  1. khi 1 cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra , bất động sản nằm bất động , ngành bất động bất động thì các ngành xây dựng phụ liệu,…cũng nằm liệt , các công ty tài chính cũng ngủ yên đủ các ngành nghề kéo theo nhau mà chết thế nhưng người ta vẫn cần phải ăn vẫn cần thịt cá để sống . chính phủ Mĩ có giàu thế nào cxng ko thể phát cho mỗi người 1 cục vàng để mút qua ngày , họ cần lương thực., còn Việt Nam ta 70% là nông dân chúng ta có thế mạnh riêng của mình ! thực sự ủng hộ ý kiến của tác giả . Phát triển thế mạnh của nông nghiệp . như các bạn đã bình luận có 2 rào cản chính : thị trường tiêu thụ và khâu kĩ thuật nông nghiepj để nâng cao chất lượng và sản xuất theo dây truyền . và mình nhận thấy Việt Nam đang thân hơn với Irsael sẽ có rất nhiều thứ có thể học hỏi đc và rất nhiều thị trường thiếu lương thực săn lòng cho chúng ta cung ứng nếu đạt đc tiêu chuẩn ! cực kì ủng hộ hướng đi cảu tác giả , mong 1 ngày Việt Nam trở thành 1 quốc gia mạnh về nông nghieeoj có sức ép riêng trên trường quốc tế

  2. tôi cũng đang ngồi mơ về 1 Việt Nam như thê! Cường quốc nông nghiệp của thế giới và con người VIệt Nam chăm lo sản xuất gần gũi thiên nhiên với bản sắc văn hoá gắn với nền nông nghiệp lúa nước. Chẳng cần phụ thuôc kẻ nào chẳng cần bắt chước ai. Việt Nam trong tương lai không xa đó là giấc mơ tôi mơ từ những ngày đầu trên giảng đường đai học.

  3. Đây là bài viết đáng học hỏi. Thiết nghĩ nếu có cơ chế chính sách đúng đắn của nhà nước về nông nghiệp thì bà con nông dân sẽ có nhiều cơ hội để thoát nghèo hơn (chưa dám nói đến trở thành tỷ phú như trong bài viết).

    Chúng tôi có tổng hợp một thư viện nông nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức cho bà con nông dân ở đây: http://www.farmvina.com

    Ngoài ra còn có 2 video về nền nông nghiệp Israel để chúng ta có thể học hỏi:
    + Phần 1: https://www.youtube.com/watch?v=qpjbuZkCozg

    + Phần 2: https://www.youtube.com/watch?v=wCHiGiQNsm4

    Chúc vui khoẻ!

  4. Cùng ước mơ với tác giả. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu thì mình cùng gặp 2 khó khăn chính như bạn Phan Lạc Minh đã trình bày. Đặc biệt là mảng thị trường. Nghĩ tới việc có trang trải bạc ngàn nông sản quả rất thích, nhưng quay lại thực tế thì số nông sản đó xuất đi đâu? Sự thật phũ phàng là hiện giờ nông sản mình phụ thuộc Trung Quốc chủ yếu, cho nên nông dân mình toàn điều đứng vì gian thương Trung Quốc. Các thị trường khác trên thế giới thì cũng bảo hoà rồi, chen chân vào tiêu chuẩn cao của người ta cũng không phải dễ.
    Nếu nói về phát triển nông nghiệp thì mình nghĩ tốt nhất hiện nay là cung cấp nguồn thực phẩm thực sự dinh dưỡng cho thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc có can thiệp lớn từ nhà nước. Con người có khoẻ mạnh thì mới mong muốn phát triển công nghệ mà cạnh tranh trên trường quốc tế được.

  5. Ích kỹ chút ………. cái bài này của bạn có khả năng sẽ làm xuất hiện người trùng ý tưởng với tôi :3 …. vì thế tôi kịch liệt lên án :3

    ~baka~

  6. Cảm ơn Tác giả!. Đã viết điều cần viết. Ngày nào còn tôn trọng Nông Nghiệp – Thiên Nhiên – Động vật… Thì mới có thể bền vững được. Trái đất này rỉ máu lắm rồi. Chứ không phải chỉ có sản phẩm, hàng hóa, làm giàu…/ Ai làm điều cảm thấy nên làm thì cứ làm. Âm thầm sẽ có ngày thành người. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ còn dài lắm. Tây Phương hóa, vật chất hóa… Giá trị tinh thần không bao giờ lớn lên được?. Tư tưởng cứ theo nhau mà lầm lạc. Rất chậm rất chậm mà lại không chấp nhận sự thật ấy. Để rồi hài lòng trong thế giới mà mình được tạo nên từ nó, nhưng không đáng trách chỉ đáng thương hơn mà thôi. Chừng nào tìm thấy cái giá trị, cái chân lý đích thực không phụ thuộc hạn chế vào bất cứ đối tượng, vấn đề nào. (vì khởi lên ý niệm với đối tượng cần đề cập thì đã bị nó giới hạn rùi).. Tất yếu sẽ tự thấy phải nên làm gì cho chính mình cho người. Chỉ có cái gốc đích thực mới thay đổi được cục diện!. => Còn không, thì mãi là vấn đề muôn thủa của loài người. Mãi mãi!.

  7. Đứng trên mặt vĩ mô, một nền kinh tế tốt phải dựa chủ yếu trên việc sản xuất hàng hóa. Trong đó có cả công nghiệp và nông nghiệp. Như bạn nói, nước ta có 70% dân số làm nông nghiệp. Như vậy còn lại 30% làm trong nông nghiệp và dịch vụ. Nếu nông nghiệp của chúng ta phát triển về mọi mặt, thì tất nhiên % số người làm nông nghiệp sẽ giảm, số còn lại một là thất nghiệp, hai là phải chuyển sang lĩnh vực khác. Như vậy, để nông nghiệp phát triển, thì các ngành kinh tế khác cũng phải phát triển một cách đồng bộ. Chứ ko thể chân cao chân thấp –> đi khập khiễng, không sớm thì muộn cũng sẽ vấp ngã.
    Về mặt vi mô, những ví dụ ban đầu của bạn đưa ra hầu như nếu ko muốn nói là tất cả thành công vì họ là những người đầu tiên. Ví dụ, nếu một người trồng được một loại mít đặc biệt, ông ta có thể giàu. Nhưng sau này, 5 năm, 10 năm hay lâu hơn, ai cũng trồng dc thì nó lại chả còn gì là đặc biệt.Tương tự như vậy với hoa quả trái vụ.
    Theo mình, để có thể phát triển được nông nghiệp, phải dựa trên hai thứ. Thứ nhất tìm ra công nghệ, kỹ thuật để giảm chi phí, giá thành nông sản. Thứ hai, tạo ra một thị trường ổn định để tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước.
    Bản thân mình cũng vừa tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ sinh học, và mình cũng đang học hỏi thêm để trở thành một nông dân.

    • Về mặt công nghệ thì mình nghĩ không khó lắm đâu. Bạn học ngành công nghệ sinh học chắc cũng biết một số viện sinh học của VN hoàn toàn đủ khả năng nhân giống dưới dạng nuôi cấy mô rồi. Chất lượng và giá thành khá ok.

      Cái khó nhất mình nghĩ đó là tìm thị trường và kênh phân phối, cái này ở VN phải tự lực cánh sinh vì rất khó tìm nguồn hỗ trợ từ các hiệp hội nông dân 🙁

      • Sao lại ko khó ? Công nghệ ko chỉ là sinh học thôi đâu bạn,nó là một hệ thống lớn vận hành kinh doanh nông nghiệp.
        Thanh Long VN rất ngon nhưng đang gặp khó khăn 2 lớn về công nghệ.
        -Công nghệ chiếu xạ diệt vi khuẩn theo tiêu chuẩn nhập khẩu của Mỹ,Châu Âu đòi hỏi,VN chỉ có 1 nhà máy chiếu xạ rất nhỏ,có thời gian máy móc bị hư thì phải xuất khẩu ThanhLong qua Thái Lan chiếu xạ rồi lại đem về,giá dội lên nhiều,doanh nghiệp đành chịu lỗ để giữ uy tín.
        -Công nghệ đông lạnh trên tàu biển sao cho giữ được chất lượng,cái này VN rất yếu,nếu thuê tàu nước khác thì giá sản phẩm lại tăng !
        -Chưa kể một số nước đòi hỏi gắt họ còn sang tận nơi xem trang trại có đủ tiêu chuẩn hay ko,có dùng lao động trẻ em hay ko,vô số tiêu chuẩn,..mà những điều này là nằm trong ngành khác,ko phải ngành nông nghiệp.

    • Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,… và phải nói rằng có tiềm năng rất lớn về nhiều mảng. Nhưng nó cũng như đa số các vấn đề khác hiện tại ở Việt Nam đó là khả năng quy hoạch và quản trị rất kém. Mình tin rằng nhiều người nhìn thấy ở Việt Nam rất nhiều tiềm năng để phát triển nhiều ngành nhưng lại chưa biết cách để khai thác nó một cách cụ thể.

  8. Không nói về tinh thần khởi nghiệp, mình lan man tý chuyện vĩ mô vì sao kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiện giờ không thời thượng.
    Mặc dù có lợi thế về đất đai và thổ nhưỡng, nhưng Việt Nam ta lại hạn chế về công nghệ và nhân lực ( 2 cái đóng vai trò quan trọng hơn). Lý do đầu tiên khiến cho ít doanh nhân Việt Nam đi theo lĩnh vực này, lý do thứ 2 khiến cho ít nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
    Theo như kinh nghiệm của bạn mình kinh doanh nuôi cá cảnh, 10 người nuôi, 8 người để cá chết trong lứa đầu tiên. Bản thân mình nuôi trong nhà, loại cá vàng khỏe mạnh,dễ nuôi mà còn để chết thì mình có thể hình dung được sẽ khó khăn đến thế nào nếu nhảy vào 1 lĩnh vực mà mình không có chuyên môn. Một điều tréo nghoe là hệ thống giáo dục thiếu định hướng từ nhỏ của nước ta khiến cho việc học sinh thông minh(thể hiện qua học lực) thường thi vào những trường thuộc các ngành còn lại khiến cho các ngành nông, lâm nghiệp thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực này. Mà những cái bạn tác giả kể ra để làm nghe đã biết là cực khó, những trường hợp kể trên đều 1 là có người chuyên gia mách cho hoặc là tự thân mình có kinh nghiệm, chuyên môn còn không thì lại lo khâu phân phối nhiều hơn là kỹ thuật.
    Cuối cùng là người viết bài không nên quên bầu Đức, bà Thái Hưng(TH true milk), Tập đoàn Massan … cũng không hẳn là ngành này bị bỏ quên mà chỉ là chúng ta không biết đến mấy thôi. Vì thời đại này phải chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình lên trang trại tập trung, vốn bé thì sẽ ít nghĩ đến chuyện đấy hơn.

  9. Đất nước VN muốn đi lên, nên đi lên từ nông nghiệp. Bỏ ruộng xây khu công nghiệp, một bước giải quyết tạm thời nhưng nguy hại.
    Mình cũng muốn lấy một cô vợ nông dân. Trích Sống mòn của Nam Cao:
    “Tình yêu của những người nhà quê quần nâu áo vải kia, sao mà bình tĩnh thế! Hình như chẳng bao giờ họ ghen tuông. Vợ họ có thể đi suốt ngày, đi một phần đêm, làm ở ngoài đồng chung đụng với người đàn ông khác, cười cợt, nói đùa, nói bỡn với đàn ông… họ chẳng thắc mắc một mảy may. Họ chửi vợ, đánh vợ luôn, nhưng rất ít khi vì chuyện ghen tuông. Hình như họ cho rằng sự chung tình là một sự dĩ nhiên, người đàn bà lấy họ thì chỉ nghĩ đến họ thôi, không bao giờ nghĩ đến một người nào khác. Không bao giờ họ phải băn khoăn vì yêu cả. Thứ phục những tâm hồn bình lặng và lành mạnh ấy. Họ chỉ ghen khi nào có chứng cớ để ghen. Có lẽ công việc đồng áng, không khí ở bên ngoài, cái cảm giác thoáng đãng và rộng rãi, có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Máu họ trong, não cân họ vững vàng. Họ không có cái lối nghĩ vẩn vơ, cái trí tưởng tượng của kẻ ngồi bàn giấy. Nghĩ như vậy, lắm lúc Thứ ngờ mình loạn óc chăng? Có lẽ đó là ảnh hưởng của nhiều tiểu thuyết tình, những tiểu thuyết phân tách tâm lý mà y đã đọc. Y đã đem pha trộn tiểu thuyết với đời và cho như đời chỉ toàn những tâm trạng lôi thôi, rắc rối. Một thứ Đông ky xuất yếu ớt và bạc nhược. Một tình lang tiểu thuyết, vừa loạn thần kinh vừa đau ngực! Lãng mạn ôi là lãng mạn”.
    Ồ, hóa ra tác giả lại là em à, Phi Tuyết! 😀

Trả lời Người Mang Nước Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI