19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thuyết Chính danh của Khổng Tử trong thế giới nhỏ của tôi

Featured Image: Richard Roper

 

Chính danh theo Khổng Tử đề xướng là một nguyên tắc cai trị xã hội, được hiểu là một vật thực tại cần phải phù hợp với cái danh của nó mang, có nghĩa là đảm bảo sự phù hợp giữa cái danh và cái thực. (Theo Giá Trị Của Thuyết Chính Danh trong Triết học Nho Gia – Trang 123doc.vn)

Khổng Tử là một triết gia lớn, ông bàn chuyện lớn, còn tôi, tôi chỉ muốn bàn về thuyết chính danh trong thế giới nhỏ của mình, thế giới của những cung bậc cảm xúc.

Trong nội dung của thuyết chính danh, câu đầu tiên có nói “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận.” Có thể thấy chữ  “danh” –  là tên gọi, vị trí hay địa vị của một ai đó (danh trong chức danh, danh nghĩa), và chữ “thuận” trong đồng thuận, chấp thuận… đều không phải là những khái niệm mà một người có thể tự định đoạt.

Tên, là cái mà bạn ĐƯỢC gọi, bạn có thể tự đặt cho mình một cái tên, nhưng nếu tên đó không được ai gọi thì cũng như nó không tồn tại. Một ai đó thích gọi bạn bằng một nickname nào đấy, không quan trọng bạn thích hay, không họ đã xem đó là TÊN của bạn. Còn về vị trí hay địa vị, không ai có thể tự phong cho mình một chức danh nào đó theo ý thích, muốn làm “ba” cũng phải có con gọi “ba”. Bạn phấn đấu để “leo lên” được ghế giám đốc, bạn không thể cứ tự “ngồi” vào, vẫn cần một ai đó – ngoài bạn – xác nhận, chấp thuận rằng bạn đã xứng đáng với vị trí đó.

“Ngôn” trong câu nói trên nghĩa là lời nói, cũng có nghĩa là hành động cử chỉ. Một khi ta không ở đúng vị trí của mình thì lời nói ra sẽ không được chấp nhận. Giống như khi bạn nghĩ mình là giám đốc, tất yếu bạn sẽ tự cho mình một số quyền hành tương ứng, và thể hiện ra hành động. Nhưng thực tế bạn chỉ là một nhân viên bình thường, thì rõ ràng là trong mắt người khác bạn đã cư xử thật lố bịch.

Mỗi người trong chúng ta đều là một cá thể độc lập, đều có những cá tính rất riêng, quan điểm rất riêng, và vì thế, những cung bậc tình cảm ở mỗi người đều có cách xác lập rất khác nhau.  Cũng giống như những level trong game vậy. Có game dễ và cũng có game khó. Có những game mà bạn sẽ rất nhanh lên level, nhưng cũng có những game mà việc vượt qua được một cửa ải rất ư là khó khăn, chính vì thế mà thang giá trị của mỗi level cũng sẽ rất khác nhau. Bạn đang ở level 10, nhưng không hẳn sẽ ngang bằng với level 10 trong game của người khác. Hay một ai đó ở level 30 chưa chắc đã hơn level 10 của bạn.

Vì thế, cũng đừng quá hoang mang khi có lúc nào đó một ai đó bảo rằng “sao mày cư xử kỳ cục vậy” trong khi mình vẫn đang rất là bình thường. Như khi bạn dành tình cảm thân thiết cho một ai đó, vốn dĩ bạn quan niệm rằng những người bạn sẽ đối xử với nhau như thế, nhưng người đó lại không có cùng quan niệm như vậy, họ sẽ xét thái độ của bạn theo thang đo của mình, lệch lạc đi nhiều, và thành ra cách hành xử của bạn sẽ trở nên vô cùng kỳ lạ và khác thường.

Như đã nói, “danh” không phải là cái mà bạn có thể tự đặt cho mình, cũng như bạn không thể tự nhiên xác lập vị trí của mình trong lòng người khác. Tôi muốn (hay tôi có thể) “đặt” bạn ở đâu, đó là chuyện của tôi, tất cả đều nằm ngoài mong muốn của bạn. Dĩ nhiên bạn cũng có quyền đặt tôi ở bất kỳ vị trí nào trong lòng bạn. Cùng là một chữ “bạn” thôi, nhưng khi hai vị trí đó không tương xứng, cùng một level nhưng trong hai game khác nhau, mâu thuẫn ắt sẽ xảy ra. Người thì sẽ trách: “Sao mày lại đối xử với tao tệ vậy?” người thì lại bảo rằng: “Tao đang cư xử rất là bình thường mà.” Sẽ có một người thấy buồn: “Vì sao bạn bè với nhau mà thờ ơ vậy?” còn người kia thì lại hoang mang: “Hình như “nó” đang làm hơi quá?”  Đó là khi bạn chưa thật sự hiểu vị trí của mình trong lòng người khác, và vì họ đặt bạn ở một vị trí khác với bạn nghĩ, nên trong mắt họ, bạn đã không “chính danh”, dĩ nhiên “ngôn bất thuận”.

Bất cứ điều gì cũng cần được đặt đúng vị trí của nó, “đảm bảo sự phù hợp giữa cái danh và cái thực”, như thế vật mới có giá trị. Cũng như khi bạn trao đi tình cảm của mình, cũng cần phải biết vị trí của mình đang ở đâu, để mà hành xử cho đúng. Không phải nói rằng bạn phải chọn lựa người xứng đáng mới yêu thương, bạn có quyền yêu thương bất kỳ ai với bất kỳ mức độ nào, nhưng nếu bạn không biết được chỗ đứng của mình, những điều tốt đẹp mà bạn muốn dành cho người khác đôi khi sẽ phản tác dụng. Cũng giống như cây xương rồng quen với điều kiện sống khô hạn, nó cần rất ít nước, vai trò của người chăm sóc sẽ rất hạn chế, bạn lại muốn tưới nước mỗi ngày, cây xương rồng đó rồi sẽ ra sao? Hay như cây hoa sứ kiểng, luôn cần được chăm bón, bắt sâu, bạn bỏ lơ đó một thời gian dài, rồi quay lại, cái cây đó đã thành thế nào? Tình cảm trao không đúng chỗ, bạn sẽ là người bị tổn thương. Tình cảm trao đi không đúng cách, bạn sẽ gây phiền cho người khác, và có thể ngoài bạn ra lại có thêm một người khác bị tổn thương.

Điều quan trọng nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào, theo tôi, đó là sự thấu hiểu. Cần phải thấu hiểu nhau để biết được đối phương cần gì, muốn gì, để biết ta có thể làm được những gì. Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải thay đổi bản thân để có thể ứng xử phù hợp với vị trí mà người ta đã gán cho mình, hay ép lòng mình cố gắng hành động như cách mà người ta mong đợi. Miễn cưỡng không có hạnh phúc. Ai cũng có quyền lựa chọn. Và sự cảm thông sẽ được dành cho giai đoạn này, khi mà vị trí của hai người trong lòng nhau không có sự tương xứng, bạn hiểu được rằng vì sao đối phương lại có những kiểu hành xử (mà ta cho rằng không phù hợp) như thế, và bạn có thể lựa chọn giữa “vượt qua” để có thể cùng nhau bước tiếp hay “bỏ qua” mối quan hệ không còn phù hợp này.

“Một vật thực tại cần phải phù hợp với cái danh mà nó mang”, một khi tình cảm đã không còn giữ được bản chất như nó lúc ban đầu, thì cần thiết phải cho nó một cái tên mới, để có thể có cách ứng xử cho phù hợp. Ban đầu là yêu, bây giờ là gì? Ban đầu là bạn, không thể giữ được tình bạn nữa thì nên gọi nó là gì? Mọi cố gắng chối bỏ hay lừa dối (dối mình và dối người) không sớm thì muộn đều sẽ dẫn đến những trạng thái tiêu cực. Bạn đã có quyền lựa chọn vậy thì tại sao lại không chọn cho mình một cách sống tích cực, đúng không? Hãy cứ sống thật với lòng mình, cư xử một cách “chính danh” và quan trọng là xác định được “danh chính”  của mình.

 

Little WormBed

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

8 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI