16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sách và con người. Kẻ ở người đi

Tôi thích sách và tôi thích con người

Có lẽ đó là hai thứ trên đời thực sự kỳ thú đến mức có thể tạo ra khoái cảm vô cùng đối với tôi. Có thể vì hai thứ đó phản ánh lẫn nhau, soi lên nhau những sự thật và dối trá, hân hoan hay khổ đau. Cũng có thể vì sự tương đồng và mâu thuẫn giữa chúng vào mỗi lần tôi nhìn một người bước ra khỏi cuộc đời mình, bởi tôi luôn cho rằng một chương cuộc đời tôi vừa kết thúc hoặc giống hệt hoặc trái ngược hẳn với câu chuyện nào đó tôi đã đọc.

Không phải mỗi cuộc đời con người đều là một câu chuyện sao?

Về chuyện đọc thì thực ra tôi có thói quen đọc sách không tốt lắm. Phải nói là bảo thủ và ít thay đổi. Đặc biệt là chưa bao giờ đọc “Đắc Nhân Tâm” “abc cách để làm giàu” “xyz cách để hoàn thiện bản thân”. Về chuyện đó, tôi thích lặng lẽ (một cách thích thú) thẩm thấu từ những người xung quanh mình. Giống một cái phin pha cà phê vậy. Mỗi ngày, tôi tưởng tượng mình sẽ được đặt trên một mặt phẳng nào đó với ai đó trong thành phố triệu dân này và chắt lọc qua chiếc phin nóng ấm những điều dù cho bình dị hay kỳ lạ của những con người đang vây xung quanh.

Có thể là một quán cà phê sang trọng với một người đàn ông trung niên phong độ quắp tay vào cô nàng chỏm chọe bên cạnh. Toan tính. Có thể là một góc khuất sau những cây cột nhà đan ken cố ý với một cô gái trong áo phông quần bò, tay ôm khư khư quyển sách báu vật. Suy tư. Cũng có thể chỉ là một cái bàn con con nơi góc phố ồn ào với bác xe ôm đầu điểm bạc, hơi thuốc hắc nồng mà thân thuộc. Bình yên. Tình yêu dành cho mỗi cá thể, mỗi cá tính khiến tôi tò mò mỗi ngày. Cũng như với mỗi con chữ. “Đừng để chúng lướt đi. Giữ chúng lại.” – Tôi tự nhủ.

Tôi cũng ít thay đổi tác giả ưa thích. Quanh đi quẩn lại chỉ có vài tác giả hay đọc và chờ đợi tác phẩm mới của họ xuất bản. Còn không, tôi sẽ đọc lại những gì tôi đã từng đọc. Nghiền ngẫm lại. Trải nghiệm một cuốn sách cũ trong một tâm thế mới. Ở tuổi 24 sắp 25, không thể nào Rừng Na Uy có thể mãi mãi buồn thảm như ngày 15 tuổi… Cho dù tôi tiếc biết mấy những cái sự buồn thấm thía mộng mơ như thế. Mỗi thay đổi trong tôi là một lần cuốn sách trở nên mới. Mỗi trưởng thành nơi con tim và khối óc là một lần tôi nhìn lại những con người đã đặt dấu ấn trong đời mình bằng một lăng kính khác biệt. Và hạnh phúc thay, lăng kính ấy ngày một trong sáng.

Và đặc biệt là tôi ít thay đổi cách mua sách. Hoạ hoằn bốc chọn một quyển sách với tên tác giả lạ hoắc là lại phải google, tìm phản hồi từ vài trang uy tín, tìm tên và thông tin dịch giả, nhà xuất bản, lật giở vài trang ngẫu nhiên ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Nếu chỉ cần bắt ra một lỗi chính tả, quyển sách đó, chắc chắn tôi không mua.

Ngôn từ là một thứ cần được trau chuốt và sử dụng đầy cẩn trọng. Tôi luôn nghĩ vậy.

Có những quyển sách gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ từ bìa sách nhưng khi lật giở ra chỉ vài dòng đầu tiên là đặt xuống. Cảm thấy tiếc nuối một cái bìa đẹp. Có thể là tôi bảo thủ, có thể quyển sách đó, nếu cố gắng vượt qua ấn tượng ban đầu, cái kết sẽ làm tôi ngạc nhiên. Nhưng như các cụ vẫn bảo: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.” Việc duy nhất tôi có thể làm cho những cuốn sách có cái kết đẹp mà lặn sâu tận cuối là nhìn ngưỡng mộ từ xa. Và rời sang kệ sách khác.

Có những quyển sách gây ấn tượng bởi những chương đầu tiên. Với ngôn từ táo bạo và tư tưởng độc đáo. Thế mà để lại một cái kết làm người ta thấy tiếc cho một nửa đầu tiên đã đọc. Những quyển sách mang tính lý tưởng. Những quyển sách được tôi xếp vào dạng không-thương-lại-được. Nghĩa là sẽ đọc một lần và xếp gọn lên giá thôi. Không đọc lại. Bởi tôi biết có những quyển sách cho dù đọc bao nhiêu lần, bạn cũng không thể “cảm” thêm được bất cứ điều gì nữa. Bởi nó đã cạn kiệt rồi.

Lại có loại sách làm người ta choáng ngợp từ đầu đến cuối. Mê mẩn. Mải miết không ngừng. Bao nhiêu đam mê dồn hết lại trong vài đêm chỉ để tham lam nghiến ngấu cho bằng sạch sẽ những huyền hoặc, bí ẩn của từng câu chữ. Những lớp lang chồng chất đầy ngập như lũ bão cuốn phăng mọi suy nghĩ khác. Lúc đó, suy nghĩ của tôi không còn quan trọng nữa. Lúc đó phải đắm mình vào cái sợi chỉ đỏ xuyên dọc câu chữ trên từng trang giấy ấy. Những quyển sách mà khi quyết định đọc cần thật nhiều dũng khí bởi tôi biết nó đang hét vào mặt tôi rằng: “Thử ta xem! Những điều ngươi nghĩ chẳng là cái thá gì, chẳng có ý nghĩa quái gì!” Và khi gấp sách lại, mệt nhoài. Hưng phấn nhưng mệt nhoài. Những quyển sách như vậy, chỉ lâu lâu mới có một lần, lâu lâu mới dám đọc một lần…

Còn con người, chẳng cần phân chia, bước đến hay đi, cảm xúc cũng như sách, khi mở trang đầu tiên hay khi đóng trang cuối cùng, hợp rồi tan, hân hoan rồi tiếc nuối.

Chỉ là sách trung thành hơn. Ở lại cho tới khi cả tôi mục ruỗng, sách vẫn mềm trên tay…

Tác giả: Tương Nhi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Mình rất thích bài viết của bạn. Không biết bạn có viết review cho những quyển sách khiến bạn “mê mẩn” không, nếu bạn có viết ở đâu đó, xin gửi cho mình địa chỉ nhé, mình rất muốn đọc. Hoặc bạn giới thiệu cho mình vài cuốn nhé. Thanks.

  2. Trải nghiệm 1 cuốn sách cũ trong 1 tâm thế mới… Muốn vậy phải thay đổi rất nhiều, đọc nhiều hơn những thứ có liên quan để có đủ kiến thức lĩnh hội được hết những gì đã nêu trong cuốn sách cũ. Có những cuốn sách mới đầu đọc rất chán, nhưng vài năm sau đọc lại lần nữa mới thấy nó thật sự thú vị. Cuốn sách đó về bản chất nó không gây nhàm chán mà tại người đọc chưa đủ trình độ để lĩnh hội hết được nó mà thôi.

Trả lời zero Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI