18.7 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những nỗi đau không được quên

Featured Image: Reuter/Scanpix

 

Không có bất kỳ một lời xin lỗi nào, thay vào đó là việc đùn đẩy quả bóng trách nhiệm lẫn nhau của những vị nguyên thủ các quốc gia có liên quan, ít nhất đây là những gì xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho tới thời điểm này. Tôi nghĩ chúng ta nên gọi đây là “thảm họa mang tên con người” thay cho cụm từ “thảm họa hàng không” đang được sử dụng một cách lố bịch và tràn lan hiện nay. Thảm kịch máy bay MH17 của hãng hàng không quốc gia Malaysia (Malaysia Airlines) bị bắn rơi tại vùng Donetsk miền Đông Ukraina lại một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên cho những ai đó còn đang mơ hồ về cái được gọi là chiến tranh, một sự khốc liệt đến tàn nhẫn giữa hai làn đạn.

Rồi tiếp sau đây sẽ vẫn là các cuộc điều tra đi tìm căn nguyên sự việc, nhưng rồi tất cả những chuyện này sẽ đi đến đâu khi nỗi buồn đã bao phủ lấy cuộc sống vốn đang yên ấm của gia đình những con người xấu số trên chuyến bay định mệnh. Những ngôi nhà đang sum vầy trong yên vui đầm ấm bỗng chốc trở thành sự tang thương, khốn khổ. Tất cả họ đã phải nằm lại vùng chiến sự, ngay giữa bầu trời Châu Âu. Các cuộc điều tra dù có đưa ra kết quả bên nào chịu trách nhiệm, một học thuyết hay một âm mưu quân sự nào đó có bị phanh phui thì diễn biến tiếp theo sau đó, sẽ là gì? Tôi không cần phải là một nhà kinh tế học vĩ mô cũng chẳng cần phải là một nhà nghiên cứu quân sự hay một nhà xã hội học cũng có thể thừa hiểu rằng sẽ vẫn là những tiếng súng đạn giữa các bên đối đầu, sẽ vẫn là những lệnh trừng phạt kinh tế, những lệnh cấm vận nhằm trả đũa lẫn nhau.

Dù đó là bất cứ điều gì thì ai sẽ là người gánh chịu trực tiếp những kết cục này nếu không phải chính những người dân ở các quốc gia có liên quan? Đây vẫn được gọi là cuộc sống khi ta đi giữa một thế giới của những tham lam, của những mưu mô đầy toan tính, sự đố kỵ và hiếu thắng, sự mong muốn gây ảnh hưởng lẫn nhau cả về chính trị cũng như kinh tế đang giết chết những con người vô tội trong cái thế giới đó. Khi mà tất cả đều không có một tiếng nói chung, khi mà có quá nhiều những tiếng ồn ào đang lấn át thì luôn dẫn đến một sự im lặng vĩnh hằng mang tên số phận, và lần này số phận đã gọi tên những con người hoàn toàn vô tội, nỗi buồn chiến tranh đã viết nên câu chuyện của riêng nó với 298 nụ cười đã mãi không còn xuất hiện lại trên môi.

Chiến tranh tôi đọc được ở đâu đó rằng đâu phải là bắt nguồn từ người lính trên chiến trường, chiến tranh đâu phải bắt nguồn từ những tiếng thét đầy chết chóc nơi chiến trận, chiến tranh đâu phải đơn giản bắt nguồn từ việc ai đó cướp cò khẩu súng trên tay. Chiến tranh xuất hiện ngay giữa thời bình, nó lớn dần lên khi các quốc gia còn đang mải mê chạy đua với nhau về vũ trang, kinh tế, về tạo dựng tiềm lực, về kết giao cùng những bạn bè có uy thế năm châu, về các cuộc đối đầu sắc tộc không có hồi kết. Bình yên nào cho những tháng năm thời hậu chiến?

Sinh mạng của ba mẹ con gia đình người Việt, sinh mạng của một gia đình nữ diễn viên người Malaysia, sinh mạng của những thành viên phi hành đoàn trên chiếc Boeing 777 số hiệu MH17, sinh mạng của vận động viên người Hà Lan từng vô địch chèo thuyền giải trẻ thế giới, sinh mạng của những chuyên gia tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay cụ thể hơn đó là sinh mạng của Giáo sư Joep Lange, nhà nghiên cứu hàng đầu với hơn 30 năm cuộc đời cống hiến nhằm góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ cho nhân loại đang trên đường đến tham dự hội thảo về AIDS tại thành phố Melbourne, Australia. Tất cả đều là những sinh mạng vô tội.

Tôi được biết đến ý nghĩa lá cờ 3 màu của Cộng hoà nhân dân Donetsk. Màu đen thể hiện cho đất đai màu mỡ của miền Nam, nơi mỏ than Donbass rộng lớn; màu lam là màu của tinh thần nhân dân vùng biển Azov và biển Đen; màu đỏ là sự đổ máu cho cuộc đấu tranh vì tự do của Donetsk. Và ngày hôm nay, tôi chỉ thấy duy nhất một màu đỏ thẫm, màu máu của những con người vô tội đã nằm lại vĩnh viễn tại mảnh đất này. Tôi thực sự xót xa cho tất cả họ, dù chỉ là một con người bình thường hay có là một vị giáo sư đáng kính họ vẫn cùng phải trả một cái giá quá đắt.

Sẽ còn biết bao lần nữa khi người thân của những con người vô tội phải khóc thêm trước những sự ra đi đầy oan nghiệt thế này. Rồi chúng ta cũng như thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải mất thêm bao nhiêu những giọt nước mắt để quên đi được bài học đắng cay của họng súng chiến tranh. Và nếu không phải là những con người vô tội trên chuyến bay định mệnh thì nỗi buồn cũng nào có khác nhau, những mất mát người thân nào có khác nhau của những gia đình nơi hai đầu chiến tuyến. Tôi luôn nghĩ có những nỗi đau phải không được phép quên, xin đừng an ủi họ, xin đừng an ủi những quốc gia mất đi những công dân của mình, đừng nói với những gia đình, những mái nhà bỗng mất đi người thân yêu những lời sáo rỗng rằng cần phải quên nỗi đau này để hướng tới một tương lai nào đó tốt đẹp hơn. Hãy thôi đi.

Thay cho những lời an ủi đó ta hãy nhớ tới nỗi đau của ngày hôm nay, hãy hành động ngay khi còn có thể vì một tương lai mà ở đó chiến tranh là hai từ luôn đem lại nỗi khiếp sợ cho con người mỗi khi ai đó chẳng may nhắc đến nó, hãy hành động vì một tương lai mà ở đấy tiếng súng vô tình nổ ra đâu đó trên cái hành tinh này là một điều kinh hoàng và xa xỉ. Bởi chúng ta, mỗi con cháu chúng ta cần khẳng định một cuộc sống mà chúng ta phải được sống.

 

Nguyễn Trần Chung

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

  1. Bản chất của mọi sự vật đều các mặt đối lập, đấu tranh để phát triển, điều đó xảy ra trong mọi hình thái cả vật chất lẫn tinh thần. Có 1 quốc gia trên thế giới này chọn phương pháp cách ly hoàn toàn với thế giới để xây dựng mô hình mà ở đó ai cũng phải giống ai, không có chiến tranh, xung đột, bạn hiểu tôi muốn nói tới quốc gia nào đó rồi chứ, liệu có ai trong chúng ta thích bị như vậy không, chắc là không, chẳng ai muốn giống tất cả những người khác vì bản chất của con người đã là khác nhau rồi, khác nhau, đối lập thì phải có mâu thuẫn. Vậy nên, chúng ta buộc phải chấp nhận những nỗi đau như vậy vì đó là cuộc sống, chúng ta có thể không muốn, nhưng lại có những con người rất muốn điều đó xảy ra, và họ đủ khả năng làm điều đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI