15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những nỗi thất vọng vừa phải

Featured Image: Charmaine Olivia

 

Thế nào là “vừa phải”? Thật khó để định lượng cái từ “vừa phải”, nhất là khi đem nó ra làm đơn vị đo cho một thứ vô hình như nỗi thất vọng. Nó làm tôi nhớ đến từ “bình thường”. Bình thường là một từ không bình thường tí nào vì biết thế nào là bình thường? Kiểu như:”Dạo này tớ cũng bình thường.” “Mẹ muốn con là người bình thường,” hay “Anh ta sinh ra trong một gia đình bình thường.” Bỏ qua những định nghĩa mông lung của câu chữ đi vậy. Không định nghĩa được từ “vừa phải” là một nỗi thất vọng với tôi khi viết bài này. Nhưng thôi, nó chỉ nên là một nỗi thất vọng vừa phải. Cái “vừa phải” là giới hạn khác nhau mà mỗi người có khả năng chấp nhận được.

Khi chúng ta lớn lên, có những nỗi thất vọng cũng lớn cùng. Nó lặng lẽ đi bên đời ta như một điều gì rất thực của cuộc sống này vốn thế.

Có thể khi nhỏ, cái khoảng trắng trong vở nháp là góc trời nhỏ của bạn, bạn múa bút vẽ đủ thứ trên đời, bạn thích thú khi tạo ra ngôn ngữ riêng để thể hiện cảm xúc mà đứa khác chẳng thể nào hiểu được. Nhưng rồi bạn nhận ra mình sẽ chẳng thể trở thành họa sĩ như bạn nghĩ được đâu, nhất là một họa sĩ có tranh treo trong bảo tàng nào đó trước khi thời gian và cơm áo gạo tiền phủ rêu lên ước mơ của bạn.

Có thể lúc xem phim lãng mạn, bạn sẽ nghĩ trên đời này có một đứa đang trốn đâu đó đợi mình, cái đứa đấy có tên khoa học là một nửa của mình, rồi bạn sẽ lục tung cả trái đất tìm nó. Và thế là trái đất xinh đẹp này có thêm một câu chuyện mới, có hai nhân vật chính. Hoặc là hiện tại nó có đang trót yêu đứa nào thì sớm hay muộn chúng nó cũng chia tay, ném những lời thề non hẹn biển vào thùng rác và bạn đang từ tuyến nhân vật quần chúng trong bộ phim của nó sẽ trở thành nhân vật chính. Nhưng mọi thứ có đơn giản thế không?

Sự thật là bạn sẽ gặp thật nhiều người. Bạn sẽ có thêm những khoảng trống không thể lấp đầy. Có thể nó không hẳn là nỗi đau hay cái gì rõ ràng, nó là một nỗi thất vọng mơ hồ lửng lơ bay trong bầu trời riêng của bạn mà thôi. Ví như ta chẳng thể đáp lại cảm tình của ai đó yêu mến ta. Với tôi, điều đó thật buồn, vì tôi đã trở thành nỗi buồn của ai đó, nhưng lại không thể làm khác. Dùng ai đó để lấp đầy khoảng trống chỉ tạo ra thêm những khoảng trống không thể lấp đầy.

Tôi không muốn đem ai ra làm thùng rác cho tuổi thanh xuân của mình chỉ để tôi vô cớ vu vơ ném những nỗi buồn, bực dọc vào đó. Cô giáo tôi nói ai cũng là một đỉnh trong cái tam giác tình yêu nào đó. Một tam giác thì có ba đỉnh, kiểu A thích B còn B thích C vậy. Thậm chí thì tôi nghĩ cuộc sống có cả những tứ giác, ngũ giác, lục giác tình yêu nữa cơ, khiến tất cả chúng ta đều thành… tê giác – các giác quan tê liệt – nếu bạn đã từng thích ai và bỏ đi ít nhất một lần trong đời, kể cả đó là thứ tình cảm ấu trĩ trẻ con nhất.

Hôm nay tôi ngồi trên xe bus cạnh một em gái vừa đi thi đại học xong môn Văn. Những đề bài, dàn ý, giấy trắng mực xanh, tôi cũng đã từng là cô cậu học sinh mà cả bầu trời là trang vở, đã từng học sống chết để vào đại học, và giờ, khi đã vào đại học thì sống chết muốn ra. Lúc 18 tuổi, tôi quá nhỏ so với một quyết định lớn. Học cái gì là một quyết định lớn. Trang vở quá nhỏ so với trang đời. Tôi đã không thích trường đại học của mình. Nhưng tôi đã nghĩ nếu tôi không vào đại học thì tôi sẽ không bao giờ biết là tôi không thích nó. Nó giống như bạn ăn một món mới vậy, làm sao mà bạn biết bạn có thích nó hay không khi chưa nếm thử?

Ngày bé, người lớn nói với bạn là ớt cay, bạn chẳng hiểu từ “cay” là gì cho tới khi ăn ớt và khóc thét. Chúng ta học qua trải nghiệm, hình ảnh và những tác động tâm lý, vật lý, bản thân từ ngữ không giúp chúng ta hình dung cái gì cả. Và tôi nghĩ tất cả mọi người đều sẽ học đại học, muốn học đại học, cho dù có bao nhiêu khủng hoảng được tiên liệu trước, và cũng chỉ có bằng cách đó, bằng trải nghiệm, chúng ta mới hiểu là mình có cần và thích học đại học hay không.

Khi còn học cấp 3, tôi đã nghĩ về Hà Nội và đại học không khác gì An và Liên mơ về đoàn tàu trong Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam. 17 tuổi, tôi nghĩ rằng khi mình vào đại học, mình có thể thay đổi thế giới không chừng, hoặc là một phần thế giới nào đó sẽ vì có một đứa đang hừng hực khí thế lao vào đời mà trước tiên là lao vào cổng trường đại học sẽ thay đổi một chút đỉnh nào chăng. Tôi nghĩ mình sẽ tự do. Tôi nghĩ mình sẽ cống hiến. Tôi nghĩ đời mình hẳn sẽ sang một trang mới. Tôi nghĩ trường top nghe thật oai, ngành hot sẽ có tương lai chăng. Không có ngành nào hot mãi mãi, không có ngành nào dễ kiếm việc cho những người không giỏi. Ngành hot là một con đường dễ đi? Có con đường nào lại dễ đi với người không muốn đi, đúng không? Nhầm rồi tôi ơi, mày chỉ là một miếng ghép không vừa vặn chỉ vì cố gọt bản thân theo đám đông.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Tôi nhận lỗi. Tôi đã chìm quá lâu trong thất vọng. Cô Trang Hạ trong một talkshow có nói: “Đừng vội đặt tên cho những xúc cảm trong mình là đam mê.” Cũng đúng. Đam mê là từ gì nặng lòng lắm. Mỗi chúng ta có một câu chuyện, chẳng ai giống ai. Không phải tất cả mọi người đều tìm ra đam mê và theo đuổi nó lúc họ 18 tuổi, có thể muộn hơn, có thể sớm hơn. Tôi thích viết, tôi quay lưng lại với trường đại học và đặt tên cho viết là đam mê. Tôi chưa tạo ra cái gì nổi bật, cũng chẳng kiếm đươc đồng nào bằng mấy dòng chữ, và tôi đã trót quay lưng với trường đại học rồi – một nơi toàn những con số và không dành cho tôi. Nỗi lo lắng đang lớn nhanh hơn cả tôi đến mức tôi đã cảm nhân thấy những cơn đau cơ học bất thường chứ không còn là đau lòng nữa. Tôi chán ăn, mất ngủ và vùng vẫy trong chính suy nghĩ của mình.

Cô Trang Hạ nói: “Đừng vì đam mê mà coi thường những gì bạn đang có.” Tôi đang coi thường sức khỏe, tuổi trẻ và niềm vui sống của mình, tôi hủy hoại chính mình và cứu chính mình và rồi lại hủy hoại. Thật đáng thương. Tôi nhìn mình trong gương. Bao lâu không đi thả diều và ngắm trời, bao lâu tôi không đi dạo phố và mua sách, bao lâu tôi không tập thể dục, bao lâu tôi không sống một ngày vô lo trong chính hiện tại này. Giây phút ấy, tôi cho phép được vứt tạm đam mê vào một xó, không đáng để mất nhiều thứ như vậy, nhất là khi tôi đang hai mươi tuổi. Bạn tôi nói khi nào đạt được điều gì đấy, cô ấy sẽ sống vui vẻ. Biết bao giờ tôi mới đạt được cái “gì đấy” để mà đợi đây, đó là một đợi chờ hết sức vô lý và vô vọng, vì đến khi có nó rồi bạn chắc chắn sẽ muốn thứ khác. Ngay bây giờ, tôi xứng đáng được vui vẻ và bình an, không cần biết tôi còn cách ước mơ của mình bao xa.

Ai đó đã nói: “Ước mơ chỉ cần đủ lớn để bạn lớn lên trong đó.” Ước mơ được mặc định là những điều lớn lao. Không làm vĩ nhân, ngôi sao, hay trở thành triệu phú, tỷ phú thì không đáng sống và không được coi là không có ước mơ sao? Không phải thế. Tôi chỉ nghĩ việc khiến cho bạn có niềm vui sống, đó chính là điều đáng mơ ước. Nó thậm chí không cần sự công nhận của thế giới là bạn có một ước mơ để cuộc đời đáng sống.

Tôi vừa nghĩ ra một câu thần chú: “Đó không phải là tất cả cuộc sống của tôi.” Tôi sẽ thực hành nó như thế này. Viết lách không được đăng báo ư? Ừ viết không phải là tất cả cuộc sống của mình mà, có lẽ mình nên đi học yoga vì mình muốn khỏe. Xích mích với mẹ hay với bạn ư? Ừ họ không phải là tất cả cuộc sống của mình, có lẽ mình nên đi mua một cuốn sách mới. Học sinh lớp dạy thêm làm mình phiền lòng ư? Ừ công việc làm thêm không phải là tất cả cuộc sống của mình, có lẽ mình nên hỏi thăm một đứa bạn cũ và hỏi xem nó có ổn hơn sau lần cuối mình gặp nó không. Độc thân ư? Ừ tình yêu không phải là tất cả cuộc sống của mình, mình nên giải quyết các vấn đề của bản thân trước… “Cho tất cả trứng vào một rổ” vốn chẳng phải là một nguyên tắc đầu tư an toàn, không có cái gì là tất cả cuộc sống của tôi cả. Cuộc sống của tôi là tập hợp tất cả những điều như thế.

Không cần là họa sĩ, bạn cũng cứ tự do mà vẽ. Không cần là nhà văn, bạn cũng cứ viết đi. Không cần là ca sĩ, bạn vẫn cứ hát cơ mà. Những danh từ dễ gây tổn thương. Danh từ gắn với đam mê đã được gọi tên, và khi bạn còn trẻ, thật khó để lắp vừa vặn bản thân với những danh xưng như vậy. Thế thì tại sao phải làm đau mình? Bạn chỉ cần thêm những động từ để đời mình thêm thú vị, kiểu như: “Tôi là người thích vẽ thích viết thích hát, vậy thôi.”

Cho dù tôi thích viết, tôi cũng thích nhiều thứ khác. Có thể tôi sẽ không bao giờ là nhà văn. Ai đó nói nhà văn phải viết tiểu thuyết chứ. Một thứ thật đồ sộ. Chẳng nói trước được cái gì, tôi không thể đặt mục tiêu đến năm bao nhiêu mình phải có bao nhiêu trải nghiệm và phải viết tiểu thuyết. Nghe thật điên rồ. Nói tôi không có mục tiêu cũng được, tôi chỉ không muốn cố chấp ép khuôn chính mình. Tôi có những thất vọng vừa phải trong cuộc sống. Năm nay tôi hai mươi. Và hôm nay, tôi chỉ là người thích viết vậy thôi.

 

Trang Xtd

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết này của mình đăng chưa đầy đủ 🙁 Vẫn còn đoạn cuối 🙁 Admin làm ơn xem xét lại 🙁 Dành cho những bạn đã ghé thăm bài viết này của mình, đây là đoạn cuối còn thiếu ạ 🙁

    ” Cô Trang Hạ nói đừng vì đam mê mà coi thường những gì bạn đang có. Tôi đang
    coi thường sức khỏe, tuổi trẻ và niềm vui sống của mình, tôi hủy hoại chính
    mình và cứu chính mình và rồi lại hủy hoại. Thật đáng thương. Tôi nhìn mình
    trong gương. Bao lâu không đi thả diều và ngắm trời, bao lâu tôi không đi dạo
    phố và mua sách, bao lâu tôi không tập thể dục, bao lâu tôi không sống một ngày
    vô lo trong chính hiện tại này. Giây phút ấy, tôi cho phép được vứt tạm đam mê
    vào một xó, không đáng để mất nhiều thứ như vậy, nhất là khi tôi đang hai mươi
    tuổi. Bạn tôi nói khi nào đạt được điều gì đấy, cô ấy sẽ sống vui vẻ. Biết bao
    giờ tôi mới đạt được cái « gì đấy » để mà đợi đây, đó là một đợi chờ
    hết sức vô lí và vô vọng, vì đến khi có nó rồi bạn chắc chắn sẽ muốn thứ khác.
    Ngay bây giờ, tôi xứng đáng được vui vẻ và bình an, không cần biết tôi còn cách
    ước mơ của mình bao xa.

    Ai đó đã nói : « Ước mơ chỉ cần đủ lớn để bạn lớn lên trong
    đó ». Ước mơ được mặc định là những điều lớn lao. Không làm vĩ nhân, ngôi
    sao, hay trở thành triệu phú, tỉ phú thì không đáng sống và không được coi là
    không có ước mơ sao ? Không phải thế. Tôi chỉ nghĩ việc khiến cho bạn có
    niềm vui sống, đó chính là điều đáng mơ ước. Nó thậm chí không cần sự công nhận
    của thế giới là bạn có một ước mơ để cuộc đời đáng sống.

    Tôi vừa nghĩ ra một câu thần chú : « Đó không phải là tất cả cuộc
    sống của tôi ». Tôi sẽ thực hành nó như thế này. Viết lách không được đăng
    báo ư ? Ừ viết không phải là tất cả cuộc sống của mình mà, có lẽ mình nên
    đi học yoga vì mình muốn khỏe. Xích mích với mẹ hay với bạn ư ? Ừ họ không
    phải là tất cả cuộc sống của mình, có lẽ mình nên đi mua một cuốn sách mới. Học
    sinh lớp dạy thêm làm mình phiền lòng ư ? Ừ công việc làm thêm không phải
    là tất cả cuộc sống của mình, có lẽ mình nên hỏi thăm một đứa bạn cũ và hỏi xem
    nó có ổn hơn sau lần cuối mình gặp nó không. Độc thân ư ? Ừ tình yêu không
    phải là tất cả cuộc sống của mình, mình nên giải quyết các vấn đề của bản thân
    trước… « Cho tất cả trứng vào một rổ » vốn chẳng phải là một
    nguyên tắc đầu tư an toàn, không có cái gì là tất cả cuộc sống của tôi cả. Cuộc
    sống của tôi là tập hợp tất cả những điều như thế.

    Không cần là họa sĩ, bạn cũng cứ tự do mà vẽ. Không cần là nhà văn, bạn
    cũng cứ viết đi. Không cần là ca sĩ, bạn vẫn cứ hát cơ mà. Những danh từ dễ gây
    tổn thương. Danh từ gắn với đam mê đã được gọi tên, và khi bạn còn trẻ, thật
    khó để lắp vừa vặn bản thân với những danh xưng như vậy. Thế thì tại sao phải
    làm đau mình ? Bạn chỉ cần thêm những động từ để đời mình thêm thú vị, kiểu
    như « Tôi là người thích vẽ thích viết thích hát, vậy thôi »

    Cho dù tôi thích viết, tôi cũng thích nhiều thứ khác. Có thể tôi sẽ không
    bao giờ là nhà văn. Ai đó nói nhà văn phải viết tiểu thuyết chứ. Một thứ thật đồ
    sộ. Chẳng nói trước được cái gì, tôi không thể đặt mục tiêu đến năm bao nhiêu
    mình phải có bao nhiêu trải nghiệm và phải viết tiểu thuyết. Nghe thật điên rồ.
    Nói tôi không có mục tiêu cũng được, tôi chỉ không muốn cố chấp ép khuôn chính
    mình. Tôi có những thất vọng vừa phải trong cuộc sống. Năm nay tôi hai mươi. Và
    hôm nay, tôi chỉ là người thích viết vậy thôi.”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI