16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đọc sách

Featured Image: Daniel

 

Một trong những đam mê lớn nhất trong đời của tôi là đọc. Hầu như toàn bộ thời gian trong ngày của tôi, lúc nhỏ, ngoài việc học, là đọc; lớn lên, ngoài việc đi dạy để kiếm sống, và sau đó, viết lách, cũng dành cho việc đọc. Đọc, với tôi, là một lạc thú không thể thay thế được.

Hồi nhỏ, tôi đọc tất cả những gì tôi có; lớn lên, tôi đọc những gì tôi thích; sau này, khi tôi viết nhiều, hầu như tôi chỉ đọc những gì mình cần. Đọc cái mình có là cái thú của người thưởng ngoạn nhưng nghèo; đọc cái mình thích là cái thú của người thưởng ngoạn khá dư dật; còn đọc những thứ mình cần là cái thú của người nghiên cứu, ở đó, lạc thú có khi không nằm ở việc đọc mà nằm chủ yếu ở việc viết, ở việc chuyển hoá cái của người khác thành cái của mình; một thứ lạc thú khá thực dụng. Đọc như một người thưởng ngoạn là phiêu du vào một thế giới khác, ở đó, người ta tự đánh mất mình bao nhiêu thì càng thích thú và càng trở thành giàu có bấy nhiêu; đọc như một nhà nghiên cứu là tham gia vào một cuộc thu hoạch và biến chế, ở đó, càng tiếp nhận và tiêu hoá được bao nhiêu người ta càng sung sướng và trở thành giàu có bấy nhiêu.

Hồi nhỏ, tôi thích tất cả những cuốn sách nào thỏa mãn được sự tò mò của mình; lớn lên, tôi thích những cuốn sách gợi cho tôi cảm giác đồng điệu; sau này, tôi thích những cuốn sách mang lại cho tôi những gì thật mới mẻ, hơn nữa, tôi đặc biệt say mê những cuốn sách xuất hiện dưới mắt như một đối thủ hạ gục tôi ngay tức khắc: Đọc, thoạt đầu, tôi có cảm giác không hiểu gì cả; sau, nhận thức được là mình chưa hoặc không bao giờ viết được như vậy. Cảm giác thua trận, trong việc đọc, vừa có một chút buồn rầu lại vừa có chút ngây ngất khi ngước nhìn lên những đỉnh núi thật hùng vĩ và cao tít tắp, lúc ấy, gần như toàn bộ niềm vui đều nằm ở chỗ: cố trèo lên đỉnh núi ấy. Độ cao của núi trở thành một thách thức. Trèo được chừng nào vui chừng ấy.

Liên quan đến việc đọc, nhiều lúc tôi cảm thấy ghen tị với bạn bè và đồng nghiệp người Úc: Hồi nhỏ, cả hai cùng mê đọc sách như nhau, cùng đọc một số lượng sách giống nhau, nhưng trong khi các bạn tôi, những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất, có thể đọc được vô số những cuốn sách hay, không những hay mà còn lớn, không những lớn về phương diện nghệ thuật mà còn lớn về phương diện tư tưởng, những tác phẩm được xem như những điển phạm trong phạm vi toàn cầu: với chúng, người ta có thể tự hào là có kiến thức; còn tôi thì chỉ mê mải đọc cả hàng ngàn cuốn sách nho nhỏ nhàn nhạt, như những ca khúc cải lương, chỉ thay đổi lời chứ không thay đổi điệu: Với chúng, thú thực, tôi cũng chả biết dùng làm gì.

Nói cách khác, dễ hiểu hơn: Đọc Shakespeare, chẳng hạn, người ta có thêm một cái gì đó có thể sử dụng cả đời; đọc Kim Dung, Quỳnh Dao hay hầu hết các tác giả viết feuilleton trên báo chí miền Nam ngày trước, chúng ta chỉ được một chút quên lãng, nghĩa là chỉ mất thì giờ.

Mỗi lứa tuổi nên có một loại sách thích hợp. Có những cuốn sách nên đọc lúc trẻ và có những cuốn sách nên đọc lúc đã lớn tuổi. Nhiều lúc tôi cảm thấy may mắn là lúc nhỏ, những năm đầu tiên của trung học, tôi đã đọc gần hết sách của Tự Lực văn đoàn và Thơ Mới. Nếu đọc muộn hơn, sẽ chỉ thấy đèm đẹp, càn cạn và nhàn nhạt. Nhưng nếu ở lứa tuổi ấy mà không đọc chúng, hoặc chỉ đọc những “Con trâu” (Nguyễn Văn Bổng) hay “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi) hay thơ Tố Hữu thì tâm hồn sẽ mất đi rất nhiều thứ, ít nhất là những mơ ước thật trong sáng và những mơ mộng thật nhẹ nhàng.

Ngày xưa, có câu nói của ai đó đã thành danh ngôn: “Họ chỉ sợ những người đọc một cuốn sách.” Có lẽ đó chỉ là một cách nói. Sự thật, không có ai hiểu một cuốn sách, dù chỉ ở mức vừa phải, nếu chỉ đọc một cuốn đó thôi. Người ta phải đọc cả ngàn cuốn sách mới hiểu được sâu sắc cuốn sách đầu tiên họ đọc. Lý do là cuốn sách nào cũng có tính liên văn bản: Nó có hàng ngàn sự nối kết chằng chịt với các cuốn sách khác. Chỉ dừng lại một cuốn sách không khác gì cảnh bị ở tù. Lại là tù biệt giam. Trong hầm kín.

Bởi vậy, tôi rất ngạc nhiên khi nghe, không phải một lần mà là nhiều lần, không phải từ một người mà từ nhiều người: Một số nhà văn lớn tuổi thường khuyên các nhà văn trẻ tuổi hơn là đừng đọc nhiều quá. Hai lý do thường được nêu lên là: Một, đọc kỹ một vài cuốn sách thì dễ có cơ hội đi sâu hơn là đọc cả hàng chục, hay hàng trăm, thậm chí, hàng ngàn cuốn sách; và hai, đọc nhiều quá sẽ bị ảnh hưởng từ người khác, do đó, sẽ đánh mất bản sắc riêng của mình. Xin nói ngay hai điều: Một, những lời khuyên kiểu ấy, tôi chỉ nghe từ giới cầm bút người Việt; ở Tây phương, có lẽ không có ai nói vậy; và hai, theo quan sát và đánh giá của tôi, những nhà văn thường đưa ra lời khuyên ấy đều lớn tuổi nhưng không phải là những tài năng lớn; tất cả các tác phẩm của họ đều khá nghèo nàn, hơn nữa, đều chịu ảnh hưởng nặng nề của những khuynh hướng cũ mèm chứ không có gì là của riêng họ cả.

Ở Tây phương, ngược lại, hầu như mọi người đều khuyên giống nhau: Để viết hay, trước hết, hãy đọc. Không có nhà văn lớn nào mà không đọc nhiều. Thử đọc các bài phê bình và tiểu luận của các nhà văn và nhà thơ lớn ở Tây phương thì thấy ngay: Họ không những nhạy cảm và có khả năng diễn đạt giỏi mà còn có kiến thức rất rộng và óc phân tích rất cao. Bởi vậy, nhiều người trong họ không phải chỉ là những người sáng tác mà còn được nhìn nhận như những nhà phê bình và lý thuyết gia xuất sắc. Tất cả những điều đó đều đến từ việc đọc.

Nhớ, nhà văn Phạm Thị Hoài, đâu đó, có nêu lên một ý mà tôi rất thích: Ở thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, một nhà văn không có quyền cáo lỗi với độc giả về việc không biết các đồng nghiệp của mình trên thế giới nghĩ gì và viết gì. Lại nhớ Susan Sontag, đâu đó, có nói một ý rất hay: “Một nhà văn, trước hết, là một độc giả. Chính từ việc đọc mà tôi rút ra được những tiêu chuẩn để dựa vào đó tôi đánh giá các tác phẩm của chính tôi và cũng theo đó, tôi buồn bã nhận thấy tôi còn quá thấp. Cũng chính qua việc đọc, tôi trở thành một phần trong một cộng đồng văn học vốn bao gồm nhiều nhà văn đã mất hơn là những người còn sống.”

 

Nguyễn Hưng Quốc

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

39 BÌNH LUẬN

  1. Trong cuốn Cái cười của Thánh Nhân do cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần có viết:”Đọc sách chẳng cần thâm cứu chi hết, nhưng hiểu được điều gì thì vui vẻ đến quên ăn!”. Tôi cũng đọc sách như thế! Sách gì cũng đọc, thơ cũng đọc, tiểu thuyết thì ghiền nhưng chẳng cần cố gắng mà tìm cái ý nghĩa của cuốn sách. Tự cuốn sách sẽ nói cho ta biết!

    Đem so sánh Shakespeare với Kim Dung, có quá khập khiễng không, một viết kịch còn một viết truyện thì làm sao so sánh, ít nhất nếu so Alexandre Dumas với Kim Dung thì có vẻ hợp hơn! Shakespeare với Molière thì mới đúng! Riêng bà Quỳnh Dao thì tôi cũng chưa đọc nên không biết!

    Rất lấy làm tiếc cho tác giả và cho cả tôi, chúng ta không phải người Anh nên chỉ nhìn thư viện sách của người ta phát thèm nhưng không đọc được vì yếu Tiếng Anh. Nhưng tôi sẽ khắc phục nó bằng cách đi học Anh văn, bằng tự điển và bằng….google dịch~~~ bất kì một rào cản nào ngăn cản tôi đến với tri thức nhân loại-sẽ bị “đập vỡ” không thương tiếc!

    Nhưng nếu như nói ở chính Việt Nam không có những danh tác lớn thì bạn lầm to! Tới người châu Âu còn phải học chữ Hán, chữ Nôm để có thể đọc được những tác phẩm này. Nếu những tác phẩm này chỉ là những tiểu thuyết 3 xu thì người ta có cần khổ công như vậy không? Nói trước là những tác phẩm này có viết ra Quốc Ngữ rồi nhé! Mong là bạn tìm được!

    Còn nữa, văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn được xếp vào văn học lãng mạn ảnh hưởng của phong trào lãng mạn của phương Tây và cũng được giới văn học đánh giá cao đó!

  2. việc đọc nhiều không nói lên rằng họ có nhiều kiến thức và tâm hồn sâu sắc! tôi có anh bạn. hầu như mọi thứ anh đều biết, anh có thể đã là tiến sĩ rồi cũng nên, nhưng những kiến thức mà anh tích góp được không phải từ những cuốn sách, mà bất cứ nơi đâu bất cứ ai anh tiếp xúc được, bất cứ nơi đâu anh có thể nắm thông tin và suy luận logic được, và tâm hồn anh sâu sắc nhờ vào những công cụ nghệ thuật âm nhạc. nên không thể nói muốn trở thành người biết nhiều, am hiểu, sâu sắc hay tinh thông nhiều cái chỉ cần vịn vào việc đọc sách?!
    Người ta nói có kinh nghiệm, có trải qua, có thấy, có tưởng tượng mới có thể viết nên cuốn sách, những người không thể trải qua chuyện đó, họ chưa gặp họ có thể đọc để biết, nhưng thật ra khi ma sát với thực tế họ sẽ nhận ra nhiều điều hay hơn, chiêm nghiệm nhiều điều hay hơn , có khi là hơn ông tác giả chẳng hạn. hơn là chỉ đọc và tưởng tượng ra nó rồi nói là ta biết nhiều thứ, nhưng thật ra, ta chỉ biết những thứ gói gọn trong cuốn sách 🙂

  3. Đặc điểm mà tôi nhận thấy trong nhiều bài viết của Nguyễn Hưng Quốc là nặng về cảm tính, còn phần tư duy lý trí thì phiến diện. Bài này cũng vậy. Những bạn đọc khó tính cũng không cần phiền lòng, bởi vì có nhiều bạn đọc khác thích những tác phẩm như vậy vì chúng dễ “tiêu hóa”, như một loại thức ăn nhanh cho tinh thần, không cần phải ngẫm nhiều.

    • Chào bạn, mình nghĩ là bạn nên đọc phần kế tiếp của 2 cái tên ý nữa chứ. Của Shakespeare nta có thêm 1 cái gì đó để dùng cả đời còn của Kim Dung là phi thời gian! 😀

      • Theo cá nhân mình thì nếu bạn nào đọc Kim Dung rồi mà không hiểu gì, thì đúng là phí sách.

        Bạn nào đã từng đọc đủ hết truyện Kim Dung, cũng đã đọc về Phật giáo, cũng từng học qua võ thuật, cũng từng đọc triết học cổ từ thời Socrates thì sẽ hiểu triết lý truyền tải trong từng truyện hay như thế nào.

        Vấn đề của tác giả bài viết này chính là ở việc bạn đọc xong “hàng ngàn cuốn” mới biết là cuốn nào cũng nhạt. Bạn không biết lựa chọn đầu sách, cũng không đi sâu vào từng sách, nên mới xảy ra sai lầm như thế, cũng như nhận thức sai về truyện Kim Dung.

        Chỉ cần hình dung một quyển sách tác giả phải bỏ ra mấy năm để viết, có khi là cả đời để chiêm nghiệm rồi mới viết. Bạn dành ra bao lâu để đọc một cuốn kinh điển, đặc biệt là với tuổi đời của bạn? Nếu đọc sách bạn chỉ hiểu được phần nổi của nội dung, thì bằng cách nào bạn mơ viết lách hay?

        Vấn đề gì cũng cần định lượng, bao nhiêu sách là nhiều và bao nhiêu sách là ít. Điều này phụ thuộc vào khả năng của từng cá nhân. Như bạn tác giả thì mình khuyên đọc ít thôi, đọc có chọn lọc.

        Bạn tác giả cũng tránh mắc sai lầm trong tranh biện, bạn khẳng định ở nước ngoài hầu như ai cũng khuyên nên đọc nhiều. Bạn chẳng có thống kê để chứng minh điều đó. Mình thấy quan điểm đọc ít hay đọc nhiều thì ở đâu cũng có người nói này người nói nọ thôi, không cứ ở Việt Nam hay cứ ở ngoài nước thì người ta mới thế.

        • Nam ơi, tôi thích lời phê bình này của bạn. Cái bạn tác giả này không viết bài cho Triết Học Đường Phố, mà là do admin của Triết Học Đường Phố sưu tầm bài viết đăng vào đây cho phong phú. Bạn tác giả này già rồi nhưng vẫn chưa lớn hết. Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình văn học hiện sống ở nước Úc. Tôi vốn không tín nhiệm khả năng tư duy của bạn ấy lắm, nhưng hôm nay đọc bài này tôi mới té ngửa ra là bạn Nguyễn Hưng Quốc, một nhà phê bình văn học, đã mất thì giờ khi đọc truyện Kim Dung mà không thu hoạch được gì. Ha ha ha…

          • Chào bạn, bạn có thể không thích cách nhìn của tác giả, nhưng bạn không nên hạ thấp người khác như vậy. Dưới góc độ của bạn, bạn có thể thích Kim Dung, tác giả thì không. Còn việc “không thu hoạch được gì” nó còn xuất phát từ hoàn cảnh sống, kinh nghiệm sống cũng như va chạm của tác giả, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Nói nôm na thế này, khi mình nhỏ, mình rất thích đọc Doremon, vì mình thấy truyện có rất nhiều ý nghĩa. Hiện tại, Doremon vẫn mãi là 1 phần ký ức rất đẹp của mình, nhưng mình thấy đọc những tác phẩm VH khác thì sẽ thu thập được nhiều hơn. Đôi lời chia sẻ…

          • Chào bạn, bạn có thể không thích lời bình của tôi, nhưng bạn không nên cho rằng tôi hạ thấp Nguyễn Hưng Quốc. Tôi đâu có buộc tội Nguyễn Hưng Quốc đã hạ thấp Kim Dung hay hạ thấp người Việt! Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình văn học chứ không phải là một bạn đọc thuần túy như tôi, việc cá nhân tôi không tín nhiệm ông ấy làm sao đủ để hạ thấp ông ấy được. Tôi chỉ không nhịn được cười vì đọc lời bình của bạn Nam, bạn ấy tưởng Nguyễn Hưng Quốc là một tác giả còn ít tuổi. Như thế chẳng phải Nguyễn Hưng Quốc trẻ lâu còn gì!

          • Bởi vì mình thấy bạn viết “Bạn tác giả này già rồi nhưng vẫn chưa lớn hết” nên mình hiểu vấn đề nó theo chiều hướng như vậy, nếu đó không phải là ý bạn thì cho qua nhé ^.^

          • Chào bạn,

            Mình xin nhận sai lầm khi không xem qua Facebook của chú Nguyễn Hưng Quốc để “biết người” trước khi nhận xét. Nhưng điều này cũng có cái hay vì theo như Phật giáo, việc này phù hợp với “chính niệm”: mình không có ý niệm người viết là ai trước thì nhận xét sẽ khách quan hơn, không bị lệ thuộc vào tên tuổi hay danh hiệu.

            Sau khi xem xong Facebook của người này, với những giọng điệu trên
            Facebook thì mình thấy hơi phí thời gian để comment hôm trước. Vì phát hiện ra tác giả không viết một cách trung lập, mà chủ yếu là bới móc để đả kích vì mục đích khác.

            Mình đồng tình với bạn Ái Nữ. Bài viết mang nặng cảm tính. Nhưng cũng có thể tác giả cũng “cao siêu” hơn thế, viết vì mục đích khác, không đơn thuần là mục đích văn học.

          • Nam ơi, tôi cảm thấy may mắn là bạn đã “phí thời gian” để bình luận. “Triết Học Đường Phố” cần có những độc giả chịu khó bình luận như bạn, nếu không những cây viết trẻ sẽ không nhận ra trình độ của người đọc và ảo tưởng về trình độ của mình.

            Tôi cũng giống bạn, nghi ngờ tính trung lập của ông Nguyễn Hưng Quốc. Gần đây ông ấy hay viết về chính trị. Blog của ông ấy đứng đầu trong các blog trên trang của đài VOA của Hoa Kỳ. Cách đây không lâu admin của “Triết Học Đường Phố” đăng một bài của ông Nguyễn Hưng Quốc so sánh chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa phát xít, bài viết của ông ấy không chỉ thiếu tính thuyết phục mà còn có thái độ cực đoan. Tôi đã viết một bài phản biện lịch sự nhưng không ngờ “Triết Học Đường Phố” từ chối đăng với những lý lẽ vô cùng độc đoán và cũng thiếu thuyết phục, làm cho tôi phải mang bài viết đó về blog của tôi, mặc dù blog của tôi vốn không viết bài về triết học hay chính trị, nhưng độc giả của tôi rất nhạy cảm về những vấn đề như vậy. Tôi nghi ngờ rằng Nguyễn Hoàng Huy, chủ trang “Triết Học Đường Phố” cũng không phải là người trung lập, qua việc từ chối bài phản biện của tôi, trong bài viết đó tôi chỉ ra rằng bài viết của Nguyễn Hưng Quốc không những không có lợi ích thực tế mà còn gây chia rẽ lòng người.

            Tôi vừa thấy tên bạn hiện ra màu đỏ mà sau đó thì lại chuyển trở về màu đen. Bạn nên lập tài khoản Disqus để tôi và những người quan tâm có thể theo dõi những bình luận của bạn.

          • Tôi cũng vô tình được biết bài này, và cũng vô tình trả lời cho Ái Nữ, trước khi đọc các lời bình của các bạn, nên may mắn là nó khách quan hơn, tôi xin chép lại nơi đây để làm kỷ niệm:

            Ái Nữ: Có người chê truyện Kim Dung là làm phí thời gian của
            người đọc. Lá Bàng đọc ở đường link này nhé! Nhớ đọc kỹ các lời bình luận. Ái Nữ được một phen cười suýt chết đấy!

            Tôi: À, LB có đọc bài này rồi, thấy cách viết (rất) giống phong cách của LB (cười), cuối bài mới biết là của Nguyễn Hưng Quốc. Phải nói
            thẳng là NHQ viết chuyện đời thường thì (rất) hay, LB nghĩ vậy, nhưng viết về chính trị/triết học thì rất dở, vì anh ta có tư-duy-một-chiều. Anh ta nói đọc Quỳnh Dao mất thì giờ: (khá) đúng, vì Quỳnh Dao viết mấy cái thứ tình yêu èo uột, chả có gì ‘nhiều’ để học hỏi/suy ngẫm, còn anh ta nói đọc Kim Dung mất thì giờ: không đúng (lưu ý rằng không đúng khác với sai), vì anh ta không đủ năng lực tư duy để hiểu Kim Dung…
            Thân ái.

          • Chào bạn bao pham,
            Tôi vô tình đi ngang qua đây và không có ý định quay lại, nhưng may thay là chiều nay tôi mở mail-inbox ra thì thấy lời bình của bạn (tôi rất ít khi vào đó), và tôi có thiện cảm với lời bình này (lưu ý rằng ở trên, tôi dùng chữ ‘không đủ’ chứ không phải ‘không có’, 2 từ này rất khác). Chắc tôi không phải trả lời câu hỏi của bạn vì tôi không thích nói đúng-sai (và vì đây không phải là không gian để comment dài dòng, ví dụ như tôi có thể dễ dàng viết ra ở đây là Bùi Giáng, Nguyên Sa hay Đỗ Long Vân… tôn trọng Kim Dung như thế nào), và thiết nghĩ rằng lời bình phía trên của bạn đã là câu trả lời tương đối cơ bản rồi. Tôi thích các mẩu chuyện đời thường và tâm sự của NHQ (tôi cần) hơn là quan điểm của anh ta (nhiều khi phiến diện/cực đoan, như tôi đã nói ở lời bình trên). Nói tóm lại là anh ta viết triết nhai không vô, phần lớn là vì anh ta cứ tưởng anh ta là… nhất rồi! (hihi…, sr), mà đã như thế thì làm sao mà anh ta hiểu được Kim Dung, vì nói đến KD là nói đến triết…
            Thân.

          • À, LB có đọc bài này rồi, thấy cách viết (rất) giống phong cách của LB (cười), cuối bài mới biết là của Nguyễn Hưng Quốc. Phải nói thẳng là NHQ viết chuyện đời thường thì (rất) hay, LB nghĩ vậy, nhưng viết về chính trị/triết học thì rất dở, vì anh ta có tư-duy-một-chiều. Anh ta nói đọc Quỳnh Dao mất thì giờ: (khá) đúng, vì Quỳnh Dao viết mấy cái thứ tình yêu èo uột, chả có gì ‘nhiều’ để học hỏi/suy ngẫm, còn anh ta nói đọc Kim Dung mất thì giờ: không đúng (lưu ý rằng không đúng khác với sai), vì anh ta không đủ năng lực tư duy để hiểu Kim Dung…
            Thân ái.

            (Xin lỗi bạn đọc, mình mới vào đây, loay hoay thế nào mà lời bình biến mất, may mà mình có lưu, xin dán lại, thanks)

          • Ái Nữ: Có người chê truyện Kim Dung là làm phí thời gian của người đọc. Lá Bàng đọc ở đường link này nhé! Nhớ đọc kỹ các lời bình luận. Ái Nữ được một phen cười suýt chết đấy!
            Tôi: À, LB có đọc bài này rồi, thấy cách viết (rất) giống phong cách của LB (cười), cuối bài mới biết là của Nguyễn Hưng Quốc. Phải nói thẳng là NHQ viết chuyện đời thường thì (rất) hay, LB nghĩ vậy, nhưng viết về chính trị/triết học thì rất dở, vì anh ta có tư-duy-một-chiều. Anh ta nói đọc Quỳnh Dao mất thì giờ: (khá) đúng, vì Quỳnh Dao viết mấy cái thứ tình yêu èo uột, chả có gì ‘nhiều’ để học hỏi/suy ngẫm, còn anh ta nói đọc Kim Dung mất thì giờ: không đúng (lưu ý rằng không đúng khác với sai), vì anh ta không đủ năng lực tư duy để hiểu Kim Dung…
            Thân ái.

            (Xin lỗi bạn đọc, mình mới vào đây, loay hoay thế nào mà lời bình biến mất, may mà mình có lưu, xin dán lại, thanks)

          • Ông Nguyễn Hưng Quốc là nhà bất đồng chính trị, nếu bạn có chính kiến khác ổng thì mình không có ý kiến gì, nhưng trong phạm vi bài viết này thì mình đồng tình với đa số ý của tác giả (mặc dù mình rất thích đọc Kim Dung và mình cũng đồng ý là không phải tự dưng truyện Kim Dung được đưa vào SGK để dạy bên TQ – nhưng ở đây mình tôn trọng ý kiến của tác giả).

          • Chào bạn bao pham,
            Tôi vô tình đi ngang qua đây và không có ý định quay lại, nhưng may thay là chiều nay tôi mở mail-inbox ra thì thấy lời bình của bạn (tôi rất ít khi vào đó), và tôi có thiện cảm với lời bình này (lưu ý
            rằng ở trên, tôi dùng chữ ‘không đủ’ chứ không phải ‘không có’, 2 từ này rất khác). Chắc tôi không phải trả lời câu hỏi của bạn vì tôi không thích nói đúng-sai (và vì đây không phải là không gian để comment dài dòng, ví dụ như tôi có thể dễ dàng viết ra ở đây là Bùi Giáng, Nguyên Sa hay Đỗ Long Vân… tôn trọng Kim Dung như thế
            nào), và thiết nghĩ rằng lời bình phía trên của bạn đã là câu trả lời tương đối cơ bản rồi. Tôi thích các mẩu chuyện đời thường và tâm sự của NHQ (tôi cần) hơn là quan điểm của anh ta (nhiều khi phiến diện/cực đoan, như tôi đã nói ở lời bình trên). Nói tóm lại là anh ta viết triết nhai không vô, phần lớn là vì anh ta cứ tưởng anh ta là… nhất rồi! (hihi…, sr), mà đã như thế thì làm sao mà anh ta hiểu được Kim Dung, vì nói đến KD là nói đến triết…
            Thân.

          • Ồ có gì đâu, khi chúng ta bình luận ngắn trong phạm vi một comment chứ không phải là một bài viết hoàn chỉnh, đôi khi nảy sinh những cách hiểu hài hước. Nếu Nguyễn Hưng Quốc thật sự “chưa lớn hết” thì đó là điều tốt. Bản thân tôi dù có xuống lỗ cũng chưa thể “lớn hết” được, mà còn phải có những kiếp sau để tiếp tục trở nên lớn hơn. Nếu “lớn hết” có nghĩa là cụt đường tiến hóa đấy bạn ạ!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI