19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Viết đi!

Photo: Charles Jeffrey Danoff

Hãy viết đi, viết nhiều hơn! Có viết mới thấy giữa văn nói và văn viết khác nhau đến như nào. Có viết ra mới thấy người Việt chưa chắc đã giỏi Tiếng Việt như mình nghĩ đâu. Có viết mới thấy sự sắp xếp từ, lựa chọn câu chữ trong văn nó cũng là cả một nghệ thuật thu hút. Xung quanh ta nhiều người viết, đúng hơn thì dùng chữ nhiều thật đấy, nhưng để nói đến viết chuẩn, viết giỏi thì hiếm lắm. 12 năm học văn, dùng chữ Việt đến từng này tuổi rồi nhưng bảo để viết một đoạn báo cáo, tường thuật, viết một email chỉn chu thì ối kẻ vẫn còn lơ ngơ lắm. Mà giờ thì người ta đi học tiếng Anh thì nhiều, học làm giàu thì như ong vỡ tổ, chứ mấy ai đi học chữ Việt đâu; và khi cầu không có thì cung cũng chẳng thấy đâu.

Xu thế của xã hội chạy theo vật chất rồi thì mấy ai để ý đến vẻ đẹp tâm hồn của những con chữ. Chẳng biết do mắc bệnh nghề nghiệp hay quá kỹ tính hay không nhưng tôi không thích, thậm chí ghét: Đọc một số chữ ở bất kỳ đâu mà không đầu không cuối; can thiệp vào một văn bản không mục đích; nhận được tin nhắn tán tỉnh rối rắm khi luận “lờ” – “nờ” “trờ” – “chờ” “sờ” – “xờ”… vân vân và vân vân các kiểu lỗi tương tự; cao cấp hơn là các lỗi tách đoạn, chia câu, “chấm”, “phẩy” tha hồ loạn cào cào trong một đoạn văn chẳng hiểu câu cú ra sao… Lủng củng trong việc diễn đạt ý thành văn bản thì làm sao đến lúc cần có được một lá đơn có trọng lượng, chứ đừng nói gì đến việc tự mình bảo vệ trong một số tình huống “chết người” nào đó.

Thử tưởng tượng, khi cần bạn có viết được: Đơn ly hôn, đơn khiếu nại, đơn thừa kế… Đùa vậy thôi, chứ trong đời hy vọng rằng bạn cũng không có trường hợp nào cần phải dùng đến các kiểu đơn như vậy; mà có dịp lãng mạn viết để sáng tác tiểu thuyết để đời hơn. Vậy có phải thú vị không nhỉ?

Thế đấy… nhưng nhấn mạnh rằng vẫn cứ phải viết đi! Viết ra để thấy tâm hồn mình thật khác, từ những thứ đơn giản nhất để thấy nhiều màu sắc quanh chữ Việt, để ghi lại thêm vài khoảnh khắc may mắn có được trong đời, để cảm nhận cuộc sống và chia sẻ thêm về những góc nhỏ trong cuộc sống của bạn. Phong cách viết nói lên rất nhiều về một con người, đọc từng chữ để bắt đầu hình dung một vài “sự văn minh” và “nét văn hóa” ẩn chứa trong bóng dáng mà bạn thậm chí còn không cần đối diện. Hãy bắt đầu ngay khi có một ý tưởng hoặc chia sẻ thêm một số điều hữu ích cho cộng đồng. “A writer writes” – Bởi vì chỉ cần cầm bút lên, ngồi trước máy tính, nếu muốn tôi cá là bạn cũng có thể viết nên một cái gì đó; vấn đề chỉ là niềm tin mà thôi. Với cá nhân tôi thì quy trình của một bài viết thường định hình từ các bước suy nghĩ trước khi bắt tay vào công đoạn viết:

  1. Tại sao? (mục đích viết nó để làm gì, có ý nghĩa với mình hoặc một ai đó?)
  2. Đối tượng nhắm đến là ai? (điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lựa chọn các xưng hô, giao tiếp trong văn bản, thống nhất từ trên xuống dưới cũng như việc diễn đạt câu chữ phù hợp với từng đối tượng)
  3. Chủ đề, nội dung định viết? (thường thì mỗi bài viết nên chỉ cần diễn đạt một khối lượng kiến thức nhất định, chia nhỏ để giải quyết một vấn đề hơn là việc quá tham dẫn đến “nhàm”)
  4. Lên khung, dàn ý cho bài viết dài? (mở ra sao? thân thế nào? để kết cũng thật ấn tượng?)
  5. Cầm bút lên rồi để các ý tưởng tự nó trôi chảy thôi… Sáng tạo thì sẽ được “một bài văn” hay còn làng nhàng thì cũng được “một số trang giấy” chấp nhận được.

Một số lời khuyên dành cho những người mới mài ngòi để bạn cứ thử xem sao nhé, biết đâu rằng sẽ có tác dụng rèn luyện:

  • Khi muốn viết, hãy để cho các ý tưởng trôi chảy. Bạn nghĩ được, lập kế hoạch tốt và giờ là lúc biến những điều đó lên trang giấy của mình thôi. Hãy bỏ qua các giới hạn của bản thân và tự tin rằng mình có thể viết được bất cứ thứ gì.
  • Viết đúng ngữ pháp, đủ chủ ngữ, vị ngữ; chú ý khi sử dụng thêm: trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ. Ít nhất thì khi chưa thể sáng tạo thì nên là theo những gì đã là chuẩn.
  • Viết ngắn. Ngắn mà đúng, còn hơn dài mà loằng ngoằng.
  • Sử dụng từ đơn giản, phổ biến. Sử dụng từ điển nếu như không chắc về nghĩa của từ hoặc phân vân về chính tả.
  • Tránh dùng từ thừa.
  • Chú ý dấu câu, “chấm” “phẩy” đặt đúng chỗ.
  • Nếu trong một bài viết dài, tìm ý cho từng đoạn và ngắt đoạn hợp lý nhưng nhất thiết phải chú ý đến tính liên kết và tổng thể của cả bài.
  • Thể hiện một chút gì đó mang tính chất cá nhân, cảm xúc, suy nghĩ về một vấn đề. Vậy là bài viết của bạn cũng trở nên có hồn hơn rồi đấy.
  • Sau khi viết, dành thời gian để chỉnh sửa phù hợp nếu như muốn nhiều người đọc và không bị khó chịu bởi những suy nghĩ mang tính cá nhân, thỏa mãn được các yêu cầu đã đặt ra từ đầu; thậm chí, nhờ “chuyên gia” chỉnh sửa nếu cần.
  • Còn rất nhiều, rất nhiều những nguyên tắc phức tạp hơn nữa, sáng tạo hơn nữa cho những kẻ yêu chữ và thích viết… nhưng cứ dần dần nhỉ, mỗi người một phong cách, cứ viết đi rồi “mạnh dạn” thể hiện cá tính cho những gì là của mình.

Bắt đầu một điều gì đó với một mớ rào cản trong đầu chắc chắn không bao giờ là điều dễ dàng, nhưng khẳng định rằng bạn vẫn có thể viết, ngắn gọn thôi, đơn giản thôi, nhưng trước hết sẽ đúng và đầy đủ ý bạn cần diễn đạt. Những việc bạn cần làm trước hết là: Chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng: “Tôi có thể viết một cách trọn vẹn.”

Viết một status trên Facebook hoặc mạng xã hội nào đó đủ thuyết phục để câu like, câu view.

Viết bình luận về một vấn đề nào đó đang quan tâm hoặc một chủ đề cần phân tích.

Viết ra một danh sách những điều cần làm trong đời để lên tinh thần và dần dần hiện thực hóa nó.

Viết nhật ký. Tâm hồn bạn sẽ được bồi dưỡng thêm khi bạn có thời gian dừng lại để viết, để ngắm nhìn những vẻ đẹp chăm chút cho cuộc sống. Viết để nhớ lại những giây phút quý giá đang trôi.

Viết một cái gì đó cho bạn bè, người thân. Cảm giác sẽ thế nào nếu như bạn viết và cũng nhận được một email phản hồi từ một người bạn, có thể là một lá thư yêu thương; một số điều khen ngợi, góp ý… Đôi khi, nói chuyện bằng chữ sẽ là một cách giải tỏa những điều mà lời nói không thể nào thực hiện được.

Viết một lá thư tình. Thời buổi ngày nay các đôi yêu nhau thật quá đỗi “tiện lợi” khi công nghệ ngày càng phát triển; nói chuyện với nhau qua “chat chit” chứ mấy ai dành cho nhau một chút quan tâm bằng những gì lãng mạn kiểu thư từ. Có lẽ rằng, tôi sẽ yêu ngay một anh chàng gửi cho mình một lá thư tình một cách bất ngờ và đầy tình cảm yêu thương. Một người đàn ông “biết viết” ắt hẳn sẽ là một người có tâm hồn đẹp.

Viết review về những điều đã chiêm nghiệm trong cuộc sống, tóm tắt một cuốn sách hay, bình luận về một bộ phim giá trị hoặc đơn giản chỉ là thể hiện cảm xúc với những chuyện đã trải qua.

Cao cấp hơn, hãy viết một plan dự án thật chỉn chu, để biết đâu rằng, bạn có thể kiếm xiền từ nó; viết truyện ngắn và mơ tưởng đến một ngày nào đó cầm trong tay cuốn sách “tạp văn” với tên tác giả quen quen được in chình ình ngay trang bìa thì sao nhỉ?

Hoặc đơn giản nhất, viết đại một cái gì đó đang xuất hiện trong đầu, không cần chủ đề, không cần nghĩ ngợi, không cần ý nghĩa… chỉ đơn giản là nó đang xuất hiện trong đầu và thấy cần phải viết ra. Viết để thấy rằng, khi bắt đầu chưa có gì, nhưng khi viết đã bắt đầu có ý tưởng.

Ai bảo một người làm logic thì không thể viết văn hay, logic trong cách lập luận thì cũng sẽ mạch lạc trong diễn đạt? Ai bảo dân công nghệ hay thiết kế không thể viết một lá thư tình lãng mạn cho người yêu, thử đi rồi sẽ thấy? Viết đi rồi sẽ thấy cũng có người quan tâm đến những gì mình viết. Viết cũng là để rèn suy nghĩ và lập luận bằng ngòi bút dần dần. Viết ra để cùng tranh luận, để cùng nói lên một vấn đề, bàn luận thêm sâu sắc và ý nghĩa hơn. Viết đi để biết đâu đấy, những gì bạn viết ra sẽ có ý nghĩa với một ai đó; như bài viết này chẳng hạn, đúng không?

 

 Bùi Phương Linh

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

  1. Đi làm mới nhận ra viết rât quan trọng, đụng tới gì cũng viết, viết thư cho khách hàng, viết đơn, viết thư xin việc. Viết tốt cũng giúp nói chuyện thu hút hơn, không quá dài dòng không quá khó hiểu để người ta hiểu mình muốn nói gì 🙂 Cảm ơn bài viết của bạn. Bạn viết hay lắm <3

  2. “Ai bảo một người làm logic thì không thể viết văn hay, logic trong cách lập luận thì cũng sẽ mạch lạc trong diễn đạt? Ai bảo dân công nghệ hay thiết kế không thể viết một lá thư tình lãng mạn cho người yêu, thử đi rồi sẽ thấy?” câu này chuẩn 😀 tư duy logic cao rất hợp với viết luận, viết để thuyết phục người khác.
    Mình chia sẻ thêm một kinh nghiệm khi viết của bản thân : muốn viết tốt thì phải đọc tốt trước đã.
    Thế nhé, rất cảm ơn bài viết của tác giả.

    • Cảm ơn bạn 🙂 bài viết này mình chia sẻ với những người ngại viết, chứ muốn viết thì đọc đương nhiên là nguyên liệu thô rồi. Đọc nhiều, tự nhiên một lúc nào đó, vốn từ của mình sẽ trở nên đa dạng, cách xử lý trong viết cũng trờ nên uyển chuyển hơn ^^

  3. Cá nhân tôi rất ko thích cái cảm giác khi đang đọc một bài từ trên xuống dưới đang dùng toàn tiếng Việt thì tự nhiên tác giả lại chọt vài từ tiếng nước ngoài vào, làm mất đi tính trong sáng của tiếng Viết rồi còn đâu…

    • Rất cảm ơn góp ý của bạn! Mình hiểu cảm giác của một người yêu Tiếng Việt khi đọc một bài viết khi có nhiều từ nước ngoài nhưng trong bài viết này, cũng khó khi có một số từ đã là quá quen trong cuộc sống hàng ngày, mình cũng chưa biết “chuyển ngữ” như thế nào cho hợp lý và không làm mất đi “những gì đang trôi trong đầu”. Có lẽ sẽ cần phải học hỏi và viết nhiều hơn nữa 🙂

  4. Nhiều khi đặt bút xuống … muốn viết, viết nhiều hơn thế những guồng chảy trong suy nghĩ của mình xong lại lười, được vài dòng lại buông bút .. Tính kiên trì không được duy trì … !!! Haizzz
    Bình về bài viết của bạn … Đúng là bạn chính là thứ để minh họa cho bài viết của bạn… Với tôi nó rất thuyết phục… Cách bạn viết rất trôi, uyển chuyển, dễ thấm vào người nghe … RẤT là cảm ơn bạn với một bài viết hay !!!
    P.S: Hãy về đội của tôi :v

Trả lời Ân Phạm Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI