27.1 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Việt Nam là nhà. Về đi!

Featured Image: Sijia Dong

 

Du học, “Đi đi, đừng về!”

Sự thật là khi vừa nhìn thấy tên bài thì mình chả muốn vào đọc tẹo nào, nhưng bằng cách nào đó, mình ấn vào và lướt thật nhanh xuống dưới, đọc có một câu thôi “Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?” Vậy là sau đó thì mình đã đọc hết cả bài.

Tại sao mình lại không muốn đọc? Bởi vì Triết Học Đường Phố đã thay đổi cuộc sống của mình, những gì mình đọc từ đây là tác động không nhỏ tới suy nghĩ của mình. Còn mình thì sao? Mình chỉ là một thằng nhóc sắp bước sang tuổi 18, đang điên đầu vì học tiếng Anh chả hiểu mô tê gì mà lại ấp ủ hoài bão được sang Anh, được đến thành phố cảng Liverpool, được xem các cầu thủ thi đấu, được ngắm hoàng hôn trên cảng biển, và trên hết mình cần được học ở đó để rồi về Việt Nam làm việc. Mình không muốn hoài bão của mình bị lung lay tẹo nào. Và thật may là khi đọc xong thì nó còn chắc chắn hơn trước nữa.

Không ai có thể phủ nhận rằng ở thời điểm hiện tại, giáo dục của nước ta thua xa so với nhiều nước tại châu Âu hay Mỹ, và nếu có thể, mình tin sẽ rất nhiều người sẽ đi du học. Nhưng sự thực thì để du học tự túc là cả một vấn đề lớn và hàng năm, số lượng học sinh, sinh viên đi du học cũng không nhiều. Trong số những người ra đi và thành công trên xứ lạ, có lẽ rất ít người có suy nghĩ sẽ quay về Việt Nam sinh sống và phát triển, và trong số ít những người có suy nghĩ đó, chỉ có một phần nhỏ quay về, trong một phần nhỏ quay về lại chỉ có rất ít người thành công được như bên nước ngoài.

Vậy sao phải về? Sống bên đó có phải sướng hơn không, có phải tốt hơn không? Ờ, bên đó cái gì cũng hơn. Các bạn ra đi rồi sống luôn ở đó, không ai cản các bạn cả, các bạn mưu cầu hạnh phúc cho bản thân là rất tốt. Tôi thực sự chúc các bạn thành công ở nơi đó, đưa danh tiếng Việt Nam mình bay cao trên toàn thế giới. Các bạn không về đây cũng chả sao, nhưng làm ơn đừng bao giờ nói với tôi: “Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?” Hãy tự hỏi nếu ai cũng không về và ai cũng về thì đất nước sẽ ra sao?

Các bạn đã bao giờ yêu chưa? Nếu (chỉ là nếu thôi nha) người bạn yêu đang dang tay chào đón bạn nhưng lại có vô vàn những khó khăn cho tình yêu của các bạn. Bạn có bỏ cuộc không? Mình tin là nếu bạn thực sự yêu nhau thì chả có gì cản được các bạn đến với nhau cả. Thậm chí nếu bạn yêu đơn phương một ai đó, bạn cũng sẽ không từ chối cơ hội nào để được bên người đó khi người đó cần đâu, phải không? Dù người đó không thể yêu bạn, bạn vẫn luôn sẵn sàng ở đó khi họ cần.

Bây giờ, mình không muốn hỏi các bạn có muốn về Việt Nam mình hay không. Mình chỉ muốn được hỏi các bạn rằng: “Bạn có thực sự yêu Việt Nam không?”

Bạn đến trường để học, bạn đến công ty để làm việc, kiếm tiền,… nhưng bạn vẫn cần có nhà để về mà. Phải không? Bạn có thể là tổng giám đốc, là CEO của tập đoàn lớn nào đó nhưng nếu nhà bạn là một căn nhà tồi đến nỗi bạn không muốn về hay cần có lý do để về thì…

“Việt Nam mình, người tài khó có đất dụng võ” ừ, thật đấy, tại sao chứ? Tại sao một mảnh đất thiếu người tài thì không có chỗ cho họ trong khi những mảnh đất chật ních người tài thì họ lại tìm ra chỗ cho mình? Họ tài thật đấy. Việt Nam đang phát triển mà, rất cần những người tài giỏi như những du học sinh các bạn, người dân cũng rất mong muốn các bạn trở về, góp phần xây dựng đất nước, được ít hay nhiều đều rất đáng quý và cần thiết cả.

Đi du học, đúng như cách gọi, là đi học, học đủ các thứ. Vậy sau khi học bạn có về nhà của mình không? Nước ngoài là một trường học tốt, rất tốt so với những gì bạn có thể học được ở nhà. Nhưng Việt Nam mới là nhà mà, phải không?

Giờ thì nếu bạn vẫn cần một lý do để về thì mình sẽ cho bạn 2 lý do nhé:

  1. Bạn yêu Việt Nam!
  2. Việt Nam là nhà.

Thời điểm mình viết bài cũng là lúc mình thề rằng: Nếu được sang Anh học tập như ước mơ, nhất định mình sẽ quay về. Bắt đầu thì hoàn toàn là viết cho cảm xúc của chính mình, nhưng những gì mình viết hoàn toàn là những lời mình muốn được gửi đến những du học sinh đang học tập và sinh sống ở nước ngoài. Những lời lẽ của một thằng nhóc có lẽ sẽ chả là gì, nhưng dù sao mình cũng vẫn muốn viết ra với hy vọng ai đó nghĩ lại và sẽ quay về đây.

 

Vượng FLY

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

80 BÌNH LUẬN

  1. VN đúng là nhà , nhưng căn nhà đó hiện tại thối nát , mục rữa đến mức nào bạn và tôi và cả mọi người đều biết . Bạn thề là bạn se quay về nếu được đi qua du học ở nước ngoài . Đó chỉ là lời bạn ” thề ” với hiện tại của bạn thôi . Còn khi được ra khỏi VN bạn tiếp xúc với thế giới văn minh bên ngoài , được đào tạo theo 1 chương trình tân tiến và nhân bản , không phải những thứ giáo điều củ rích v.v… Rồi khi bạn cầm cái bằng tốt nghiệp nào đó , lúc đó bạn sẽ có những suy nghĩ mà hiện giờ bạn chưa có . Bạn sẽ hỏi :” Mình về để làm gì , phục vụ cho cái gì ” , rồi bạn lại suy nghĩ tiếp ” công sức , tiền của bạn bỏ ra để học , để thành những người có tri thức bây giờ lại xếp xó để cúc cung làm theo lệnh của cấp trên u” , những kẻ mà ngoài cái lý lịch đỏ ra thì chỉ còn cócái đầu rỗng tuếch …” Thế là bạn lại tự an ủi mình bàng câu ” Tri thức là của chung nhân loại chứ chẳng của riêng nước nào ” thôi thì ở lại phục vụ cho nhân loại , cũng là phục vụ và góp sức cho cả nhân loại ” … và thế là … những lời thề của bạn hôm nay trôi theo dòng thời gian . Lời thề của bạn chỉ là loại ” thề cá trê chui ống ” bởi chẳng có ai chứng giám hay thực thi sự trừng phạt với những lời thề vô bổ như thế cả . Tôi đã nghe quá nhiều những lời thề loại đó rồi và kêt quả là người đi cứ đi không hề quay lại . Kẻ quay lại chỉ là những cô chiêu , cậu ấm của các nhà giàu mới lên có thế , có quyền lực … đi du học chỉ là cách trốn tránh những nghĩa vụ hay đi lánh nạn vì những vụ tai tiếng gì đó mà thôi . Họ quay về để thụ hưởng tiếp những gì họ đã có từ xương máu của người dân mà cha mẹ họ đã cướp bằng mọi thủ đoạn .

  2. Bạn còn rất trẻ. nên nhìn cuộc đời còn đơn giản. Đi hay ở là quyết định của mỗi người.Đừng cố gắn nó vào với tình yêu hay quốc gia, nó quá vĩ mô. Chúc bạn vẫn còn giữ được niềm tin vào cuộc sống sau khi đã ĐI và TRỞ VỀ 🙂

  3. bài viết rất có giá trị, một sự việc luôn có muôn mặt và hướng quyết định phụ thuộc vào tư duy tình cảm của mỗi cá nhân, hãy hoan nghênh chứ đừng dùng ý kiến chủ quan của mình áp đặt lên người khác bằng cách phân tích mặt lợi mặt hại của việc đi hay về nhé …

    • Cảm ơn anh ạ. Em chỉ thấy khó chịu khi người ta cần lý do để quay về, vậy nên em cho họ lý do 😀
      Và em thấy là ý nghĩ cá nhân thì khó tránh sự chủ quan đc anh ạ

  4. Con đường sự nghiệp ở nước ngoài của các bạn sẽ rộng mở hơn, ít nhất là cho bản thân các bạn, ngoài ra với số thu nhập ở nước ngoài so với số chi tiêu của người Việt Nam có thể là một khoản dư không nhỏ, bạn gửi về gia đình như vậy cũng là giúp đất nước thu về một nguồn ngoại hối. Vậy cũng là yêu nước rồi.

    • tư duy sâu sắc chứ không phải nhìn đời hồng, bạn thực dụng hay khôn lanh kiểu của bạn thì cứ làm đừng áp đặt lên tu duy triết học của người khác. Dangerous !!

    • Oh, vậy thì VN sẽ là phòng riêng của mình. Bạn có chăm chút cho căn phòng đó k? Đó là việc của bạn 😀
      Và mình nhìn đời bằng con mắt của một thằng nhóc, và mắt nó không phải màu hồng

  5. Theo tôi ;Khi ta có kiến thức,trình độ,kỹ thuật nhưng không có cơ hội thi hành để đem lợi ích cho mình,xã hội thì cũng như ta không có kiến thức,trình độ,kỹ thuật vậy.Chẳng khác gì nhau

      • Chào Vượng.Để có một mùa thu hoạch tốt cần những điều kiện sau 1)hạt giống tốt 2)chăm sóc tốt 3)quan trọng nhất là đúng mùa vụ (điều kiện môi trường)

        • Môi trường mà chúng ta bỏ thì nó sẽ mãi mãi chả thể tốt lên đc. Hơn nữa môi trường là cái tự nhiên. Còn nhà nước thì là từ những người dân như chúng ta mà ra.

  6. bài viết khá hay và mình thích đoạn này…………….:)
    “Các bạn đã bao giờ yêu chưa? Nếu (chỉ là nếu thôi nha) người bạn yêu đang dang tay chào đón bạn nhưng lại có vô vàn những khó khăn cho tình yêu của các bạn. Bạn có bỏ cuộc không? Mình tin là nếu bạn thực sự yêu nhau thì chả có gì cản được các bạn đến với nhau cả. Thậm chí nếu bạn yêu đơn phương một ai đó, bạn cũng sẽ không từ chối cơ hội nào để được bên người đó khi người đó cần đâu, phải không? Dù người đó không thể yêu bạn, bạn vẫn luôn sẵn sàng ở đó khi họ cần. “

    • Minh da doc 2 bai viet, minh ton trong y kien cua 2 ban. Nhung minh nghi luc 18 tuoi nhu ban chac minh cung se suy nghi khong khac ban la bao nhieu. Tuy nhien gio minh da hon 30 tuoi va da trai qua cuoc song o Vnam va ben Tay 7 nam, minh thay bai viet cua ban khong phan anh dung thuc te cua nhung gi minh trai qua:

      Thu nhat: ban hoi du hoc sinh co yeu Vnam khong la mot cau hoi theo minh co le du thua. Khong chi rieng minh neu cac ban di ra nuoc ngoai ban se thay yeu dat nuoc cua minh nhieu hon, khong chi nho nha, ban be nguoi than ma ban con cam thay cuoc doi song cua nhung nuoc van minh phat trien no khac xa so voi doi song cua nhung nguoi Viet, ban hay xem he thong an sinh xa hoi cua nhung nuoc Chau Au, doi song vat chat va tinh than cua ho the nao….. Nhu the khong nhung ban se nho que huong ma ban con yeu thuong que huong, thuong cho cuoc song kho cuc cua ho hon luc ban con o Vn. Con ly do o hay ve chac minh nghi moi nguoi se co mot cach lua chon phu hop voi tung hoan canh, chu ban k the so sanh chuyen nay voi tinh yeu mot nguoi nao do; co fai luc nao ” du trong du duc ao nha van hon” dau?
      THU 2: VIET NAM LA NHA.
      Vietnam khong nhung la nha ma la que huong la ruot thit, rat la thieng lieng doi voi nhung nguoi con xa xu.
      Nhung cai quan trong hon, ngoi nha do nhu the nao? va ngoi nha do moi nguoi co ton trong ban,co giup ban phat trien va hanh phuc hay khong?

      • Mình thừa nhận mình có ý kêu gọi m.n, nhưng mình không có ý rằng về VN mới là yêu nước. Mình đưa ra lý do cho những người cần. Vậy thôi. Một câu hỏi có thể dư thừa nhưng cái mình nhắc đến là câu trả lời. Nếu không có câu hỏi, nhiều khi ta sẽ quên mất câu trả lời của mình.

        VN là nhà, bạn là một phần trong ngôi nhà đó. Nếu ngôi nhà đó không phải chốn bình yên của bạn thì bạn cũng có một phần trách nhiệm. Bạn có quyền bỏ đi, kiếm một ngôi nhà khác hoặc ở lại vất vả xây dựng ngôi nhà đó tốt đẹp hơn.

  7. Tôi rất hoan nghênh việc bạn muốn quay trở về quê hương đóng góp sau khi du học. Nhưng sau đây là 1 phép tính nhỏ có thể khiến bạn suy nghĩ và cân nhắc lại:

    Học phí 1 trường đại học ở Anh cho sinh viên quốc tế rơi vào tầm 15000-20000 bảng mỗi năm. Học bổng thì hiếm hoi hơn ở Mĩ, và chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc nhất. Chi phí ăn ở đi lại và các chi phí phát sinh khác, nếu cho bạn là người sống rất tiết kiệm, cũng sẽ vào khoảng 600-700 bảng mỗi tháng cho ít nhất 3 năm học đại học. Cứ cho bạn có thể đi làm thêm khoảng 20 tiếng mỗi tuần, thậm chí làm chui thêm 10 tiếng ngoài cho phép của visa, thì sẽ cũng chỉ kiếm vừa đủ tiền chi trả cho phí sinh hoạt nói trên.

    Vì đắt đỏ như vậy nên phần lớn các du học sinh ở Anh không thể về nhà ngay sau khi đi du học bởi đó là một sự lãng phí lớn đối với công chắt góp của bố mẹ dành cho họ. Thay vì về Việt Nam và khó có thể xin được việc làm ngay, và kể cả có xin được thì mức lương cũng rất thấp, họ có thể cố gắng giành một vị trí làm việc bên này, với mức lương khởi điểm ở khoảng 15000-18000 1 năm, tức là cũng ít nhất 3 năm họ mới có thể tạm hoàn trả số tiền bố mẹ bỏ ra. Điều tôi muốn nói rằng, nếu không phải đi du học ở Anh với học bổng của Nhà Nước, thì gần như tất cả đều đặt mục tiêu là kiếm được việc làm bên này. Không phải vì họ không yêu nước, mà vì gần như không thể nào kiếm trả lại số tiền bỏ ra nếu như họ làm việc ở Việt Nam. Dĩ nhiên, “phi thương bất phú”, họ có thể kinh doanh nhưng việc này cũng chứa đựng nhiều rủi ro bất trắc, nhất là khi số tiền vốn đã dùng để đi học.

    Tất nhiên nếu bạn rất xuất sắc để có được một suất học bổng, thì rất tốt cho bạn. Nhưng từ lúc học xong cho đến lúc bạn có thể đóng góp cho đất nước là một quá trình khá dài và gian nan. Điều này tôi nghĩ bạn cũng hiểu.

    Vậy nên trước khi quyết định một việc trọng đại như vậy, bạn nên suy xét thật kĩ, xác định tư tưởng và theo nó tới cùng. Đừng vội thề thốt gì ở thời điểm này. Dù cho tư tưởng của bạn là đáng hoan nghênh, việc có về hay không không phải là quyết định dễ dàng trong một sớm một chiều.

    Chúc bạn may mắn.

    • Mình rất cảm ơn bạn!

      Mình tự đặt ra lời thề là để tạo áp lực (động lực) cho chính mình thôi. Hơn nữa ước mơ của mình là về Việt Nam, làm việc cho Việt Nam. Mình chỉ đi bởi vì ở VN mình không có cơ hội để học về lĩnh vực mình cần thôi.

      Mình không hề nói các bạn đi rồi ở luôn tại đó là không yêu nước. Yêu nước mà không về thì là chuyện bình thường thôi. Nhưng nếu ở đó mà thốt lên rằng “Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?” thì mình không phục. Muốn về thì thiếu gì lý do để trở về. Riêng việc “muốn về” đã là quá đủ rồi.

      • Nếu muốn về, bạn nên giữ liên lạc với mọi người ở đây, liên tục cập nhật tình hình của đất nước, luôn quan sát xem nếu về Việt Nam mình sẽ làm được gì, áp dụng được gì, ko nhất thiết phải đi làm công ăn lương mà có thể tự mở lớp dạy tiếng Anh, đi phiên dịch cho ngành mà bạn học, đi làm hướng dẫn viên…. chỉ có như thế bạn mới có thể mài dũa kỹ năng của mình mà không bị phụ thuộc vào hệ thống tiền lương nhảm nhí của Việt Nam, những công việc trên có thể giúp bạn kiếm 20-30tr/tháng (dĩ nhiên là phải xây dựng các mối quan hệ công việc từ lúc còn đang học), bạn hoàn toàn có thể bù lại chi phí đã bỏ ra sau vài năm, mặc dù hoàn vốn chậm hơn nhưng bạn sẽ có lợi thế là hiểu rõ môi trường tại Việt Nam, và được sống tại quê hương. Đến lúc thích hợp, bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp và có công việc kinh doanh trị giá hàng trăm triệu đến tỷ. Nên nhớ, nếu là 1 người Việt ở nước ngoài, việc khởi nghiệp sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì bạn khó có thể hiểu hết về con người và văn hóa, nhưng nếu ở Việt Nam thì đó gần như là lợi thế tuyệt đối của bạn.

    • Các bạn luôn có 1 tư tưởng là về nhà và kiếm một công việc, thực chất là chả ở đâu họ trả lương đủ cho bạn hoàn lại cái vốn mà bố mẹ mình bỏ ra cả, chí có 1 cách là xây dựng sự nghiệp của bản thân thay vì bám víu vào 1 công việc nào đấy.

  8. Tuổi 18 còn mơ mộng lắm bạn. Mình đọc cả 2 bài , thấy suy nghĩ của cả 2 rất là chung chung và không có thực tế (lý tưởng hóa ?). Mình đã từng trải qua 2 luồng suy nghĩ đó khi đi học (và bây h đi làm) nên mình hiểu khá rõ tâm lý khi quyết định.

    Bạn cứ đi học, cứ trải nghiệm cuộc sống ở nhũng nước phát triển. Đừng xác định tư tưởng sẽ về hay sẽ ở lại trước khi bạn đi, cứ để cánh cửa đó mở ra. Khi bạn trưởng thành và va chạm cuộc sống, bạn sẽ thấy nhiều thứ trong cuộc sống không phải chỉ có trắng với đen.

    Trước khi bạn có offer việc làm, bạn không thể nói trước được gì cả. Khi nhìn thấy những con số cụ thể, đứng trước sự lựa chọn thực sự, nhiều khi bạn sẽ thay đổi 180 độ đó 🙂

    1 lời khuyên của mình là ở thì khó chứ về thì dễ mà 🙂 Bạn ở lại, mà không thích, thì về lúc nào chả được. Nếu bạn muốn giúp ích cho đất nước, thì kinh nghiệm đi làm ở nước ngoài sẽ giúp ích rất nhiều. Còn chỉ mới ra trường thì dù có tốt nghiệp trường giỏi cỡ nào thì cũng không có giúp được nhiều lắm đâu

    • Như bạn nói, mình 18, mình mơ mộng lắm. Và mình càng muốn có mơ ước để sống khi chứng kiến bao đứa bạn của mình sống chả có mơ ước gì cả. Và mình muốn sống chứ không chỉ là tồn tại. Và sống ra sao thì là bên trong của mình, tại sao cứ quá coi trọng các v.đề xung quanh?

      Và vì còn non nớt, nên mình chỉ có thể nói chung chung thôi, và mình thấy thế thì hay hơn. Khi mình nói chung thì mọi người đọc có thể đi sâu hơn vào những cái riêng của họ. Một mình mình thì làm sao có thể nói hết được những điều đó chứ?

      Còn về việc ra trường học ư? Mình chỉ đỗ tốt nghiệp mức TB và mình chưa bh thấy đó là vấn đề, nó không có chút ảnh hưởng nào về niềm tin của mình cả. Có thể nói rằng mình không phải sản phẩm của cái trường học mà mình vừa tốt nghiệp.

  9. Tôi cũng như bạn khi bằng tuổi ấy. Nhưng cuộc sống khác lắm bạn à, khi trải đời rồi, suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi. Bởi vì, cs luôn thay đổi, và chúng ta phải thay đổi để không bị đào thải. Bạn có nghĩ rằng giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ thành công thế nào khi ở VN không. Bạn đã từng trải qua hay là nạn nhân của việc mua quan bán chức chưa hay tại sao những người giỏi họ chỉ thích làm tư nhân…Có 1 hiện thực mà ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng không thay đổi được gì, đó là chạy công chức, là “đì” nhau trong cơ quan chỉ vì người khác giỏi hơn, là tất cả các chức vị đã được cơ cấu trước mà không dựa trên năng lực thật sự….Tôi làm trong ngành xây dựng, chưa 1 lần nào, nơi nào mà công ty tôi đấu thầu mà không bị vòi tiền,”quân xanh,quân đỏ”, không có sự công bằng-vốn là bản chất cốt lõi của đấu thầu, không có sự cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Tôi hi vọng bạn sẽ chọn được con đường cho mình,đừng phí phạm tài năng, hãy sống và để lại di sản của chính mình.

Trả lời Giang Quý Phi Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI