22.7 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bạn thực sự có thể làm được gì?

Bạn thực sự có gì? Và bạn thực sự có thể làm được gì?

Đa số con người đều nghĩ rằng mình đang nắm giữ một vài thứ gì đó trong cuộc đời. Ít nhất cũng phải có nơi ở, gia đình, bạn bè, vật sở hữu cá nhân… Phần lớn chúng ta định nghĩa bản thân mình bằng những thứ đó.

Và tôi muốn đặt ra câu hỏi rằng có thực sự ta sở hữu những thứ ta nghĩ mình đang có? Câu hỏi nghe có vẻ khó hiểu, ta có tức là ta đang sở hữu đấy thôi, nhưng vấn đề là không phải ai cũng biết họ đang có thứ họ cần, không phải ai cũng biết sử dụng thứ họ có. Nó ở ngay trước mắt đấy, ngay dưới chân đấy mà có chịu nhìn, có chịu cúi xuống nhặt lên đâu.

Theo quan điểm của Phật giáo thì cuộc sống là tạm thời, là vô thường, không thể nắm bắt… Thật ra, tôi không đề cập đến điều này trong bài viết. Câu trả lời của riêng tôi là chúng ta vừa có lại vừa không có. Có mà không biết mình đang có, mình không có lại nghĩ là mình có. Chính vì câu trả lời mang vẻ “sắc sắc không không” này nên tôi muốn làm rõ điều đó để tránh hiểu lầm.

Theo quan điểm của tôi, nếu muốn đi tìm mục đích cuộc sống, hay là để định nghĩa bản thân, hay có thể nói là muốn sống một đời hạnh phúc thì không chỉ nên xem xét xem bạn có gì hay không có gì, bạn có nên so sánh hay không nên so sánh, mà còn phải xem bạn có thể làm được cái gì?

Tôi biết có nhiều người sở hữu đủ các thứ trên đời, may mắn hơn nhiều người, tài giỏi hơn nhiều người, dung mạo xinh đẹp hơn nhiều người nhưng vì sao họ vẫn luôn cảm thấy không đủ? Vì sao họ tự tin đến vậy, hài hước đến vậy, học rộng đến vậy lại tìm đến cái chết xem như là sự giải thoát cuối cùng cho những nhọc nhằn mệt mỏi thế gian? Họ có biết rằng họ có mọi thứ bao con người ao ước không? Vậy thì rốt cuộc con người đó có hay đang không có thứ mà mình sở hữu? Người chết họ để lại câu hỏi lớn mà những người ở lại không bao giờ biết được câu trả lời.

Có những đứa trẻ sinh ra vốn không hề có cha mẹ. Em gọi nơi em được nuôi nấng là nhà, gọi những người chăm sóc em là cha mẹ, gọi những người cùng cảnh ngộ với em là anh chị em. Nhưng sự thực là em không có nhà, không có cha mẹ, không có anh em… Em có biết điều đó không? Em biết chứ, biết ngay từ trong bản năng không cần ai phải nói ra. Nhưng em vẫn có những giây phút hạnh phúc, vẫn có tình yêu (những nơi họ thực sự yêu thương các em), vẫn cố gắng nương nhau mà sống, có đau khổ đấy nhưng rồi vẫn cười, vẫn vô tư.

Vậy thì em có được xem là mình có gia đình không? Có anh chị em nâng đỡ nhau hay không? Có cha mẹ thương yêu hay không? Các em có biết ơn tất cả những điều các em đang có hay không?

Lại có những người giàu có, dư dả nhưng thà là cứ xài bậy bạ phung phí còn hơn là cho không ai một cắc. Cũng có những người thiếu thốn, tiết kiệm là vậy nhưng thực ra rất tốt bụng. Vậy thì ai giàu có hơn ai?

Bạn thực sự có gì? Đây là một câu hỏi thụ động. Thử nghĩ xem, bạn có thể đếm được cá ngoài đại dương không? Nhưng cá trong ao thì dễ dàng. Bạn có thể đếm được vì sao cả một bầu trời không? Từ bên dưới đáy giếng thì quá đơn giản. Đừng chỉ tự hỏi mình thực sự có gì, ta chỉ có thể đếm được những thứ đã bị ứ đọng và trì trệ, những thứ đã bị giới hạn. Hãy tự hỏi bản thân thực sự có thể làm được gì, bởi vì khả năng con người là vô hạn. Đừng làm cá chép, hãy hoá rồng. Và làm ngay đi.

Đôi khi tôi có cảm giác mình cô đơn quay quắt, càng cảm thấy mình cô đơn đến hãi hùng khi tôi đọc phần tác giả viết về cha mình trong “Khởi Sinh Của Cô Độc“. Ông già sống như một bóng ma vất vơ vất vưởng, hoặc cũng có thể nói ngược lại là ông đã chết rồi trở thành xác sống biết đi. Cái nào cũng đúng, ông già thậm chí còn không có nổi một ý định tự tử, người đã chết thì đâu thể chết thêm lần nữa. Thế là tôi tỉnh ra, tôi không muốn mình trở thành loại người như ông già đó. Rồi tôi đi tập thể dục. Vậy thôi, đơn giản mà hiệu quả. Tôi bây giờ mới thấm thía câu “bình thường là đạo”.

Ừ thì ai rồi cũng chết, thì ai cũng cô đơn, ai cũng đau khổ, đời là thế này thế kia… Ừ, nó là vậy đó nhưng mà tôi phải lo lấy được cái chứng chỉ Toiec đã rồi tính sau. Tôi biết con người là độc ác, cuộc đời là bể dâu nhưng mà tôi thực sự bận lắm không hơi đâu mà nhỏ nước mắt sụt sùi những chuyện đó, tôi phải đi học, đi làm kiếm tiền lo cho tôi, cho gia đình, đóng thuế cho nhà nước rồi dư dả thì làm từ thiện, giúp đỡ người bất hạnh, trẻ em mồ côi…

Nếu các bạn thực sự quan tâm đến cái đất nước này thì hãy xách đít lên mà làm. Hành động định nghĩa con người của chúng ta chứ không phải là những gì thứ chúng ta có hay là những thứ chúng ta chỉ mới biết. Chỉ biết thôi thì chưa đủ đâu, “có làm thì mới có ăn”, phép màu thực sự không phải là việc hô phong hoán vũ mà là sống có thanh thản hay không, đêm về ngủ có ngon giấc không, tâm hồn có an bình hay không, đã làm hết nhiệm vụ của ngày hôm nay chưa, cười có chân thành hay không, hôm nay có hơn ngày hôm qua hay không…

Bạn thực sự có thể làm được gì và đã làm được gì? Tôi tôn trọng điều đó hơn hết thảy.

 

Quyên Quyên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

Trả lời Rain Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI