19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bàn về trách nhiệm

 Featured Image: Pushp Deep Pandey

 

Chú ý: Tất cả những nội dung dưới đây thể hiện quan điểm và tư tưởng cá nhân của tác giả, chứ không phải một sự khẳng định chân lý nào cả.

1. Trách nhiệm là:

+ Việc trả lời hoặc/và đưa ra hành động khi được yêu cầu hay khi cần thiết về một điều gì đó.

Ở đây chú ý đến việc định nghĩa về trách nhiệm không mang hàm nghĩa đúng/sai hay tốt/xấu nào. Nó đơn thuần chỉ là một hành vi, một lựa chọn của con người như bao hành vi, lựa chọn khác diễn ra hàng ngày. Nó cũng không bị hạn chế trong một bối cảnh nhất định nào cả.

Với cách hiểu như trên, trách nhiệm không nhất thiết phải là một gánh nặng hay một cái gì đó quá trừu tượng. Từ việc uống nước khi khát, thay tã khi con tè dầm, hay nhấc điện thoại khi có chuông reo, cho đến việc quyết định xem mình sẽ làm công việc gì, vào đại học nào, hay đưa ra những quyết sách, chỉ thị để giải quyết các vấn đề trọng đại quốc gia đều là các ví dụ về trách nhiệm.

2. Nhận trách nhiệm về mình đối với một vấn đề/công việc tức là:

+ Coi bản thân là chủ thể trong vấn đề/công việc đó chứ không phải là một yếu tố bên ngoài. Đồng thời chủ động và tích cực đưa ra hành động và kết quả chứ không bỏ mặc, chờ đợi, hay đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài.

Ở đây chú ý đến việc hành vi nhận trách nhiệm là một hành vi tự giác, xuất phát từ bản thân chứ không phải là từ tác động bên ngoài, mang tính chủ động chứ không bị động. Điều đó có nghĩa là nó có thể diễn ra đối với một vấn đề/công việc nào đó trước mắt, chứ không chỉ sau khi một sai lầm/thất bại nào đó đã diễn ra. Đồng thời nó cũng không chịu sự chi phối hay hạn chế của các yếu tố bên ngoài như các mối quan hệ xã hội hay các nền tảng luật pháp/đạo đức/văn hóa/truyền thống/tôn giáo. Thêm vào đó, hành vi nhận trách nhiệm có hai mặt là tư tưởng và hành động. Trong đó, mặt tư tưởng đóng vai trò quan trọng và đi trước dẫn đến hành động. Tuy nhiên chỉ khi có đủ cả hai mặt này thì mới có thể coi là đã nhận trách nhiệm một cách hoàn chỉnh.

Ta có thể lấy ví dụ về một anh nhân viên quèn trong một công ty nào đó. Công ty không có ai biết về máy tính, nhưng anh ta thì lại có hứng thú với máy tính dù chuyên môn có thể khác. Khi có ai đó gặp khó khăn về máy tính đến hỏi, anh ta đều vui vẻ nhiệt tình trả lời và giúp đỡ. Như vậy là anh ta đã nhận trách nhiệm đối với việc giúp đỡ mọi người xung quanh về vấn đề máy tính. Xa hơn nữa, anh ta có thể tự mang cho mình vai trò và quyền hạn quản lý toàn bộ mạng máy tính công ty, từ đó đề xuất các giải pháp mới để cải thiện chất lượng công việc, hoặc cấm đoán mọi người thực hiện một số thao tác máy tính nhất định, dù không bổ nhiệm hay giao phó cho anh ta cả. Tất cả đều là các dạng khác nhau của việc nhận trách nhiệm.

Trong một ví dụ khác, giả sử anh nhân viên kia không biết gì về máy tính nhưng lại bị sếp giao cho việc phụ trách mạng máy tính công ty. Anh ta có thể cảm thấy đây không phải công việc của mình, hoặc đơn gián là anh ta không thích, và do đó thực hiện công việc một cách chểnh mảng, hoặc thực hiện tốt nhưng một cách miễn cưỡng. Trong trường hợp đó anh ta đang không nhận trách nhiệm đối với công việc quản lý mạng máy tính công ty. Ngược lại, nếu sau khi được giao công việc, anh nhân viên kia quyết định sẽ làm tốt việc được giao và bắt đầu tự mình tìm tòi học hỏi về máy tính, thì như vậy là anh ta đã nhận trách nhiệm đối với công việc của mình.

3. Trách nhiệm và tự do đi liền với nhau

+ Nhận trách nhiệm sẽ đem lại sự tự do về tư tưởng và hành động. Ngược lại muốn có tự do thì cần phải sẵn sàng nhận trách nhiệm về những hệ quả nảy sinh.

Ở đây ta nói đến “tự do” trong tư tưởng của bản thân, chứ không phải tự do theo nghĩa không có ràng buộc pháp lý hay xã hội. Con người ta cảm thấy không được tự do khi không được làm theo như mình muốn. Nhưng một người khi đã nhận trách nhiệm về một việc gì đó, tức là đã coi bản thân là chủ thể quyết định mọi yếu tố khác. Khi đó mọi việc người đó làm đều là vì người đó muốn, và mọi việc người đó muốn thì người đó đều có thể làm. Do vậy người đó sẽ cảm thấy được “tự do”. Có quan niệm cho rằng trách nhiệm càng nhiều thì tự do càng ít, nhưng việc cảm thấy không được tự do thực chất chính là không muốn nhận trách nhiệm. Mọi hành động, mọi quyết định có ý thức đều là thể hiện của ý chí tự do và đi kèm là trách nhiệm. Việc nhận trách nhiệm đến đâu, đồng nghĩa với cảm thấy tự do đến đâu, hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân và cũng là một trách nhiệm/tự do của mỗi người.

Ta hãy thử xét một ví dụ cực đoan. Một người bị kẻ xấu dí dao vào cổ đòi tiền. Anh ta có thể cho rằng mình không có tự do lựa chọn và do đó bắt buộc phải đưa tiền cho kẻ kia. Nhưng thực sự đó chỉ là một lý do cho việc anh ta không muốn nhận trách nhiệm đối với việc đưa tiền cho kẻ xấu. Anh ta không muốn phải suy nghĩ xem còn lựa chọn nào ngoài đưa tiền không. Anh ta không muốn làm chủ thể mà chỉ muốn làm nạn nhân. Trên thực tế anh ta có đầy đủ tự do để đưa quyết định của riêng mình: Tri hô, giằng co, chây lỳ, từ chối, thậm chí là tự cứa cổ vào dao, v.v.. Kể cả khi anh ta quyết định đưa tiền dù với bất cứ lý do nào đi nữa, nếu anh ta nhận thức được quyết định đó là của bản thân, và sau đó không hề hối hận hay kêu ca, thì đó cũng là một quyết định của ý chí tự do và anh ta đã nhận trách nhiệm đối với quyết định của mình. (Lưu ý rằng ở đây không hề có ý ám chỉ việc nhận trách nhiệm là tốt và chịu làm nạn nhân là xấu)

4. Đúng sai và trách nhiệm là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt

+ Nhận trách nhiệm không có nghĩa là sai, và không sai không có nghĩa là không cần nhận trách nhiệm.

Như đã nói ở trên bản thân trách nhiệm và việc nhận trách nhiệm không mang hàm nghĩa đúng/sai hay tốt/xấu nào. Đồng thời việc nhận trách nhiệm cũng là một tự do. Do đó bất luận là khi tranh luận hay khi đối chiếu với các chuẩn mực bên ngoài, một kết luận đúng/sai không nhất thiết là lý do dẫn đến hành vi nhận trách nhiệm. Việc “phải nhận trách nhiệm” hay “có trách nhiệm” theo cách nói thông thường đơn thuần chỉ là “được trông đợi sẽ nhận trách nhiệm”. Tuy đa số trường hợp đi kèm theo là các ràng buộc pháp lý hay xã hội, nhưng đó cũng vẫn chỉ là một trong các yếu tố được xét đến trong việc quyết định có nhận trách nhiệm hay không. Vì vậy, điều quan trọng không phải là tranh cãi hay suy nghĩ xem “có phải nhận trách nhiệm hay không”, mà là quyết định xem “có nhận trách nhiệm hay không”. Tuy nhiên cần chú ý một điều là không ai muốn giao trách nhiệm cho người không muốn nhận trách nhiệm, dù người đó đúng hay sai.

Ta có thể lấy ví dụ về anh chàng nhân viên được giao công việc quản lý mạng máy tính. Một ngày đẹp trời sét đánh trúng công ty anh ta và toàn bộ dữ liệu máy tính của công ty được nướng thơm lừng. Sau đó công việc công ty đình trệ nặng nề do không có phương án dự phòng dữ liệu. Anh ta có thể nghĩ trong đầu rằng đó là tai nạn bất khả kháng, hay anh ta không phải người trong nghề thì chỉ làm được đến thế thôi. Tuy nhiên dù anh ta có đúng đến đâu, thì mọi người xung quanh vẫn có thể sẽ trông đợi anh ta nhận trách nhiệm, và rất có thể sẽ tin tưởng hơn, đánh giá cao hơn, giao phó nhiều trách nhiệm hơn cho anh ta nếu anh ta chủ động đứng ra nhận trách nhiệm. Do đó, một quyết định có trách nhiệm về việc có nhận trách nhiệm hay không sẽ dựa trên kết quả đánh giá mức độ kỳ vọng của mọi người xung quanh và lợi ích tiềm tàng từ việc nhận trách nhiệm, chứ không phải là lý lẽ đúng sai.

5. Kết luận:

+ Hãy ý thức đến việc nhận trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày để được tự do về tư tưởng và hành động, bao gồm cả việc nhận trách nhiệm đối với việc quyết định xem có nhận trách nhiệm hay không.

Xin hoan nghênh mọi sự đóng góp/chất vấn/cảm tưởng về bài viết và đề tài.

 

Hawkie

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Cám ơn anh. Bài viết của anh đã khiến em suy nghĩ lại về bản thân khá nhiều, từ việc học đến đời sống thường ngày.

    Anh cho em hỏi : Thực ra em luôn muốn nhận trách nhiệm, tuy nhiên thường xảy ra 2 trường hợp là trách nhiệm quá nhiều hoặc sau đó tất cả những người xung quanh đều đổ hết trách nhiệm lên đầu mình. Điều này thực sự làm em rất ức chế, nhất là trong lúc làm việc nhóm. Nếu anh có bài viết về chủ đề này thì tốt quá, còn nếu không thì cho em xin vài lời cũng được.

    • Chào bạn. Rất vui vì bài viết của mình đã giúp ích được cho bạn.

      Về câu hỏi của bạn, mình xin trả lời thế này:

      Trước hết, việc nhận trách nhiệm ko có tốt/xấu. Ta chỉ nên nhận trách nhiệm nếu như việc đó mang lại lợi ích nhiều hơn là thiệt thòi cho bản thân. “Lợi ích” và “thiệt thòi” ở đây có thể có rất nhiều cấp độ và cách đong đếm, hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh, tầm nhìn, quan điểm, sở thích, v.v. của mỗi người. Do đó tôi nghĩ chúng ta ko việc gì phải cố nhận trách nhiệm vì mọi người xung quanh nghĩ là việc đó “tốt”, “vinh quang”, “nên/cần/đáng/phải làm”. Chúng ta ko có nghĩa vụ phải hy sinh bản thân vì ai cả.

      Về vấn đề người xung quanh, thì vốn “người xung quanh” là yếu tố bên ngoài mà ta chỉ có thể tác động chứ ko thể quyết định, mà đã ko thể quyết định thì chỉ có thể chấp nhận mà thôi. Lấy ví dụ chẳng hạn nếu trời có đột nhiên mưa to đúng vào ngày bạn có hẹn với bạn gái, có lẽ bạn cũng sẽ chỉ thấy thất vọng chứ ko ức chế hay cáu giận, vì chẳng ai đi giận ông trời. Tương tự như vậy đối với những người đổ trách nhiệm cho bạn, nếu ko thể thỏa hiệp được với họ thì hãy nghĩ “bọn này nó thế”. Có thể đôi lúc bạn vẫn sẽ thấy ức chế vì đó là cảm xúc tự nhiên của con người, nhưng đừng để đó bám đuổi tâm trí quá lâu.

      Sau khi đã loại bỏ được yếu tố bên ngoài, vấn đề chỉ còn lại là bản thân bạn sẽ làm gì. Tùy vào hoàn cảnh và bản thân bạn mà có thể có nhiều lựa chọn. Bạn có thể nhận toàn bộ trách nhiệm hoặc nhận một phần trách nhiệm và từ chối phần còn lại. Nếu chấm điểm chung thì bạn có thể chấp nhận điểm thấp, hoặc tìm cách để nỗ lực của mình được đánh giá riêng biệt hoặc cao hơn người khác chẳng hạn như làm bảng đánh giá mức độ đóng góp kèm theo kết quả công việc. Dù bạn quyết định thế nào đi nữa thì bạn cũng cần nhớ hai điều: 1) cuộc sống ko có đáp án tuyệt đối và 2) hãy nhận trách nhiệm với quyết định của mình.

      Từ cảm nhận của mình, những người như bạn thường tự đặt tiêu chuẩn cao đối với bản thân và muốn làm thật tốt mọi việc. Đó ko phải việc xấu, nhưng nếu nó khiến bạn mất đi niềm vui và từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và học tập thì đó là cái giá quá cao. Suy cho cùng mọi người sống đều vì bản thân, và chỉ thế thôi đã đủ khó lắm rồi.

      Chúc bạn vui vẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI