19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những cái kết trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng

 

I. Mở đầu

Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912. Ông từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu nghệ thuật: Giỏi vẽ, biết đánh đàn nguyệt, soạn bài hát cải lương, cũng thích làm thơ. Nhưng do điều kiện gia đình khó khăn mà Vũ Trọng Phụng không thể chỉ chuyên tâm vào làm nghệ thuật. Ông đã phải kiếm sống rất cực nhọc lại nhiễm lao nặng nên qua đời khi mới 28 tuổi vào ngày 13 tháng 10 năm 1939.

Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng ông đã để lại cho nên văn học Việt Nam giai đoạn 30-39 một khối lượng tác phẩm không những đồ sộ mà còn mang giá trị thời đại sâu sắc. Có lẽ chính sự đối nghịch trong cuộc sống – nghèo khổ, bệnh tật, cuộc sống ngắn ngủi và số lượng lớn tác phẩm giá trị, đặc sắc, nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng đã khiến ông không chỉ thấu hiểu xã hội “chó đểu” đương thời mà còn có một phong cách viết văn trào phúng điển hình.

Cùng với Vũ Trọng Phụng còn có Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nam Cao… đã để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn Việt Nam thời kỳ đó.Vậy nên thách thức “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có” đối với Vũ Trọng Phụng là rất khó khăn. Ông đã viết qua nhiều thể loại như phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… Tuy truyện ngắn không phải thể loại thành công nhất của ông nhưng cũng đã đánh dấu những chặng đường phát triển của Vũ Trọng Phụng. Và hơn thế nữa, người đọc bắt gặp ở truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng những manh nha cho tư tưởng tiểu thuyết sau này.

Chính vì vậy mà việc tìm hiểu truyện ngắn Vũ Trọng Phụng cũng là một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua khi nghiên cứu đến sự nghiệp sáng tác của ông. Trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng ngoài yếu tố đá kích sâu cay còn có yếu tố châm biếm bất ngờ và thường xảy ra ở đoạn kết. Để tìm hiểu ý nghĩa những cái kết trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng thì ta nên đi tìm hiểu ba vấn đề: nhân vật, nút thắt trong truyện và quan điểm của Vũ Trọng Phụng.

II. Nội dung chính

1. Nhân vật

Hệ thống nhân vật được xây dựng trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng không có cái tài năng của Nguyễn Tuân, không có sự tinh tế của Thạch Lam mà gần với cái giản dị của Nam Cao. Nhưng có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa “đứa con tinh thần” của Vũ Trọng Phụng và Nam Cao là nhà văn Nam Cao vẫn luôn tin vào một “nhân chi sơ tính bản thiện” của các nhân vật. Điển hình như Chí Phèo đã được “giải độc” sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở. Còn Vũ Trọng Phụng thì lại xây dựng một ranh giới rõ ràng giữa thế giới của những đứa đạo đức giả với thế giới của những con người bất hạnh sống trong xã hội “chó đểu”. Ví dụ như trong “Thủ Đoạn” xuất hiện song song một xã hội thượng lưu dâm ô, bẩn thỉu với lão chủ, cậu ký bên cạnh một tấm lòng đẹp đẽ của cô ký. Những quan chức nhà nước, bác đánh giậm, thằng nghiện, anh em trong cùng một gia đình… nhưng lại có thái độ, suy nghĩ và hành động không phải của quan chức nhà nước, bác đánh giậm, thằng nghiện, anh em trong cùng một gia đình… đã tạo nên những nghịch lý. Có ai ngờ đâu một anh chàng quyết tâm cai nghiện, vứt thư tình của người yêu cũ vào lò sưởi để bạn mình không tống tiền được người yêu lại là một “gương… tống tiền” – vừa tống được tiền mà vừa được thương yêu. Cả một câu truyện mà chỉ đến đoạn văn cuối cùng Vũ Trọng Phụng mới để nhân vật bộc lộ tính cách thật và làm người đọc vừa giật mình ngỡ ngàng vừa chua xót thay cho cô người yêu (Gương… tống tiền – Vũ Trọng Phụng). Sự bất ngờ trong cách xây dựng suy nghĩ và hành động nhân vật chính là một yếu tố làm cho cái kết trở nên hấp dẫn hơn, châm biếm hơn.

2. Những “nút thắt” được tháo bằng “cái kết”

Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nói trong Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn: “Trong văn chương, tôi không bao giờ tin rằng có một cái tài nào đó chỉ nhờ biết đặt câu, dùng từ cho khéo, biết quan sát và mô tả sự vật cho tinh mà có thể tạo nên được những tác phẩm có giá trị thật sự. Văn học là tâm huyết, là thứ tư tưởng – nhiệt tình tự nó hiện hình thành những nhân vật đầy sức sống, tự nó đẻ ra những chữ có góc có cạnh, có hình có khối, có hơi thở phập phồng trên trang giấy. Ở Vũ Trọng Phụng, cái tư tưởng – nhiệt tình ấy là gì? Ấy là niềm căm thù mãnh liệt đối với xã hội ác độc, bất công vô lý và “chó đểu” thời thuộc Pháp và khát vọng muốn đập tan tành nó di để xây dựng một xã hội công bằng hơn, có nghĩa lý hơn.” Trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng thì chưa thể hiện được một cách suất sắc và đầy đủ cái “tư tưởng – nhiệt tình” của ông nhưng nó đã làm tiền đề cho sự thành công của các tác phẩm sau này. Truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng chủ yếu có cốt truyện liên quan đến đề tài tiền và tình. Những nút thắt trong truyện sinh ra cũng từ tiền và tình. Gia đình nhân vật tôi và Ký Bích trong Một đồng bạc là ví dụ cụ thể của lối sống vật chất.

Câu chuyện được xây dựng dựa trên ký ức của nhân vật tôi. Vừa tự nhiên lại vừa sống động, người đọc có lẽ chẳng lạ với cái cảnh “của biếu là của lo, của cho là của nợ” nhưng Vũ Trọng Phụng đã đưa vấn đề này vào truyện hết sức thành công khi hiện thực cuộc sống, xã hội, con người được vạch ra, chỉ rõ không kiêng nể. Khi hai gia đình còn êm đềm, của biếu của cho đã là gánh nặng nhưng họ vẫn vui vẻ và giả tạo. Rồi Vũ Trọng Phụng đã đặt vào một nút thắt sa cơ cho gia đình Ký Bích. Như một tấm kính mờ hơi nước được người ta lấy giẻ lau cho sạch, cho trong. Hành động của kẻ có tiền khác hẳn và làm cho cái kết truyện chìm trong hối hận… vì một đồng bạc.

Chính những nút thắt hợp lý nhưng sắc sảo mà Vũ Trọng Phụng chọn đã giúp ông tố cáo thành công bộ mặt của xã hội nửa phong kiến thời Pháp thuộc. Cuộc sống của bà lão giàu sang, phúc đức bỗng một ngày sa cơ phải ở nhà cháu. Nhưng chỉ vì túng quẫn, thiếu miếng ăn mà mụ vợ đang tâm để bà cô chồng mù loà ngồi ngoài đê trong đêm mưa gió để sáng hôm sau, bác chồng ra bờ đê thì chỉ còn thấy xác của bà cụ đã bị quạ rỉa nát nhừ. Cái kết khiếp đảm đã trả lời cho cái nút thắt “bà lão sẽ sống thế nào trong cảnh nghèo khổ ấy?”. Nhưng nó đã trả lời đầy oán giận và đau đơn (Bà lão loà – Vũ Trọng Phụng). Chỉ có những nhà văn đã trải qua cảnh sống khốn khó thì mới vắt được ra những dòng tâm huyết như thế. Và với những kinh nghiệm mà cuộc đời đã dạy cho, đã tôi luyện nên thì ngòi bút của Vũ Trọng Phụng đã đả đúng, đả đau xã hội đương thời. Những kết thúc không những bất ngờ mà còn đáng kinh khiếp như những cái chết của bà lão loà, của cô kí, của ông bố có bộ răng vàng… đã thay hết thảy các bản cáo trạng đanh thép nhất để lên án hiện thực xã hội.

3. Quan điểm sống và viết của Vũ Trọng Phụng

“Cái chính của truyện ngắn là gây một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình người.” (Lý luận văn học tập II – Trần Đình Sử) Vậy nên nếu truyện ngắn chỉ có tố cáo để thương xót là thiếu sót, là không đủ. Truyện ngắn cần có thêm những triết lý được đúc rút từ tác giả gửi gắm thông qua các nhân vật. Ví dụ như câu: “Trên thế gian cũng như trong vũ trụ, vật nào cũng có một nghĩa, sự nào cũng có một lý.” Của sư cụ Tăng Sương (Sư cụ triết lý – Vũ Trọng Phụng). Hay câu “Tuy rằng chẳng ai lại hoàn toàn thật thà với ai bao giờ, điều ấy thì ai cũng thừa biết, vậy mà người nào cũng cứ ao ước sẽ có kẻ thật thà với mình…” (Cái ghen đàn ông – Vũ Trọng Phụng). Những câu mang ý nghĩa triết lý hay chính là quan điểm của tác giả với vấn đề được bàn tới trong truyện phần lớn đều là những nghịch lý.

Vâng, “vật nào cũng có một nghĩa, sự nào cũng có một lý” và nghĩa lý của sư cụ chính là miếng thịt chó thơm phức. Rồi đến cái điều đơn giản là “chẳng ai thật thà hết nhưng lại cứ mong người ta thật thà hết với mình” của Giao Đài trong “Cái ghen đàn ông” cũng được tìm ra và phát biểu thành câu thành chữ. Thực ra mục đích cuối cùng của những quan điểm đó là đưa cho độc giả xem cái suy nghĩ, cái nhìn của chính tác giả. Từ đó dẫn dắt con người ta đi đến sự chiêm nghiệm về những vấn đề trong đời sống cũng như giải thích cho cách kết truyện mà tác giả đưa ra. “Than ôi, con người ta khi lâm vào cảnh nghèo, có ai mà lại không hèn” chính nhân vật tôi trong “Một đồng bạc” đã xót thương chị Ký Bích bằng cái ý nghĩ ấy. Nhưng rồi sau này, nhân vật tôi đã ân hận mãi khi lạnh lùng với chị Ký Bích chỉ vì tiền. Câu “có ai nghèo mà không hèn” lúc này ngầm định như là sự xót thương của chính tác giả, người đọc dành cho nhân vật tôi.

III. Kết luận

“Ý nghĩa của tác phẩm văn học là nội dung của nó trong sự tiếp nhận của người đọc thuộc các thế hệ, thời đại.” (Lý luận văn học tập II – Trần Đình Sử) Đối với các tác phẩm truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, ta có thể đánh giá trên hai phương diện: Tính thời đại và tính lịch sử. Truyện ngắn của ông được viết vào thời gian xã hội Việt Nam đang vô cùng đen tối và nội dung tác phẩm cũng phản ánh được những mù mịt, kinh rợn của xã hội nên nó mang tính thời đại rất cao. Bên cạnh đó, khi đã trải qua giai đoạn 30-45 của đất nước và sống trong thời bình, độc giả đọc truyện ngắn Vũ Trọng Phụng không còn để khơi dậy lòng căm thù và ý chí đập tan xã hội “chó đểu” mà là để nhìn lại một chẳng đường đã qua. Một chặng đường đầy nguy nan của dân tộc Việt Nam được thể hiện sinh động và đầy nghệ thuật trong tác phẩm. Qua đó cũng thức tỉnh ý thức con người sống trong xã hội phải sống sao cho có lương tâm, có đạo đức. Đó chính là ý nghĩa lịch sử.

Trong cái ý nghĩa chung của toàn bộ tác phẩm thì cái kết chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Nó vừa thể hiện được con mắt nhìn sự việc của Vũ Trọng Phụng lại vừa thể hiện được thái độ của ông đối với những vấn đề trong truyện. Từ đó mà người đọc có thể biết thêm đã có một xã hội như thế, những con người như thế tồn tại bên trong dân tộc Việt Nam anh hùng để tự cảnh tỉnh chính bản thân. Qua đó, ta cũng có thêm được những tư liệu chân thực và xác đáng để nghiên cứu và đánh giá đúng về con người Vũ Trọng Phụng.

 

 Phong Linh

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

  1. Thanks bài viết của bạn. Mình cũng tìm đọc các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Bạn có đọc tác phẩm kịch “Không một tiếng vang”( 1931) của Vũ Trọng Phụng không? mình đang tìm tác phẩm đó nhưng tìm mãi không thấy :(. Bạn giúp mình với 🙂

    • Cảm ơn bạn đã quan tâm. Thực ra mình viết bài này khi còn học THPT, cách đây khá lâu rồi, gần đây có đọc lại và thấy cũng có ích nên muốn chia sẻ với mọi người. Còn về tác phẩm kịch “Không một tiếng vang” hồi đó mình chưa tìm hiểu nên cũng không có thông tin gì thêm để có thể giúp bạn, rất xin lỗi và mong bạn thông cảm nhé!

Trả lời Shin Shinbei Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI