15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tổng hợp một số bài viết về dư luận viên

Featured image: The 4th Media

Hà Nội lập nhóm ‘chuyên gia bút chiến’

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nói thành phố đã tổ chức đội ngũ chuyên gia để “đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên internet chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”.

Ngoài ra, ông Lợi còn cho hay cơ quan tuyên giáo thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 ‘dư luận viên’ làm công tác tuyên truyền miệng.

Các chi tiết nói trên được nêu ra trong bài phát biểu của ông Hồ Quang Lợi tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 sáng thứ Tư 9/1 ở Hà Nội. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy từng làm phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân và tổng biên tập báo Hà Nội Mới.

Báo Lao Động dẫn lời ông Lợi nhận định rằng thủ đô Hà Nội “là địa bàn chống phá của các đối tượng”. Ông Hồ Quang Lợi nói: “Trong nước, các nhóm đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng nhân dân đối với các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, sự bức xúc trong đền bù giải tỏa đất đai đã kích động nhân dân tổ chức hàng chục cuộc tuần hành biểu tình, gây những hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển chung của đất nước”.

Theo ông, để đấu tranh với sự chống phá này, “thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng”.

Song song với đội ngũ ‘dư luận viên’ này, còn có “nhóm chuyên gia đấu tranh trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến trên internet”. Các “chuyên gia” của Thành ủy Hà Nội tới nay được biết đã xây dựng 19 trang tin điện tử và lập ra hơn 400 tài khoản trên các mạng xã hội để trực tiếp bút chiến với các “thế lực phản động”.

Ông Hồ Quang Lợi còn cho biết, “báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm, thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh”. Các cơ quan truyền thông Hà Nội, như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội hay báo Hà Nội Mới trong vài năm nay đã khá tích cực trong việc công kích, đả phá hoạt động biểu tình chống Trung Quốc trên địa bàn thành phố.

‘Không để lợi dụng công kích Đảng’

Trong khi đó, ở cấp độ cao hơn, người đứng đầu ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản kêu gọi “xử lý việc lợi dụng lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng”.

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nói tại Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hôm thứ Ba 8/1, rằng các cấp cán bộ Đảng cần “nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự đề kháng, năng lực phản bác của nhân dân trong cuộc đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch”.

Ông cũng nói phải “xử lý kịp thời những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Hiện dự thảo Hiến pháp mới đang được mang ra xin ý kiến người dân từ tháng 1 đến hết tháng 3 năm 2013. Theo ông Đinh Thế Huynh, việc lấy ý kiến người dân phải bảo đảm “dân chủ và thực chất” đồng thời “phải thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng”.

Ông chỉ đạo các báo khi chọn đăng ý kiến của dân phải bảo đảm “khách quan, mang tính tiêu biểu và tính xây dựng; tránh khuynh hướng phiến diện, thiên lệch, không chuẩn xác, thiếu trung thực”.

Theo BBC


 

Các dư luận viên đang làm gì?

Không ai rõ tên tuổi của đội quân 900 dư luận viên này. Một đội quân ẩn mình trong bóng tối, trên mạng để lập những tài khoản ẩn danh. Đấu tranh với bọn phản động. Những dư luận viên này chiến đấu như đội thuyền không số ngày xưa, như những chiến sĩ tình báo vô danh trên mặt trần truyền thông. Họ thầm lặng và không cần đến tên tuổi.

Hôm qua một bạn trên FB được một dư luận viên gửi tin nhắn ‘ Nội dung rằng dư luận viên là những người tuyên truyền, giải thích cho nhân dân rõ đường lối, chính sách của Đảng. Để nhân dân hiểu đúng vấn đề trong chính sách. Hạn chế thế lực phản động tuyên truyền sai lệch.

Bạn kia chuyển cho mình xem tin nhắn, à thì ra dư luận viên họ làm việc như vậy.

Mình cố gắng tìm kiếm hỏi han, xem có nhân dân nào gặp dư luận viên nào được họ giải thích không. Bóng chim, tăm cá. Chả ai thấy dư luận viên giải thích điều gì. Từ khi có nguồn tin là có dư luận viên, thì trên mạng lực lượng bênh lề phải nhiều trông thấy. Việc của họ là khi thấy clip nào ảnh hưởng đến đường lối, chính sách thì họ tranh nhau bảo – đm mấy thằng phản động làm clip giả, ảnh chụp giả ,chắc đéo gì là thật, nhìn vậy nhưng chưa biết thế nào…

Những câu như thế chả bàn luận làm gì. Ở đây chỉ bàn đến lời nhắn của bạn kia thôi, dáng chừng còn có vẻ nghiêm túc với nghề dư luận viên.

Nhưng thắc mắc là đường lối của đảng và nhà nước thế nào mà phải cần đến các bạn dư luận viên giải thích. Viết bằng tiếng Phổ, tiếng La Tinh hay thổ ngữ Phi Châu chăng. ? Không, chủ trương đường lối bằng tiếng Việt đấy chứ. Có nghĩa không cần các bạn ấy phiên dịch, mà cần bạn ấy giải thích cho dân chúng hiểu đúng đường lối đưa ra.

Đến đây thì hơi lạnh gáy, chủ trương và đường lối là những điều gì.? Mà khi đã vạch ra, viết ra rồi. tầm quan trọng ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Lẽ nào lại khó hiểu đến mức cần một đống người đi giải thích. Chủ trương và đường lối có phải mặt hàng mới ra của công ty thương mại nào đó đâu mà cần người tiếp thị, giới thiệu. Huống chi mặt hàng mới , người tiếp thị phải đeo biển, chường mặt, tên tuổi ra nói mới may ra có bà nội trợ dừng lại nghe. Đằng này cả đống dư luận viên chìm trong bóng tối thì giải thích cho nhân dân thế nào đây.

Xưa nay chỉ có trò bói toán, rút quẻ chữ nghĩa mênh mang vô định, mới nảy ra đám giải quẻ bói. Giải quẻ bói hiểu nôm na là người giải sẽ giải thích cho người có quẻ hiểu đúng sự việc. Đúng là thế nào thì có hậu vận sau này rõ, vì quẻ bói thì lơ mơ, người giải mỗi người một kiểu, người rút quẻ cũng hiểu mỗi người một kiểu.

Nhất định chủ trương đường lối không thể mơ hồ như quẻ bói, và dư luận viên cũng không thể là người giải quẻ bói. Vì chủ trương đường lối là thực tế rõ ràng, không mơ hồ huyễn hoặc được.

Thế chủ trương đường lối không phải bằng tiếng nước ngoài, không phải là quẻ bói, không phải là mặt hàng cần tiếp thị thì nó là câu đố chăng.?

Là câu đố thì mới cần người giảng cho người hiểu, nó có thể là câu đố dân gian kiểu như.

Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm.

Giải thích ra là những cái bát. Nhân dân nghe xong à vỗ đùi đét một cái, chủ trương, chính sách ta tài tình thật, nói cò hoá ra là bát. Tài đến thế là cùng… anh Đảng.

Không, chủ trương đường lối không thể là câu đố được, ai lại đi đánh đố nhân dân kiểu ấy.

Thế không phải câu đố, không phải quẻ bói, cũng chẳng phải ngoại ngữ, mặt hàng mới thì là gì. Là toán đố à, chắc toán đố mới cần người giải thích.

Không, chả phải, là toán đố thì nhiều vị lãnh đạo tập đoàn dốt toán lắm. Chủ trương, chính sách, đường lối mà giống toán đố thì các tập đoàn có mà vỡ nợ hết.

Thế chủ trương đường lối là cái gì mà dân khó hiểu đến mức phải cần đến dư luận viên hướng dẫn.? Lẽ ra chủ trương, đường lối phải dễ hiểu để những người dân bình thường nhất cũng có thể hiểu được, nắm được mà thực thi. Như thế mới gọi là sâu sát vào quần chúng nhân dân.

Đằng này chủ trương , đường lối của nhà nước, đảng, chính phủ lại phải cần đến một bộ máy đông đảo nhân lực rải đi khắp nơi để giải thích về chủ trương, đường lối ấy thì thật ái ngại về kết quả thu được. Như vậy thành công của chủ trương, đường lối đến đâu hay không, lại phụ thuộc vào năng lực của người đi giải thích và trình độ tiếp thu của người được giải thích.

Than ôi, người tâm huyết trí óc vạch ra đường lối rồi, lại phải có người trung gian cũng phải tâm huyết và có trí óc để đi diễn giải cho nhân dân hiểu được đường lối, chủ trương ấy nữa. Rồi người dân phải để tâm trí cố mà tiếp nhận được nữa.

Như thế cũng khó chắc chắn, vì có thể đường lối , chủ trương dân có hiểu hay không lại phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đám dư luận viên này.

Có khi để hiệu quả chắc chắn hơn, xin Đảng và Nhà Nước, Chính Phủ lập thêm mội đội quân nữa đi giải thích tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng cái điều mà các dư luận viên đã giải thích , tuyên truyền. Chuyện đường lối, chủ trương là quan trọng, cho nên thêm một tuyên truyền, giải thích như thêm một tầng tiền đạo nữa để chủ trương, chính sách được thông suốt đến cho người dân tốt hơn.

Viết đến đây mới giật mình nghĩ, thằng nào bố láo nghĩ ra cái tin nhắn ấy, làm ông mất công. Chủ trương, đường lối của Đảng và Chính Phủ, Nhà Nước là phổ cập toàn dân, khi đưa ra là phải dễ hiểu cho nhân dân. Đâu cần dư luận viên nào phải đi giải thích. Nói một đống người ngốn ngân sách đi giải thích về đường lối thì hoá ra bảo đường lối, chính sách là quẻ bói, toán đố, câu đố à.?

Thế thì các dư luận viên đang làm gì.?

Chịu, chẳng biết nữa. Có khi họ đang âm thầm toả đi còm men các FB cũng nên.

Người Buôn Gió


 

Chào đón Dư Luận Viên năm 2014

Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận dư luận viên một cách bao quát hơn. Ngoài góc nhìn họ là những người bảo vệ chế độ ra, cần phải có một cách nhìn khác về họ.

Thứ nhất, sự ra đời của dlv trên các trang mạng khiến cho thông tin được phong phú hơn, đa chiều hơn. Ít nhiều nó sẽ gây ra sự thu hút của dân chúng vào thế giới mạng. Mà thế giới thông tin trên mạng nếu như thế sẽ được gọi là một chiến trường. Thì ít ra những người yêu thích tự do đã có được chiến trường.

Tại sao phải vui khi có chiến trường?

Bao năm nay, nhà nước CSVN vốn dĩ truyền thông độc quyền. Mọi thông tin đều do họ kiểm soát. Những lời nói đối lập dù chỉ loáng thoáng ở vỉa hè, khu phố, cơ quan, nhà máy đều bị trả giá lập tức bằng án tù hay tập trung cải tạo. Chúng ta chưa bao giờ biết đến một mặt trận truyền thông của hai làn dư luận như hiện nay.

Nhờ có sự phát triển của kỹ thuật, cộng với sự đổi mới của thế giới và quan hệ quốc tế. Những người yêu thích tự do đã có được một khoảng trống nhỏ để phát biểu ý kiến của mình, quan điểm và những bất đồng với chính quyền. Sự ra đời của dlv với nhiệm vụ tuyên truyền cho Đ và đấu tranh chống luận điệu sai trái đã cho thấy nhà nước CSVN đã buộc phải nhìn nhận rằng đã có một chiến trường thông tin trên mạng mà họ khó có thể dập tắt. Cho dù họ đã nỗ lực sử dụng kỹ thuật chặn, bắt bớ, nghị định xử phạt..

Nhưng chiến trường thông tin ấy không hề ngớt tiếng của phe yêu tự do. Một sự thật mà nhà cầm quyền Việt Nam thấy rõ là có sự tồn tại của truyền thông tự do, không thể lờ đi coi như không có được, hoặc bỏ mặc cho các người yêu tự do ngôn luận chiếm lĩnh truyền thông trên các trang mạng.

Buộc lòng họ phải đưa chiến sĩ của họ ra trận. ( hy vọng họ cũng sẽ sớm nhận ra có một chiến trường nữa mà bây lâu họ cũng cố quên đó là chiến trường nóng bỏng ngoài khu vực đảo Hoàng Sa ).

Một hội 258 ra đời, một hội phản bác 258 ra đời. Hội 258 đưa hình đến các cơ quan ngoại giao quốc tế quảng bá hành động của mình. Hội phản bác 258 cũng công khai đưa hình đến bộ ngoại giao VN. Tiếp đến là những bài viết công kích của nhóm phản bác 258 trên mạng. Nhóm này cũng chụp hình sinh hoạt, giao lưu, gặp gỡ…điều đó rất tốt. Tốt vì nó nói ra rằng một mặt trận truyền thông đã được công nhận.

Tuy rằng luận điệu của DLV nhiều khi thật buồn cười, ví dụ họ nói rằng nhóm mạng lưới bloger không đại diện cho tất cả các bloger Việt Nam. Nói thế thì họ cũng phải công nhận nhiều nhóm nhiều tổ chức khác không đại diện cho tất cả những người Việt Nam. Ví dụ cái hội Việt Kiều yêu nước do chính phủ VN thành lập. Cái hội này rõ ràng còn tiếm danh hơn mạng lưới bloger Việt Nam, vì Việt Kiều nào mà không yêu nước, chả lẽ VK nào không có trong hội này là không yêu nước VN sao.?

Nhưng cứ để cho sự tranh cãi được diễn ra. Dù sao có được một mặt trận để diễn ra sự tranh luận này cũng là thành công của những người yêu tự do. Dư luận sẽ phán xét bên nào có lý, sự phán xét có thể còn không đến ngày hôm nay, có thể là còn nhiều ngày sau nữa. Thì sự ra đời của các DLV một cách công khai, chính thức thì cũng có nghĩa sự ra đời của các nhóm đối thủ của nhóm DLV cũng đã được khẳng định.

Dư luận viên – mục đích ra đời và tương lai về đâu?

Mục đích ra đời của các nhóm DLV như Võ Khánh Linh, Tre Làng, Loa Phường ..ban đầu với mục đích là bảo vệ chế độ, đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc. Nhưng càng ngày người ta càng thấy luận điệu của các nhóm này xa rời mục tiêu ban đầu đó. Nếu như bảo vệ chế độ cần phải có những bài viết nghiêm túc, khách quan, ngôn từ đứng đắn để chinh phục dư luân…thì đằng này các nhóm DLV trên sử dụng ngôn ngữ chợ búa, những lập luận ngô nghê của đám dân chợ để nhục mạ đối thủ của mình.

Nhục mạ đối thủ bằng những câu văn rẻ tiền, lập luận bừa bãi, khiên cưỡng và quy chụp như vậy, có phải là bảo vệ chế độ không.? Tất nhiên không ai đi bảo vệ chế độ một cách vô học như thế, trừ khi muốn lợi dụng vậy để bôi bác thêm chế độ. Một chế độ kiểu gì mà những kẻ bảo vệ nó nói những lời hạ đẳng như vậy.?

Rõ ràng các DLV không bảo vệ chế độ, hoặc trình độ của họ để bảo vệ chế độ là quá thấp. Hoặc mục tiêu chính của họ là nhục mạ, hạ thấp những nhà đấu tranh, những lực lượng tiến bộ trong xã hội. Gây cho nhân dân không tin tưởng vào các phong trào xã hội dân sự tiến bộ đang ra đời.

Không bảo vệ lý tưởng của chế độ, đánh phá uy tín những phong trào dân sự đang xuất hiện, vậy các dlv có mục đích chính là gì?

Phải chăng ( đám dlv ) là sự chuẩn bị cho một thế lực nào đó sắp ra mắt công chúng. Một thế lực đang cần cho dân chúng thấy rằng chỉ có họ mới nắm vận mệnh, thay đổi được đất nước, chỉ có họ mới thực sự dân chủ, thực sự đem lại tự do và phát triển cho đất nước. Chính vì vậy, thế lực này đẻ ra đám Dư luận viên để cho đám này đi tung tăng đi khắp nơi nhục mạ , hạ thấp uy tín các nhóm khác bằng ngôn ngữ thấp hèn, qua cách sử dụng ngôn ngữ đó cũng hạ thấp hình ảnh ĐCS VN vì mang danh nghĩa bảo vệ.

Bỗng nhiên gần đây, hình ảnh của những nhà lý luận VN trong BCT không được báo chí đề cập đưa tin. Báo chí vắng bặt tin hoạt động của UVBCT Đinh Thế Huynh, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Ngô Văn Dụ….những ủy viên từng kinh nghiệm rành rẽ về các hoạt động tuyên truyền, lý luận, truyền thông.

Thay thế vào đó báo chí ca ngợi những gương mặt mới như Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình… khiến cho dân chúng cảm thấy những gương mặt này là nguồn động lực mới , đáng tin tưởng, đáng gánh vác trọng trách quan trọng nay mai.

Ở phía dưới, đám dlv cũng có nhiều bài khen ngợi những gương mặt mới này. Mọi sự chỉ trích những nhân vật mới này đều được các dư luận viên ưu tiên phản pháo hàng đầu.

Đến đây thì có lẽ bản chất sự ra đời của dlv để làm gì, phục vụ ai đã rõ.

Nói gì thì nói, những nhà lý luận như Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị có muốn dập tắt những dư luận tự do đến mấy đi nữa, có thể bằng nhà tù, gông cùm…nhưng chắc họ không bao giờ sử dụng đám dlv võ biền,dung tục để tranh luận với thiên hạ bảo vệ lý tưởng CS của họ.

Nhìn toàn cục. Sự ra đời của đám dlv cũng là tổn thất của ĐCS về mặt uy tín. Điều rõ ràng nhìn thấy vậy , tại sao ĐCSVN vẫn để đám dlv tung hoành. Đơn giản bởi vì đám dlv đươc nuôi dưỡng bằng nguồn tiền của một thế lực mới đang ngự trị trên đất nước. Nó cho thấy ĐCS VN đã yếu thế trong việc kiểm soát kinh tế, tài nguyên, nguồn lực, lực lượng vũ trang….điểm mạnh nhất của ĐCS là tuyên truyền giờ cũng đang bị phân hóa nặng nề, nguy cơ mất kiểm soát nốt mảng này là điều dễ thấy.

Cuối cùng thì sự ra đời của dlv cũng đáng được chào đón. Nhất là sau bao năm những lời nói của những người yêu nước chỉ bị coi là dạng tin đồn. Giờ qua đám dlv đã chính thức được khẳng định là những kênh thông tin độc lập với nhà nước. Khi đám dlv này càng nỗ lực bao nhiêu thì những người yêu tự do ngôn luận đang ngày đêm hoạt động càng được khẳng định bấy nhiêu.

Vì điều đó, xin chào đón các dư luận viên đến một năm mới hứa hẹn nhiều thông tin bổ ích cho nhân dân.

Người Buôn Gió


 

Ông Giáo Làng – Dư luận viên

 

I. Trước đây, người ta chưa gọi là “Dư luận viên”. Thường vẫn gọi là cán bộ tuyên huấn. Cấp huyện là có ban tuyên huấn rồi. Mấy ông trong ban này lúc ấy oai lắm. Các ông thường đi nghe tuyên huấn tỉnh, sau về nói lại với cán bộ và các tầng lớp nhân dân ở huyện. Nội dung thường thấy trong các buổi nói chuyện này là tin thời sự, đặc biệt là tin chiến thắng khắp nơi từ bắc tới nam (không bao giờ có tin ta thất bại, dù chỉ là tạm thời), và nghị quyết các loại (lúc ấy có người đã đề xuất nước ta nên xuất khẩu nghị quyết để nâng cao đời sống nhân dân cơ mà).

Báo chí hiếm, đài lại càng hiếm hơn nên được nghe cán bộ tuyên huấn nói chuyện là niềm vinh hạnh lớn. Những lời của các ông ấy nói là “những lời như chân lý sinh ra” (thơ Tố Hữu). Công bằng mà nói, các cán bộ tuyên huấn đã góp phần không nhỏ vào việc động viên toàn dân tham gia đánh Mỹ giành thắng lợi cuối cùng. Muốn làm tuyên giáo thì phải nói giỏi, trơn tru, lưu loát, có thế mới hấp dẫn được người nghe. Nhưng nghe mấy ông tuyên giáo huyện thì chán lắm. Nhiều ông nói ngọng. Lại cứ hay dở “chiêu” : “vấn đề này tôi chỉ nói nội bộ, các đồng chí đừng …” (ý là vấn đề này rất bí mật, các đồng chí là người rất đáng tin cậy tôi mới nói). Người nghe thấy sướng quá, hóa ra mình cũng là người quan trọng được biết những điều “bí mật” mặc dù những điều các ông ấy nói, BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ… nó nói lâu rồi. Nhiều ông tuổi còn trẻ nhưng hay gọi lãnh tụ bằng “anh”, ý “mình với các “anh ấy” gần gũi lắm”. Mở miệng là “anh Duẩn, anh Đồng, anh Giáp… “. Cũng là học lẫn nhau cả thôi. Tỉnh đi nghe trung ương nói, thấy trung ương gọi bằng “anh”, khi về nói cho huyện cũng gọi như thế, rồi huyện thấy tỉnh gọi thế, cũng bắt chước. Người bình thường thấy gọi bằng “anh” nghe “oai” lắm. Nhưng người có tí hiểu biết thì thấy vừa “xấc”, vừa “hợm”. Khi nào phải nghe các ông ấy nói chuyện thì tốt nhất là kiếm một góc mà ngồi, mang theo quyển sách.

Từ khi về Hà Nội, nơi tôi làm việc có quan hệ với trường Nguyễn Ái Quốc (bây giờ là Học viện Hồ Chí Minh gì đấy!), cơ quan tuyên huấn cỡ lớn. Chi bộ quan tâm đến tình hình tư tưởng của anh em nên thỉnh thoảng vẫn mời mấy vị ở đấy về nói chuyện. Trình độ cấp trung ương, nên câu chuyện cũng có hấp dẫn hơn. Nhưng vẫn không chừa được cái bệnh: “vấn đề này tôi chỉ nói nội bộ…”. Và nhất là vẫn cái bệnh của tuyên huấn, thường nói lấy được, bất chấp sự thực khách quan.Vì cứ nghĩ người nghe không biết gì. Hoặc người ta có biết nhưng không thể “cãi” được. Nói mà tin rằng không có ai phản bác thì muốn nói gì chẳng được?

Một lần, khoảng 1995 , 1996, một ông đến nói về công cuộc đổi mới. Ông ấy nói đại ý: Chúng ta phải biết ơn đảng nhiều lắm vì nhờ đảng mới có đổi mới, nhờ đảng, cuộc sống của chúng ta mới được cải thiện như ngày hôm nay. Rồi ông ấy lấy thí dụ chứng minh cho cái điều ấy: Cách đây 10 năm, chúng ta phải mang chai đến cơ quan chia nhau mỗi người một ít xà phòng nước để giặt quần áo, bây giờ thì đủ loại xà phòng; tết Trung thu (hôm ấy sắp đến rằm tháng Tám), mấy người mới được một cái bánh đem cắt ra chia nhau mang về cho các cháu. Bây giờ thì bánh nướng, bánh dẻo ê hề, chỉ sợ không có tiền mà mua… Mình nghe, “lộn hết cả ruột”.

Đến giờ nghỉ giải lao, ông ấy vào phòng khách ngồi uống nước cùng mấy người nữa. Mình cũng giả vờ vào xin chén nước. Sau vài câu xã giao, mình hỏi:

– Anh chắc năm nay cũng khoảng năm mươi tuổi?
– Vâng, tôi năm nay năm mốt.
– Xin lỗi, thế anh quê tỉnh nào?
– Cám ơn anh hỏi thăm. Tôi quê Thái Bình, tỉnh năm tấn xưa đấy.
– Anh hơn tôi một tuổi, nhưng vì anh quê ở Thái Bình nên có thể anh không biết. Từ năm 1959 về trước, thỉnh thoảng cứ sau ngày lĩnh lương, bố tôi thường đến nhà bà bác có cửa hàng tạp hóa, mua một hòm xà phòng giặt, mỗi hòm khoảng vài ba chục bánh. Khi nào dùng hết, lại đến chở. Chẳng có ai phân phối hay phải chia bôi gì. Còn cái bánh Trung thu ấy, cứ trước ngày Tết độ nửa tháng, bố mẹ tôi lại dẫn mấy anh em đi dọc các phố hàng Ngang, hàng Đường, Đồng Xuân xem người ta làm bánh trung thu. Vào dịp này, cửa hàng nào cũng làm bánh ngay bên ngoài, người mua có thể chứng kiến đủ mọi công đoạn ra đời của một cái bánh. Mấy ông thợ làm bánh khoác tạp dề, đội mũ vải trắng nhào, trộn, vỗ khuôn chan chát…. Người ta cứ làm, mình cứ xem, không ai chào mời. Đó cũng là cái tử tế của các nhà buôn thời ấy. Rất cần khách hàng, nhưng vẫn giữ tự trọng, không khúm núm, xun xoe mời chào. Xem một lúc lại đi hàng khác. Khi nào chán rồi, mỏi chân rồi, thì mua một hộp, hai hộp. Mua bao nhiêu cũng được, mua nhiềuthì được rẻ hơn. Chỉ có từ sau 1960, chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội nên mới không có xà phòng mà giặt, phải dùng chất tẩy mà người ta gọi là xà phòng nước, bánh trung thu cho trẻ con mà phải cắt từng cái làm hai ba phần chia nhau.

Ông tuyên giáo tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Thế ạ?
– Chắc vì anh ở Thái Bình nên không biết. Tôi xin “tiết lộ” với anh cái sự thật ấy. Ta bây giờ nếu có vui thì là vui vì cuộc sống của chúng ta đã được trở về với những quy luật vốn có. Có “mới” gì mà “đổi”, phải không anh? Còn biết ơn thì lại càng không. Chẳng lẽ cái anh nó bóp cổ mình cho đến khi sắp tắc thở mới buông ra, mình lại phải biết ơn?

Sau lần ấy, cứ mỗi khi đến buổi nghe báo cáo thời sự, tôi lại được thủ trưởng giao cho một công việc gì đấy để không phải tới nghe. May quá!

II. Mấy năm nay, in-tec-net có ở khắp nơi, các trang web ngoài luồng phát triển tới mức không kiểm soát nổi, lại thêm cái anh Phây-xờ-búc ngày càng bung ra, khiến các vị tuyên huấn xoay như chong chóng không chống đỡ kịp những lập luận thuyết phục, những sự thật vốn được giấu kín nay được phơi bày. Thế là mấy chục nghìn các DLV ra đời. Có mặt các DLV này, dư luận trên mạng thêm rộng đường, người nói phải, người nói trái, anh nói ngược, chị nói xuôi, phân tích, chứng minh, lý giải… khiến người nghe càng có điều kiện phán xét để rồi tin vào một ý kiến nào đó, thoát khỏi tình trạng “như vịt nghe sấm” hay định hướng một chiều. Để cho các cuộc tranh luận, thảo luận lành mạnh, bổ ích, tôi xin đề nghị các bạn DLV:

Xin các bạn có tên thật. Nhân vật chèo xưa, mỗi khi bước ra sân khấu đều hỏi: “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?” Hỏi thế thôi, chứ chỉ chờ nghe tiếng đế trong hậu trường “không xưng danh thì ai biết là ai!” là tên tuổi, thậm chí quê hương bản quán được công khai. Tôi để ý thấy tất cả các bạn chẳng ai có cái tên thật, cái ảnh đại diện cũng không. Chẳng lẽ các bạn tự nhận mình là người không chính diện (tức là “phản diện”)? Chỉ riêng điều này, các bạn đã tỏ ra không chính danh rồi. Mà “danh bất chính thì ngôn bất thuận”. Làm sao thảo luận được với người không chính danh, làm thế là tự hạ thấp bản thân mình.

Thậm chí, cái không chính danh của các bạn còn khiến người ta nghĩ đến hành động “ném đá giấu tay”. Hay là các bạn cũng chưa đủ tự tin vào những điều mình nói, thậm chí còn thấy hổ thẹn vì những điều ấy nên không dám “xưng danh”? Cho nên thái độ của tôi cũng như của nhiều người thường là coi như không thấy gì mỗi khi đọc ý kiến của những người không chính danh.

Lập luận của các bạn đều cũ rích. Với ý kiến nào cũng chỉ có bấy nhiêu lý lẽ. Trên FB tuần qua đã có một chàng trai thống kê những lập luận quen thuộc đến nhàm chán của các DLV, tôi không nhắc lại để khỏi làm mất thời gian của mọi người. Hình như các bạn phải đợi khi nào có đợt tập huấn mới có một chút mới mẻ do cấp trên “gà” cho. Nhưng cũng chỉ mới mẻ được vài hôm thôi. Cuộc sống luôn luôn vận động sao chỉ với những lập luận xói mòn ấy có thể bác bỏ được biết bao những câu chuyện, lý lẽ, phản bác đầy sức thuyết phục?

Muốn cho cuộc tranh luận thêm hấp dẫn, nói đúng hơn là để ý kiến còn có người đọc, xin đề nghị các bạn chịu khó học hỏi thêm. Cái khi học ở trường, muốn lên lớp, có thể chỉ cần bỏ ra ít tiền cho vào cái phong bì là xong. Nhưng cuộc sống phức tạp hơn nhiều lần khi đi học. Không học, không làm ăn gì được đâu. Nhất là lại làm người chuyên tranh luận, làm việc bây giờ lại có lương, có thưởng. Mà lại tranh luận với một số lượng người khổng lồ, trong đó không ít người “thông kim bác cổ”, tuổi đời có khi đáng tuổi, cha tuổi ông các bạn. Quả là chẳng dễ dàng gì!

Để không khí bàn luận tránh bị ô nhiễm, giữ được sự trong sạch cần thiết, đề nghị các vị (giờ thì tôi không thể gọi “các bạn” được nữa) nói năng sao cho có văn hóa. Các vị nói tục nhiều quá, văng bậy nhiều quá. Xem những dòng chữ của các vị, tôi hình dung ra mấy anh thanh niên, tóc nhuộm xanh đỏ, cổ đeo cái dây xích to tướng, ngực áo phanh rộng, khuôn mặt bạc đi vì thiếu ngủ, rít thuốc liên tục,bên cạnh cái gạt tàn đầy những đầu mẩu thuốc lá, ngồi trước máy vi tính chăm chú với các màn súng nổ, gươm đâm…thỉnh thoảng lại hét lên, lại văng ra những lời tục tĩu để giải tỏa sự bức xúc vì thua cuộc. Hình như các vị thấy thua kém về lý lẽ, bèn đem cơ quan sinh dục của cả hai giới thay cho cái trí não ít học, lười học. Vẫn biết chúng đều là những bộ phận trong cơ thể con người cả, bộ phận nào cũng quan trọng, không thể thiếu, nhưng cái nào có việc của cái ấy. Nhiều lần, tôi đã nhắc nhở các vị “nói năng sao cho lịch sự”, hay “cần chứng tỏ mình là người có giáo dục”. Nhưng hình như các vị không phải là những người như thế nên văng tục chửi bậy là ngôn ngữ thường thấy trong các comment của các vị. Nghe như lời ăn tiếng nói của những kẻ chuyên hành nghề “đâm thuê chém mướn”. Hay các vị đang hành nghề này bằng bàn phím? Chẳng hiểu các bậc sinh thành ra các vị, vợ con các vị mỗi khi đọc được những dòng ấy họ sẽ nghĩ gì về công lao dưỡng dục ngần ấy năm trời, nghĩ gì về cái người mà hàng ngày họ vẫn “đầu gối tay ấp”, nghĩ gì về người bố, người mẹ của mình? Cũng có thể đây chính là lý do để các vị không dám chính danh?

Vài lời đề nghị, chỉ muốn những cuộc trao đổi thú vị hơn.


 

Làm dư luận viên không hề dễ

(Viết tặng các bạn Dư Luận Viên)

Trong suy nghĩ của nhiều người, trong góc nhìn của mọi người và cách hiểu của đa số người và gắn liền trong tiềm thức không thể nào thay đổi của đại số và thực tế cũng vậy Dư Luận Viên là cái nghề được biết được nhắc đến vốn bẩn thỉu, thấp hèn, đê tiện và bỉ ổi và dôi khi nó được ví như một lũ cừu có định hướng, cứ sểnh ra là viết. Viết và viết bất cần đúng sai, lợi ra sao hại như thế nào miễn là có lợi cho cái gì đó, vì cái gì đó, vì một tổ chức nào đó,….

Ở thái cực kia, người ta lại nghĩ Dư Luận Viên là cái lũ đầu rỗng, mở mồm chém gió và nói phét, đã thế lại ngu, ít học nên mới chấp nhận đi làm DLV, chỉ giỏi bồi bút để bảo vệ cái gì đó, nói tục chửi bậy kinh hồn mà viết lách thì không bài nào sạch lỗi. (ở đây ám chỉ lỗi logic là lỗi ngụy biện)

Người ta còn nghĩ Dư Luận Viên là một bọn bồi bút, bọn lưỡi gỗ tuyên truyền phản dân hại nước, ngậm miệng ăn tiền. Bọn cúi trên đạp dưới,… Không khó để người ta thấy hàng hà sa số những lời lẽ mạt sát Dư Luận Viên trên mạng trên blog và cả báo chí lề trái và lề phải: “não nhẵn”, “óc phẳng”, “hèn hạ”, “ngu xuẩn”, “vô lương tâm”, “bọn mất dạy”, “vô học” “không có giáo dục”…

Ở một góc độ khác người ta lại nói DLV là cái nghề dành cho những kẻ tiểu nhân đội lên cái lốt nhà báo, không cần học nhiều đọc nhiều vì những thứ họ viết ra chỉ cần đi soi mói, công kích cá nhân và hạ thấp hay sỉ nhục bất cứ những ai không cùng chính kiến với mình thế là đủ!

Nhưng không thể gộp hết lại những thứ xấu xa, bẩn thỉu, ghê tởm ấy để áp đặt hết cho những người cầm bút làm Dư Luận Viên được, ở một góc nhìn khác trong tôi vẫn có sự thông cảm nhất định cũng như thán phục về họ bởi có những giọt nước mắt lặng lẽ mà họ cố giấu vào trong, những nổi khổ của Dư Luận Viên mà các bạn sẽ không bao giờ thấy được cũng như thấu hiểu được hết. Bởi:

Những thứ họ viết không phải ai cũng có thể viết được!?

– Họ viết những thứ mà không phải ai cũng viết được, họ giấu sự thật vào trong để bẻ cong ngòi bút mà viết, những người cầm bút có lương tri hay còn chút lương tri còn sót lại họ không làm được thế và viết được thế, cho nên Dư Luận Viên là một cái nghề khó và không phải ai cũng làm được và vất bỏ lương tri đạo đức, danh dự của mình để làm được. Tôi thán phục họ vì điều đó.

– Những thứ họ viết ra có thể phơi bày tất cả: sự ngụy biện, công kích kẻ bất đồng với mình bằng những từ ngữ thô bỉ nhất và mạt sát đối phương bằng cách thấp hèn nhất mà có lẽ họ tự học và góp nhặt ở trường đời chứ trường học không ai dạy thế. Và không phải bất cứ người cầm bút nào cũng làm được như Dư Luận Viên. Tôi thán phục họ vì điều đó, rất khó để vứt bỏ đi lương tâm và danh dự mình để viết lên những thứ đó, nhưng họ vẫn làm, tôi biết là khó khăn lắm và không dễ gì và tôi nể phục họ vì điều đó!

– Qua ngòi bút của Dư Luận Viên tất cả có thể phơi bày trừ sự thật, sự liêm sỉ và sự tử tế, họ phơi bày tất cả trừ công lý và công bằng và đau đớn hơn là bán luôn cả lương tâm của chính mình để mà chà đạp lên dư luận và sự thật để mà viết, và dĩ nhiên đấy là điều khó không phải người cầm bút nào cũng làm được! Tôi nể phục họ vì lẽ đó!

– Tôi khẳng định nghề Dư Luận Viên là nghề khó, không phải ai cũng làm được cũng như chấp nhận vất đi cái lương tâm vốn bị chó gặm của mình để làm. Bọn đầu đường xó chợ, đâm cha chém mẹ, đâm thuê chém mướn cũng hay làm thế!

– Ai bảo làm nghề viết chân chính là khổ, cá nhân tôi hiểu và thấu hiểu làm Dư Luận Viên còn khổ hơn nhiều, thay vì tìm những thông tin khoa học, khách quan, viết phản ảnh thực tế chân thực hay truyền tải những thông tin có ích cho công đồng,… thì Dư Luận Viên phải làm 1 công việc khó và nặng nhọc hơn nhiều, thay vì học, đọc nhiều để hiểu nhiều kiến thức để làm vốn sống và vốn viết thì Dư Luận Viên còn phải đào sâu, đào bới xới trộn đời tư và vết tích không hay về cá nhân người ta để viết, để công kích để phỉ báng, đệ hạ thấp người ta xuống mà bản thân lại quên béng mất là “ném cứt vào mặt người khác thì tay mình phải dính cứt trước” mà chung quy cũng vì tiền và tiền. Đâu phải ai cũng dễ dàng chấp nhận báng rẻ và chà đạp lên lương tâm mình chấp nhận để xã hội và người đời phỉ báng mà viết lên những thứ ấy ! Nhưng họ đã làm và làm được, làm rất tốt. Tôi hiểu cái nổi khổ ấy và tôi lại càng thán phục họ!

– Con người ta lúc trẻ thì họ sợ họ sống thừa để rồi khi về già đầu đã 2, 3 thứ tóc lại hối tiếc thời thanh xuân đã sống thừa, còn DLV thì đầu 2, 3 thứ tóc mang đủ học hàm chức tước, học vị nhưng vẫn viết ra những thứ để án tích bia miệng ngàn năm trong hậu thế. Thứ mà đâu phải ai cũng có thể làm được, nuốt nhục, vứt cả sĩ diện luôn để viết! Tôi thán phục và cả nể họ về điều đó!

– Chưa hết, người ta chỉ thấy DLV hiện diện qua những bài viết nặng mùi công kích, phỉ báng bôi bác cá nhân, tệ hại hơn những bài viết chửi bới nặng mùi rồi người ta khẳng định như đinh đống cột rằng DLV vốn vô học và chỉ vì vô học mới chấp nhận làm DLV, tôi vẫn tin đấy là cách nghĩ hiển cẩn không công bằng cho những người làm DLV, bởi ngòi bút họ còn bẻ cong được, lương tâm họ còn vứt bỏ được thì cái sự học kia chẳng qua dấu kỹ quá nên đâm ra tưởng chừng như vô học thôi!

– Có đôi khi tôi tự hỏi lòng mình: Có bao giờ họ thấy xấu hổ hay hổ thẹn với lương tâm họ, con cháu họ về những thứ họ viết ra hay không?? Rồi tôi tự tìm được câu trả lời chua chát cho chính mình là: “có lẽ là có”, bởi họ mấy khi dám đề tên tuổi rõ ràng khi viết ra những thứ đó. “Có lẽ là có” nếu lương tâm và danh dự của họ vốn đã bị chó gặm và không tha đi luôn. “Có lẽ là có” bởi con người bất cứ ai cũng có một khoảng lặng trong tâm hồn, đến bọn đầu trộm đuôi cướp còn có hổng lẽ họ bị tha đi thật!?

Nhưng cuộc sống và xã hội này không thể thiếu DLV

– Không có Dư Luận Viên thì khi người ta viết và bàn tán khi xã hội phải rùng mình kinh ngạc về: mãi lộ? về lũ lụt, tai nạn, tiền cứu trợ bị bớt xén hay hàng cứu trợ toàn bột giặt? Hay bị tuồn ra vincom bán với giá rẻ để kiếm lời về những tai nạn thảm khốc, về hàng loạt công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ mà nợ nần đổ lên hết trên đầu người dân, những khoản nợ tỷ tỷ đồng nếu không có DLV thì ai ai sẽ đứng ra canh rình để định hướng lại dư luận, định hướng lại xã hội này, cứu nguy cho chủ, ai sẽ đứng ra gánh trách nhiệm xây dựng lại niềm tin vốn đã không có nay lại mất luôn trong dân về 1 đất nước được điều hành bởi những con người thiếu tài, thiếu tâm và thiếu luôn cả tầm. Đâu phải ai cũng làm được Dư Luận Viên!

– Không có họ (DLV) thì khi những quả đấm thép lỗ trăm tỷ, nợ nghìn tỷ – Thử hình dung nếu có một Bao Tự thay vì thích xé lụa mà xé tiền thì mất bao nhiêu năm mới xé hết số tiền ấy với mệnh giá 500.000 VND? đấy cũng là lúc niềm tin người dân tràn bờ thất vọng, không có DLV thì ai, ai sẽ đứng ra gánh trách nhiệm cao cả và nặng nề này cứu nguy cho “trên”!

– Không có họ (DLV) thì ai ai sẽ là người luôn đứng ra vặn vẹo bênh vực tìm cách lý giải và ngụy biện cho những sự thật rành rành đang diễn ra trên đất nước mình, và có lẽ với họ như thế mới là yêu nước.

– Không có họ thì ai sẽ là DLV bởi XH đâu phải ai và người cầm bút nào cũng chấp nhận làm DLV.

Tiểu Bối


Nhân lực tuyên truyền viên, dư luận viên của VN

Tuyên truyền viên trên mạng, Tuyên truyền viên Internet, Dư luận viên, (tiếng Anh là government internet commentators hoặc online commentator, internet polemicists hay public opinion shapers, ở Việt Nam còn có tên gọi là “chuyên gia bút chiến”, là các cá nhân, nhóm người được chính phủ thuê, hướng dẫn và đào tạo để thực hiện tuyên truyền, tranh luận và hướng dẫn dư luận về mặt nội dung trên mạng Internet. Những nhóm người này thật ra không phải chỉ mới được thành lập. Đội ngũ này khác với “công an mạng” là nhóm người thuộc lực lượng quốc phòng hay an ninh. Khác với Tuyên truyền viên miệng, “Dư luận viên” chú trọng vào việc tuyên truyền các tư tưởng thân chính phủ trên mạng. Họ thuộc một nhóm mà danh từ chung là cộng tác viên dư luận xã hội. Việc hình thành những nhóm này là do chính phủ nhận thức rằng việc áp dụng tường lửa để ngăn chặn những thông tin gây bất lợi cho chính thể đã không còn mang lại hiệu quả cao.

Tiết lộ công khai đầu tiên về việc sử dụng đội ngũ chuyên gia bút chiến là từ lời tuyên bố của ông trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi trên báo Lao Động, rằng đã thành lập một nhóm chuyên gia với mục đích “đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.”

Theo AFP, các giám sát viên internet để kiểm soát tin tức và hướng dẫn dư luận, giống hệ thống của Trung Quốc. Các dư luận viên này thường “bút chiến” lại các nhận xét phê phán chính quyền và Đảng, đồng thời định hướng dư luận theo hướng thân chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó các bình luận viên độc lập phê phán chính phủ bị bỏ tù vì bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước. Sau khi đàn áp và bỏ tù những blogger đối lập nhằm im lặng họ không được, chính quyền Việt Nam bắt đầu xây dựng một đội ngũ dư luận viên tuyên truyền nhằm thâm nhiễm các diễn đàn và ca bài ca ca ngợi chế độ.

Cho tới nay thành phố Hà Nội đã tổ chức được 900 dư luận viên trên toàn thành phố làm tuyên truyền miệng. Đây là nhóm chuyên gia “đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet”. Đến nay, thành phố đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng.

Tỉnh Quảng Ninh thì đã có đề án tổ chức mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội công khai, ổn định với số lượng: Cấp tỉnh có từ 40 đến 60 người, cấp huyện từ 10 đến 15 người, cấp xã từ 5 đến 10 người, đảng bộ và chi bộ trực thuộc đảng bộ cấp huyện có từ 3 đến 5 người.

Thành phố Hồ Chí Minh thì không cho biết con số là bao nhiêu người, nhưng đã tuyên bố là sẽ phụ cấp 0,3 mức lương cho các cộng tác viên này. Năm 2013, ở Việt Nam hiện nay có gần 80.000 tuyên truyền viên miệng.

Nhiều người sử dụng mạng cá nhân cho là các biện pháp của chính phủ như dùng tường lửa hay qua sự bỏ tù những người blogger, hoặc bây giờ dùng công an mạng là không có hiệu quả. Ông Carl Thayer, nguyên giáo sư tại một đại học Úc, một chuyên viên về Việt Nam nói: “Chính quyền Việt Nam đã lỡ để ông thần lọt ra ngoài chai rồi. Họ khuyến khích sự nối kết truyền thông (và bây giờ) họ lại muốn đàn áp những cái mà không thể bị đàn áp được.”

Theo Songnews.net


Edit: THDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI