16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ludwig von Mises: Kinh tế gia, Triết gia, Nhà Tiên tri

Photo: Ludwig von Mises

Ghi chú của chủ biên: Ngày 29 tháng 9 là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 130 của Ludwig von Mises [1], kinh tế gia lỗi lạc người Áo, bênh vực cho chủ nghĩa tự do cổ điển và là cố vấn cho Tổ chức Giảng dậy Khoa Kinh tế (Foundation for Economic Education, FEE). Dưới đây là một số bài của Mises đăng trên Tập san The Freeman trong những năm qua.

Thị trường

Người ta thường nói một cách bóng bẩy về các lực vô danh và tự động khởi động “cơ chế” thị trường. Nói như vậy là không để ý tới sự kiện là những yếu tố duy nhất chỉ huy thị trường và quyết định giá cả là những hành động có chủ đích của con người.  Không có gì là tự động cả, chỉ có con người cố ý một cách có ý thức để nhắm vào các mục đích đã lựa chọn.

Thị trường là một quần thể xã hội, nó là một quần thể xã hội tiên tiến. Mỗi người trong khi hành động đều phục vụ cho những người đồng loại. Ngược lại, người nào cũng được phục vụ bởi các người đồng loại khác. Mỗi người tự mình vừa là phương tiện và vừa là cứu cánh cuối cùng cho chính mình và là phương tiện cho những người khác trong khi họ cố gắng đạt tới cái mục đích riêng của họ.

Mỗi người đều có tự do, không có ai bị chi phối bởi một bạo chúa. Mỗi một cá nhân tự mình hoà nhập vào một hệ thống hợp tác. Thị trường hướng dẫn họ và cho họ thấy con đường mà họ phải theo để cho sự an sinh của họ cũng như sự an sinh của các người khác được tốt hơn. Thị trường là tối thượng. Chỉ có thị trường mới có thể đặt hệ thống xã hội vào vòng trật tự và cho hệ thống xã hội đó một ý nghĩa.

Thị trường không phải là một nơi chốn, một vật hay là một thực thể tập thể. Thị trường là một diễn trình, được khởi động bằng sự giao tiếp của các hành động của những người khác nhau cộng tác với nhau theo sự phân công về lao động.

Những hành động cá nhân được trao đổi nhiều lần đã từng bước tạo ra thị trường, với sự tiến triển trong sự phân công lao động trong xã hội dựa theo tài sản tư. Những sự trao đổi như vậy chỉ có thể thực hiện được nếu mỗi một thành phần trong cuộc trao đổi đó đánh giá phần mà họ nhận được lớn hơn phần mà họ cho đi.

Tính chất có thể phân chia hầu như vô hạn của tiền tệ khiến cho có thể ấn định các tỷ số trao đổi một cách rất tốt đẹp. Diễn trình thị trường rất rõ ràng và không thể phân chia được. Diễn trình này là một sự hội nhập các hành động và các phản ứng không thể tách rời nhau ra được. Nhưng vì khả năng suy nghĩ của chúng ta không đầy đủ cho nên bắt buộc chúng ta phải chia diễn trình đó ra thành từng phần và phân tích các phần đó một cách riêng biệt. Khi phải dùng tới sự phân chia nhân tạo như vậy, chúng ta không được quên rằng sự hiện diện hầu như tự động của các phần này là do sự tưởng tượng của chính chúng ta. Nó chỉ là những phần riêng lẻ, nghĩa là những phần đó không thể nào hiện hữu ngoài cơ cấu mà những phần đó trực thuộc.

Một kinh tế thị trường như vậy sẽ không bị giới hạn bởi các biên giới về chính trị. Địa bàn hoạt động của nó là thế giới. Thị trường khiến cho người ta trở nên giàu hay nghèo, nó xác định ai là người sẽ quản lý những cơ sở sản xuất lớn và ai là người sẽ chỉ làm việc rửa cọ sàn nhà, nó xác định sẽ cần bao nhiêu người để làm việc trong một mỏ đồng và bao nhiêu người sẽ chơi nhạc trong một ban nhạc hoà tấu. Không có một quyết định nào không bao giờ thay đổi; trái lại, những quyết định đều được hủy bỏ hay thu hồi mỗi ngày. Diễn trình lựa chọn này không bao giờ ngưng.

Việc đặt mỗi người vào một chỗ thích hợp trong xã hội là nhiệm vụ của người tiêu thụ. Những sự mua hay không mua của họ có vai trò ấn định vị thế xã hội cho từng cá nhân. Rốt cuộc, người tiêu thụ ấn định không những giá cả của những món hàng tiêu thụ mà còn ấn định cả giá cả của những yếu tố sản xuất. Những người tiêu thụ ấn định thu nhập của từng người trong thị trường kinh tế. Chính người tiêu thụ, chứ không phải người kinh doanh, cuối cùng sẽ là người trả lương cho từng công nhân, từ ngôi sao màn bạc kiều diễm đến những người bán than tầm thường. Quả thực là trong thị trường không phải người tiêu thụ nào cũng có những quyền biểu quyết như nhau. Người giàu có quyền bỏ phiếu nhiều hơn người nghèo. Nhưng sự bất công bằng này chính nó cũng là kết quả của một diễn trình bầu phiếu trước.

Nếu một nhà doanh nghiệp không nghiêm túc tuân theo những lệnh của công chúng được chuyển tới ông ta qua giá cả của thị trường, thì nhà doanh nghiệp này sẽ bị thua lỗ, ông ta sẽ bị vỡ nợ. Những người khác đã đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của người tiêu thụ sẽ thay thế ông ta.

Những người tiêu thụ khiến cho người nghèo trở nên giàu, và người giàu lại thành ra nghèo. Người tiêu thụ quyết định một cách chính xác những gì cần phải sản xuất, phẩm chất ra làm sao và số lượng là bao nhiêu.  Họ là những ông chủ khắt khe, luôn luôn thay đổi và không thể đoán trước được. Họ không đếm xỉa gì tới những điều tốt trong quá khứ hay là những quyền lợi sẵn có.

Giá cả thị trường cho người sản xuất biết phải sản xuất những gì, sản xuất như thế nào và sản xuất bao nhiêu. Thị trường là tiêu điểm để các hoạt động của cá nhân hướng vào. Nó cũng là trung tâm để từ đó các hoạt động của cá nhân phát ra.

Kinh tế thị trường, còn gọi là chủ nghĩa tư bản, và kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể đi đôi với nhau. Không thể pha trộn được hai hệ thống này với nhau. Không có cái gì gọi là một nền kinh tế vừa xã hội chủ nghĩa vừa tư bản.  Thị trường kinh tế là một sản phẩm của một diễn trình tiến triển lâu dài. Nó là một sách lược mà con người đã tiến bộ và áp dụng để tiến từ tình trạng hoang sơ tới văn minh.

Hành vi học (Praxeology)

Không còn có thể xác định rõ rệt biên giới giữa các hoạt động ở trong khoa học kinh tế theo nghĩa hẹp với các hoạt động khác. Con người hành động luôn luôn quan tâm tới vấn đề “vật chất” và vấn đề “lý tưởng”. Con người đó chọn trong số nhiều sự lựa chọn khác nhau. Dù các sự lựa chọn đó được coi là vật chất hay lý tưởng cũng không quan trọng.

Lý thuyết tổng quát về sự lựa chọn rộng hơn là lý thuyết về “khía cạnh kinh tế” của nỗ lực của con người và sự phấn đấu của họ để có các sản phẩm và để cải thiện đời sống vật chất. Đó là một khoa học cho tất cả mọi loại hành động của con người. Hành động lựa chọn chi phối tất cả các quyết định của con người.

Từ khoa kinh tế chính trị của trường phái cổ điển đã xuất hiện một lý thuyết tổng quát về hành động con người, gọi là hành vi học. Những vấn đề kinh tế hay những vấn đề về sự trao đổi và lựa chọn [2] (catallactic problems) được gắn liền với một khoa học tổng quát hơn, và không thể nào tách rời ra được. Không có một sự tìm hiểu nào về các vấn đề kinh tế mà lại không bắt đầu bằng việc tìm hiểu về hành động lựa chọn. Khoa kinh tế học, mặc dầu cho tới nay là phần đã được khai triển nhiều nhất, đã trở thành một phần của một khoa học có tính cách tổng quát hơn, đó là hành vi học.

Hành vi học – và do đó kinh tế học – là một khoa học diễn dịch. Lý luận chặt chẽ của khoa học này xuất phát từ các sự suy diễn, từ các loại hoạt động. Không có một định lý kinh tế nào được coi là có giá trị nếu nó không dựa trên cơ sở một diễn trình lập luận hoàn toàn chặt chẽ. Một lời trình bầy không dựa vào suy luận chặt chẽ thì hoàn toàn có tính cách võ đoán và thiếu vững chắc. Không thể nào bàn về một khía cạnh của khoa kinh tế nếu chúng ta không đặt nó trong một hệ thống hoạt động tổng quát.

Các khoa học thực nghiệm khởi đầu từ các sự kiện riêng lẻ và tiến từ cái độc nhất, cái cá thể tới những điều có tính cách phổ quát hơn . Việc trình bày các khoa học này dễ bị chuyên môn hoá. Các khoa học thực nghiệm đó có thể trình bầy từng phân đoạn mà sao lãng cái tổng thể. Các nhà kinh tế không bao giờ được là một người chuyên môn. Khi xem xét bất cứ một vấn đề gì nhà kinh tế phải nhìn vào tổng thể.

Khi nói về các luật thiên nhiên chúng ta phải nhớ rằng có một sự liên hệ không thể lay chuyển được giữa các hiện tượng vật lý và hiện tượng sinh lý, và con người hành động phải tuân theo cái sự liên hệ thường xuyên đó nếu họ muốn thành công. Khi nói về những luật của các hành động của con người thì chúng ta nói tới sự kiện không thể lay chuyển được là sự liên hệ của các hiện tượng luôn luôn có ở trong môi trường hoạt động của con người, và con người phải nhận ra hiện tượng thường xuyên đó nếu họ muốn thành công.
Trong khoa vật lý, chúng ta phải đối diện với sự thay đổi ở trong các hiện tượng cảm quan. Chúng ta phát hiện ra tình trạng thường xuyên qua diễn trình của sự thay đổi này và các điều quan sát này đưa chúng ta tới việc thành lập khoa vật lý.

Trong hành vi học, sự kiện đầu tiên mà chúng ta biết là con người cố ý hoạt động nhằm đưa ra một vài sự thay đổi. Chính sự nhận biết đó tạo thành chủ đề của khoa hành vi học và khiến cho khoa hành vi học khác hẳn với chủ đề của khoa học thiên nhiên.  Chúng ta biết những lực ở phía sau sự thay đổi, và kiến thức tiên nghiệm này giúp chúng ta nhận định ra được diễn trình của hành vi học.  Nhà vật lý học không biết điện năng “là gì”, ông ta chỉ nhìn thấy những hiện tượng đi đôi với cái mà người ta gọi là điện. Nhưng kinh tế gia biết điều gì đã phát động diễn trình của thị trường. Chính nhờ có sự hiểu biết này mà ông ta có thể phân biệt những hiện tượng của thị trường với những các hiện tượng khác và do đó có thể mô tả được diễn trình của thị trường.

Khoa hành vi học là một khoa chuyên về lý thuyết và có hệ thống. Nó không phải là khoa học dựa trên các sự kiện đã xảy ra. Những nhận định và giả thuyết của khoa hành vi học không xuất phát từ kinh nghiệm. Những sự kiện và những giả thuyết đó cũng giống như khoa luận lý và khoa toán đều có tính cách tiên nghiệm.  Những sự kiện và nhận định đó không có thể xác định hoặc bác bỏ dựa trên kinh nghiệm hay sự kiện.

Những điều giảng dậy trong khoa học hành vi học và kinh tế học có giá trị với tất cả các hành động của con người mà không để ý gì tới các động cơ, các nguyên nhân, các mục đích ở phía sau hành động.  Những sự đánh giá tối hậu và những mục đích tối hậu của hành động con người được coi là một điều đương nhiên phải có trong bất cứ một sự tìm hiểu khoa học nào; và những hành động này không thể nào phân tích sâu xa hơn nữa.  Khoa hành vi học chú trọng vào những cách thức lựa chọn để đạt được các mục đích tối hậu đó.  Chủ đề của khoa hành vi học là phương pháp chứ không phải là mục đích Chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất áp dụng cho khoa hành vi học là phương pháp đó có thích hợp hay không thích hợp cho mục đích muốn thực hiện.

Chỉ có những người điên rồ mới không tôn trọng những luật của vật lý và sinh lý. Nhưng người ta lại rất coi thường cái luật của khoa hành vi học. Các nhà cai trị cho là quyền lực của họ không bị giới hạn bởi bất cứ một luật nào ngoài luật vật lý và sinh lý. Họ không bao giờ chịu nhận là sự thất bại của họ và những sự bức xúc của họ là do đã vi phạm luật về kinh tế.

Lời và lỗ

Tiền lời là cái lực thúc đẩy kinh tế thị trường. Tiền lời càng lớn bao nhiêu thì nhu cầu của người tiêu thụ càng được đáp ứng bấy nhiêu. Bởi vì tiền lời chỉ có thể có được bằng cách làm mất sự sai biệt giữa nhu cầu của người tiêu thụ và tình trạng sản xuất trước đó. Người nào phục vụ dân chúng tốt nhất thì sẽ có lời nhiều nhất. Khi ngăn chặn sự thu lời thì chính phủ đã cố ý phá hoại sự hoạt động của kinh tế thị trường.

Tiền lời của những người đã sản xuất hàng hoá và dịch vụ mà người mua tranh nhau để mua không gây ra sự lỗ vốn cho những người đã đưa vào thị trường những hàng hoá mà công chúng không muốn trả hết tất cả những chi phí sản xuất của món hàng đó. Sự lỗ vốn này xẩy ra do sự thiếu hiểu biết trong khi ước lượng tình trạng thị trường tương lai và nhu cầu tương lai của người tiêu thụ.

Trong nền kinh tế thị trường không có sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa người mua và người bán. Có những sự bất lợi tạo ra bởi vì thiếu sự tiên liệu. Nếu tất cả mọi người và nếu tất cả các thành viên của xã hội thị trường có thể tiên liệu được tất cả điều kiện tương lai đúng lúc và hành động đúng thì đó là một điều hạnh phúc chung cho mọi người. Tuy nhiên con người không thể biết được hết tất cả mọi sự. Nhìn những vấn đề này dưới phía cạnh đố kỵ hay ghen ghét là điều sai.

Nếu cắt giảm mức lời để làm lợi cho những người đã bị thua thiệt do các sự thay đổi về các sự kiện, thì sự điều chỉnh giữa cung và cầu sẽ không trở nên tốt hơn mà lại còn bị hư hại. Nếu ta ngăn cản không cho các bác sĩ đôi khi được thù lao cao, thì chúng ta sẽ không gia tăng mà lại còn giảm đi số những người chọn nghề y sĩ.

Lời và lỗ thuận lợi cho một số người trong xã hội và bất lợi cho một số người khác. Do đó người ta kết luận là lợi cho người này thì hại cho người khác; và còn nói rằng là không ai có thể có lời nếu không có những người khác bị lỗ. Giáo điều này là cơ sở cho những học thuyết mới, cho rằng trong khuôn khổ của kinh tế thị trường, có một sự mâu thuẫn bất khả phân giải về quyền lợi của quốc gia này với các quốc gia khác.  Điều này hoàn toàn sai đối với sự lời và lỗ trong công cuộc kinh doanh.

Tiền lời của một người kinh doanh trong một thị trường không bị gò bó không gây ra tình trạng khó khăn hay khổ sở cho những người khác trong xã hội. Thực ra là người thâu lời đó đã giúp để giảm bớt một phần hay là làm mất đi những điều gây ra sự khổ sở của các người khác trong xã hội.  Điều làm cho người bệnh phải khổ sở là căn bệnh chứ không phải là người y sĩ chữa cho khỏi bệnh.  Những điều lợi của người bác sĩ không phải là do có bệnh dịch mà là do bác sĩ đã giúp những người bị bệnh.

Tổng số lời lớn hơn tổng số lỗ là dấu hiệu cho thấy có tiến triển kinh tế và có cải thiện mức sống cho tất cả tầng lớp dân chúng. Mức lời càng lớn hơn mức lỗ thì tình trạng phồn vinh cho tất cả mọi người càng lớn. Mức lời cũng như mức lỗ trong sự kinh doanh là những hiện tượng cần thiết trong nền kinh tế thị trường. Không thể có kinh tế thị trường nếu không có lời và lỗ.

Nói “mức lời bình thường” là vô nghĩa. Mức lời không có liên hệ hay tùy thuộc gì tới tiền vốn mà người doanh nhân bỏ ra. Vốn tự nó không có thể “sinh lời” được. Lời và lỗ hoàn toàn bị chi phối bởi sự thành công hay sự thất bại của doanh nhân trong việc thích ứng sản xuất theo nhu cầu của người tiêu thụ. Mức lời doanh nghiệp không bền vững mà chỉ có tính cách nhất thời. Bất lúc nào cũng có tiềm tàng một khuynh hướng khiến cho lời và lỗ mất đi.

Chức năng kinh doanh, tức là nỗ lực kiếm lời của doanh nhân, là lực thúc đẩy nền kinh tế thị trường. Lời và lỗ là hai cái công cụ để người tiêu thụ thể hiện cương vị tối cao của họ trong thị trường. Hành động của người tiêu thụ phát sinh ra lời và lỗ, và do đó chuyển quyền sở hữu của các phương tiện sản xuất từ những người làm việc không công hiệu sang tay những người làm việc có hiệu quả hơn.

Sản xuất để kiếm lời nhất thiết phải là sản xuất để dùng, vì tiền lời chỉ có thể kiếm được bằng cách cung cấp cho người tiêu thụ những vật mà họ cần dùng nhất.

Tiền

Tiền là một vật trung gian để trao đổi. Vật trung gian để trao đổi là một vật người ta muốn có không phải để tiêu thụ hay để dùng vào sản xuất nhưng để sẽ trao đổi nó lấy những loại hàng hoá mà họ muốn dùng để tiêu thụ hay để sản xuất.  Không gì có thể can dự vào chức năng của vật trung gian để trao đổi mà trước đó nó đã có giá trị như một món hàng kinh tế và đã được người ta cho một trị giá trao đổi trước khi được dùng làm vật trung gian. Tiền thường được nhận và được dùng làm vật trung gian để trao đổi. Đây là chức năng duy nhất của tiền. Những chức năng khác mà người ta gán cho tiền đều là những khía cạnh đặc biệt của cái chức năng tiên khởi và duy nhất này, đó là một vật để trao đổi.

Những gì được dùng làm tiền đều là những sản phẩm đã được dùng với những mục đích không phải là tiền. Dưới hệ thống kim bản vị thì vàng là tiền và tiền là vàng.

Không có gì quan trọng khi luật pháp ấn định tính chất lưu hành pháp định cho những đồng tiền vàng của chính phủ phát hành. Điều quan trọng là những đồng tiền vàng này phải có một trọng lượng vàng cố định, và bất cứ một số lượng vàng thỏi nào cũng có thể được chuyển thành những đồng tiền vàng. Dưới hệ thống kim bản vị đồng đô-la và đồng pound sterling chỉ là những tên để gọi cho một trọng lượng nhất định nào về vàng. Chúng ta gọi đó là tiền ấn định theo sản phẩm.

Một loại tiền thứ hai là tiền tín dụng. Tiền tín dụng phát xuất từ việc dùng những vật để thay thế cho tiền. Tiền tín dụng thường là một tờ giấy giao ước. Giấy giao ước này phải hoàn toàn bảo đảm được trả bằng tiền khi có người đòi; tiền tín dụng được coi như là thay thế cho số tiền đã định trong lời giao ước. Khi những lời giao ước tới hạn đều được trả sòng phẳng bởi chủ nợ và món nợ được thu hồi không cần báo trước và không tốn kém gì thì trị giá trao đổi của nó cũng bằng trị giá ghi trong lời giao ước. Lúc đó tiền tín dụng hoàn toàn có giá trị như tiền và có thể thay thế cho tiền.

Tiền pháp định là tiền chỉ có tính cách tượng trưng, không thể dùng vào các mục đích công nghiệp và cũng không để dùng để đòi nợ bất cứ người nào. Điểm quan trọng cần phải nhớ là đối với mọi loại tiền, khi đã bị mất tính chất tiền tệ , tức là khi đã không dùng nó làm phương tiện trao đổi nữa, thì kết quả tất hữu là trị giá trao đổi của nó sẽ bị mất đi rất nhiều.

Trong lịch sử có nhiều loại sản phẩm đã được làm vật trung gian để trao đổi. Sau một thời kỳ tiến triển dài phần lớn các sản phẩm đó đã được loại bỏ và không còn chức năng tiền tệ nữa. Chỉ còn có hai loại sản phẩm, tức là hai kim loại quý là vàng và bạc, thì vẫn còn giá trị tiền tệ. Trong hậu bán thế kỷ thứ mười chín, càng ngày càng có nhiều chính quyền cố ý hướng về việc làm cho bạc mất giá trị tiền tệ.

Sự lựa chọn một sản phẩm dùng làm đơn vị trao đổi và dùng làm tiền không phải là không có ảnh hưởng gì hết. Nó xác định cái diễn trình thay đổi để tạo ra tiền mặt trong mãi lực. Vấn đề đặt ra là ai là người duy nhất có quyền làm sự lựa chọn đó: người mua người bán trên thị trường hay chính phủ? Thị trường qua một diễn trình lựa chọn, đã diễn ra hàng bao nhiêu năm, rốt cuộc đã cho hai kim loại quý là vàng và bạc có giá trị như tiền. Trong hai trăm năm qua có nhiều chính phủ đã can thiệp vào sự lựa chọn của thị trường về việc dùng tiền làm trung gian. Nhưng ngay cả những người cuồng tín chủ trương việc can thiệp của chính quyền cũng không dám nhận rằng sự can thiệp đó là có lợi.

Người dịch: Song Ngọc

© Học Viện Công Dân 2014

Nguồn: The Freeman Online

**********

[1] Ludwig Heinrich Edler von Mises (1881 – 1973).  Nhân vật lỗi lạc trong trường phái kinh tế Áo và đã đóng góp nhiều tư tưởng vào khoa hành vi học (praxeology). Tư tưởng của ông đã ảnh hưởng rất nhiều vào phong trào duy tự do (libertarian movement) tại Mỹ vào giữa thế kỷ 20. [ND]

[2] Khoa học về trao đổi và lựa chọn (Catallactics ) là lý thuyết hành vi học về cách hệ thống thị trường tự do ấn định các tỷ số trao đổi và giá cả.  Lý thuyết này nhằm phân tích các hành động dựa trên sự tính toán về tiền và lý thuyết này theo dõi sự hình thành của giá cả tới điểm khi giá cả bắt đầu được ấn định. Lý thuyết này giải thích việc giá cả được ấn định ra sao chứ không phải ấn định giá nào là giá đúng.

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. “Kinh tế thị trường, còn gọi là chủ nghĩa tư bản” – chỉ riêng một câu này thôi đã cho thấy Mr. Mises
    không phân biệt được kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, vốn là hai cái khác nhau.
    CNTB là kinh tế thị trường, nhưng KTTT không nhất thiết là CNTB. Có nhiều loại KTTT: KTTT tiền TBCN, KTTT TBCN.
    KTTT tiền TBCN được các nhà kinh tế học cổ điển (Smith, Ricardo…) gọi là “nền sản xuất giản đơn”. Đặc trưng của nó là mỗi người sản xuất sở hữu một số phương tiện sản xuất của riêng mình,
    tự sản xuất, tự tiêu thụ.
    KTTT TBCN đặc trưng ở chỗ chỉ có một nhóm nhỏ người nắm phương tiện SX, đa số còn lại làm thuê cho những người này. Sự thay đổi này dẫn đến những thay đổi trong các quy luật kinh tế.
    Các nhà kinh tế học cổ điển phân biệt rất rõ hai cấp độ phát triển này của KTTT, chứ không nhập nhèm như Mises.
    Ngoài 2 hình thái KTTT nói trên, có khả năng sẽ xuất hiện một hình thái nữa, gọi là KTTT hậu TBCN. Trong hình thái này, phương tiện sản xuất không thuộc về từng người sản xuất riêng lẻ như dưới thời tiền TBCN, cũng không thuộc về một nhóm người như trong thời CNTB. Nó thuộc về tập thể những người lao động, và đây chính là hình thái KTTT công hữu, hay KTTT XHCN. Đây là bước quá độ để tiến lên nền kinh tế XHCN hoàn chỉnh.
    Để dễ hình dung: hiện nay các DN tư nhân là do các cổ đông làm chủ. Giả dụ không có các cổ đông đó thì DN sẽ thuộc về tập thể những người lao động của DN. Trong DN này, phương tiện SX không thuộc về từng cá nhân, mà thuộc về tập thể NLĐ, và đó chính là chế độ công hữu về TLSX mà Marx và Engels nhắc tới. Nó khác hoàn toàn với kiểu DN Nhà nước ở các nước XHCN trước kia và VN hiện nay – các DNNN
    này thực chất là DN TBCN, với ông chủ là Nhà nước, và người lao động vẫn là người làm thuê.

    Bởi không hiểu rõ bản chất của KTTT nói chung và KTTT TBCN nói riêng, và cũng không hiểu rõ CNXH là
    gì theo quan điểm của Marx, nên von Mises mới cho rằng “KTTT là CNTB, và CNTB thì không thể đi đôi với CNXH, nên KTTT không thể đi đôi với CNXH” Ludvig von Mises hiểu rất lơ tơ mơ về tư tưởng của Marx và Engels, những phê phán của ông đối với CN Marx vì thế chỉ bịp được những người ít hiểu biết mà thôi.

  2. Nếu nói kinh tế tư bản và kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể đi đôi với nhau, không thể pha trộn được hai hệ thống này với nhau e là không phản ánh đúng thực tế.

    Thực tế cho thấy hai nền kinh tế này đang pha trộn lẫn nhau. không còn kinh tế tư bản thuần túy và kinh tế xã hội chủ nghĩa thuần túy.

    kinh tế tư bản thuần túy tức là kinh tế thị trường thuần túy đó là nền kinh tế tư nhân hoàn toàn không có sự can thiệp của nhà nước.

    Kinh tế xã hội chủ nghĩa thời bao cấp là nền kinh tế nhà nước điều hành và quản lý.

    Ngày nay cả hai nền kinh tế này đã không còn tồn tại. tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều là nền kinh tế thị trường có sự can thiệp của chính quyền nhà nước. Mức độ can thiệp tùy thuộc vào quan điểm của mỗi quốc gia.. vậy không thể nói hai nền kinh tế tư bản và xã hội chủ nghĩa không pha trộn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI