20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Khoảng trời bình yên trong âm nhạc của Secret Garden

Ảnh : Secretgraden.no

Vài nét về Secret Garden

Với những người yêu nhạc không lời ở Việt Nam, Secret Garden không phải cái tên quá xa lạ. Kể cả với những người không biết gì về nhóm nhạc này, âm nhạc của họ cũng rất quen thuộc: Nó xuất hiện trong các bộ phim, chương trình truyền hình, quảng cáo, lễ trao giải, quán café,…Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ không đi quá sâu vào việc giới thiệu về lịch sử phát triển và thành tựu mà nhóm đã đạt được. (bạn có thể xem những thông tin đó tại www.secretgarden.no) Thay vào đó là một vài thông tin cơ bản và  những cảm nhận của riêng tôi.

Secret Garden là một nhóm song tấu được thành lập nhờ cuộc gặp gỡ giữa Rolf Lovland (người Na Uy, sáng tác, sản xuất, keyboard) và Fionnuala Sherry. (người Ireland, violin) Âm nhạc của họ lấy cảm hứng từ nhạc dân gian Na Uy – Ireland và một chút từ nhạc cổ điển. Khởi nguồn từ ý tưởng “giai điệu kể chuyện “ và “câu chuyện không lời”, Secret Garden đã chinh phục người nghe trên khắp thế giới bằng thứ âm nhạc diệu kỳ của họ.

Lấy âm thanh piano và violin làm hai yếu tố cơ bản, Rolf và Fionnuala tập chung vào “sự giản đơn” để kể nên những câu chuyện không lời. Như Rolf Lovland đã nói: “Âm nhạc nên đơn giản và tinh tế như hình ảnh một con bướm đậu từ bông hoa này sang bông hoa khác.” (lời tựa cho bản nhạc Papillon) Để đạt đến sự giản đơn tuyệt vời , đó là một cuộc hành trình dài đầy nỗ lực của tất cả các nghệ sĩ trong 20 năm qua. Điều này làm tôi chợt nhớ đến câu nói của ngài Chopin: “Sự đơn giản là mục tiêu cao nhất sau khi đã vượt qua tất cả những khó khăn.”

Âm nhạc Secret Garden mở ra khoảng trời tự do cho những suy tư, những nỗi niềm cả vui lẫn buồn, những khoảng lặng. Và hơn nữa, là tạo nên một nơi trú ẩn bình an cho tâm hồn.

Tôi đã đến với âm nhạc của Secret Garden như thế nào?

Tôi chính thức biết đến cái tên Secret Garden vào năm 2009, sau khi nghe nhạc của họ trong nhiều năm mà không hể hay biết. Hồi đó, tôi đang có trong tay album Earthsongs. Vào một buổi tối rảnh rỗi, tôi quyết định bật CD đó lên nghe. Một cảm giác sửng sốt chạy dọc người tôi khi nghe những bản đầu tiên: Sometimes When It Rains rồi Field of Fortune. Và sau đó là choáng ngợp trước vẻ đẹp lay động lòng người của những bản nhạc. Rồi tôi bị mê hoặc hoàn toàn. Mỗi âm thanh tỏa sáng lấp lánh trong những giai điệu mộc mạc, đơn sơ. Âm nhạc Secret Garden và tôi gắn bó với nhau từ đó.

Nhắc đến âm nhạc Secret Garden, nhiều người thường nhận xét nó rất buồn. Tôi cũng đồng ý một phần vì có nhiều bản nhạc khiến tôi rơi nước mắt khi nghe: Heartstrings, Home, Dreamcatcher, Elegie,…Nhưng Rolf và Fionnuala đâu chỉ có thu âm những bản buồn. Secret Garden còn có những giai điệu rộn rã khiến trái tim tôi nhảy múa theo : The Reel, Invitation, Elan, The Rap, Fionnuala’s Cookie Jar,.. Dù vui hay buồn, trên hết âm nhạc của họ mang đến cho tôi cảm giác bình yên, chân thật, như một chỗ dựa tinh thần đáng tin tưởng.

Điều tuyệt vời nhất khi thưởng thức âm nhạc Secret Garden là lúc chạm tới, hòa nhập với những câu chuyện không lời và để cảm giác của mình phản chiếu những câu chuyện đó theo cách riêng. Cũng như để âm nhạc dẫn dắt trí tưởng tượng của mình, vượt qua giới hạn của không gian và thời gian, khai phá những vùng cảm xúc mới.

“Just the two of us“

Là album mới nhát của Secret Garden, phát hành tại Na Uy vào năm 2013 và đang phát hành tại các quốc gia khác. Phần lớn album là những bản chuyển soạn mới từ những tác phẩm cũ. Cả album chỉ có âm thanh của violin và piano, không có thêm bất cứ nhạc cụ nào khác, không có âm thanh của dàn giao hưởng. Nhưng không vì thế mà âm nhạc trở nên nhàm chán. Sự tối giản tạo nên một thứ phép màu âm nhạc thuần khiết nhất: Sự đồng điệu về mặt tâm hồn giữa cả người chơi lẫn người nghe. Đó như là một sự trở về – trở về với những khoảnh khắc đẹp mong manh chớm nở ban đầu. Như lần đầu tiên Fionnuala đặt cây violin lên vai và chơi bản Nocturne của Rolf.

Rất mong được đọc những chia sẻ của các bạn về âm nhạc Secret Garden! Chúc các bạn vui!

 

Cánh Đồng Âm Nhạc

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

8 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI