28.7 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Làm thế nào để bắt “dê” khi bị bịt mắt?

Photo: Wikimedia

 

“Quả của trí tuệ có 3 loại: Một là suy nghĩ chu đáo, hai là lời nói thích đáng, ba là hành vi công chính.” – Democritus

Hồi bé tôi đã từng chơi đủ mọi thể loại trò chơi vận động ngoài trời cùng với lũ bạn hàng xóm ngày đó, từ đuổi bắt, đá banh, cá sấu lên bờ… cho tới một ngày nọ, cô bạn hàng xóm kia bày ra một trò chơi mới cho nguyên đám cùng chơi. Đầu tiên cả lũ phải chia từng cặp ra oẳn tù xì với nhau, đứa nào thua cuối cùng sẽ bị quấn khăn bịt kín hai con mắt lại. Nhiệm vụ của cái đứa bị bịt mắt này là phải túm cho bằng được một đứa bất kỳ, và khi túm được rồi phải nói được chính xác đứa đó là đứa nào thì mới được gỡ khăn ra khỏi mắt. Đoán đúng tên thì đứa bị túm sẽ phải bịt khăn, còn đoán sai tên thì phải chịu tiếp cái cảnh xung quanh chỉ là một màu tối đen như địa ngục.

Chính vì cái thế giới đen đặc đó mà nảy sinh bao chuyện rất mắc cười. Mấy đứa kia thi nhau hú hét và lêu lêu tán loạn để thu hút sự chú ý, đứa bị bịt mắt cứ thế chạy tán loạn. Có khi nghe tiếng đứa nào thè lưỡi lêu lêu ngay trước mặt mình, liền bay vô túm nó thiệt chặt, tới khi sờ sờ rờ rờ một hồi mới phát hiện ra là mình đang ôm lấy ôm để… cái chậu cây nhà người ta. Cũng có khi vô cùng sung sướng hả hê khi túm được một đứa, sờ sờ thấy tóc dài liền cười hà hà: “À con Th. đây phải không?” Tới khi gỡ bịt mắt ra mới biết là mình nhầm hàng, quên mất là lần này có tới hai đứa con gái tóc dài tham gia chơi lận. Tụi xung quanh cứ thế cười miết, làm mình chỉ muốn lấy xẻng đào lỗ chui xuống đất ngay và liền vì quá nhục…

Có thể bây giờ chúng ta đã lớn, những người bạn hàng xóm thuở nào cũng đã mỗi đứa một phương trời, không còn ai để chúng ta rượt bắt trong đêm tối nữa. Nhưng trò chơi thì vẫn còn đó, và chúng ta vẫn còn đang đối diện trò chơi này dưới nhiều hình thức khác nhau trong cuộc sống, đi kèm với nó là vô vàn những phản hồi xung quanh đến với chúng ta.

Chúng ta đã từng cảm thấy vui sướng khi được cho những con điểm cao đỏ rực sáng chói trong vở, được người lớn vỗ vai khen ngợi và động viên, bạn bè trầm trồ xuýt xoa vì chúng ta có cái điện thoại xịn, cùng nhiều điều tích cực khác. Ngược lại, chúng ta đã từng cảm thấy vô cùng thất vọng khi kết quả không như ý mình muốn, cảm thấy mình không được ủng hộ khi bố mẹ cứ bắt mình phải chọn ngành này ngày kia theo ý họ, bạn bè thì dè bỉu chỉ vì tính cách riêng biệt cùng đặc điểm giới tính mà họ cho là không bình thường, cùng rất nhiều những điều tiêu cực khác nữa.

Hay nói cách khác, người ta thường có xu hướng “xù lông” bảo vệ quan điểm của mình khi đối diện với những nhận xét tiêu cực, thậm chí là bỏ qua chúng nhiều hơn là những lời nhận xét tích cực. Nhưng như vậy liệu có giúp chúng ta được gì không, ngoài chuyện cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn khi không còn phải nghe những lời nhận xét này kia…?

Quay trở lại với trò bịt mắt bắt dê. Khi chúng ta bị bịt mắt, chúng ta tóm được những đứa xung quanh là nhờ điều gì? Nhờ những tiếng bước chân kèm theo giọng của tụi nó! Vì những âm thanh ấy cho chúng ta biết tụi nó đang đứng ở đâu, đang đứng gần mình hay đứng xa lắc xa lơ, để mình còn biết đường mà quyết định xem nên túm đứa nào. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không còn nghe được những âm thanh đó nữa hay chưa? Phải rồi, chúng ta sẽ chẳng bắt được bất kỳ một “con dê” nào nữa hết, vì có biết nó đứng ở đâu đâu mà đòi bắt!

Những lời phản hồi cũng giống như vậy, dù nó tích cực hay tiêu cực đến mấy đi chăng nữa. Nhất là những phản hồi tiêu cực, nó không phải là những lời nhận xét chứng minh bạn đã thất bại, đó chỉ là những gợi ý chỉ dẫn cho ta biết ta có đang đi sai hướng hay làm sai điều gì không. Nếu bạn bỏ ngoài tai những lời phản hồi, bạn sẽ không bao giờ biết được mình có đang đi đúng hướng hay không, và bạn sẽ mãi chìm trong đêm tối dày đặc chẳng còn biết mình đang đứng ở đâu trên đường đời nữa.

Khi còn là học sinh, tôi có một thói quen khó bỏ là chơi game suốt ngày: Cứ đi học về ăn uống xong xuôi là nhào đầu vô chơi, ngày nghỉ cuối tuần ở nhà cũng toàn chơi game từ sáng tới chiều. Chơi nhiều đến nỗi bố mẹ nhắc nhở, la rầy, thậm chí cúp máy và bảo tôi nghiện game quá nặng rồi nên phải làm như vậy. Tôi không chịu được chuyện này nên đã rất nhiều lần “xù lông” với bố mẹ, tự bảo vệ bản thân bằng cách gân cổ lên cãi rằng mình vẫn có học hành đàng hoàng chứ có phải chơi miết đâu. Nhưng kết quả không biết nói dối, cái lúc bố mẹ tôi nhận được phiếu điểm cuối học kỳ chính là thời khắc ác mộng nhất trong đời. Họ chẳng mắng, chẳng la rầy cũng chẳng đánh đòn gì, chỉ có sự thất vọng hằn rõ tới từng nếp nhăn trên khuôn mặt. Tôi đã phải làm lại mọi thứ từ đầu, không chỉ việc học tập, mà còn là cả sự tin tưởng của bố mẹ, vì kết quả đã quá rõ ràng – tôi chơi game quá nhiều trong khi học hành thì chẳng được bao nhiêu, dẫn đến điểm số cứ ngày một thụt lùi dần…

Vì thế thay đổi hướng đi, thay đổi lời ăn tiếng nói và hành động là một việc rất quan trọng, và chúng ta có rất nhiều cách để thực hiện điều này – từ việc đặt câu hỏi cho những người xung quanh, cho tới việc chịu khó lắng nghe người khác góp ý cho mình. Bất kỳ điều gì! Kể cả khi người ta có giận dữ và tỏ thái độ nặng nề khi bộc lộ ý kiến, nó chỉ phản ánh về chính người đó mà thôi. Cái gì giá trị có thể tận dụng được với bạn thì cứ nhận lấy, còn những thứ khác như thái độ cư xử của người ta hay những thứ linh tinh khác cứ quên hết đi, chỉ cần nói cảm ơn người ta là được rồi.

Tuy nhiên, trước khi thay đổi một điều gì đó, tôi cũng muốn bạn biết thêm một điều rằng không phải ý kiến phản hồi nào cũng đúng. Nghĩa là nhiều khi những ý kiến đó hoàn toàn chính xác và rất thực tế, nhưng cũng có những ý kiến hoàn toàn sai, thậm chí vô nghĩa chẳng có giá trị gì cả. Vì thế trước khi thay đổi bản thân theo ý kiến của người khác, bạn cũng cần phải xem xét kỹ thông tin mà bạn nhận được.

Trước đây tôi có đọc được một bài báo đề cập đến một vị Thạc sĩ với câu nói “Đồng tính là bệnh” gây rất nhiều tranh cãi, nó khiến tôi tò mò đọc hết bài báo để xem thử xem tại sao vị này lại cho rằng đồng tính là bệnh, kết quả chỉ là một sự thất vọng trần trề do bà này đã đưa ra ý kiến của mình một cách phiến diện và không hợp lý (bạn có thể lên Google đánh vào bốn chữ “đồng tính là bệnh” để tìm bài viết liên quan). Thế giới người ta đã loại đồng tính ra khỏi danh sách các căn bệnh của loài người từ cách đây hơn 20 năm rồi, họ chỉ coi nó là một xu hướng tình dục mang tính tự nhiên mà thôi. Vậy mà bà ấy lại có những phát ngôn như thế, nên nó đã khiến tôi phải nghi ngờ về năng lực và sự hiểu biết thật sự về chuyên ngành tâm lý của bà ấy – do người ta là Thạc sĩ hẳn hoi.

Dù sao đi nữa, phản hồi cũng chỉ là một dạng thông tin. Không ai bắt bạn phải làm theo hết những ý kiến phản hồi mà bạn nhận được, cái quan trọng hơn là bạn sẽ phản ứng ra sao với chúng. Tôi chỉ có thể chắc chắn một điều rằng, nếu bạn muốn thành công thì bạn phải tìm kiếm phản hồi, suy nghĩ thật kỹ về chúng và thay đổi hành vi để có được kết quả mà mình mong muốn. Giống như trò chơi bịt mắt bắt dê thuở xưa vậy thôi. Nếu không có những tiếng bước chạy, không có những giọng nói của những đứa xung quanh, liệu bạn có đủ sức bắt được “con dê” nào không khi thế giới trước mắt của bạn chỉ còn là một thế giới đen đặc?

Mà nếu có bắt được “con dê” nào rồi cũng phải coi kỹ xem mình có bắt đúng đối tượng không nhé, mắc công ngoài mặt chỉ biết cười trừ cho qua mà trong lòng rất muốn đào lỗ chui xuống đất…

 

Nhật Niên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

Trả lời Thành Đạt Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI