20.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Giá trị Nhật tôi thấy qua một con người

Photo: Nazariy Kryvosheyev

 

Người đàn anh Nhật tôi biết đã sống ở Hà Nội 5 năm, nếu không có gì thay đổi anh sẽ sống ở đây thêm 3 năm nữa. Một ngày, anh làm việc từ 7 giờ sáng và kết thúc công việc vào lúc 7 giờ tối. Mỗi ngày, anh đều đặn chúc tôi ngày tốt lành vào buổi sáng và chúc tôi ngủ ngon vào đêm khuya. Từ khi tôi biết anh, không ngày nào anh quên làm việc đó. Thi thoảng Yucchan mời tôi đi uống cafe hoặc ăn tối, chúng tôi nói nhiều về cuộc sống, về con người, về gia đình. Nhưng chỉ vậy thôi, tất cả dừng lại ở sự quý mến quan tâm chân thành, đúng mực và bền bỉ.

Một lần tôi hỏi anh:
– Anh có thích Hà Nội không?
Anh trả lời:
– Rất thích chứ!
Tôi lại hỏi:
– Sao anh không đưa vợ con sang đây? Xa nhau lâu vậy có ổn không?
Anh trả lời:
– Đó không phải vấn đề, chỉ cần có niềm tin và sự chung thuỷ của mỗi người. Đàn ông phải làm việc ở khắp mọi nơi.
Tôi thắc mắc:
– Anh sống ở Hà Nội có khó khăn không??
Anh cười bảo:
– Không có vấn đề gì, anh thích!

Một ngày, người đàn ông Nhật này thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, tôi cũng không rõ anh làm những gì nhưng chắc chắn có việc anh tự nấu ăn sáng cho mình. Vào lúc 06 giờ 45, anh đến nhiệm sở để làm việc, làm việc và làm việc… Từ khoảng thời gian này, ngoài thông tin về công việc, các vấn đề của công việc được tiếp nhận và giải quyết thì không một thông tin hay việc gì khác được hồi âm. Trở về nhà thường vào lúc 7 giờ tối. Tôi cũng không biết hết anh sử dụng nó vào những việc gì nhưng lại một lần nữa chắn chắn có việc tự nấu ăn cho mình và nhắn tin chúc tôi ngủ ngon lúc 23 giờ. Khi đó, anh có thể trò chuyện và bông đùa với tôi một chút nhưng không bao giờ quá 15 phút là “goodnight”.

Là chủ tịch một tập đoàn lớn, tôi thật sự không biết người đàn ông này có giàu có không bởi không có gì chứng tỏ điều đó. Nhưng tôi khẳng định anh có lòng đam mê công việc, làm việc vô cùng chăm chỉ và nghiêm túc. Ngoài ra, Yuchan còn có tinh thần trách nhiệm cao cả với cộng đồng dù cho cộng đồng đó không phải là quê hương anh. Một tuần Yuchan dạy học 3 buổi tối từ 8 giờ đến 11 giờ. Dù là một công việc không vì mục đích kinh tế, nhưng không bao giờ Yuchan bỏ dạy. Hôm qua, anh nói với tôi anh rất mệt, anh bị ốm. Tôi khuyên anh nên nghỉ dạy ở nhà nghỉ ngơi. Lời khuyên ấy vô ích!

Trở về nhà lúc 10 giờ 15 và rất mệt nhưng anh vẫn kiên định tự nấu ăn cho mình không ăn hàng dù gần nhà Yuchan có quán chuyên đồ Nhật tuyệt ngon. Tôi đã từng thắc mắc về việc này, từng khuyên anh nên ra ngoài ăn, tôi đưa ra nhiều lý lẽ để thuyết phục nào là: Đỡ vất vả, đỡ mất thời gian…nhưng dường như Yuchan không hiểu những gì tôi nói và ngạc nhiên vô cùng vì điều đó.

Tôi biết khá nhiều bạn bè người nước ngoài, nhưng với Yuchan tôi luôn thấy chuẩn mực đạo đức trong từng lời nói, cử chỉ, hành động. Mọi cư xử suy nghĩ của anh trong cuộc sống đều có giá trị văn hoá và tư tưởng mà tôi phải suy nghĩ. Một người Nhật xa quê nhưng rất yêu nơi xa lạ anh đang sống, những vấn đề mà người dân bản địa kêu ca, phàn nàn hình như Yuchan không nhận thấy. Trong khi đa số người dân ca thán về đủ các vấn đề của Hà Nội thì với Yuchan: “Không có vấn đề” và “anh thích Hà Nội”.

Tại sao Yuchan dường như không gặp những vấn đề mà hàng ngày chúng ta đối mặt? Phải chăng Yuchan không có thời gian để gặp phải vấn đề đó. Anh không lê la các quán nhậu mỗi ngày, không có tư tưởng thích hưởng thụ, thích tụ tập chém gió, thích bớt xén thời gian, thích cái hay cái lạ v.v…Thời gian, anh dành hết cho tình yêu công việc và cống hiến cho xã hội.

Tôi hỏi anh có biết về vấn đề Biển Đông không? Yuchan trả lời: “Biết chứ, anh đọc báo hàng ngày.” Tôi bất ngờ với thái độ bình thản của Yuchan, tuy vậy cũng không bất ngờ bằng việc Yuachan đã cho tôi một bài học giá trị:
– Nhiều người đang đạp phá các nhà máy, anh sợ không?
– Anh không sợ, anh tin họ đã có kế sách đo là việc của họ. Còn anh là thương gia, anh chỉ cần làm tốt công việc của mình. Em sợ à! Đừng lo, Chính phủ Việt Nam giỏi lắm! Họ biết cách đối phó.

Đôi khi, tôi không thể lý giải nổi về những gì người đàn ông Nhật này suy nghĩ và hành động. Nhưng tôi thấy rất nhiều giá trị Nhật qua anh và tôi phần lý giải được tại sao nước Nhật bé nhỏ thế, nghèo tài nguyên như vậy, luôn hứng chịu các thảm hoạ thiên tai, trải qua sự tàn phá thảm khốc của chiến tranh họ đã vươn lên thành một cường quốc siêu đẳng.

Nhiều người nói tôi lý tưởng hoá con người Nhật, nước Nhật. Họ bảo cũng gặp nhiều người đàn ông Nhật trăng hoa, đàn ông Nhật rất thoáng trong vấn đề luyến ái chư không chung thuỷ như tôi tưởng. Điều này tôi biết, nhưng tôi hiểu họ phân định một cách rạch ròi giữa các mối quan hệ khác giới. Cũng giống như người Châu Âu có hai khái niệm khác biệt trong đời sống tình dục: Làm tình với người phụ nữ mình yêu và quan hệ tình dục với người phụ nữ nhằm mục đích giải quyết nhu cầu sinh lý. Đàn ông Nhật chỉ nói lời yêu với người phụ nữ có thể lấy làm vợ nhưng nếu không thể họ sẽ không tùy tiện nói mà luôn cư xử đúng mực với những người phụ nữ họ trân trọng. Đàn ông Nhật cũng như tất cả những người đàn ông xa nhà khác, họ cũng phải tìm cách giải quyết các nhu cầu thiết yếu của họ nhưng họ khá chung thuỷ với lựa chọn ban đầu. Những cô gái họ đã lựa chọn lần đầu sẽ có cơ hội phục vụ họ lâu dài. Nhưng tất nhiên, đừng hy vọng ở họ sự quan tâm với những lời yêu thương tha thiết.

Điều tuyệt vời ở người Nhật là sự ham học, say mê tích lũy kiến thức. Có một di sản quý báu mà người Nhật truyền tụng từ đời này qua đời khác đó là câu “khẩu truyền”: Tài nguyên của chúng ta có hạn nhưng sức sáng tạo của chúng ta là vô cùng. Câu nói này như một mệnh lệnh nhắc nhở người Nhật rằng muốn đưa đất nước đến đỉnh vinh quang thì không còn cách nào khác là phải học, không ngừng học, học mọi lúc mọi nơi. Điều này quả không sai, khi tôi đi cùng yuchan đến những nơi chuyên biệt của người Nhật, mới cảm nhận thấy rõ ràng điều đó. Yuchan thường dẫn tôi đi ăn ở những nhà hàng dành cho người Nhật. Nó khác với nhưng nhà hàng mang phong cách Nhật ở chỗ: Nhà hàng dành cho người Nhật chỉ bán đồ Nhật cho người Nhật.

Còn nhà hàng mang phong cách Nhật bán đồ Nhật cho thực khách khắp nơi đên thưởng thức. Ngoài những món Nhật là chủ đạo còn có các món ăn Âu, Á để phục vụ mọi nhu cầu của thực khách. Điều khác biệt dễ nhận thấy nhất để phân biệt giữa hai loại nhà hàng này là nếu là nhà hàng dành cho người Nhật thì chắc chắn phải có giá sách để khắp mọi nơi. Người Nhật tiết kiệm từng phút để tích luỹ kiến thức, ngay trong thời gian chờ đồ ăn họ không nói chuyện hay lướt web mà đọc sách. Có thể nói, họ là những người lặng lẽ nhất khi vào ở chốn đông người.

Tôi có lý tưởng hoá giá trị Nhật hay không? Hay tôi cũng như bao nhiêu người trên thế giới từng nghiêng mình trước tinh thần Nhật được lan toả qua hình ảnh người Nhật đối phó với sóng thần, người Nhật chia sẻ với nhau lúc gian nan, người Nhật trật tự xếp hàng ngay cả trong loạn lạc. Hình ảnh những hàng người xếp hàng thứ tự sau cơn sóng thần có lẽ là một minh chứng thuyết phục nhất với mỗi chúng ta. Nó hiện lên giá trị Nhật ở mọi tầng lớp, thành phần xã hội. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến đàn bà, người giàu sang kẻ bần hàn tất cả cùng chung một hàng ngũ lúc gian nguy tạo nên một sức mạnh Nhật Bản chói loà.

Những hè oi ả như càng nóng rừng rực hơn lên bởi tình hình chính trị, không khí hừng hực bao trùm khắp nơi. Yuachan vẫn vậy, bình thản an nhiên làm tốt công việc của một thương gia, lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng mà mình gắn bó vơi tình yêu Hà Nội và niềm tin tưởng vào Chính phủ. Những điều đó làm tôi rất khâm phục, nó là trải nghiệm chân thực về tinh thần, giá trị xứ hoa anh đào mà trước kia tôi chỉ biết qua báo chí và truyền thông.

Cảm ơn Yuchan, cảm ơn Nhật Bản!

 

May1980

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

  1. Văn hóa Nhật theo tôi ko thích hợp với VN (điều kiện sống hiện tại) trong ít nhất 50 năm nữa.

    Why ? nếu ko có một Hitler thì đơn giản nó cứng nhắc, xứ Lừa cần một thứ tinh thần mềm mại kiểu Mẽo hơn, dễ hòa nhập dần hơn.

    Ngươi Đức, người Hàn cũng phục hồi sau chiến tranh cũng thần kì chả kém anh Nhật.

    P/S: bạn muốn học vh Nhật là tự do cá nhân của bạn. chia sẻ là điều tuyệt vời.

  2. Thật ra, không có đất nước nào hoàn hảo toàn vẹn, cũng không có chuyện chỗ này toàn người tốt, chỗ kia toàn người xấu. Tôi biết, nước nhật đàn ông lăng nhăng cũng có, gia trưởng cũng có, thô bỉ cũng có. Tôi biết hàng năm nước Nhật đều có số người tự tự cao nhất thế giới , và họ cũng có hàng chục vấn nạn khác nữa. Nhưng tôi thích Nhật, bởi họ có những điều hay tuyệt diệu trong văn hóa, xã hội , ẩn trong cả những con người Nhật bản hiện tại bây giờ. Tôi thích cách họ xây dựng đất nước, thích cách họ đối mặt với những vấn nạn thiên tai. Họ không giống một phần nào đó của xã hội Việt Nam chúng ta. Khi hỏi một câu: ” Tại sao bao nhiêu năm qua đất nước lại thua kém Năm châu?” Người Việt chúng ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, tại chiến tranh, tại thiên tai lũ lụt, bão táp, tại người khác, tại anh kia, tại cô ấy, nhưng bản thân họ hoàn toàn không có lỗi. Người NHật họ cũng có thể như vậy chứ, hồi mới sau thế chiến thứ hai, họ cũng có thể đổ lỗi cho chiến tranh, cho một đất nước khác vùi dập họ, họ cũng có thể đổ lỗi cho thiên nhiên không ban tặng họ một chút tài nguyên giàu có như nhiều đất nước khác ( Mĩ bán vũ khí, Mĩ có dầu mỏ và hàng vạn tài nguyên khác cướp bóc, Nga cũng có dầu mỏ, Trung quốc có đất đai rộng rãi tài nguyên họ cũng lớn và Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, chúng ta có than, có dầu mỏ,…) Nhưng Nhật bản có gì ngoài những trận động đất, sóng thần và núi lửa. Một đất nước có một địa hình đồng bằng chật hẹp. NHưng họ không đổ lỗi cho ai cả, họ im lặng và làm việc. Khi họ biết đất nước đang bị thụt lùi trong những năm suy thoái kinh tế, mức làm việc mà đất nước khác nhìn vào chẳng khác nào tự sát. Người Nhật thật ra lòng tự trọng họ rất cao, sau chiến tranh bại trận, họ mang mối nhục bên mình khắc sâu và tiến dần. Họ bi quan nên khi bước vào đường cùng, họ thường chọn cái chết để giải thoát, Nhưng chính sự bi quan đó lại dẫn dắt họ đến thực tế, họ biết đất nước mình, dân tộc mình đang đứng ở vị trí nào cần cái gì. Người Việt Nam rất lạc quan, ngay cả bản thân tôi cũng thấy mình lạc quan, chính vì lạc quan mà dân tộc Việt mới được coi là dân tộc hạnh phúc và dễ sống nhưng cái lạc quan ấy lại làm chúng ta ngủ vùi trong chiến thắng chống Pháp và Mĩ , mà quên rằng, đất nước mình còn nghèo lắm, còn thua xa người ta lắm. Nên tôi vẫn cảm thấy Tôi vẫn thích cái sự bi quan, sâu sắc thấm đượm trong tâm hồn văn hóa người Nhật hơn.Tôi thích cách họ chịu trách nhiệm về những việc mình làm, cách họ chấp nhận thực tế mà tiến lên, cách họ tiếp thu văn hóa khác mà vẫn giữ lại cái hồn riêng cho mình. Đứng trước họ, tôi cảm thấy khâm phục và nể họ rất nhiều.

  3. bạn May1980 ơi,mình cũng cực kì nể phục người Nhật. Mình đang nghiên cứu về người Nhật,cách sống,làm việc và quản trị cúa người Nhật,để có thể noi theo gương họ. Mình mong muốn được gặp bạn và người bạn Nhật của bạn để giao lưu và chia sẻ. Để có thể giúp nhau sống và làm việc tốt hơn cho cộng đồng. Nếu được mong bạn add facebook mình,cùng làm quen nhé!
    https://www.facebook.com/tueminhchi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI