22.7 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Lòng yêu nước nhìn từ góc độ nhu cầu xã hội

Photo: Hannah Louise Curson 

 

Thật ra, chỉ khi con người ta đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, quyền được sống, nhu cầu tồn tại bị đe dọa nghiêm trọng thì theo bản năng, họ sẽ co cụm lại để cùng nhau giành giật cho bằng được quyền sống của chính mình. Và chỉ trong hoàn cảnh ấy, họ mới cùng hướng về một mục tiêu chung và một lòng một dạ vì mục tiêu sống còn ấy. Thế nhưng, khi quyền được sống, nhu cầu tồn tại đã được đảm bảo thì sau đó trong con người ta lại xuất hiện hàng loạt những nhu cầu khác như nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần, nhu cầu khẳng định giá trị bản thân, nhu cầu được tôn trọng… Và những cung bật nhu cầu này ở mỗi người hoặc mỗi nhóm người trong xã hội thì không giống nhau và cùng tiêu chuẩn với nhau. Vì vậy, tìm kiếm một mục tiêu chung, một sự gắn kết chung giữa họ là điều rất khó. Có chăng là mục tiêu của từng nhóm lợi ích mà thôi: Nhóm giàu, nhóm nghèo, nhóm trí thức, nhóm nông dân….

Đối với một cộng đồng dân tộc cũng vậy. Khi Việt Nam rên xiết dưới gót giày xâm lược của thực dân, đế quốc; quyền sống, nhu cầu tồn tại mong manh như sợi tóc thì lúc này, với sức mạnh bản năng nhất, cả dân tộc đã vùng dậy cùng hướng về một mục tiêu chung là giành giật quyền sống, quyền tồn tại của chính mình. Và lý tưởng sống cao đẹp, lý tưởng cách mạng nảy mầm từ đây, chí công vô tư cũng hình thành từ đây và tình “đồng chí”, tình cảm giai cấp trong sáng cũng ươm mầm từ đây.

Thế nhưng khi chiến tranh qua đi, nhu cầu tồn tại của cả dân tộc đã được đảm bảo thì lúc bấy giờ, những nhu cầu khác trong xã hội cũng hình thành và phát triển nhưng không đồng bộ và cùng “chuẩn” với nhau vì đơn giản những cá nhân, những lực lượng, những nhóm người đứng ở những vị trí (địa vị) khác nhau trong xã hội nên lợi ích của họ khác biệt nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau. Vì vậy tìm kiếm một mục tiêu chung, lý tưởng chung cho tất cả trong bối cảnh này là điều rất khó, có chăng chỉ là sự gượng ép với những câu từ sáo rỗng, mang tính hô hào, khẩu hiệu là chính. Điều này lý giải vì sao giới trẻ nói rằng họ yêu đất nước này, yêu con người Việt Nam chân chất, hiền lành, tự hào về lịch sử đấu tranh hào hùng, bất khuất của cha ông, yêu Bác Hồ, biết ơn các anh hùng dân tộc nhưng lại quá chán nản và bi quan trước những “ung nhọt” trong xã hội hiện nay.

Trách nhiệm này phải thuộc về “người lớn”. Họ đã không làm tốt được khâu gắn kết xã hội, xác lập mục tiêu chung trên cơ sở thống nhất lợi ích. Thế nhưng, giới trẻ lại bị mang tiếng oan khi bị cho rằng sống thực dụng, chỉ lo hưởng thụ mà không quan tâm đến lịch sử dân tộc?! Bây giờ ra đường bạn dễ dàng nhận ra một điều rằng con người ta hình như “vô cảm” khi thấy cướp giật diễn ra trước mắt mình, tai nạn diễn ra trước mắt mình, quan liêu, hách dịch diễn ra trước mắt mình… nhưng tin tôi đi, khi cả dân tộc đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết thì những con người tưởng chừng như vô cảm kia sẽ tự khắc đoàn kết lại với nhau đấy. Và các bạn trẻ mà tôi từng biết cũng vậy. Trông họ vô tư, nhí nhảnh, thường xuyên post hình tự sướng tưởng như họ vô tâm nhưng qua vụ việc vừa rồi (Trung Quốc vs. Việt Nam) chúng ta cần có cái nhìn khác về họ.

Và theo bạn thì làm sao để người Việt Nam, người Trung Quốc và các dân tộc khác cùng đứng về một phía và đồng lòng với nhau? – Khi có người ngoài hành tinh đang hăm he đến hủy diệt trái đất này và muốn bắt tất cả loài người về làm nô lệ! Tuy nhiên, điều đó sẽ không diễn ra. Vì vậy, mỗi dân tộc sẽ phải tự bảo vệ chính mình!

 

Bùi Minh Nghĩa

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI