19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hãy xem những bộ phim kết thúc có hậu!

Photo: Amy

 

“Sao dám cả gan nói một cách phiến diện như vậy?” – Tôi đang tự nói với mình câu đó đấy! Cơ mà, nếu cho nói lại, tôi vẫn nói thế thôi. Hoặc có thể, chỉ nghĩ thôi, giữ riêng cho mình thôi, không nói!

Tôi cũng thắc mắc lắm. Nhưng chẳng hiểu tại sao, nếu ai đó giới thiệu tôi một bộ phim, thì trước hết tôi sẽ mở xem tập cuối. Nếu như là kết thúc có hậu, tôi sẽ yên tâm mà xem lại từ đầu. Tôi cũng hạn chế xem những bộ phim vừa xem vừa ra mắt, thấy cứ lo lo, không biết đến cuối cùng anh chàng đẹp trai nhà giàu có hạnh phúc với cô nàng xinh gái vừa vừa và nghèo xơ xác hay không? Đặc biệt, tôi cực kỳ thích truyện cổ tích.

Thật ra mà nói, những bộ phim với cốt truyện lúc đầu vui tươi, ở giữa sướt mướt tình cảm, nhân vật chính – à không, có thể nhân vật phụ nữa, đối mặt với rất nhiều gian nan, thử thách, cuối cùng là kết thúc happily ever after luôn thu hút lượt xem hơn cả. Vì một lẽ đơn giản – bản chất dĩ nhiên của con người là hướng thiện, hướng phúc và luôn hy vọng ở tương lai.

Xem phim hài, từ đầu đến cuối chỉ vui – thì đâu đó, nó chỉ phù hợp để xả stress, lâu lâu xem một lần thì được. Xem miết thấy chán, thấy nhảm nhí vô cùng. Còn phim bi, từ đầu tới đuôi chỉ nước mắt, có lẽ cũng chẳng ai xem mãi. Đến một lúc nào đó, thấy người ta khóc mà mặt mình dửng dưng. Tất nhiên, tôi chỉ nói thế thôi, chẳng tác giả nào viết một câu chuyện, dựng một bộ phim với chỉ duy nhất một cảm xúc từ đầu tới cuối cả. Một tác phẩm nghệ thuật được ra mắt công chúng, thì chí ít nó cũng đã trải qua vài lần kiểm nghiệm rồi.

Ý tôi muốn nói ở đây là: Chúng ta hãy ưu tiên xem những bộ phim, nghe những câu chuyện kết thúc có hậu. Dù nhân vật có trải qua khó khăn, khổ đau và sóng gió thế nào, thì đến cuối cùng, hãy để cho người ta được hạnh phúc. Dù nó vui hay buồn, dù là thuộc thể loại nào: Tình cảm, hài hước, trinh thám – viễn tưởng, kinh dị, phiêu lưu… thì đến cuối cùng, hãy là một kết cục tốt đẹp và nhân văn.

Bạn có thắc mắc:

  • Tại sao con nít thường được nghe cổ tích?
  • Tại sao câu chuyện của tuổi thơ luôn là mụ phù thủy độc ác bị trừng trị, hoàng tử và công chúa sống hạnh phúc đến mãi mãi về sau?
  • Phải chăng vì con nít chưa đủ tuổi để nên biết đến khó khăn, chưa đủ lớn để biết đến đớn đau và dằn vặt, khổ ải?
  • Hay chỉ đơn giản rằng: Người tốt sẽ hạnh phúc, ở hiền sẽ gặp lành, và kẻ ác luôn thua cuộc?
  • Con nít là bản năng tự nhiên của con người. Con nít thường ước mơ rất to. Con nít thường hy vọng rất nhiều…

Chẳng lý giải được. Vì tự nhiên nó đã vậy rồi…

Mẹ đi chợ về, ba chẳng nói gì, chỉ nhẹ nhàng đỡ xe cho mẹ, nhưng con nít sẽ vội vàng mở giỏ để tìm quà. Ngày sinh nhật, dù ba mẹ chưa nói, nhưng con nít vẫn hi vọng cuối ngày sẽ có một bánh kem thắp nến lung linh. Ông già Noel chẳng biết có thật hay không, nhưng con nít vẫn treo đầu giường chiếc bít tất, và cả ngày hôm đó ngoan như chưa bao giờ phạm lỗi…

Con nít thường ước mơ là bác sĩ, là giáo sư, là giám đốc, là phi hành gia vũ trụ… Nghe như thể “tỷ phú” là một nghề ai cũng có thể làm. Thế rồi con nít lớn lên. Lạ thay, ước mơ lại càng dần nhỏ lại. Cái phần màu đen ghi chữ “không thể” càng bành trướng lên thêm. Và con nít chẳng còn hứng thú để đấu tranh giành phần thắng…

Con nít thành người lớn. Và người lớn thì chẳng tin vào cổ tích

  • Người lớn thấy kẻ ác vẫn có thể sống đến lúc chết một cách tự nhiên.
  • Người lớn thấy người hiền đôi khi cả trăm năm chưa một ngày hạnh phúc…
  • Người lớn nhìn thấy mọi mơ ước không có cơ sở đều là viển vông.
  • Người lớn luôn khắc trong tâm: 30 chưa phải là Tết. Cách thành công nửa centimet cũng có thể có kết thúc buồn.
  • Người lớn chẳng dám tin những điều chưa chắc chắn.
  • Người lớn chỉ dám dọa trẻ con những “ông ba bị, bà phù thủy, ông bóng, ông kẹ”, chứ nào đâu dám vỗ ngực mà so đứa nào dám “lớn hóa” giấc mơ?

Cuộc đời mỗi người cũng vậy. Cũng như một cuốn phim dài tập. Chẳng phân định thuộc thể loại nào. Chẳng biết là bi, hài, phiêu lưu hay kinh dị. Chỉ biết một điều, bạn chẳng thể biết được kết cục cho đến khi “đời hết phim”…

Và cũng chỉ chắc chắn một điều, chẳng ai muốn bộ phim mình đóng chính kết thúc – không – có – hậu

Dù hôm nay quá nhiều khó khăn, dù hôm nay quá ư mệt mỏi, dù rằng cuộc đời xô bạn ngã ngả nghiêng, thì trong tâm, bạn cũng hãy luôn mơ rằng “ngày mai sẽ sáng”. Dù cuộc đời bạn đang tối tăm đến nỗi, chẳng có cơ sở nào để hi vọng đến ngày mai, thì buông thực tại ra đi, và thử “phiêu” với giấc mơ thưở bé… Cũng có thể, search Google “bộ phim có hậu” và xem liền ngay đi.

Có một điều, bạn hãy luôn nhớ: Bạn là nhân vật chính trong bộ phim cuộc đời bạn. Và nếu bạn tự thấy mình đang làm đúng, thì cuối cùng, phim sẽ có hậu thôi. Tin tôi đi! Lâu lâu, hãy thử so mình với mình hồi con nít. Thử mơ lớn lại một lần. Thử ước mơ không có cơ sở. Và thử sống như ngày mai chẳng có khó khăn…

Thử đi, bạn nhé!

 

Tịnh Tâm

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

  1. chị này thích viết bài về triết lí của mấy câu chuyện cổ tích. Dự là trước kia nhà chị có 1 tủ đầy truyện cổ tích đây mà =)) KLq nhưng e cũng thích đọc truyện cổ tích lắm lắm ạ :))))

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI