18.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Viết để tự chữa lành nỗi đau (tiếp theo)

Ảnh : Richard Johnsons

 

Bài viết trước có một chút vô duyên lạ nếu ai để ý sẽ thấy ngay thôi. Trước hết, bài viết nói về việc viết để chữa lành tâm hồn nhưng không thấy đề cập gì đến chuyện viết, phải viết những gì? Viết như thế nào? Tất cả chỉ là câu chuyện không đầu không đuôi, dù là cũng có thể hiểu được nhưng vẫn là không ăn nhập gì với tựa bài và phần kết luận.

Bài viết là sự tổng hợp từ ba bài viết khác nhau của tôi mà ra. Một bài viết về sức mạnh của thời gian, một bài nói về sự đau đớn khi bị người khác sỉ nhục, bài còn lại thì nói về luận giải giấc mơ. Cả ba bài viết được đọc đi đọc lại và bị cắt ngay đoạn hay nhất, quan trọng nhất rồi được nhập lai thành một bài mới. Nếu đọc sơ sơ ta cũng có thể cho rằng bài viết khá dễ hiểu, cũng có liên kết theo cách nào đó. Tôi viết như thế là để ví dụ cho ý nghĩ của mình về việc viết như thế nào là một phương pháp tự chữa trị (và giải trí nữa).

Việc viết (hoặc những khi đầu óc ta nghĩ ngợi lan man) một điều gì đó thì cũng gần giống như việc ta ngủ mà nằm mơ vậy. Ta có thể gọi là giấc mơ ban ngày cũng được. Điều mấu chốt ở đây, của việc viết theo cách của tôi là cứ viết tuốt tuồn tuột mọi thứ trong đầu, mọi thứ cảm xúc đang ngự trị, mọi suy nghĩ đang quấy rối, tóm lại là viết cái thứ mà bên trong ta thôi thúc muốn viết. Cho dù câu chuyện được viết ra khá kỳ quặc, khá khó hiểu hoặc có thể là buồn cười và ấu trĩ đi nữa bởi vì việc viết theo cách này giống như khi ta có một giấc mộng mà giấc mộng thì chẳng bao giờ là bình thường.

Không giống như việc tạo ra một cốt truyện cụ thể, tạo ra một câu chuyện tiểu thuyết có tình tiết giật gân hay éo le và dễ hiểu, viết theo kiểu này chỉ là viết thôi. Càng cố tạo ra một câu chuyện dễ hiểu lại càng đến gần hơn với sự bịa đặt, có thể nói giảm nói tránh một chút là nhân tạo. Ta đánh mất nét tự nhiên của câu chuyện rồi, ta cố gắng biến câu chuyện trở nên phổ biến và theo cách đó nó đã trở thành câu chuyện của người khác. Ta viết không phải cho chính ta nữa mà cho người khác mất rồi, như vậy thì làm sao mà tự chữa trị cho chính mình được nữa?!

Trong khi viết yêu cầu phải viết luôn tay, chủ yếu là không được dừng lại suy nghĩ, không cho phép ý thức dự phần vào. Viết là vì chính việc viết mà thôi chứ không phải viết để nhào nặn ra một lời giải thích, mà cũng không cần phải giải thích cho ai nghe vì bạn viết là cho chính bạn. Khi bài viết được hoàn thành, hoặc có thể nói là câu chuyện của bạn được viết ra hãy đọc đi đọc lại thật kỹ để lọc ra vùng quan trọng, vùng cốt lõi của cả bài. Nếu như bài viết của bạn có hơi mang mác mùi vị quái đản thì đành cười trừ chấp nhận thôi vì nó là sản phẩm từ bạn mà ra chứ có phải của ai khác đâu, cũng là vì bài viết của bạn quá nguyên sơ, không bị sự đơm đặt và tô vẽ màu mè của ý thức.

Để nhận diện, chúng ta có thể dựa vào các đoạn, các câu, hoặc cả từng con chữ mà ta thấy cảm xúc của mình bị khuấy động (như tôi khá có ấn tượng với từ “vách đá” mà tôi cũng không hiểu vì sao). Có thể tưởng tượng những điểm nút đó là những cánh cửa mở ra cho bạn tìm về nơi bạn đã vùi chôn nỗi đau của mình, hoặc nói theo cách bớt nghiêm trọng hơn là vấn đề rắc rối của mình. Né tránh nỗi đau và tìm đến niềm vui là xu hướng tất nhiên của con người nhưng nếu ta lạm dụng nó quá nhiều thì hậu quả có thể là một ngày nào đó ta đi làm chỉ độc một chiếc caravat ở trên người, hay là tôi cười không hiểu vì sao tôi lại cười, (tôi đã từng không hiểu vì sao cái giống gì mình cũng có thể cười).

Sau khi đã lọc lấy được điểm quan trọng của bài viết thì bạn nên quên những điều râu ria kia đi. Không phải những điểm còn lại không quan trọng đâu, nhưng nếu bạn để tâm quá nhiều bạn có thể sẽ bị ý thức đánh lạc hướng. Từ điểm chốt đó bạn lại bắt đầu triển khai sâu xuống nữa, đào sâu vấn đề, sự liên kết trong trí nhớ sẽ đưa bạn đến nơi bạn muốn đến.

Nói ra như vầy nghe có vẻ khá đơn giản nhưng với điều kiện là bạn muốn biết, nếu bạn không muốn biết hay chưa sẵn sàng để biết thì có áp dụng cách nào đi nữa cũng không hiệu quả. Thực sự là có những điều chưa đến thời điểm để biết thì cũng không nên biết để tránh tình trạng khó xử. Nhưng đó chỉ là tạm thời mà thôi, đừng kéo dài lâu quá đợi đến lúc phải nói “giá như mà tôi biết sớm hơn thì…”

Trong thời buổi tràn ngập thông tin như thế này thì bộ não của bạn cũng bị phân tâm, chạy theo các thứ vớ vẩn trên truyền thông, bị tấn công bởi sách báo nhảm nhí… Cho nên việc viết chính là cách bạn tự tìm hiểu chính mình, viết những giấc mơ ban ngày, viết lại những giấc mơ ban đêm, viết ra điều khiến bạn bị tê liệt, viết điều bạn muốn viết… Viết là để tìm về nguồn chứ không phải là làm tập làm văn nên đừng để mình bị ảnh hưởng bởi ý thức đừng để bị ảnh hưởng bởi câu chữ của ai. Bài viết của bạn như là một tấm gương soi, thông qua nó bạn mới có thể thấy rõ chính mình một cách khách quan nhất, bạn không thể tự mò mẫm chính mình mà biết được rằng mình đẹp xấu thế nào đâu.

Viết cũng là một hình thức giải trí, mọi người không cần thiết đặt nặng vấn đề về việc viết thế nào là hay, thế nào là có học, có kiến thức… Đôi khi viết như một hình thức giải tỏa căng thẳng là đủ rồi thay vì ta chơi game. Hôm nọ, tôi có nghe cô bạn kể cho nghe về việc các anh mại dâm nam sau khi chơi ma tuý có cảm giác như thế nào. Cô nói rằng khi ta sử dụng ma túy thì bao nhiêu thứ tiềm ẩn trong người đều bộc lộ ra rất rõ ràng, như lời kể của anh chàng đó nói sau khi chơi ma tuý anh có cảm giác “thèm trai lắm”. Thật ra đó chính là cảm giác ta đạt được sau khi đánh mất ý thức, ngoài ra yêu và chơi game cũng có tác dụng tương tự. Và viết theo kiểu này cũng là một cách để đánh mất ý thức, ta tạm thời quên đi một số thứ chỉ đắm chìm vào việc viết mà thôi, trong quá trình viết cá tính của chúng ta đều tuôn ra hết theo dòng chữ, không thể giấu đi đâu được.

Nói về lợi ích của việc viết còn rất nhiều nhưng xin dừng lại ở khía cạnh này thôi, đủ để khiến cho lòng người nhẹ nhõm, căng thẳng được giải toả, bế tắc được khơi thông đầu óc nhẹ nhàng…

 

Quyên Quyên

Bài viết liên quan: Viết để chữa lành vết thương

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

8 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI