20.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tôn giáo – Những con đường

Photo: Cht

 

Chuyện kể có một thành phố ở cách biệt ở trên một ngọn núi cao, đường đi xa xôi hiểm trở, trên núi có một cửa hàng nhỏ bán sữa tươi cho dân trong phố. Dưới chân núi là những nông trại chăn nuôi bò lấy sữa mỗi ngày, vắt sữa đến giữa trưa là xong. Nhưng lên núi thì có nhiều đường lắm, đi thẳng một mạch thì sẽ chỉ mất vài giờ đồng hồ nhưng  là con đường gồ ghề đầy đá cuội chưa kể dốc rất cao, sữa sẽ chòng chành đổ mất. Đi quanh núi phải mất nửa ngày lên tới đỉnh núi thì trời tối cửa hàng đóng phải đợi sáng hôm sau, sữa sẽ không tươi nữa. Đi băng rừng thì nhiều cây dại lại dễ bị lạc… Còn mà không đi thì ngồi ôm mớ sữa cho tới khi hỏng. Nhưng khi đến giao sữa, chẳng người nào hỏi “anh đi đường nào để đem sữa lên núi vậy?” mà chỉ chú tâm xem sữa còn bao nhiêu lít, có còn tươi hay không.

Câu chuyện này tôi đã được nghe kể từ khi tôi đang đi học giáo lý ở nhà thờ. Vâng tôi là một người Công giáo, nhưng đi đường nào để lên núi không quan trọng bằng việc trong tay còn bao nhiêu lít sữa thành phẩm tươi mới.

Tôn giáo có lẽ là một vấn đề nhạy cảm – nó cùng với sắc tộc là hai chủ đề dễ sinh ra mâu thuẫn. Có lý giải cho rằng nó nhạy cảm vì nó động chạm vào tâm linh, những thứ khó mà giải thích bằng lời, mà khi không dùng lời được thì phải xông vào ra tay ra chân cho nhanh. Có dân tộc nào tự nhận mình là hạ đẳng không hay ai cũng nhận tôi là thượng đẳng, anh thượng đẳng chắc chắn những người còn lại hạ đẳng và thế là đánh nhau xem ai hạ đẳng. Lại có người bảo tôn giáo mở trí cho người khác, tôi đã làm việc tốt là mở trí cho anh mà anh cứ ngu muội đáng bị đánh đáng bị nguyền rủa. Đối lại bên kia tự dưng bị bảo ngu muội thì máu nóng nổi lên và cự cãi, anh lấy gì bảo tôi ngu muội anh mới là ngu muội ngốc xuẩn. Xưa thì có thánh chiến – một dạng chiến tranh vì tôn giáo, nay thì có chiến tranh tôn giáo trên mạng đả kích bôi nhọ người khác không quên tôn mình lên.

– Cưới người đạo Chúa là phải theo đạo, hà khắc bắt ép người khác theo đạo. Không được, đạo này quá xấu.

– Cưới đạo Phật là ma chay cúng giỗ suốt nhá con, lạy lục mệt nghỉ luôn. Mà đấy, đọc kinh râm ran có hiểu mình đang đọc gì đâu. Quá mệt, theo làm gì?

– Đạo Hồi là lũ sát nhân, toàn khủng bố giết người không gớm tay. Tránh xa tụi Hồi giáo ra.

– Tin lành cứ dụ dỗ người ta theo đạo cứ tới gần là dụ hà, đừng có chơi với nó nha không nó dụ vào đạo là mất linh hồn à.

– Đạo Ấn ba phải, ai cũng thờ mà toàn thờ thần gì đẩu gì đâu, vớ vẩn hết sức.

[…] Và chắc còn rất nhiều lý luận vẫn văng vẳng bên tai khi nói về đạo. Cha mẹ mong muốn con cái theo đúng đạo của mình và tự hào vì điều đó, họ bảo bọc kể cả ngăn cấm con mình trong hàng rào của chính đạo mình mà thôi không quên bồi thêm vài điều khủng khiếp về đạo khác. Còn nhớ ngày trước nhà thờ chỗ tôi có một người gia đình là Phật giáo nhiều đời nhưng  sau bỏ đạo Phật theo đạo Chúa và sau làm linh mục. Chắc chắn với nhiều người đó là một chiến thắng hiển hách với người Công giáo khi bắt được một người đầy quá khứ sang phe ta, họ ra sức ca ngợi và cũng ra sức nói rằng đây mới là người có đầu óc hơn người khác; ngầm định mấy người bên kia ngu muội và không có đầu óc.

Với bên gia đình kia tôi không rõ nhưng có lẽ nếu là tôi thì tôi từ mặt luôn, con cái gì đi ngược hẳn với truyền thống gia đình thế có ức không, chưa kể với đứa con như thế thì mặt mũi tôi sẽ để vào đâu khi gặp họ hàng bà con. Chuyện cải đạo rồi đi tu có lẽ hiếm nhưng chuyện lấy chồng lấy vợ rồi theo đạo thì chắc chuyện như cơm bữa, nhiều nhà mất cái đế lư hương cũng vì chuyện này. Thế cho nên tôi cũng không thấy lạ khi một số người vẫn bảo “đạo Chúa bắt cải đạo còn đạo Phật có bắt ai cải đạo mới được cưới đâu”, có lẽ là không bắt nhưng rất nhiều rất nhiều người tôi quen lấy chồng và sau đó vắng bóng hẳn trong các nhà thờ có chăng chỉ noel mới đi và vừa đi vừa ngáp.

Với tôi, đạo nào cũng được miễn sống tốt là đủ. Câu này nghe có vẻ ba phải nhưng dù nó ba phải cũng phải công nhận nó đúng. Cách đây vài bữa khi phải đi bộ một chặng đường dài, có người kể tôi nghe rằng bạn của cô ấy yêu anh người Công giáo bởi anh ấy “là Công giáo thì chung thủy lắm, một vợ một chồng mà” nhưng kết cục là cô bạn đấy bị lừa cả tình cả tiền. Lại cách đây cũng lâu khi đi làm đồng nghiệp tôi bảo bà chị chồng là một người sùng đạo, lễ Phật ăn chay như thật mà sao về nhà hà khắc đâm bị thóc chọc bị gạo, chưa kể buôn bán thì chặt chém người ta vậy. “Chị hỏi em, đi chùa cho lắm chi không biết…” Người ta hay đánh giá đạo dựa vào những người theo đạo, còn những người theo đạo lại tưởng Chúa/Phật/Alla đánh giá mình bằng việc mình đi lễ/cúng dường/thánh chiến.

Yêu thương, chia sẻ cho người khác, biết dừng đúng lúc, biết cảm thông, biết yêu người-yêu mình để tạo dựng xã hội tốt đẹp hơn đó là cùng đích, là những lít sữa tươi mới. Đạo chỉ là những con đường dẫn đến cùng đích đó hiển nhiên biết đường sẽ đi nhanh hơn và đỡ thương đau hơn những người phải đạp gai lội suối băng rừng. Nhưng không hẳn ai biết đường cũng đến đích nhanh hơn, có những người cố tình hái hoa bắt bướm bên đường dù biết cứ đi thẳng sẽ tới, có người nhìn thấy khó khăn là quẹo ngay khúc đường khác bởi họ chỉ biết hiện tại lối rẽ đấy tốt còn về lâu về dài nó tốt không tôi chẳng quan tâm.

Cuộc sống này độc ác bởi con đường sự sống mỗi người chỉ được đi đúng một lần và hành trình bắt đầu bởi tiếng khóc kết thúc trong tro bụi. Mỗi người chọn một con đường cho mình và những quyển sách kinh, kinh Phật, Coran… đều là những cuốn lonely planet giúp người ta không bỡ ngỡ, không bị lạc khi đến một nơi xa lạ, tiếp xúc với môi trường mới. Nhưng bạn không thể buộc du khách nào cũng phải cầm theo cuốn lonely planet.

Với những người giỏi xoay chuyển và có tài thì không cần sách hướng dẫn, “đường đi luôn nằm dưới chân ta”. Nhưng với những người nhát đảm thì họ cần kim chỉ nam, cần những kinh nghiệm của người khác để đi không lạc. Tuy không phải ai đi theo sách cũng là nhát đảm, có những người muốn khám phá từ những kinh nghiệm của người khác. Bởi trí tuệ con người nhỏ bé nhưng trí tuệ của cộng đồng qua nhiều thế hệ là tri thức lớn. Có những vấp ngã khó khăn được giải quyết bởi quyển sách này nhưng sang vấp ngã khác sách lại chưa đề cập. Bạn đau khổ, tức giận bởi bạn đầu tư cho quyển sách mà đang đứng ở ngã tư cuộc sống nó lại chẳng chỉ rõ phải rẽ hướng nào. Nhưng khoan, có thể sách có nói mà bạn chưa hiểu hết để có thể làm theo hoặc con đường kia trông tối tăm, cá nhân bạn quyết định thay sách bằng cách làm lối rẽ cho riêng mình để rồi khi bị lạc bạn lại tức giận xé sách.

Bạn đi không đến được đích? Bạn đổ tại con đường vớ vẩn dẫn dắt lung tung, bạn nguyền rủa cuốn sách hướng dẫn chỉ đường lộn xộn khó hiểu, bạn trách người bạn đường không nhiệt tình. Bạn quên rằng chính bạn là nhân vật chính trong chuyến hành trình này, bước đi – dừng lại là quyền của bạn, chọn con đường nào là quyền của bạn và đến đích đúng giờ hay không là do ý chí nghị lực của bạn.

Có những người rất ngộ, anh đi đường tốt và sau đó anh lôi kéo người khác sang đường của mình bất chấp sức khỏe họ không như anh, họ không leo đèo được nhưng anh cứ khăng khăng “sang đây mới đi được chứ, ngốc vừa vừa thôi” – vâng anh khởi đầu bằng ý tốt nhưng anh quên rằng tốt với thanh niên 18 chưa hẳn tốt bà cụ mắt mờ chân run tuổi 81. Sự việc tồi tệ hơn khi anh nhiệt tình quá đáng, người ta không sang anh lại nổi đóa lên chửi bới nguyền rủa và dọa nạt đường người kia đang đi đầy rắn rít. Cho dù bản thân anh, chưa một lần bước trên con đường đấy, chưa một lần thực sự đi đoạn nào trong con đường ấy, anh chỉ nghe những người cùng đường với anh bảo: “Đường đấy rắn rít và chẳng đi đến đâu đâu, tội nghiệp mấy đứa khờ nào theo đường đấy…”

 

 Cht

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

  1. Đừng nói xấu Đạo này nọ nữa. Sống trên Trái Đất này những người Vô Thần thật là đáng thương. Họ ko thèm dựa dẫm, cầu nguyện tới ai cho rằng mình đơn độc. Vì thế họ sống với niềm tin khô khan và chết trong cô đơn. Đôi khi mơ mộng về Thiên Đường mới khiến con người dù sống hay sắp chết vẫn cảm thấy có nơi nương tựa. Bạn nghĩ những người thông minh ko bao giờ tin vào Đạo, sai rồi, đã có: Neil-Armstrong, Edison, Nick Vujicic…

    • Vô Thần sao lại đáng thương?
      Cái để mình dựa dẫm là ĐẠO LÀM NGƯỜI, chứ không phải là một người nào đó được Thần Thánh Hóa.
      Đối với mình là thế. Chỉ là do suy nghĩ của mỗi người thôi.

    • Có những người rất ngộ, anh đi đường tốt và sau đó anh lôi kéo người
      khác sang đường của mình bất chấp sức khỏe họ không như anh, họ không
      leo đèo được nhưng anh cứ khăng khăng “sang đây mới đi được chứ, ngốc
      vừa vừa thôi”
      Người không theo đạo nào thì người ta chả lẽ ko có cái gì để bấu víu ? Như bạn kia nói ” Đạo làm người ” đấy.Sách ,phim ,truyện,mỗi cái dậy cho con người ta hoàn thiện hơn chứ cũng ko nhất thiết phải cần đến kinh sách.Mà càng ngày có nhiều người tây phương tìm đến đạo phật ,Yoga.thiền ,ko phải họ tin vào luật nhân quả của đạo Phật mà bởi vì đạo phật nó giống như một môn triết học. …v…..v……. thế đấy,ko cứ phải cần tin vào một thiên đường nào đấy để mà bấu víu,bớt cô đơn lúc sắp chết đâu. Lúc sắp chết thấy lý tưởng sống của mình đã đạt được,ngoài ra con cháu khỏe mạnh hạnh phúc ,có hiếu,thế là chết cũng mãn nguyện rồi.

    • Mình không nói xấu Đạo nào cả, với mình đạo nào cũng tốt- kể cả không có đạo cũng tốt. Mỗi người có một sự lựa chọn phù hợp với khả năng, sở thích, nguyện vọng, mục đích của họ và mình tôn trọng tất cả những sự lựa chọn của người khác đồng thời chia vui với họ trên con đường họ đã chọn.

  2. Đồng ý 🙂 “Bạn đi không đến được đích? Bạn đổ tại con đường vớ vẩn dẫn dắt lung
    tung, bạn nguyền rủa cuốn sách hướng dẫn chỉ đường lộn xộn khó hiểu, bạn
    trách người bạn đường không nhiệt tình. Bạn quên rằng chính bạn là nhân
    vật chính trong chuyến hành trình này, bước đi – dừng lại là quyền của
    bạn, chọn con đường nào là quyền của bạn và đến đích đúng giờ hay không
    là do ý chí nghị lực của bạn.”

  3. Thôi thôi đừng có văn vở. Cái tôn giáo này đang chết dần từ chính cái nôi sinh ra nó rồi. Bạn có nói dai nói dài nói hay đến đâu ý, thì cũng ko thể phủ nhận điều này. Quá khứ của đạo Chúa mượn danh truyền đạo đã cướp đi hàng bao nhiêu sinh mạng. Giáo lý và kinh thánh chỉ giống như 1 cặp nạng để cho người yếu ớt tựa vào ( để ý xem, có bao nhiêu tín đồ đạo Chúa thì có bấy nhiêu người ” Chúa ơi tha thứ… ” ” Chúa ơi thế nọ, chúa ơi thế kia… ” và nó không thiết thực, không áp dụng được vào c.s hiện tại. Chẳng hạn như giơ má bên phải cho ng ta đập, chẳng có ai làm như thế nữa để mà đc vào thiên đàng cả. Và cái nữa là tại cái đạo Chúa này nên dân VN mới bị chia thành 2 phe lương – giáo và bên giáo rất ghét chính quyền, rất coi khinh những kẻ vô đạo ko như mình. Tôn giáo này là đếch tốt, làm cho con người mất ý chí kháng cự và tranh đấu cho bản thân mình, lúc nào cũng Chúa chúa, sống để tìm Chúa, chết về với Chúa… Có những thứ không phải tội lỗi cũng làm rùm lên đi xưng tội chẳng hạn như dùng biện pháp tránh thai, hoặc lỡ thủ dâm… Cái tôn giáo này trước sau cũng biến khỏi Vn thôi.

    • Không áp dung được vào c.s của người này không có nghĩa hoàn toàn vô ích với c.s của người khác. Chưa kể tôi đồng ý với tác giả bài viết khi nói ai cũng có lựa chon, có con đường riêng của mình, thích thì đi không thích thì thôi chẳng có gì phải hằn học và nguyền rủa người khác cả- đây chính là nguyên nhân những đấu tranh tôn giáo vẫn âm ỉ trong c.s.

    • chỉ là cái nhìn từ 1 phía như bao người.tôi không nói bạn sai nhưng bạn nên tìm hiểu rõ sự việc từ nhiều phía và hiểu rõ hơn mục đích xâu xa của sự việc.
      tất nhiên là chẳng có ai vẹn toàn cả và người ta cần nhìn thấy sự khiếm khuyến của mình để mà tốt hơn.
      người Công Giáo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI