16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Không có gì cũng là một loại tài sản!

*Photo: Max Ho

 

Đọc sách báo nhiều và xem tivi nhiều, hẳn chuyện hàng năm vẫn cứ lặp lại mỗi mùa thi qua….

Cứ mỗi mùa thi đại học là có một loạt các bài viết về các thủ khoa trường X con nhà nghèo, thủ khoa trường Y có hoàn cảnh khó khăn… vân vân và vân vân. Câu chuyện tự thưở nào của tôi vẫn luôn hằn sâu trong ký ức mỗi khi một mùa thi đại học nữa đang về. Đó là chuyện ba hễ cứ đọc báo thấy tấm gương nào thủ khoa con nhà nghèo học giỏi là lại cắt cái bài báo đó mang về. Ba làm vậy với tôi trong nhiều năm liền. Chuyện đó dần hình thành một cái nếp và những mùa thi đại học trôi qua với tôi luôn là cảm giác sống trong một mớ những ngưỡng mộ những con người như thế. Họ nhà nghèo nhưng luôn vươn lên và học hành rất giỏi giang.

Còn nhớ có lần; hồi năm học lớp 10, tôi đang nghỉ hè ở quê sau một năm dài học hành không có kết quả khả quan là mấy. Năm đó cả nước đi thi Olympic Toán quốc tế được 2 huy chương vàng thì cả hai huy chương đó đều rơi vào 2 anh của trường Lam Sơn – Thanh Hóa. Cha nghe được điều đó nên ngay cái buổi chiều mà anh Hoàng Đức Ý về (một trong hai huy chương vàng) đã đèo tôi đến nhà anh này để xem.

Căn nhà của anh nhỏ nhỏ, đúng kiểu nhà của những vùng quê Việt Nam, mặc dù khu đó vẫn được tính là trong thành phố. Ngoài có cái cổng sắt và hàng rào cắm lởm chởm những mảnh chai mảnh sành đầy tường. Bức tường thấp tè đến độ chỉ với chiều cao của tôi lúc đó; nhỏng cổ nhìn qua tường cũng có thể thấy rõ mồn một cảnh tượng ngôi nhà và những người đi lại trong đó. Bên cạnh tường có một đống rơm to và cả một chiếc bồ cào; lúc đang vào vụ thu hoạch, rơm tươi ngổn ngang khắp mặt sân.

Đi sâu vào trong nhà một chút thì đến khu vườn rộng, cũng đủ trái cây như: Đu đủ. ổi, xoài… Lúc đó cả căn nhà nhỏ của anh ngập người ra vào. Cha mẹ anh thì nghèo thật, đúng độ chất phác của chân quê. Anh Ý có một người chị gái thì đã bỏ học từ năm lớp 9. Nhìn nhà cửa nhỏ và đơn sơ nhưng thứ hút ánh nhìn của tôi nhất là một giá sách đã cũ mòn. Những quyển sách xếp ngay ngắn trên giá được sắp đặt gọn gàng. Và quả thực  khi mà chị anh Ý làm cơm trong lúc chờ đoàn xe đón anh từ sân bay Nội Bài trở về thì tôi thấy chị đang chuẩn bị một nồi ốc om chuối đậu. Nhìn vào cái rá con có lèo tèo vài ba con ốc. Ba tôi nói với tôi ngay khi hai ba con trên đường về là: “Con thấy không? Kể cả khi đạt giải cao như vậy rồi người ta cũng chỉ có ốc om vậy thôi!” Tôi cũng chỉ vâng dạ rồi để đó cho qua chuyện.

Đến khi đoàn người dãn ra, một cái xe u oát đỗ xịch trước cái cổng sắt đã mòn vẹt… Tôi lúc này nhìn thấy anh bước xuống, người gầy cà tong cà teo, hơi ốm yếu đang đeo huy chương vàng. Cha tôi đã lôi tôi đến trước mặt ba anh này. Sau một hồi nói chuyện thì cuối cùng tôi cũng được sờ thử cái huy chương.

Lúc ra về tôi chỉ nhớ là cái huy chương chắc là bằng vàng xịn, dây đeo là dây dù nên khá chắc và bền. Nhưng cái thuở ấy tôi chỉ thấy nó như một thứ rất đáng để ngưỡng mộ, mà phấn đấu cố gắng vươn lên. Đấy chỉ là suy nghĩ nhất thời của một đứa con nít lúc mới đến đó thôi. Nhưng rồi khi vượt qua lũy tre làng, vượt qua những rặng rơm đầy mồ hôi sương gió đó, khi trở lại thành phố thì tôi lại quên phắt đi chuyện phải cố gắng ra làm sao. Vài tuần sau đó với tôi mọi thứ lại trở nên như cũ.

Kể một câu chuyện dài như vậy chỉ để nói với bạn rằng: “Không có gì cũng là một loại tài sản.” Bản thân những con người sống trong đủ đầy và nhung lụa, tự bản thân cũng sẽ thấy rất ít thiếu thốn vật chất. Và bản tính nhân loại chỉ đi tìm những gì mà mình không có hoặc rất muốn có chứ chả ai tìm tòi những cái mà mình đã cho là đủ.

Người nhà nghèo thường mong muốn thoát nghèo, cho nên họ là những người rất cách mạng. Từ thưở còn chiến tranh với những cường quốc lớn, chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định là giai cấp chính để lật đổ đế quốc thực dân là “giai cấp vô sản”. Nếu coi cái đói nghèo là quân giặc, giặc đói, giặc dốt thì người nghèo là những người thực sự rất biết làm cách mạng.

Khi họ học hành và có tri thức thì tức là họ đang dùng vũ khí là tri thức của họ đánh bật những xiềng xích xung quanh. Họ chỉ mất đi xiềng xích. Còn họ sẽ được gì? Họ được cả thế giới. Cho nên chúng ta khó mà hiểu được rằng, những vị cương vị cao ở các thành phố lớn hiện nay đều do người ngoài đến chiếm giữ. Những người nghèo đến từ những vùng núi gian khổ, từ vùng nông thôn nghèo, những huyện nhỏ xa xôi, bất kì ai đều không nên coi thường họ. Họ không hề có những ưu thế tự nhiên, hoặc thông qua tuyển chọn thi cử, hoặc thông qua làm thuê mà chỉ dựa vào một nguyện vọng mãnh liệt được mở mày mở mặt ở thành phố lớn, họ bắt đầu từ tầng lớp thấp nhất, gian khổ vươn lên, dần dần gìữ vị trí quan trọng, về sau họ còn giống người thành phố hơn cả dân bản địa.

Chẳng có gì cũng là một thứ tài sản, nó buộc người nghèo tạo ra động lực để thay đổi vận mệnh của mình, tạo ra một sự kích thích sáng tạo. Đồng thời, chẳng có gì cũng có nghĩa là chẳng lo lắng gì cả, năng lượng bản thân sẽ phát huy được triệt để hơn. Người nông dân muốn vào thành phố làm thuê, cái mà họ bỏ lại chỉ là cái cuốc, nhưng đối với người thành phố được giáo dục chu đáo mà nói, nếu rời bỏ môi trường vốn có mà đi dựng sự nghiệp mới thì họ phải bỏ lại rất nhiều thứ. Kết quả là phần lớn họ không đành lòng bỏ chúng, nên sự nghiệp mới chỉ còn là ảo tưởng.

Thế cho nên những đứa con nhà nghèo, nếu họ coi việc học là niềm vui thì phần lớn con nhà giàu đều cho đó là cực hình, vì họ phải rời bỏ môi trường quen thuộc; lăn lộn nhiều và trải đời nhiều hơn. Cái được thì như một phần thưởng vô hình, rất khó để nhìn cho ra, còn cái vất vả khó khăn thì thấy rõ mồn một. Vậy cho nên thường là con nhà nghèo tu chí hơn con nhà giàu rất nhiều.

Nói như vậy để thấy rằng, dù là người giàu hay người nghèo, khi ưu thế vốn có của họ bị uy hiếp, chính là lúc họ thực sự đang đứng trước một cơ hội; khi hoàn cảnh buộc bạn đến nước chẳng còn gì, thì thực tế chính là nó đã mang lại cho bạn một chiếc cuốc để đào một mỏ quý. Đừng ôm khư khư những thứ bạn vốn có, chỉ cần đặt mình vào hoàn cảnh trong tay bạn chẳng có gì mới có thể nhẹ nhàng xông ra trận. Tới lúc đó bạn mới phát hiện ra rằng, bản thân trạng thái đó mới là một tài sản quý báu. Không có gì cũng là một thứ tài sản, nó buộc người nghèo phải tạo ra một động lực để thay đổi vận mệnh.

 

Thu Li

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Các bạn mod có thể ghim bài viết này của mình lên làm bài nổi bật ko? vì mình viết với rất nhiều công sức, và đổi lại thì mình thấy các bạn cho bài mình ở tít cuối 🙁

    • Tui không phải là mod nên tui chỉ like ủng hộ bài của bạn một cái thôi. Nhưng tui like vì bài viết có vài luận điểm tui thấy hay và mới mẻ, còn tổng thể bài viết thì tui không đánh giá hay :). Mình viết ra, chia sẻ còn nó nằm ở đầu hay đuôi là do độc giả quyết định, còn tác giả cứ hạnh phúc ít ra vì… bài đã được đăng. Nhiều tác giả viết và tác giả nào cũng tâm huyết họ sẽ chẳng gào to “tui viết đầy tâm huyết thế mà cho tui vào đây à” khi thấy yêu cầu của bạn được chấp nhận đấy. Chúc bạn vui và có nhiều bài viết hay hơn nhé.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI