15.8 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Yêu thương là tri thức

*Photo: Frankie Capone

 

Tôi là một người rất thích đọc, có thể nói là ham đọc. Khi còn là sinh viên, tôi có thể đọc ngấu nghiến tất cả mọi thứ miễn sao nó được in trên giấy. Giờ đây, nhiệt huyết đọc của tôi đã giảm nhiều, tôi chỉ đọc ít rất ít, điều đó do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là tôi không còn tìm thấy niềm hứng thú ở các trang sách. Phụ nữ ở tuổi ngoài 30 họ không còn hăm hở khám phá mọi thứ và ngốn ngấu chúng, họ đã hiểu người, hiểu đời và chỉ tiếp nhận thông tin mà họ cần. Tôi cũng vậy, hiện tại giống bao người phụ nữ khác điều tôi trăn trở, quan tâm hơn hết thảy là vấn đề giao dục con cái…Tôi tìm hiểu nhiều và tìm đọc nhiều các phương pháp dạy con và cảm thấy thất vọng với phần lớn những cuốn sách đang hiện hành cho đến khi bắt gặp “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương“.

Lần đầu, khi nhìn bìa sách trên kệ, tôi đã bị lôi cuốn bởi nhan đề cua nó nhưng lại nghĩ đó là một cuốn tiểu thuyết tình cảm. Quyển sách này thật thú vị khi nó mang đến cho tôi hết sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên, là sự bất ngờ về nội dung, nó hoàn toàn khác với dự đoán của tôi ban đầu đây là một cuốn sách về vấn đề giáo dục con cái chứ không phải câu chuyện tình yêu đôi lứa. Ngạc nhiên thứ hai tác giả không phải là một tác giả tên tuổi, thậm chí là không có tên tuổi. Ngạc nhiên thứ ba là cô ấy thuộc về một dân tộc rất xa lạ mà gần gũi với chúng ta, một phụ nữ Do thái sống tại Trung Quốc. Ngạc nhiên thứ tư là quan niệm về yêu thương của tình mẫu tử, nó đảo lộn mọi suy nghĩ, mọi quan điểm về tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái của tôi trước kia.

Dù rằng tôi chưa có con nhưng có thể chính vì thế mà tôi luôn khao khát yêu thương con cái, từ trong tôi luôn nghĩ rằng yêu con cái là một tình yêu vô điều kiện và hoàn toàn bản năng. Đã là yêu thương thì phải là hoàn toàn cảm xúc, để trái tim làm theo mọi điều nó muốn mà không cần sự suy xét của lý trí, tình yêu con cái trong tôi trước kia là như vậy cho đến khi tôi đọc được “Vô cùng hạnh phúc, vô cùng yêu thương” thì tôi đã nhận ra một điều vô cùng mới mẻ, yêu thương không đơn giản chỉ là cảm xúc. Yêu thương không đơn giản như tôi vẫn nghĩ, đặc biệt là tình yêu thương dành cho con trẻ không thể cứ là yêu thôi, yêu vô điều kiện, vô nguyên tắc, vô thức. Yêu thương con trẻ giờ với tôi thật sự trở nên khó khăn bởi tôi phải học cách để yêu thương. Mà sự học bao giờ cũng khó nhọc nhất là học đưa những cái mênh mông vào khuôn nếp, học kiểm soát những thứ tuân trào vô độ, học che dấu kìm nén biểu hiện của yêu thương, học khước từ những niềm vui mà mình mong muốn đem lại cho con trẻ…

Đọc và thực hiện những gì theo cuốn sách hướng dẫn để có một cách giáo dục con cái nghiêm khắc, để tương lai con có thể tốt đẹp, để góp phần tạo ra một thế hệ trẻ tri thức, độc lập, chân thật và nhân ái là vô cùng khó khăn. Nhưng dù khó, dù biết rằng sẽ nhiều lần phải rơi lệ và đối diện với ánh nhìn oán hờn trẻ thơ, sự đánh giá của người lớn thì các bà mẹ hãy dũng cảm để học và thực hiện. Bởi, với cách yêu thương vô đối như phần nhiều bậc phụ huynh hiện nay, tôi e ngại rằng chúng ta đang gieo trồng một thế hệ “dâu tây”, một lớp trẻ “ăn bám”, và chúng ta đang biến mình thành những “bà mẹ trực thăng”.

Đọc đến những trang cuối cùng của cuốn sách, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những gì mình cảm nhận. Tôi đã sai, sai cơ bản nhận thức về yêu thương. Yêu thương không đơn thuần là cảm xúc có thể mặc nhiên tuôn trào, yêu thương không đơn thuần là tự nhiên thế. Con cái chúng ta chính là sự phản ánh tri thức yêu thương của bố mẹ. Nhưng hành vi, ứng xử, suy nghĩ của lũ trẻ phản ánh tình yêu của chúng ta với lũ trẻ. Do đó, yêu thương không đúng cách, không có sự học hỏi những phương thức đung đắn góp phần huỷ hoại tương lai của các con. Yêu thương cần phải học bởi yêu thương là tri thức.

Có lẽ, tôi không cần phải nói thêm gì về dân tộc Do Thái bởi phần nhiều trong chúng ta đều biết về sự ưu việt của những con người mang dòng máu này. Họ ưu việt đến mức những người mù mờ nhất, thơ ơ nhất về họ dù chẳng biết gì về khái niệm “người Do Thái” cũng có thể biết rằng họ rất trí tuệ. Chúng ta luôn nghĩ rằng họ ưu việt như vậy là bởi dòng máu đó vốn sẵn sở hữu một trí tuệ thông thái. Nhưng tôi thì đã hiểu khác đi khi đọc “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương“. Tôi ngộ ra chân lý của họ, trí tuệ khác tri thức. Họ không tự phụ với việc sở hữu một trí tuệ thông thái sẵn có mà họ luôn răn dạy con cái mình hãy tận dụng điều may mắn đó để tích lũy tri thức.

Các thể hệ của họ kế thừa và duy trì niềm đam mê học, đọc, quan sát để rèn luyện kĩ năng sống là chủ yếu. Họ học lý thuyết, đọc sách vở để biến chúng thành kĩ năng thực tế vận dụng vào cuộc sống chứ không học, đọc để lấy điểm số, để gia giảng, để nói nhưng điều sáo rỗng. Xuyên suốt tinh thần giáo dục của cuốn sách là đề cao sự nghiêm khắc, rèn luyện tinh thần yêu lao động, hun đúc tư duy có làm mới có hưởng và cần thiết nhất đó chính là hãy để con cái chúng ta độc lập, xoay sở với cuộc sống. Cha mẹ Do Thái càng giàu có, con cái họ lại càng vất vả lao động để hiểu rằng bố mẹ đã khó nhọc ra sao để có được những điều họ có.

Có thể nói, những đứa trẻ như dòng lịch sử tái hiện cuộc đời của bố hay mẹ chúng. Nhìn những đứa con của họ lao động có thể lý giải cho việc tại sao cha mẹ chúng giàu có như vậy. Khái niệm không ai giàu ba họ không tồn tại trong suy nghĩ của người Do Thái. Với họ, sự giàu có là truyền thống kế tục từ đời này qua đời khác. Đời sau phải có trách nhiệm giữ gìn và phát triển sự giàu có của gia tộc chứ không phải hưởng thụ và làm hao hụt, mai một đến tiêu tán. Người Do Thái không đánh giá cao điểm số tối đa, họ không cần con cái họ học để lấy điểm cao. Họ cần con cái họ học và hiểu những gì chúng được dạy và biến lý thuyết sách vở thành hành động thực tế. Họ không khoe khoang và hãnh diện về kết quả học tập của con được bao nhiêu điểm, đứng thứ mấy mà họ tự hào con họ có thể làm được gì, giúp đỡ cha mẹ và mọi người như thế nào, đóng góp cho gia đình và cộng đồng ra sao v.v…

Một điều rất nghịch lý là người Do Thái không có tư tưởng mong muốn con mình trở thành người số một hay hun đúc con mình trở thành các vĩ nhân, các bậc kỳ tài. Họ không ham hố thành tích, họ không mong mỏi thư hạng, đối với họ người mẹ 80 điểm tốt hơn người mẹ 100 điểm. Họ chú trọng và quan tâm đến việc rèn luyện con cái kĩ năng sống để thích nghi thật nhanh, sống thật tốt trong mọi hoàn cảnh bằng khả năng kiếm tiền và kiểm soát tài chính. Chính vì thế mà có thể thấy rất nhiều các vĩ nhân, các nhà khoa học hay doanh nhân thành đạt người Do Thái không có kết quả học tập cao ngất khi còn đi học. Nhưng họ có một điểm chung dễ nhận là rất hiếu động, ưa khám phá đôi khi còn thấy họ giống như những đứa trẻ nghịch ngợm.

Tổng kết lại cuốn sách cho ta thấy cách dạy con của người Do Thái cũng giống như tất cả các bậc phụ huynh trên thế giời là mong ước con mình lớn lên thành người có ích cho xã hội, hiếu thuận và thành đạt. Tình yêu của họ cũng như tất cả các bậc phụ huynh khác dành cho con cái là vô bờ bến. Chỉ có cách suy nghĩ và phương thức thể hiện của họ khác hoàn toàn với chúng ta. Con cái người Do Thái từ nhỏ đã thấm nhuầm những giá trị sau đây: Trí tuệ là tất cả nhưng nó chỉ thực sự quý giá khi được bồi đắp bằng việc học hỏi không ngừng. Trí tuệ cộng với việc học hỏi tạo nên trí thức. Đó mới là tinh hoa của trí tuệ và lao động. Tài sản quý giá nhất đối vơi họ là trí tuệ, điều này thể hiện qua nhiều câu hỏi ăn sâu vào ý niệm của người Do Thái đó là khi đưa ra một tình thế nguy cấp, sống còn câu hỏi đặt ra là phải mang theo thứ gì? Câu trả lời duy nhất: Trí tuệ!

Không coi việc học với những thành tích số 1 là mục đích, lý tưởng để con cái hướng tới. Việc học và lao động luôn được thực hiện bình đẳng. Quỹ thời gian dành cho việc học và lao động là như nhau. Từ nhỏ, những đứa trẻ Do Thái đã được dạy làm những việc tùy sức của mình. Chúng coi việc lao động là tất yếu với phương châm: Có làm có hưởng. Hương thụ lao động của người khác là một việc đáng xấu hổ nên không có chuyện những đứa trẻ Do Thái ngồi không chờ đồ ăn bưng lên miệng trong khi mẹ chúng luôn tay chuẩn bị bữa ăn.

Đọc, nghe, quan sát, khám phá để có thể làm được nhưng việc người khác làm. Hỏi, hỏi và hỏi là điều mà các bậc cha mẹ luôn khuyến khích con cái họ làm

Rèn luyện kĩ năng giao tiếp, ứng xử tinh tế. Điều này đối với họ vô cùng quan trọng, họ coi khả năng nắm bắt tâm lý là mấu chốt của thành công trong thương lượng. Việc giao tiếp được họ coi trọng đến mức coi nó như nền tảng để thành công. Hầu hết bất cứ một người Do Thái nào cũng có thể nói thành thạo 3 ngoại ngữ. Những đứa trẻ dù nhút nhát hay e dè đến đâu cũng phải rèn luyện khả năng diễn thuyết trước đám đông và lễ độ với mọi người. Khi nghe một người nói bạn có thể nhận ra ngay đó là phong cách nói của người Do Thái, bởi nó luôn được cất nhắc kỹ lưỡng và sử dụng những từ ngữ lịch thiệp nhất trong giao tiếp.

Khác với những bậc phụ huynh Việt Nam, trẻ em Do Thái được tiếp xúc với tiền từ rất bé. Khoảng 8 tuổi, các bé đã có thể kiếm tiền, tiêu tiền, quản lý tiền. Việc tiếp cận với đồng tiền từ nhỏ khiến những đứa trẻ sớm hiểu giá trị của đồng tiền và rèn luyện kỹ năng quản lý tiền một cách hoàn hảo.

Sống có trách nhiệm với con người, với cộng đồng, luôn chân thật và biết ơn sự tử tế. Hầu hết những đứa trẻ Do Thái đều hiếu thuận với cha mẹ. Steve Jobs dù là con nuôi nhưng ông vẫn vô cùng kính yêu cha mẹ nuôi mình. Nếu để ý bạn sẽ thấy những nhà tỷ phú người Do Thái là những nhà hoạt động từ thiện tích cực nhất. Thậm chí, họ sẵn sàng hiến nguyện phần lớn số tài sản của mình cho công việc từ thiện. Họ không lấy việc từ thiện để đánh bóng bản thân và càng không làm từ thiện vì miễn cưỡng. Với tấm lòng nhân ái, làm từ thiện là tâm nguyện và mong muốn của họ, nó mang đến cho họ niềm vui và ý nghĩa cuộc sống.

Tôi chắc chắn rằng, hầu hết những người đã có gia đình dù là đàn ông hay đàn bà khi ngồi với nhau thì chủ đề chính luôn được bàn luận là chuyện con cái. Nuôi ra sao? Dạy thế nào? Tôi cũng đoán không ít lần chúng ta than vãn về việc dạy lũ trẻ ngày càng khó khăn, cũng chắc rằng chúng ta đã nói rất nhiều lần nói về sự khác biệt giữa những đứa trẻ Việt Nam và nước ngoài, chúng ta kể cho nhau nghe về cách dạy con cái của họ, chúng ta thán phục và tâm đắc với những gì họ làm. Và không ít người gửi gắm con cái vào các trường nước ngoài với mong muốn con cái mình sẽ được dạy dỗ một cách tốt nhất để trưởng thành. Mà chúng ta không thấy rằng chính chúng ta mới là những người cần học hỏi, cần được đào tạo lại để thay đổi tư duy, thay đổi cách hiểu và nhìn nhận đúng về khái niệm yêu thương. Vậy muốn thay đổi nhận thức, muốn áp dụng phương pháp dạy con theo tư duy thực tế phải bắt đầu từ đâu? Hãy đọc “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương“- một cuốn sách vô cùng hữu ích.

 

May1980

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

16 BÌNH LUẬN

  1. Người đời hay nói về sự bất tử. Đối với tôi, Bất Tử chính la con cái, là cháu chắt, là sự truyền thụ từ đời này sang đời khác. Của cải vật chất có thể sẽ mất. Còn Tri Thức, một khi đã có, không ai có thể lấy đi. Và Yêu Thương cũng cần Tri Thức.

    Cảm ơn tác giả, bài viết rất hay! Trước khi đọc bài này, mình cũng đã đặt sách. Giờ thì rất yên tâm về chất lượng sách ^^

  2. Tự dưng có cái ý nghĩ này, người Do Thái – bởi họ luôn sống tha phương, nên cái hay của thiên hạ họ đều học hỏi được hết. Sự thật là, ở mãi trong một xã hội, dù tiên tiến đến đâu mà không chịu nhìn ra nữa, thì cũng như ngồi yên trong một cái giếng lớn mà thôi. Thế nên, dạy con tốt, cũng chẳng “nhiều nhặn” gì cho cam. Trước khi làm một người cha, một người mẹ, hãy đi nhiều, hãy học hỏi thật nhiều. Hoặc là sau này, hãy cứ luôn mở rộng cửa nhà, cho con cái ra đi. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI