19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tôi 22 – Tuổi trẻ rực rỡ!

*Photo: Võ Thị Diễm Trang (phải) và April (trái)

“Người bạn thân yêu trong trái tim tôi, April. Tôi vốn ghét những nhà ga, nhưng tôi yêu tấm ảnh tại ga tàu này vô cùng. Khoảnh khắc trước khi tôi mất kiềm chế rồi òa khóc..”

*

Tôi đã vật lộn một thời gian để viết xong bài này. Khi trò chuyện với chị Trang, tôi có thể hiểu trải nghiệm của chị thông qua nụ cười, ánh mắt sáng, gương mặt hạnh phúc. Nhưng tôi không biết phải diễn tả thế nào bằng câu chữ. Và tôi mất một tuần chần chừ trước trang word để hoàn thành câu chuyện chỉ hơn 2000 chữ.

Chị tên là Võ Thị Diễm Trang, cựu sinh viên Đại Học Ngoại Thương, vừa kết thúc chuyến đi thực tập ở Vũ Hán, Trung Quốc trong dự án “Green Power Now”. Ngày 9/12/2013 chị đi, 27/1/2014 chị về lại Việt Nam. Chị bảo với tôi: “Ngày chị rời Vũ Hán, tụi bạn giấu passport của chị đi không cho chị về em ạ. May mà không bị trễ chuyến bay.”

Nghe xong, tôi quyết định đặt tên cho chuyến đi đó là: “Tôi 22. Tuổi trẻ rực rỡ”. Bởi tôi tin, bạn cũng giống tôi. Khi chúng ta trẻ, chúng ta có quyền ước mơ một tương lai rực rỡ. Cho dù trước mặt bạn có là khó khăn, vất vả, thì hãy tin ánh sáng sẽ tới ở cuối con đường.

Tôi 22. Hoang mang

Tháng 10/2013, chúng tôi tốt nghiệp. Một thế hệ nữa lại ra trường. Tôi đi thực tập, có việc làm. Mọi thứ rất ổn định, ngoại trừ tôi. Tôi không thỏa mãn. Tốt nghiệp xong tôi hoang mang không biết mình muốn cái gì. Tôi muốn được xê dịch. Tôi muốn học thêm gì đó mới. Nhưng tôi cứ đắn đo, chần chừ. Rồi tôi gặp stress, từ gia đình, các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, công việc…  Bạn tôi bảo: “Đi exchange đi, biết đâu mày sẽ bình tĩnh hơn.”

Tôi đăng ký, phỏng vấn và đậu. 9/12/2013, tôi lặng lẽ lên máy bay. Tôi rời Việt Nam, để lại những trăn trở, buồn bã, mỏi mệt sau lưng. Tôi lao đến một vùng đất mới. Để thoát khỏi hoang mang. Để học hỏi thứ gì đó mới. Để bình tâm. Để sống.

Hành trình những nỗi nhớ

Đại Học Vũ Hán – một trong ba trường đại học có khung cảnh đẹp nhất Trung Quốc nằm trên một ngọn đồi cao.  Từ trường, tôi có thể ngắm toàn cảnh thành phố Vũ Hán. Tháng 12, cây lá vàng ruộm. Lạnh và bình yên.

Tôi ở Trainee house. Đó là một căn nhà chung cư cao tuốt trên lầu 8, có ba phòng ngủ, một phòng khách, một bếp, dành cho 8 đứa thực tập sinh nước ngoài ở. Đó là tôi (Việt Nam), April (Ukraine), Sam (Malay), Marshall và Gaurav (Ấn Độ), Homoud (Yemen), Mulya (Indonesia), Rachel (Hongkong). Trên tường của Trainee House dán chi chít lá cờ của thực tập sinh đến từ đủ quốc gia khác nhau. Và đính trên đó là một tờ giấy lưu niệm có ghi: “Trainee house party everyday!” Và đúng là…party everyday thật. Rất nhiều người bạn thắc mắc sao chỉ ở Vũ Hán gần hai tháng mà tôi còn “tương tư” nhiều đến như vậy. Có nhiều kiểu đi trong cuộc đời. Nhưng khi bạn đến một vùng đất mới, được sống hết mình với rất nhiều tình cảm trao đi rồi nhận lại trọn vẹn, thì bạn chẳng thể nào dễ dàng quên.

Tôi nhớ người bạn Trung Quốc đã mắng khi giở hành lý tôi ra là: “Mày có bị ĐIÊN không?” Khi thấy tôi vác một đống T-shirt và quần jean sang Vũ Hán tháng 12 vốn lạnh… dưới 0 độ. Mọi đồ ấm của tôi hôm sau đều là được mượn và được tặng. Người thì cho dùng ké nón, bạn buddy tặng bao tay, nhóm trưởng cho mượn áo khoác, chỉ có đôi giày là mua cặp với cô bạn thân Ukraine. Ngoại trừ thời gian trong dự án, tôi giao tiếp với các bạn Trung Quốc ít bằng tiếng Anh mà chèn vào rất nhiều ký hiệu tay chân và nụ cười. Vì ngoài 2 chữ “xie xie” và “ni hao”, tôi chẳng biết thêm chữ tiếng Hoa nào. Vậy mà vẫn có thể hiểu nhau.

Tôi nhớ trong nhóm sinh viên nước ngoài, tôi là một trong hai thành viên lớn tuổi nhất. Nhưng tụi bạn toàn gọi tôi là “babe” và “xỉ vả” không thương tiếc: “Mày 22 nhưng mặt mày giống 22/2, tính cách cũng y chang con nít, trừ việc nấu ăn cho cả nhà mỗi ngày.”

Tôi nhớ những buổi tối 8 đứa chúng tôi 6h mới đi dạy về nhưng vẫn nấu cơm cho nhau ăn. Rồi cùng soạn giáo án, chơi bài Uno để tìm ra người chịu phạt tới 2 giờ sáng. Chúng tôi nghĩ ra rất nhiều hình phạt khùng điên cho người thua cuộc, như bắt tụi con trai chạy bộ lên xuống 8 lầu trong 1 phút. Hay phải trả lời những câu hỏi ngắc ngứ của tụi tôi với lời hứa 100% là sự thật…

Tôi nhớ khi đi tàu điện ngầm giờ cao điểm, 4 đứa con trai tự động đứng ở vòng ngoài, lùa 4 đứa con gái tụi tôi vào giữa. Tôi và ba bạn nữ không bao giờ lo sợ bị ngã hay mất cắp. Cứ yên tâm dựa vào lưng các bạn nam suốt chặng đường dài. Cũng 4 đứa con trai dễ thương ấy luôn là người trợn mắt lên quát khi tôi động tay vào bịch rác. “Dọn rác không phải việc của mày! Để tụi này lo!” Và tụi nó lụi cụi xách cái bịch đen lên xuống 8 lầu để vứt vào mỗi sáng sớm. Chúng tôi ở trong phòng cứ khúc khích cười vì những lần “ga lăng” đáng yêu như thế.

Tôi nhớ ngày trời Vũ Hán tụt xuống âm 5 độ, tôi bị sốt trên đường về nhà. Tụi nó xúm lại hỏi thăm “Mày có chắc là ổn không?” khi biết tính tôi lúc nào cũng banh miệng cười toe toét. Đứa thì cởi khoác tròng vào người tôi giữ ấm, đứa thì tự động bắt taxi, tống tôi lên xe. Tôi la oai oái: “Tao có thể đi tàu điện ngầm, không sao đâu” thì tụi nó đồng thanh: “Người bệnh không được quyền lựa chọn!”

Tôi nhớ trong một tháng rưỡi đó, tôi đã tin tưởng họ hết mình, không phân biệt nam hay nữ. Có những buổi tối xem phim tôi an tâm ngủ quên trên ghế sofa. Bởi tôi biết, tụi nó sẽ khiêng tôi vào phòng, và sáng mở mắt ra tôi sẽ nằm cuộn chăn trên giường bên cạnh cô bạn Ukraine.

Tôi nhớ một ngày tỉnh dậy, tôi thấy danh bạ 500 số điện thoại của mình đã mất sạch. Nếu ở Việt Nam, có lẽ tôi đã bật khóc. Bởi vì tôi vốn quảng giao và rất chăm sóc những mối quan hệ. 500 số tích lũy từ ngày tôi còn là đứa sinh viên năm nhất, tới khi là trưởng ban Văn nghệ – Thể thao thuộc Hội sinh viên, cho đến lúc ra trường đi làm. Nhưng tại Vũ Hán, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng đến lạ. Rốt cuộc quen nhiều để làm gì, trong khi người tôi thân tôi còn chưa ở bên được?

Tôi nhớ ngày giáng sinh đầu tiên của tôi ở xứ người. Đêm đó, 50 – 60 con người, gồm 8 thực tập sinh chúng tôi và sinh viên trong tổ chức tình nguyện tại Vũ Hán cùng tổ chức tiệc giáng sinh tại Trainee House. Mọi người hát hò, coi phim, chơi bài, nhảy múa từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng.

Và trong ngày cuối cùng của năm 2013, chúng tôi ngồi cạnh nhau đón năm mới. Ở giữa sân vận động rộng mênh mông, chúng tôi coi chương trình biểu diễn của sinh viên Đại Học Vũ Hán. Chúng tôi thắp nến chào mừng năm mới, cùng nắm tay nhau và thì thầm đếm ngược. Chúng tôi đi và đi, vòng quanh thành phố đêm giao thừa, đi đến chân mỏi nhưng tim vẫn không mỏi. Đi để trải nghiệm cái lạnh rét buốt của Vũ Hán, cái khoảnh khắc giao thừa linh thiên của một năm. Đi để trải nghiệm trọn vẹn từng phút giây 8 người chúng tôi còn được ở bên nhau.

Giữa tháng 1, Marshall và Gaurav (Ấn Độ) phải trở về trước. Chúng tôi tổ chức tiệc chia tay. Cả đám uống vodka pha nước trái cây và cùng chơi trò game xí ngầu. Thắng cũng uống, mà thua cũng uống. Cung bậc cảm xúc của chúng tôi bắt đầu hỗn loạn, dao động dữ dội giữa hai thái cực buồn và vui. Uống xong, cả đám kéo nhau đi KTV (karaoke). Màn hình rộng trong căn phòng KTV lần lượt chiếu clip cảm nhận của bạn trưởng nhóm dự án Libra và các bạn sinh viên Trung Quốc dành cho thực tập sinh. Chúng tôi lắng nghe, ôm nhau, rưng rưng rồi cùng hát chung, rồi lại khóc…

Trước ngày tôi về nước, tôi đã có một đêm thức trắng cùng cô bạn Ukraine, để chia sẻ cho nhau nghe những tình cảm mà chúng ta đã cùng nhau trải qua. Chúng tôi vốn đã rất thân từ những ngày đầu chạy dự án, nhưng sau đêm ‘tâm tình’ ấy, bạn bây giờ trở thành một trong những tri kỷ của tôi, chúng tôi có thể chia sẻ bất cứ vấn đề gì với nhau, và đều dễ dàng bắt nhịp cảm xúc của nhau. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể gặp gỡ một người bạn gái xinh đẹp, thông minh và tinh tế như thế tại một đất nước xa lạ. Bạn gửi lại trong vali về nước của tôi cái ba lô xinh xắn của bạn đầy ắp kẹo trái cây chua (vì bạn biết tính tôi không thích ăn ngọt) với lời dặn: “Giữ lấy, như chúng mình luôn ở bên nhau.”

*

Có một đoạn tôi viết tiếp, nhưng chị bảo “Đừng em ạ. Chị muốn giữ lại cho bản thân những kỷ niệm này…” Tôi nhớ đến câu chuyện của một thực tập sinh khác, chị Lê Uyên và chuyến đi Indonesia. Khi tôi hỏi “Chị ơi, em có nên viết tiếp không?” Chị nói: “Dừng ở đây thôi em.” Câu nói của chị Uyên làm tôi suy nghĩ một đêm. Những người tôi gặp đều muốn giữ lại cho mình chút gì đó riêng tư. Mỗi câu chuyện tôi viết đều có những góc khuất bé nhỏ họ giữ lại trong lòng. Thi thoảng, họ có chia sẻ những điều tôi không thể viết lại.

Tôi tin rằng, phần quan trọng nhất trong mỗi chuyến đi là con người. Những người ta gặp trong suốt chặng đường sẽ làm nên trải nghiệm của chúng ta. Đôi khi, những câu chuyện ấy dễ thương đến mức chúng ta muốn giữ lấy cho riêng mình để nhớ trong những lúc trống trải. Rồi mỉm cười, vì hiểu rằng có những tháng ngày trong cuộc đời ta đã trôi qua đẹp đến như thế.

*

“Về Việt Nam, tôi thậm chí không muốn bỏ sim điện thoại vào. Tôi chỉ để điện thoại như thế, mong mỏi tìm chỗ có wifi để nhắn tin với mọi người. Một tuần sau đó, tôi mới trở về được nhịp sống bình thường. Tôi bình tĩnh đối diện với những mớ bòng bong tôi để lại. Các mối quan hệ được sắp xếp, xử lý từng chút một và bình tâm. Bởi tôi có một chỗ dựa vững chắc là những người bạn. Ngày tôi lên máy bay về Việt Nam, tụi bạn cùng bảo nhau: “Đừng khóc. Tình bạn của chúng ta không bao giờ kết thúc. Tất cả chỉ mới bắt đầu.”

Và mỗi ngày thức dậy, tôi đều vào hộp thư chung chỉ để đọc những dòng đơn giản: “Good morning, babes.” Hay những ngày cuối tuần, 8 mặt mo cùng xuất hiện trên Google hangout để gọi video nhóm cùng nhau, và chẳng lần nào kết thúc ngắn hơn một tiếng đồng hồ huyên thuyên. Một tháng sau ngày về, tôi còn nhận được bưu thiếp từ cô bạn Trung Quốc. Chưa bao giờ tôi thấu hiểu sâu sắc rằng khi chúng tôi gần nhau như thế, thì khoảng cách địa lý dù xa vạn dặm cũng sẽ tan biến.

Và tôi trở lại tuổi 22. Qua cái thời chông chênh, hoang mang giữa nhiều ngã rẽ cuộc đời, không biết mình muốn gì, cần gì, khát khao gì. Tôi lại tiếp tục. Học thêm, chạy một số dự án, làm công việc yêu thích. Những thứ bấp bênh không phải không có, nhưng tôi thấy mình thoải mái, tràn đầy động lực và niềm tin vào những dự định mới. Trong những ngày nhớ nhau, tôi lại mở folder trên máy tính, gồm hơn 50 thư mục, từng mục là một ngày tôi ở Vũ Hán. Tất cả mọi kỷ niệm thân thương tôi đều lưu trong đó, để khi buồn, khi nhớ, khi chông chênh tôi lại mở hình, bật video lên coi, để được sống lại những ngày cùng nhau, sống lại những ngày mùa đông đầy ắp kỷ niệm, khi chúng tôi đều rất trẻ, đều ngốc nghếch và khùng điên. Tuổi 22 đẹp và rực rỡ ấy có lẽ sẽ theo tôi đi trọn cả cuộc đời.

Tôi 22. Rực rỡ

Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài viết ngắn và hay tên là “Cứ Đi Đi”. Khi 18 – 22, tự nhiên cuộc sống của chúng ta chựng lại một bước. Chúng ta bị mắc kẹt giữa khát khao muốn làm cuộc sống ý nghĩa, với cảm xúc hoang mang không biết mình muốn gì, mình thích gì, mình cần gì.

Vậy thì cứ đi đi. Làm gì cũng được. Đi đâu cũng được. Miễn là chúng ta thích điều ấy. Đi để trưởng thành. Đi để bình tâm. Đi để cứng cỏi. Đi để trao công sức, tình cảm không tính toán và nhận được yêu thương làm ta thao thức nhớ trong mỗi phút giây trở về. Đi để hiểu rằng, khi chúng ta 22, chúng ta có quyền ước mơ một tương lai tuyệt vời. Cho dù trước mặt bạn có là khó khăn, vất vả, thì hãy tin ánh sáng sẽ tới ở cuối con đường.

Cứ đi đi. Bởi khi 22, bạn xứng đáng một tuổi trẻ rực rỡ.

 

Đỗ Thanh Lam

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

38 BÌNH LUẬN

  1. mình cũng từng ở trong tâm trạng ấy, ra trường đi làm nhưng lúc nào mình cũng thấy chông chênh. Và mình quyết định ra đi. Khi mình đi, bạn bè mình đều nói mày là ngon rồi, cố gắng thành công rồi ở lại bên đó hoặc về đây làm ông nọ bà kia…

    Nghe những lời đó mình chỉ biêt cười trừ vì mình đi không phải vì những điều đó mà chỉ vì muốn đến một nơi mới, gặp những con người mới, học hỏi những điều mới và xóa đi cái cảm giác gò bó khi còn đi làm

  2. Đọc xong bài này..em mới nhận ra mmình cần phải học. Cần phải đi..
    Em là con cả trong một gia đình có hai anh em..năm nay em hai mươi tuổi..
    Em mới bước ra khỏi môi trường quân đội.. ý là em đi lính ý..h em ra quân rồi
    Ba mẹ em muốn em ở nhà làm kinh tế với bố mẹ..bmẹ em đã gây dựng cho em một trang trại kha khá..
    Nhưng em không muốn làm công việc đó chút nào.. em muốn đi học..muốn khám phá…
    Em rất đắng đo không biết có nên đi học hay không.. vì nếu đi..Thì công việc ở nhà k ai làm…Nhưng nếu ở nhằ.. Chắc buồn mà chết mất..
    Chi cho em một lời khuyên đi

    • vì còn vướng chuyện gia đình, nên chị nghĩ em có thể thử công việc ở trang trại xem, biết đâu nó sẽ dẫn đến con đường khác cho em, và em cảm thấy hứng thú. Nếu không, sau tầm hai năm khi mọi thứ ổn định, em trưởng thành hơn, hãy đi con đường riêng em nhé 🙂

  3. Chào bạn!! Nhóm mình sắp thành lập website muốn mời bạn tham gia viết bài, 1 website chưa hề có ở Việt Nam, 1 website chỉ toàn những điều vui tươi và tri thức của nhân loại, không còn những tin tức giết người, cướp của, lộ hàng, tai nạn giao thông,…. nữa. Những tin tức buồn thì đã có hàng chục, hàng trăm website khác đăng rồi, tội con người Việt Nam lắm, đi làm đi học với bao nhiêu phiền muộn mà về nhà còn “được” đọc những tin tức như thế làm sao mà hôm sau đi làm với tâm trạng phấn khởi và năng suất làm việc cao được. Nếu bạn có cùng chí hướng với nhóm mình thì bạn nói chuyện qua FB mình nhé https://www.facebook.com/anhdung.le.7739 . Nhóm mình thì Dũng là trẻ nhất, còn chủ yếu toàn là 8x.

  4. Đọc bài viết của chị thực sự e thấy rất mừng. Mừng vì có lẽ e đã tìm dược định hướng cho mình. Em năm nay 22 tuổi, tháng 6 tới em sẽ tốt nghiệp. Thực sự suốt mấy tháng qua em rất hoang mang, không biết mình thích gì, muốn gì. Suốt 3 năm qua em luôn nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với ngành đang học nhưng vài tháng trở lại đây em bỗng nhận ra em không muốn thế. Nếu em không nhầm thì chắc chị đi exchange theo chương trình của AIESEC đúng không ạ? Em muốn hỏi là với những người có rất ít kinh nghiệm tham gia các hoạt động thì liệu có cơ hội được đi exchange k chị?

    • quá trình đăng ký tham gia dự án, phỏng vấn, tìm dự án và chuẩn bị lên đường sẽ đủ để em tích lũy kinh nghiệm, không nhất thiết cứ là phải những ai hoạt động nhiều mới đi được đâu em :). chúc bé thành công nha <3.

        • chưa thử sao biết chắc dữ vậy em :p. chị cũng thường hay bị ám ảnh, nhưng chị sợ chị sẽ nuối tiếc điều gì đó hơn những thứ ám ảnh đó :).. chayo bé ;)..

          • em cám ơn chị 🙁 Nhưng em không đủ tự tin chị ạ , mỗi khi đi phỏng vấn em đều bối rối lắm , em đã trượt pv ở 2 CLB rồi

          • bạn ơi, AIESEC ko chọn người giỏi nhất để đi đâu mà AIESEC chọn bạn thông qua độ phù hợp của bạn với chương trình thôi 🙂 Sự quyết tâm nè, mức độ mong muốn đi exchange của bạn. Bạn cứ tự tin lên và chia sẻ thật tình những mong muốn của mình nhé! Hồi đó mình cũng như bạn vậy, rồi mình gặp AIESEC, chưa làm sao biết nè. Cố lên bạn ơi 😀

Trả lời Song Bình Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI