19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Vụ trộm sách: Bán sách, sao không bán tri thức?

*Photo: Borealnz 

 

Những ngày vừa qua hẳn dư luận vẫn đang rất quan tâm và phẫn nộ về vụ bé gái lớp 7 chẳng may trót dại, lỡ tay trộm 2 quyển sách (truyện) trị giá 20 nghìn tại siêu thị Vĩ Yên (Gia Lai). Sau đó đã bị nhân viên siêu thị phát hiện và trói cố định tay vào song sắt bằng băng dính, dán biển “Tôi là người ăn trộm” lên trước ngực. Chưa dừng lại ở đó họ còn chụp ảnh lại để rồi vô ưu, vô nghĩ, hả hê đăng lên facebook chỉ để “chém cho vui”!

Đáng tiếc, đây chẳng phải chuyện để vui! Ngược lại đây còn là hành động trừng phạt quá đáng, vượt ngưỡng răn đe, thiếu tính giáo dục và hủy hoại nhân cách con người.

nu-sinh-bi-troi-1441-1397496730.jpg
Nữ sinh lớp 7 bị nhân viên siêu thị trói và dán biển – Ảnh: Vnexpress

Đừng làm trẻ bị khuyết tật về tâm hồn và ám ảnh về tâm lý

Ai cũng ít nhất một lần vấp ngã, bản thân là người lớn với bao từng trải, tiếp thu, chiêm nghiệm  lắm kiến thức về đạo đức, về xã hội đôi lúc còn tự mâu thuẫn với chính mình trong nhiều trường hợp đứng trước lằn ranh của đôi bờ tốt – xấu!

Thử hỏi bản thân của 4 nhân viên siêu thị kia, tuổi thơ trôi qua họ đã đôi lần trộm ổi, hái me hoặc phạm phải lỗi lầm nào chưa? Nếu đã một lần như vậy thì sao không thể rộng lòng mà bỏ qua cho phút trót dại của con trẻ bởi ai ai cũng có những lỗi lầm, là trẻ con với vốn sống ít, tâm lý chưa đủ vững vàng, nhân cách đang dần hình thành thì lại càng dễ vấp ngã nhiều hơn.

Thay vì bắt trói, đeo biển, chụp hình họ hoàn toàn có thể dùng biện pháp khác công bằng, nhân văn và vị tha hơn bằng việc:

  • Thu hồi lại 2 sản phẩm của siêu thị, khuyên giải, phân tích và bỏ qua cho phút chốc thiếu suy nghĩ.
  • Hoặc để đủ tính răn đe hơn họ có thể yêu cầu viết bản kiểm điểm hứa không tái phạm và báo về cho gia đình hoặc giáo viên chủ nhiệm. (Được biết các nhân viên siêu thị cũng yêu cầu bé gái này thực hiện điều tương tự và dọa rằng sẽ báo cho cả công an. Nhưng tôi nghĩ có lẽ họ đã quá nóng vội, không có phương pháp và kinh nghiệm trong việc xử lý tình hống như thế này, cùng với tâm lý thỏa mãn bức xúc đã khiến họ hành xử rất thiếu nhân văn, cũng có thể nói là tàn nhẫn với bé gái đó. – Nếu là tôi thì tôi sẽ không chọn cách này)

Ai cũng ít nhất một lần vấp ngã, bản thân là người lớn với bao từng trải, tiếp thu, chiêm nghiệm  lắm kiến thức về đạo đức, về xã hội đôi lúc còn tự mâu thuẫn với chính mình trong nhiều trường hợp đứng trước lằn ranh của đôi bờ tốt – xấu!

Đằng này họ lại bất chấp lời khuyên can của nhiều người có mặt trong siêu thị để trừng phạt em bằng hành động vượt quá khỏi tính răn đe hay giáo dục. Với việc trói tay – dán biển – chụp hình của mình họ đã nhẫn tâm trói chặt vào em hình ảnh một kẻ trộm, dán chặt vào tâm lý trẻ thơ nỗi ám ảnh sẽ đeo bám dai dẳng về sau và phát tán đi nỗi mặc cảm, xấu hổ làm khiếm khuyết tâm hồn và hình thành tâm lý tự cách ly bản thân môi trường xung quanh.

Liên quan đến việc hình thành nhân cách, thói quen và hành vi ứng xử của con trẻ, mời các bạn xem qua clip bên dưới với thông điệp: Children see. Children do” (Trẻ em nhìn thấy. Trẻ em học theo.)

[youtube=https://www.youtube.com/watch?v=G4yBj0LXCTo]

Qua clip trên cũng như hành động của các nhân viên siêu thị Vĩ Yên, có thể thấy ở một khía cạnh xã hội nào đó, con trẻ chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh, thái độ, hành động, thói quen, cách hành xử trước một vấn đề của người lớn. Cụ thể ở đây là vụ trộm sách, nếu người lớn cứ mặc sức dùng bạo lực, áp dụng sự trừng phạt, khủng bố tinh thần với trẻ em thì vô tình chung, rất có thể sẽ khiến trẻ con bị ghi hằn lên đầu óc và lưu trữ lấy những hành động này, để rồi sẽ áp dụng với kẻ khác trong tương lai.

Việc hình thành nhân cách con người ở trẻ em không chỉ đến từ gia đình, từ phương pháp giáo dục ở nhà trường,  mà còn ở tác động của xã hội lên các em. Ở bất kỳ trường hợp, hành động, tình huống nào trong cuộc sống đều có thể trở thành câu chuyện giáo dục nhân cách cho trẻ con hay vô tình trở thành tiền lệ xấu, thói quen xấu cho trẻ em học theo.

Siêu thị sách: Bán sách sao không bán tri thức?

Qua hình ảnh về siêu thị Vĩ Yên, có thể thấy chức năng của siêu thị này không chỉ kinh doanh các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, nước giải khát, nhu yếu phẩm, đồ dùng thường ngày… mà còn có riêng chức năng kinh doanh các sản phẩm giáo dục với vai trò là một siêu thị sách.

http://images.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/250/701250.jpg
Siêu thị sách Vĩ Yên – Ảnh: T.B.D (Tuoitre)

Đành rằng, ở khía cạnh lợi ích thương mại thì có là sách, hay là tri thức gì đó đi chăng nữa thì cũng chỉ là những tập giấy dày – mỏng khác nhau với đầy những ký tự và lắm hình ảnh. Hoàn toàn có thể mua được, bán được, giảm giá bán rẻ cũng được. Tuy nhiên mọi sản phẩm giáo dục được bán ra đều mang tính tri thức, truyền tải thông điệp nhân văn và giá trị tinh thần tốt đẹp về nhân cách sống, hoặc về nhiều kiến thức từ căn bản đến hàn lâm của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Trong một môi trường những tưởng đầy tri thức và nhân văn cùng với chức năng cung ứng giáo dục như vậy nhưng chỉ tâm lý hà khắc thái quá, để thỏa mãn bức xúc bản thân trong chốc lát mà chính những nhân viên này đã tự tay gạt bỏ đi giá trị cốt lõi, tinh thần tốt đẹp của việc giáo dục, của siêu thị (sách) nơi họ đang làm việc.

“Không có sách, không có tri thức.” – Vladimir Ilyich Lenin

Không cổ xúy cho cái hư, cái xấu

Ở đây tôi không muốn nói rằng hãy cứ rộng lòng, cứ sẵn sàng bỏ qua tất cả mọi sai lầm của con trẻ mà không một lời khuyên giải – lời răn dạy, không một động thái trách phạt. Vì như thế là cổ xúy cho thói hư, tật xấu, là hành động dung túng cho cái sai có cơ hội phát triển.

Xét về lý thì hành động của bé gái trong bài là sai, là đáng lên án và cần phải xử phạt đúng người đúng tội. Tuy nhiên phải nhắc lại việc áp dụng hình thức trói tay – treo biển – chụp hình (phát tán) như vừa rồi của các nhân viên siêu thị Vĩ Yên là hành động vượt ngưỡng răn đe, nhẫn tâm, thiếu tính giáo dục, không văn minh và nhân văn. Về tình, nếu không thể – không đủ kiên nhẫn – không có phương pháp để khuyên răn, để bỏ qua cho sai lầm của con trẻ thì chỉ nên dừng ở việc báo với gia đình và nhà trường (nếu muốn).

Thay cho lời kết

Xin đừng đổ chàm vào tuổi thơ của con trẻ, đừng chỉ vì 2 tập sách (truyện) trị giá chỉ 20 nghìn đồng mà làm khuyết tật đi tâm hồn trẻ con cùng nỗi ám ảnh lâu dài về tâm lý và tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách con người.

Cuối cùng, xin được phép dẫn lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Để Gió Cuốn Đi” để kết thúc cho bài viết:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi , để gió cuốn đi”

Trương Đức Phương

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI