21.2 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tôi đúng, bạn sai, giờ thì sao?

*Photo: Krish

 

Tôi đúng, bạn sai, giờ thì sao?

Đó cũng chính là tên một cuốn sách của tác giả Xavier Amador nói về nghệ thuật tranh luận trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả tựa đề sách thôi cũng đủ để gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề cần tranh luận. Khi đi học thì tranh luận với thầy cô, bạn bè về những vấn đề của môn học. Khi đi làm thì tranh luận với đồng nghiệp để tìm ra cách giải quyết công việc hợp lý và hiệu quả nhất. Ngay cả khi ngồi uống café tám chuyện với mấy đứa bạn vào ngày chủ nhật cuối tuần thôi cũng có biết bao vấn đề cần tranh luận, từ chuyện trong những con hẻm cho đến chuyện vũ trụ, thế giới.

Chuyện tranh luận là chuyện như cơm bữa hàng ngày vậy mà có mấy ai trong chúng ta biết cách tranh luận. Rõ ràng mục tiêu của tranh luận là để tìm ra chân lý, nhưng tranh luận thế nào lại là cả một nghệ thuật. Và điều tôi muốn nói ở đây là, khi bạn ta nói ra một suy nghĩ khác hẳn với suy nghĩ của ta, ta có nên tranh luận không và nếu có thì tranh luận như thế nào?

Tôi có cô bạn học cùng đại học, hôm đó thầy cho làm bài kiểm tra và ra để như thế này:

“Giám đốc ngân hàng ACB muốn các nhân viên của mình từ trưởng phòng trở lên tham gia một khóa học về hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Ông này bắt buộc mọi người đều phải tham gia (nếu không sẽ trừ điểm thi đua của cả phòng) bằng cách điểm danh đầu mỗi giờ học, sau đó ai cảm thấy phù hợp thì có thể ở lại học tiếp, không thì được phép về. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Theo bạn thì vấn đề ở đây là gì? Cách giải quyết?”

Dĩ nhiên là trong tình huống trên có rất nhiều vấn đề, nhưng tôi chỉ xin đưa ra một vấn đề dẫn đến cuộc tranh luận của tôi và cô bạn cùng lớp như sau:

Tôi cho rằng trong trường hợp này ông giám đốc đã sai lầm khi không xác định rõ ràng người chịu trách nhiệm trong việc này, nếu trưởng phòng làm sai (tức không đi học) thì trưởng phòng phải là người chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, tại sao lại quy chụp trách nhiệm lên toàn bộ nhân viên của phòng ban do ông ta phụ trách, điều này là hết sức vô lý. Nhưng cô bạn tôi thì không đồng ý như vậy, cô ấy cho rằng trưởng phòng là người có quyền lực cao nhất, là người đại diện cho bộ mặtt của phòng. Chính vì vậy, nếu trưởng phòng không đi học thì việc trừ điểm thi đua của cả phòng là hoàn toàn hợp lý.

Vậy là cuộc tranh luận nổ ra ngay trong giờ kiểm tra, không ai chịu ai, cuối cùng tôi tung đòn quyết định: “Nếu cậu là nhân viên, rõ ràng sếp làm sai mà lại bắt cậu chịu phạt thì cậu có cam lòng không?” Cô ấy suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Có lẽ là không.”

Vậy là cuối cùng tôi cũng đã thắng và cô ấy thua, nhưng tôi lại không cảm thấy vui chút nào, ngược lại cảm thấy rất ái ngại, cả hai đều im lặng và tôi không biết nói gì tiếp theo để xua đi cái không khí nặng nề ấy. Mặc dù biết mình sai nhưng trong lòng người thua cuộc vẫn luôn mang tâm lý của một “kẻ thua cuộc”, một cảm giác bứt rứt khó chịu, bởi mỗi cái tôi trong mỗi chúng ta đều quá cao. Hai từ “có lẽ” trong câu trả lời của cô ấy đã nói lên tất cả, mỗi người trong chúng ta, đôi lúc biết rất rõ là mình sai nhưng không bao giờ muốn thừa nhận cái sai ấy trước mặt người khác. Tôi nhớ có lần tôi đọc cuốn Đắc nhân tâm của tác giả Dale Carnegie, thấy có một câu rất đúng “Trong 100 lần người ta phạm lỗi thì có 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”

Trong tranh luận cũng vậy, mỗi người đều có quan điểm riêng, lập trường riêng và nếu tư tưởng của ta xâm phạm vào vùng an toàn của họ, họ sẽ lập tức xù vây nhím và phản bác lại chúng ta ngay lập tức. Vậy trong quan hệ bạn bè, khi nào cần tranh luận và khi nào thì không? Đó hẳn là một câu hỏi khó đối với mỗi chúng ta bởi mỗi khi gặp một tư tưởng khác, một suy nghĩ khác, hầu hết chúng ta theo bản năng đều có ý muốn phản kháng. Và điều đó đôi khi thật tai hại cho những mối quan hệ, lấy một tình bạn đẹp chỉ để đổi lấy một chút đúng sai liệu có đáng hay không?

Đứng trên góc độ cá nhân, tôi thấy rằng chúng ta chỉ nên tranh luận khi thật cần thiết, trong những trường hợp bắt buộc phải tìm ra chân lý, phải phân định rạch ròi giữa đúng và sai, tốt và xấu. Còn nếu như có thể tránh được thì ta nên tránh, đừng để chỉ vì một chút muốn giành phần hơn, một chút vinh dự nhất thời mà làm rạn nứt các mối quan hệ, điều đó thật không đáng.

 

 Rồng Rửa Hận

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI