18 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đừng quá tôn sùng thất bại

*Ảnh: Pixabay

Ý tưởng học hỏi từ thành công thay vì thất bại được viết khá đơn giản và thú vị trong cuốn Rework (Khác Biệt Để Bứt Phá) của Jason Fried & David Heinemeier Hansson. Nếu bạn đã đọc cuốn sách đó, những đoạn viết dưới đây có thể sẽ làm lãng phí thời gian của bạn. Nhưng nếu chưa, vậy thì, xin mời bạn…

Có nên tôn sùng thất bại?

Thất bại không phải là kho báu chỉ toàn kim cương và vàng ròng. Mặc dù thất bại có thể cho bạn biết bạn đang đi sai hướng, nhưng nó cũng là nguyên nhân gây tổn thương tinh thần ghê gớm.

Người ta thường lấy quá trình Edison phát minh ra bóng đèn làm ví dụ chứng minh sức mạnh của thất bại. Edison thành công vì ông đã thử và sai cả nghìn lần trước khi tìm ra phương pháp chính xác. Rất tiếc, cuộc sống của chúng ta không giống như quá trình phát minh ra bóng đèn, không được đặt trong phòng thí nghiệm và cũng không có cơ hội làm lại 1000 lần. Có những thứ không thể thử nghiệm: Một khi đã sai lầm, may mắn lắm con người cũng chỉ còn 2, 3 lần thử-sai.

Hôn nhân là ví dụ rõ ràng. Bạn có thể kết hôn bao nhiêu lần trong đời? Về chuyện này tôi hy vọng bạn đúng ngay từ đầu. Cơ hội tốt nhất để bạn thử sai là sống độc thân và cặp kè với hàng loạt các chàng trai suốt đời – và khi ấy hôn nhân cũng không tồn tại đối với bạn.

Trong quan hệ bạn bè, bạn có thể học gì từ việc kết bạn sai lầm? Theo logic thì người ta sẽ loại trừ dần bạn xấu và tìm được bạn tốt, tuy nhiên, trong thực tế, chỉ cần niềm tin bị đánh cắp vài ba lần, có thể ta sẽ mất hết niềm tin vào tình bạn và cuộc sống.

Bạn đủ khả năng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh trở lại sau bao nhiêu lần thất bại? Hy vọng lúc đó bạn vẫn tìm được vốn và chưa đi tù. Bạn có thể tìm thấy công việc của cuộc đời mình sau bao nhiêu lần thất bại? Nếu chỉ toàn thất bại mà không có một dấu hiệu nào khác của thành công, tôi chắc bạn nản lắm. Nếu như cuộc sống màu hồng, chúng ta đã chẳng cần đến các trung tâm cai rượu. (Số lượng người nghiện rượu tại Việt Nam rất nhiều, nhưng những trung tâm cai nghiện thực sự dành cho họ hình như chưa có)

Khi cuộc đời được thiết kế chỉ với 2 lựa chọn A và (- A), bạn có thể sống theo (- A) rồi nhận ra A là đúng, ngay lập tức bạn chuyển hướng sang A. Nghe cũng khá đơn giản. Nhưng cuộc đời lại là cả một bảng chữ cái. Có thể đáp án chính xác nằm tại Z. Nếu may mắn bốc thăm được lá bài có chữ Z, bạn thành công. Nếu không, bạn có nguy cơ phải thử hết bảng chữ cái. Chỉ siêu nhân mới làm nổi điều đó.. Cuộc đời còn phức tạp hơn bảng chữ cái nhiều, đúng không bạn? (Sẽ thật kinh khủng nếu cuộc đời giống như việc tìm cách phát minh ra bóng đèn: có cả nghìn lần thử sai)

Dẫu gì cũng không thể phủ nhận vai trò của thất bại. Thất bại là thầy của con người – nhưng là một ông thầy khắc nghiệt với lối giáo dục tra tấn. Thành công cũng là một ông thầy, song tốt bụng hơn nhiều.

Sức mạnh của thành công

Hãy quay trở lại việc tìm kiếm đam mê. Trong vô số những việc từng làm, những việc nào cho bạn thấy thiên hướng thực sự của bạn? Đó là những việc bạn làm tốt nhất, xuất sắc nhất, cũng có thể là những việc khiến bạn cảm thấy say mê và hạnh phúc.

Một cậu nhóc biết niềm đam mê của mình là hội họa, đơn giản vì cậu vẽ tốt hơn chúng bạn, và thấy hạnh phúc, say mê khi vẽ; bắt đầu từ “thành công” nho nhỏ trên những trang giấy học sinh, cha mẹ cậu nhận thấy sự nghiệp đích thực của cậu là hội họa, để rồi giúp cậu đi trên con đường này. Một người được đánh giá tốt về khả năng nấu ăn và thích thú với việc sáng tạo món ăn có thể sẽ tìm thấy con đường của mình trong nghề đầu bếp….

Trong cuộc sống thường ngày, để sống vui vẻ và hạnh phúc, việc phát huy những hành vi tốt cũng quan trọng không kém việc rời xa những thói quen xấu. Bản thân triết lý sống “tập trung vào những điều tích cực thay vì tiêu cực” cũng mang bóng dáng của việc ưu ái những bài học thành công.

Những thành công nho nhỏ chính là dấu hiệu cho chúng ta biết, chúng ta nên phát triển những hoạt động gì, đi theo xu hướng nào. Thành công (bao gồm cả thành công về mặt cảm xúc – đó là những cảm giác say mê và hạnh phúc khi bạn thực hiện và hoàn thiện công việc) sẽ chỉ lối cho bạn điều gì nên lặp lại, hướng nào nên đi…

Thất bại có thể cảnh báo, nhưng chính thành công mới chỉ lối! Thất bại có thể làm bạn nản chí và kiệt sức, nhưng thành công luôn đem động lực đến cho bạn. Nếu thất bại là những chiếc xương sườn thì thành công là cột sống cho sinh mệnh cuộc đời bạn.

 

Den Pho

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

16 BÌNH LUẬN

  1. Đọc bài của bạn xong, có 1 câu hỏi cứ quay quay trong đầu mình. Đó là: “Nếu mình bị thất vọng nhiều về bạn bè, thất bại nhiều trong cuộc sống nhưng lúc nào cũng có niềm tin, nếu không muốn nói là ngày càng tin tưởng hơn vào cuộc đời, thì sẽ như thế nào? Bạn có nghĩ rằng số đông mọi người nói rằng họ theo quan điểm “thất bại là mẹ thành công” , ừ thì tôn sùng thất bại, nhưng chính họ cảm thấy không chấp nhận được thất bại hay đưa ra những lời khuyên sáo rỗng khi ai đó thất bại rằng “thất bại là mẹ thành công” ? Ý mình là bản thân họ cũng chưa làm được điều họ nói mà chỉ đang gây áp lực cho chính mình. Vậy thì giữa những người tôn sùng thất bại và những người chọn thành công là nguồn động lực gần như duy nhất, vẫn còn phần lớn những người đang loay hoay tìm câu trả lời. Nhưng đâu có gì là đúng hay sai, chỉ có cái giá của mỗi sự lựa chọn. Cảm ơn bài viết của bạn.

  2. mình hiểu cách nghĩ của tác giả nhưng mình thấy nó cứ thế nào ấy hay do mình thực tế quá hay do mình có 1 thế giới quan riêng nhưng mình muốn hỏi tác giả vài điều nho nhỏ thôi, pạn viết bài thì pạn đã bao nhiêu lần thất bại rùi cả trong tình yêu lẫn công việc ấy nếu nhiều lần roài thì pạn suy nghĩ thế nào về nó?
    Hướng giải quyết của pạn sẽ là j`, còn mình mình cũng đôi lần thất bại nhưng ko bao giờ nản chí vì mình có rất nhiều thứ cần mình giữ và phát triển nó nếu mình sai mình ko ngay lập tức sẽ hỏi “mình sai ở đâu” mà mình tự hiểu “sẽ như thế nào” nếu cái sai đó vẫn cứ tiếp diễn còn về tình yêu sai lầm nhất là lấy ng k tốt thế pạn đã bao giờ đánh giá thực chất 1 con người như thế nào chưa sai lầm ở đây là pạn ko hiểu j` về họ đã vội vã đưa ra câu trả lời mình có thể thích dẫn 1 câu nói như thế này nha ” Đừng vội đưa gia quyết định cho 1 vấn đề, vì nó cần có thời gian ”
    bài viết hay mình ủng hộ nhưng mình thì thấy nó cứ văn trương thế nào ấy liệu có đúng thế ko

    • Tác giả chỉ nói đừng tôn sùng thất bại, như vậy là sa vào chủ nghĩa tự hài lòng mất chứ có bảo thất bại là thua cuộc hoàn toàn đâu. Trong cuộc sống ai cũng muốn thành công nhưng thất bại là điều không thể tránh khỏi, âu cũng là bình thường. Mình nghĩ bài viết của bất cứ một nhà văn nào, dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ nêu được một số vấn đề nhất định trong một vài lĩnh vực nào đó thôi, không thể trình bày được tất cả các chiều suy nghĩ và nhận thức đa dạng của toàn xã hội. Đọc là để suy ngẫm và rút ra ý nghĩa cho riêng mình, chứ đòi hỏi bài viết phải đa diện, cầu toàn như thế e rằng khó lắm.

  3. Cảm ơn tác giả. Cho mình hỏi bài này bạn trích hoàn toàn từ sách ra hay có thêm suy nghĩ riêng ở trong bài rồi? Nếu mình muốn dùng 1 đoạn chia sẻ qua mạng thì nên credit sách+tác giả sách hay có cả bạn nữa?

    • Ý tưởng lớn là của sách, nhưng ngôn từ diễn giải thì là của mình, có thêm một chút suy nghĩ riêng. Mình không sao chép lại sách nhưng cũng không phải là tác giả thật sự. Nên câu hỏi thứ 2 của bạn mình không biết phải trả lời sao nữa :))

      • bạn Wisteria định dùng đoạn nào thì bảo bạn tác giả để bạn ý xem chỗ đó của sách hay là ý của bạn ý. nếu là từ sách thì bạn ý cho tên tuổi mà credit.

  4. Rất đồng ý với tác giả là không nên tôn sùng thất bại, ngoài ra mình cũng có một số quan điểm muốn thảo luận cùng tác giả. Thất bại hay thành công giống như 2 mặt của vấn đề vậy, như mảng trắng và mảng đen, có cái này thì nhất định có cái kia , suy cho cùng liệu chúng ta cứ tập trung vào việc con đường thành công mà quên mất rằng thất bại và thành công luôn đi song hành với nhau- đó mới là hợp với lẽ tự nhiên.Theo mình nghĩ cái đích cuối cùng của mỗi bài học thành công hay thất bại là khám phá ra được chính bản thân mình, trả lời cho câu hỏi : Mình là ai trong cuộc đời này.
    Đôi lời chia sẻ với tác giả.

    • Nhân đọc được bài viết về giá trị của thất bại, nên mình viết bài này để ủng hộ cho một hướng nhìn khác, bổ sung cho giá trị của thất bại. Còn việc học hỏi từ thất bại thì mình không thể phủ nhận.

      Đối với mình, cái đích của cuộc đời là sống hạnh phúc. Học từ thất bại hay từ thành công, đều là để hướng đến nó. Còn câu hỏi: “mình là ai trong cuộc đời này?” thì bản thân mình đã có đáp án riêng: “Một con vật có chút lý trí và luôn săn tìm hạnh phúc”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI