28.7 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Con nghiện trà đá

*Featured Image: Alek™

 

Khi rơi vào trạng thái uể oải, khi công việc đều đặn hàng ngày khiến ta chỉ muốn thở vắn than dài mà chẳng biết làm gì khác… lúc đó chúng ta bắt đầu gọi nhau đi uống trà đá, như một lựa chọn tất yếu. Lẽ ra nếu được quyền làm điều gì đó, người ta nên lựa chọn một trong hai loại: Những thứ đẹp, thú vị, hấp dẫn, ngon lành… (giá trị tinh thần), và những thứ góp phần mang lại lợi lộc, tiền bạc (giá trị vật chất). Vậy còn việc ngồi trà đá?

Trà đá có gì ngon? Ngồi trà đá có gì vui?

Trà đá có ngon không? Hãy xem công thức vô cùng đơn giản của nó: Trà loãng pha với nước lọc, được bổ sung vài cục đá. Nó là một thứ thức uống nhạt toẹt! Khi uống trà đá, người ta không thể thưởng thức được gì, nếu không muốn nói rằng thật tệ làm sao cái vị chát vô duyên ấy! Phương pháp thưởng thức trà đá quen thuộc là hãy uống và… quên đi hương vị của nó.

Trà đá lại còn siêu bẩn – ai cũng biết! Bẩn từ cách pha chế cho đến “trưng bày”. Những chiếc cốc uống trà mỗi lần qua môi người này người kia, lại được bà bán hàng nhúng vào trong một xô nước chẳng rõ xuất xứ nhưng được dùng cả ngày, lắc lắc vài cái rồi lau khô bằng một chiếc giẻ tối màu (có nhiều quán người ta chẳng thèm lau), sau đó ngay lập tức chuyển ra phục vụ người khác. Thường thì người uống không muốn nhìn những khoảnh khắc như vậy, không muốn nhìn cả xô nước vạn năng của bà bán trà. Người ta cố gắng lơ nó đi.

Trà đá không gắn kết chúng ta lại với nhau. Khi ngồi trà đá, người ta than vãn nhiều hơn là xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Nam giới “thưởng thức” trà đá nhiều hơn nữ giới, và khác với lời đồn, họ thường tán chuyện vô thưởng vô phạt vượt trội phái yếu. Quán trà đá vỉa hè là không gian lý tưởng để nhiều người đàn ông thể hiện phần sâu kín nhất trong tâm hồn họ, bên cạnh các quán nhậu.

Uống để nối dài sự vô vị

Trà đá hoàn toàn vô vị, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tại sao người ta vẫn uống trà đá điên cuồng, đến nỗi có người đã gọi thói quen này bằng cái tên mỹ miều: Văn hóa trà đá?

Có lẽ lời giải thích này thật ngớ ngẩn, nhưng… hình như khi chúng ta quen sống vô nghĩa, chúng ta càng cố gắng truy cầu thêm thật nhiều sự vô nghĩa để cuộc đời mình tiếp tục trở nên… vô nghĩa hơn nữa! Giống như nhiều người, hễ đã trượt ngã là trượt dài, dài mãi, không đứng lên được. Vả lại, khi ngồi trà đá, học được cách quên đi vị đắng, nhạt thếch của nó, người ta cũng được rèn luyện để lãng quên (mà đúng hơn là chấp nhận) sự nhạt thếch của cuộc đời mình.

Cúng có thể, sau 100 năm nữa, trà đá sẽ được nhân dân ta coi là di sản lâu năm, một món ăn tinh thần không thể thiếu (thông thường, cái gì tồn tại lâu đời đều trở thành… truyền thống văn hóa, bất kể bản chất thực sự của nó ra sao, ví dụ như thói quen ăn thịt chó hay “văn hóa vỉa hè”). Và biết đâu, sau 500 năm, người ta sẽ còn đề nghị công nhận trà đá là di sản văn hóa tinh thần của nhân loại? Đến lúc đó, chúng ta sẽ phải cảm ơn trà đá. Rất tiếc, ta không sống đủ lâu để được nhìn thấy ngày tươi đẹp đó.

Có những người chỉ thỉnh thoảng mới ghé vào quán trà đá tán dóc. Nhưng cũng có người yêu trà đá. Một ngày không trà đá vỉa hè vài lần, họ không thể chịu nổi. Những quán trà đá trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Chúng tôi gọi đó là những “con nghiện trà đá”. Ở Hà Nội, chỉ cần bước ra phố, bạn sẽ thấy họ trên mọi nẻo vỉa hè.

 

Den Pho

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

20 BÌNH LUẬN

  1. tôi cảm thấy chính bài viết mới vô vị, áp đặt đơn phương, tuy có tính thực tế phần nào trong bài viết nhưng cách nghĩ cảm nhận sự vô vị là thứ ngớ ngẩn

  2. Cám ơn tác giả về bài viết. Thực tế là bản thân mình cũng từng suy nghĩ về thứ gọi là “văn hóa trà đá” mà mình chứng kiến hàng ngày.
    Mình thấy việc thi thoảng anh em bạn bè tụ tập ở quán nước vỉa hè để tán chuyện và xả stress hoàn toàn không có ảnh hưởng gì cả bởi lẽ, nếu ở mức đó thì cốc trà đá cũng đóng vai trò không khác gì ly cafe/cốc nước lọc/.v.v. – chỉ là thứ nước uống để giải khát nơi cuống họng và đưa đẩy câu chuyện giữa bạn bè, cơ bản việc dừng ở mức này thì không xấu.
    Tuy nhiên, thực tế là có một số trường hợp – như bạn nói – lê la thường trực quán trà đá, với những câu chuyện không đầu không cuối thì quả thật mình thấy họ phí phạm thời gian một cách vô lối. Nhưng đó là mình thấy vậy và không có ý định nâng cao quan điểm cá nhân lên thành chuẩn mực. Bản thân mỗi người có những mục đích sống khác nhau, do vậy mỗi người có cách ứng xứ khác nhau với quỹ thời gian của mình.
    Đôi chút chia sẻ với quan điểm thẳng thăn – có phần hơi cực đoan của tác giả. Thân ^^

  3. “Khi rơi vào trạng thái uể oải, khi công việc đều đặn hàng ngày khiến ta chỉ muốn thở vắn than dài mà chẳng biết làm gì khác …” Bạn chỉ suy nghĩ đc có vậy thôi à, ngay từ câu đầu tiên bạn đã đánh đồng và áp đặt suy nghĩ của bản thân cho số đông rồi à ? Nhưng cũng cảm ơn bạn về một cách nhìn mới …

  4. Mọi lý luận đếu khá ổn ngoài việc bạn nên thêm cụm từ “hầu hết”. Và làm ơn đừng có đánh đồng việc khác trong suy luận của bạn. Mình thấy việc ăn thịt chó chẳng có vấn đề gì mà chúng ta phải nên án (mình không ăn thịt chó và cũng rất thích chó). Và cái “văn hóa vỉa hè” bạn nói cũng k ổn, bạn biết được bao nhiêu về nó mà bạn viết như vậy. Hay chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực hiện tại mà suy xét. Mặc dù thực ra hiện tại thì đúng là thế.

  5. Sau ngày làm việc uể oải thì việc ngồi uống ly trà để thư giản và chuyện trò cùng bạn bè của mìh thì còn j bằng, đó cũng là 01 cách xả stress het sức bìh dân. trà đá k hề vô vị như bạn nói

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI