16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Lãng đãng Thị Mầu

*Tranh: Thị Mầu lên chùa (unknown artist)

 

Nửa đêm cái chân đau đau, cái người đau đau sau cái tai nạn hồi chiều, ta nằm xem chèo trên tivi, chiếu chèo giữa sân đình, và ai đó đang diễn lại cảnh Thị Mầu lên chùa, trích đoạn kinh điển nhất của bộ môn đậm văn hóa Bắc Bộ này.

Ta không thích Thị Mầu trong trích đoạn đang xem. Có lẽ vì Thị Mầu quá cứng, dẫu có đong đưa sàng xê thì cũng không ra chất, có lẳng mà chẳng có tình. Đôi mắt lá răm không còn đủ lúng liếng và ánh lên nét nghịch ngợm của cô thiếu nữ quen được nuông chiều nữa. Nói cho chính xác là Thị Mầu này chẳng có chút sức sống nào, trơ cứng và trả bài.

Nhớ lần đầu xem, là Thu Huyền diễn, chẳng có chút khái niệm gì, nhưng đọng lại vẫn cái ấn tượng yêu Thị Mầu đến lạ. Bao đời người ta ghét Thị Mầu rồi nhỉ? Ta vẫn ước được như cô nàng xấu xa này. Tưởng lại, ngày Thị Mầu mới lớn, hồn nhiên, xinh đẹp và vô tư. Ừ thì nàng ta lẳng lơ, đong đưa. Già chẳng bỏ, nhỏ không tha. Thằng Nô không chừa mà Thầy Kính cũng chẳng được để yên, ghét làm sao mấy ông sư giả vờ, ta đây trêu ghẹo cho bỏ ghét.

Nàng là một “gái hư” điển hình của người Việt. Nàng bị phê phán, là đối trọng để nâng được cái đoan trang, hiền thục, chuẩn mực và nhân hậu của Thị Kính lên đến cùng. Nhưng ta đố, ai có thể học được cách lẳng lơ, một cách tự nhiên và tỏa hương như Thị Mầu, nếu như không phải là trời sinh bản tính. Dù cho có học, thì cũng chẳng sao chép được cái chất lả lơi toát ra từ bản thân, vẫn là một cái cây được ghép cành, chứ không phải mọc ra từ đất, đón lấy khí trời để hát ca và lả lơi với gió.

Và ta đoán chắc, một cô nàng Thị Mầu ngoài đời, khi cái tính lẳng lơ có sẵn từ trong toát ra, thì chẳng cần phải cường điệu, hay nói như từ ngữ của teen bây giờ là chẳng cần “dẹo” cũng vẫn lắm người xin chết cả đời. Thị Mầu rất lẳng, nhưng cũng rất tình. Thị Mầu nữ tính và căng tràn nhựa sống. Thị Mầu cứ hồn nhiên với chính bản thân của mình. Mặc kệ tất cả những người khác.

Ngày xưa, hẳn lắm kẻ thèm Thị Mầu, nhưng vì sợ bị chửi, sợ bị ném đá, nên rốt cuộc phải nuốt nước bọt vào trong. Và với cái tâm lý bao đời, ăn không được thì đạp đổ, người ta sẽ thêm thắt một chút, tưởng như người vốn đã xấu xa, còn phải đóng thêm cho tròn cái vai ác nữa. Có ai nghĩ, Thị Mầu chính là ước mơ tận sâu thẳm của những người đàn bà, thèm khát được tự do, được nói năng thoải mái, và thoải mái với sự nữ tính của mình mà chẳng nhất thiết phải dùng đến cái đầu đầy lí trí, sợ mình đi chệch và thoát ra khỏi cái khuôn: “Công-dung-ngôn-hạnh”

Thế cho nên lắm kẻ cùng giới ghen tị với Thị Mầu, nào đồ trắc nết, nào đồ lẳng lơ, tại sao trong khi mình phải khổ sở thế này, kín đáo e dè thế này, ăn chẳng dám ăn, nói chẳng dám nói thế này, mà nó lại được phởn  phơ, sung sướng, đú đởn thế nhở? Và rồi, họ tự an ủi bằng cách nghiễm nhiên tự đề cao, nâng mình lên một bậc, đẩy cho cô gái hồn nhiên kia bẹp dí dưới chân mình. Mình tự hào rằng mình cao quý, còn cái đứa ấy thật là đồ rác rưởi, bỏ đi. Ôi, Mầu ơi là Mầu, hồn nhiên cũng là một cái tội đấy!

Bản thân Thị Mầu thời ấy không dùng Internet, không đọc sách báo xa gần, mải lo lẳng lơ nên không có điều kiện cập nhật thông tin để biết mình là con cháu và bản sao chuẩn nhất của Mẹ Eva. Ngày xưa Eva mà không lẳng lơ với Adam, không dụ khị chàng cùng ta ăn trái cấm, thì làm sao mà có được loài người với đầy đủ hỉ nộ ái ố của đời sau, để mà gióng mỏ: Chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ đông tây…

Tóm lại một điều Thị Mầu bị ghét là phải, bị ghen tị là phải, và bị chửi đời đời là phải. Chỉ bởi: Nàng ta may mắn không được đưa lên bệ thờ! Nàng ta quá sung sướng được sống thật, sống hồn nhiên!

 

Axon

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

12 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI