19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Mùi và Phả – Ngày ấy và bây giờ

*Featured Image: Nguyễn Khánh/Tuổi Trẻ Online

 

Liệu các bạn còn nhớ bộ ảnh Mùi và Phả của nhiếp ảnh gia Justin Maxon – bộ ảnh đã đoạt giải nhất tạp chí ảnh thế giới năm 2008 hạng mục Daily Life. Quả thật, bộ ảnh đã đem lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, bởi những giá trị nhân văn, bởi tình mẫu tử cao đẹp… và còn nhiều hơn thế nữa. Ấn tượng đó đã thôi thúc tôi phải đi, phải đến và phải tìm hiểu để làm rõ hơn đằng sau bộ ảnh tuyệt diệu đó là một số phận con người như thế nào. Nghĩ là làm, tôi rủ thêm một người bạn nữa, chúng tôi xách máy ảnh lên… Và đi khi tất cả những gì chúng tôi biết chỉ là một điểm đến Văn Quán (Hà Đông).

Có câu: “Cứ đi… sẽ đến” Và đúng là chúng tôi “đến” thật, thậm chí còn khá dễ dàng, chỉ sau một lời hỏi thăm. Đứng trước căn hộ nhỏ nằm sau khúc quanh tầng 7, nếu không dám chắc đây là nhà của “mẹ điên”, tôi đã nghĩ đây chắc hẳn là mầm non tư thục bởi vô số chữ viết và hình vẽ chi chít trên cửa. Sau khi bấm chuông cửa, đón tiếp chúng tôi là một chú mèo tam thể khá đẹp, nhưng cậu này có vẻ không hề mến khách khi lại cong đuôi bỏ chạy. Thật may mắn cho chúng tôi, chủ nhà Nguyễn Tuấn Nghĩa lại vô cùng niềm nở và hiếu khách. Có vẻ như anh đã quen với việc có người lạ đến thăm.

Anh Nghĩa là một người rất cởi mở, anh sẵn sàng chia sẻ mọi thứ về cuộc sống. Khi được hỏi tại sao anh lại yêu và muốn gắn bó với một người mang tiếng là “điên” và mắc bệnh “truyền nhiễm” như chị Mùi, anh tâm sự: “Tình yêu mà tôi dành cho Mùi là một thứ tình yêu thánh thần Platon, không phải là thứ tình yêu ích kỉ tầm thường. Tình yêu này vượt lên trên cái chết của chính bản thân mình. Đây là tình yêu vô cùng chân chính, hướng đến giải thoát người khác. Bởi tôi muốn cảm hóa dần dần con người Mùi.”

Anh còn tự nhận mình là thánh thần, là cha mẹ chúng sinh, bởi anh quan niệm: “Trong cuộc sống, không nên phân biệt đâu là cha mẹ, đâu là con cái mà đơn thuần chỉ có hai loại người là người trưởng thành và người chưa trưởng thành. Người giác ngộ là thay của người. Tôi chỉ kính những người giác ngộ trước tôi. Văn hóa tuyên truyền của xã hội là sai, không nên đua đòi theo xã hội. Mô hình nhà trường, gia đình còn nhiều khiếm khuyết, nên để cho trẻ phát triển tự nhiên.”

Bởi suy nghĩ tiêu cực như thế nên anh không cho các con đến trường mà chỉ tự dạy chúng ở nhà. Nhưng chỉ e rằng, khi còn mang cái tôi như vậy, liệu anh có thể dạy lũ trẻ trở nên những con người có ích cho xã hội trong khi chính bản thân anh không thể tự nuôi sống chính bản thân mình?
Tôn sùng Phật pháp, nhưng trái với lối sống của Phật là tránh xa nhục dục, anh lại đam mê nó. Không chút ngượng ngùng, anh khoe những “chiến tích” chinh phục các cô gái như thế nào. Hầu hết các cô gái đó đều được anh “nhặt” trên đường đi tập thể dục dọc sông Hồng. Không ngại ngần, anh còn bảo trong số mười cô mà anh “nhặt” được ấy, có đến chín cô là có quan hệ tình dục với anh. Anh còn bảo: “Mong ước của tôi là được lấy vợ mới, có thêm con trai.”

Không phải là tôi cố tình nhiều chuyện hay phê phán lối sống dễ dãi, buông thả của các cô gái ngày nay (nếu đó có là sự thật đi chăng nữa) mà điều tôi muốn nói ở đây là sống với một người chồng như thế, liệu chị Mùi có thực sự hạnh phúc?

Đành rằng chị đã có một mái nhà, chị không phải lang thang bờ bụi ngoài sông Hồng nữa nhưng cuộc sống của chị đâu có yên bình và thay đổi nhiều là mấy khi hàng ngày chị vẫn phải đi xin ăn ở các chợ; chính anh Nghĩa cũng bảo chị là trụ cột chính chứ anh chẳng làm ra tiền. Liệu đó có phải là một cuộc sống vợ chồng đúng nghĩa khi trong nhà thường xuyên có sự xuất hiện của những người phụ nữ thứ ba, phải chứng kiến cảnh họ thân mật cùng nhau, bởi căn nhà hầu như không có cánh cửa ngăn cách.

Chị Mùi, theo ấn tượng của chúng tôi, vô cùng hiền dịu và kiệm lời, chị khẽ nép mình bên cạnh chồng và dịu dàng ôm lấy Hạnh (đứa con gái chung của chị và anh Nghĩa), vẫn không quên nhắc cô bé chào chúng tôi. Người phụ nữ đó, đâu có “điên”, thậm chí chị rất tỉnh. Và thẳm sâu trong đôi mắt chị, chúng tôi cảm nhận một nỗi buồn vời vợi. Khi được hỏi mong ước lớn nhất của chị là gì, chị trả lời: “Chị chỉ muốn chuyển đến nơi ở mới, ở gần đứa con đang ở Hải Dương, không ở cùng chồng nữa.”

Vậy đấy, không phải là mơ ước về một cuộc sống với vật chất đủ đầy, chị bình dị và đẹp như trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Justin Maxon thuở nào, có chăng thời gian chỉ làm đằm thêm nét đẹp ấy. Và thực sự thì trong cuộc hôn nhân “lệch pha” này, liệu ai mới thực sự là người may mắn?

Trước khi rời khỏi nhà anh chị, chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm mẹ anh và thắp hương cho bác trai. Bác gái là một người phụ nữ thân thiện và tốt bụng. Bác vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi nhưng từ chối khi chúng tôi xin một bức ảnh. Mặt trời đã lên cao, chúng tôi ra về trong lòng không khỏi vương vấn những câu hỏi còn để ngỏ, đặc biệt đau đáu một nỗi niềm trăn trở: “Tương lai của những đứa trẻ va chị Mùi sẽ đi đâu về đâu?”

 

  Lê Hoài Thương

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

  1. Cám ơn những thông tin chia sẻ của bạn, mình vẫn nhớ bộ ảnh Mùi và Phả của Nhiếp Ảnh Justin Maxon, sau đó đọc báo và đc biết chị Mùi đã tìm được bến bờ của mình, nhưng sau khi bạn chia sẻ những thông tin này thật sự mình thấy khá hoang mang.

Trả lời Ka Ka Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI