18 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Học “Dũng” để làm cho cuộc đời trở nên đầy màu sắc

Photo by Deep-Fried Goodness

 

“Sư Thượng Đường kể:

Ngày xưa, có một con chó bị bệnh ghẻ lác, nên bị chủ quăng bỏ ra ngoài bờ sông. Cạnh bờ sông có một vị sư già sống trong một am cốc nghèo nàn, ngày ngày đi khất thực để sống. Trông thấy con chó đói bệnh, vị sư động lòng từ mẫn, đem về săn sóc, chia bớt cho nó phần ăn hàng ngày sư xin được, tắm rửa, xức thuốc cho nó. Chẳng bao lâu nhờ sự tận tâm của sư mà con chó khỏi bệnh, lông lá mọc lại trên thân, trở thành một anh chó bảnh bao, dễ nhìn. Nhà sư đặt tên nó là “Tu Ði”, có ý muốn thọ ký nó phát tâm tu hành để chuyển nghiệp chó.

Nhưng từ khi khỏi bệnh, Tu Ði đâm ra ưa lêu lổng. Nó tìm gặm những cục xương của người ta vứt bên bờ sông, và bỗng thấy hết ưa mùi vị tương chao của nhà sư tốt bụng – người đã cứu tử nó. Ngày ngày nó đi tìm ăn những cơm thừa cá vụn nên đâm ra quen mùi trần tục. Một hôm nó đang ngồi bên bờ sông nghễnh mõm nhìn ngóng sang bên kia bờ, bỗng một làn gió từ bên ấy tắt qua, thơm phức mùi thịt xào hành mỡ. Nó tung mình nhảy xuống sông lội về hướng ấy. Khi nó lội đến giữa dòng thì nhà sư cũng vừa về tới am, không thấy Tu Ði ngài ra sông tìm. Thấy con chó thân yêu đang chới với giữa dòng theo tiếng gọi của dục vọng, nhà sư tha thiết gọi nó quay về:

– Tu Ði! Con nỡ nào bỏ thầy già yếu cho đành? Con hãy mau quay về với thầy. Tu Ði, nào có mùi vị gì nơi một mảnh xương khô của trần tục, con chỉ tự ăn nước bọt chính con tiệt ra đấy mà thôi. Hãy quay về, hỡi Tu Ði!

Con chó nghe lời thầy gọi vội vã quay trở lại, nhưng nó vừa quay lưng với bờ kia thì bỗng một làn gió từ bên ấy hắt lại, tạt mùi thịt ngon lành vào mũi nó. Không cưỡng được, nó lại bơi trở lui về hướng thịt xào. Bên bờ này vị sư lại thiết tha khuyên nhủ. Con chó cầm lòng không đậu cũng quay lại, nhưng vừa muốn quay lại với thầy, thì gió lại đưa mùi thịt xào đến mũi nó, cứ thế Tu Ði quay qua lộn lại giữa dòng sông không thể quyết định được. Và cuối cùng nó bị chết chìm ngay giữa dòng.

Kể xong câu chuyện, sư lui về tịnh thất nghỉ. Các đệ tử ngồi lại kháo nhau: Huynh cho câu chuyện ấy có nghĩa gì?

– Một người nói: Ðó là cái chết thảm khốc của một kẻ bội bạc, phản chủ.

– Người thứ hai: Tai họa xảy đến cho những kẻ nào không quyết đoán.

– Người thứ ba: Các huynh nói đều đúng cả, nhưng theo tôi thì, thầy mình có ngụ ý. Con chó tượng trưng cho người khởi sự tu tập, tại gia hay xuất gia. Vị thầy là Phật tánh, lương tri sẵn có nơi mỗi người. Mùi thịt xào với làn gió là sự cám dỗ mời gọi của sắc thanh hương vị xúc pháp, tức sáu trần. Dòng sông tượng trưng cho sanh tử. Người nào đã thấm nhuần chút đạo lý, thì đạo lý ấy trong họ trở thành một thứ đại bổ hoặc kịch độc. Ðại bổ là khi sống thuận theo ánh sáng mình đã thấy, kịch độc là khi mình không cưỡng nỗi tiếng gọi của sắc trần mà quay lưng với đạo, chạy theo thanh sắc. Thỉnh thoảng tiếng gọi của lương tri nổi dậy, nên người ấy không thể nào dứt khoát chạy theo thanh sắc như người thế tục chưa từng biết đạo, mà cũng không thể quay về, cho nên phải chết chìm giữa dòng sông sanh tử.”

Thích Nữ Trí Hải | Nỗi Lòng Tu-Đi 

Nếu như có một chữ “Dũng” xuất hiện trong đầu Tu Đi lúc đó?…

Thời Đức Khổng Tử dạy rằng, người quân tử là người có ba đức tính lớn: Nhân, Trí, Dũng. Thời Mạnh Tử thì nêu ra đức tính con người cần có, bao gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong phạm vi bài viết này, cũng như xuất phát từ câu chuyện của chú chó Tu Đi, tôi đề cập đến chữ Dũng – Dũng trong nghĩa rộng ở việc hình thành một con người an nhiên tự tại.

Dũng để đi tiếp hay quay trở lại, Dũng để vượt qua những cám dỗ của cuộc đời và đấu tranh nhỏ nhoi, đối diện với nghịch cảnh, đạt được một điều gì đó, dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa. Học “Dũng” để dám làm, dám chịu, dám đối diện với bất cứ điều gì trong cuộc sống với một tâm thế sẵn sàng, nhẹ nhàng đón chờ một cuộc sống đầy màu sắc với đủ các mảng sáng và tối.

Bạn tự hỏi rằng tại sao cuộc sống của mình cứ bình bình, mọi thứ trôi qua một cách hững hờ, có những lúc chấp chới của việc đấu tranh nội tâm “Tôi phải thay đổi” “Tôi phải làm một điều gì đó” “Tôi muốn cuộc sống của mình nhiều màu sắc hơn”… Nhưng có phải chăng – Bạn đang sợ?

Bạn đang không dám đối diện với thực tế cuộc sống đẹp đẽ của mình để bước chân ra khỏi “vùng thoải mái” “vùng an toàn”, dám đối diện với sự biến động hàng ngày của cuộc sống, vì dù thế nào đi chăng nữa mọi chuyện cũng sẽ xảy ra, dù tốt dù xấu – quan trọng là thái độ của bạn khi chào đón niềm vui của thành quả đạt được hay bình thản đối diện và xuyên qua nghịch cảnh của sự lựa chọn đó.

Mọi chuyện xảy ra đều tốt! Chuyện đã xảy đã tốt rồi. Chuyện đang xảy ra tốt. Chuyện không xảy ra cũng tốt. Chuyện sẽ xảy ra chắc chắn rồi cũng sẽ tốt thôi.

Thực tế ở đời, mỗi người thường có các điều kiện sống đa dạng, mức độ nhận thức ở các cấp độ khác nhau, cách biểu hiện, hành xử hay lối suy nghĩ cá nhân… Cũng là những cái làm nên “đặc điểm nhận dạng của một con người.” Xây dựng nên nhân tính của một con người gồm có: Tình cảm, lý trí và ý chí và chúng thường có mối liên hệ mật thiết, hữu cơ, ảnh hưởng qua lại với nhau. Và chữ Dũng thì nằm trong phạm trù của Ý chí – Dũng để tri phối tình cảm và điều khiển lý trí.

“Lặn xuống đáy biển mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ, báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mệnh và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân…” – Nguyễn Duy Cần (Trích sách: Cái Dũng Của Thánh Nhân)

  • Dũng là dũng cảm, gan dạ, mạnh dạn. Dũng khí là tinh thần can đảm.
  • Dũng để dám làm, kiên nhẫn với những gì xảy ra trong cuộc sống, đi xuyên qua nó để chiêm nghiệm và thực sự hiểu được bức tranh muôn màu của cuộc sống. Sẽ có những lúc đau và phải trả giá bằng giá trị và con người đáng quý của bạn nhưng điểm tô trong đó sẽ là những niềm vui rực rỡ, bạn sẽ thực sự ngấm và trải “cái nỗi đau của nghịch cảnh” để mạnh mẽ và tu rèn cái tâm hướng thiện.
  • Dũng để thử thách bản thân ở những trải nghiệm mới, sẽ đẹp và lung linh lắm khi đối diện với nó là một cái tâm “dám chấp nhận”. Vượt qua rào cản của nỗi sợ hãi, của ràng buộc bởi thói quen cũ, của suy nghĩ khép kín, lối sống an toàn để dám hành động vì niềm đam mê và sở thích cuối cùng để rồi kết quả “được gì” hay “mất gì” thì cũng sẽ là việc đáng xảy ra tại thời điểm đó, không một chút hối hận và “không bị chết giữa dòng.”
  • Dũng để buông bỏ từ tâm. Đã bao giờ bạn níu kéo một cái gì đó mà không dám mất nó trong cuộc sống của mình? Dũng để tiến nhưng cũng hãy đủ lý trí và hiểu biết để lùi, để bỏ bớt đi những gì đang vướng nặng trong tâm trí và đặt nặng lên đôi chân nhỏ bé của bạn.
  • Dũng để có một lòng hy sinh cao độ, một ý chí sắt đá tuyệt vời – Dũng để đối diện với biến động ồn ào với “một cái đầu lạnh” để biết mình nên làm gì, cần phải làm gì hoặc cũng có thể đôi khi sẽ là “thử liều làm gì”.

Cuộc sống sẽ muôn màu muôn vẻ và rực rỡ lắm nếu như thực sự bạn đối diện với chữ “Dũng” và hiểu được hoàn cảnh ấy, thực sự sống và chấp nhận với những gì trong con người bạn. Hãy đừng lưỡng lự, đừng chấp chới, cẩn thận nhưng đừng dừng lại suy nghĩ quá lâu mà mất nguồn lực cho giá trị thời gian, công sức, tiền bạc hay thậm chí cả những điều cốt lõi bên trong con người thật của bạn nữa.

Hãy “Dũng”! Đứng lên để quyết liệt dám bước, dám chấp nhận, hành động theo con tim, mạo hiểm cuộc đời mình và rồi bạn cũng sẽ được tưởng thưởng xứng đáng thôi!

 

 

Bùi Phương Linh

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

7 BÌNH LUẬN

  1. Không thích cách dùng từ kể lại câu chuyện Tu Đi của tác giả. Cách kể và dùng từ đó mặc nhiên khiến Tu Đi trở thành một con chó bội bạc, câu chuyện trở nên thiếu khách quan.

    Tu Đi là chó. Ăn thịt, gặm xương là bản năng tự nhiên của loài chó. Tu Đi thuận theo tự nhiên, chạy theo bản năng chẳng có gì là sai, nếu không muốn nói đó là điều rất tốt. Tại sao vị sư già lại cứ muốn một con chó ăn chay giống mình? Nếu liên tưởng Tu Đi là một đứa trẻ, vị sư già là bố mẹ, thì đứa trẻ đó đang bị bố mẹ đặt những áp lực những kỳ vọng thiếu thực tế.

    Từ nhỏ con đã vẽ đẹp, con thích vẽ, sau này con muốn trở thành họa sĩ. Nghề vẽ vời thì nghèo lắm con ơi, họ nhà mình ai cũng làm trong ngành y, sau này con cũng vậy, con sẽ làm bác sĩ. Đứa trẻ bị mặc kẹt ở giữa ước mơ bản thân với kỳ vọng của gia đình. Và ước mơ của đứa trẻ bị trôn vùi, giống như Tu Đi kiệt sức chết giữa dòng suối. Người có lỗi ở đây là vị sư già.

    • Cảm ơn những đóng góp của bạn! Ở một phương diện nào đó việc áp đặt và bắt ép người khác trong một việc gì đó là không nên và chưa bao giờ là phù hợp trong cách nghĩ của một người “dũng”. Trong phạm vi bài viết này, tôi trích dẫn câu chuyện khi liên tưởng đến quyết định của Tu Đi giữa việc dám bơi sang bờ bên kia hoặc quay trở lại với thầy. Nếu nó bình tâm và có đủ một chữ “Dũng” xuất hiện chắc hẳn cũng không bị chết giữa dòng như vậy. Còn câu chuyện giữa việc lựa chọn giữa đi tu và phàm tục của một con chó xin bàn ở một chủ đề khác.

Trả lời Ba Đẹp Trai Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI