20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

99,99% chúng ta hiểu sai về đam mê

*Photo: 1crzqbn

 

Đề tài ĐAM MÊ hẳn không xa lạ gì với mọi người. Quá nhiều người đã viết, đã nói, đã diễn thuyết về đam mê theo vô vàn khía cạnh khác nhau, kèm theo những minh chứng hùng hồn về hiệu quả của đam mê đối với cuộc sống, đối với ai theo đuổi thành công và truy cầu hạnh phúc…

  • Một họa sĩ thành công cần có đam mê
  • Một doanh nhân thành công cần có đam mê
  • Một nhà khoa học thành công cần có đam mê
  • Thậm chí một chàng trai trăng hoa thành công cũng cần có đam mê!

Đó là tất cả những gì dễ liên tưởng nhất khi nói về đam mê.

Như vậy rõ ràng đam mê theo nghĩa đó có nghĩa là bị hấp dẫn, bị lôi cuốn, bị nhập tâm, bị thèm muốn, bị chi phối một cách mãnh liệt hướng tới một thứ gì đó cụ thể. Ví dụ: Đam mê làm giàu!

Đam mê hay nghiện?

Nếu cố gắng liên tưởng rộng hơn chút nữa, chúng ta chẳng thấy sự khác nhau mấy giữa những người “đam mê” đó với người nghiện thuốc lá, nghiện heroin, nghiện sex…

Thay vì nghiện những thứ tôi vừa liệt kê, “những người có đam mê” của chúng ta nghiện thứ khác: Tiền, danh vọng, kiến thức, sự hoạt động thể chất (ví dụ quá thích chơi môn thể thao nào đó), khoái lạc tinh thần (thứ mà chúng ta đặt tên rất mỹ miều là hạnh phúc) và vô vàn những thứ khác.

Vậy đam mê mà hay được nhắc tới là sự thiên vị đặc biệt đối với một hoặc một số nhỏ hoạt động nào đó trong cuộc sống chúng ta, khi đó, những hoạt động khác trở thành thứ yếu, không quan trọng! Chúng ta nói cần phải có đam mê theo cách nhìn đó!

Bị định hướng: Tất thảy những thứ mà loài người đang tìm kiếm là tập hợp những giá trị sẵn có, vốn đã bị đám đông hoặc các hệ thống chính trị, tôn giáo, xã hội… mặc nhiên xem là có giá trị đặc biệt. Ví dụ: Tiền-vật chất, danh vọng, quyền lực, địa vị, sự công nhận, tri thức…

Trong dữ liệu của bạn, có gì khác ngoài tập hợp đó?

Bạn đã bị đào tạo, bị tiêm nhiễm từ bé để mặc nhiên xem trọng hệ giá trị đó. Bạn đã mê chúng rồi, không mê cái này thì mê cái khác! Đó chính là lí do mà rất nhiều người không thể biết được họ “đam mê” thứ gì, vì có quá nhiều thứ để lựa chọn. Thực ra, bạn đang bị lôi vào những thứ nghiện ngập. Tại sao ư? Càng nhiều con nghiện heroin thì heroin mới có giá! Càng nhiều con nghiện tiền thì tiền mới có giá!

Nhiều người nói họ đam mê cái này, họ đam mê cái kia nhưng thực ra họ đang mắc kẹt vào những thứ đó, khó thoát. Cơn nghiện vật chất hiện nay của xã hội là biểu hiện rất rõ ràng của đam mê bị hiểu sai. Nó phải bị hiểu sai thôi vì có nhiều người muốn bạn hiểu sai về đam mê, càng sai càng tốt. Họ sẽ cực kì có lợi từ việc đó! Khi bạn bị dính vào sự nghiện ngập đó, bạn cực kì dễ bị sai khiến!

Vậy đam mê thật sự là gì?

Bạn đã bao giờ bắt gặp loại người mà xung quanh của họ là một bầu không khí thật đặt biệt chưa? Bầu không khí của tự do và tình yêu cuộc sống. Bầu không khí của cảm hứng. Bầu không khí của sự kết nối sâu sắc vào mỗi hành động của họ.

  • Khi họ làm việc kiếm tiền họ sẽ làm hết mình.
  • Khi nghỉ ngơi họ sẽ chẳng quan tâm đến công việc.
  • Khi yêu họ sẽ yêu.
  • Khi chơi thể thao họ sẽ hòa làm một với thể thao.
  • Khi ăn họ sẽ ăn ngon lành.
  • Khi trò chuyện họ lắng nghe theo cách đặc biệt và trao đổi với mọi người ân cần, cởi mở.

Họ làm bất cứ thứ gì cũng với cảm hứng và với năng lượng cao. Thậm chí khi người đó buồn bạn cũng sẽ thấy cách họ đối diện và đốt cháy nỗi buồn ra sao!

Đó mới chính xác là đam mê. Đam mê đó có nghĩa là một trạng thái sống đầy mãnh liệt nhưng không lệ thuộc vào bất cứ một việc cụ thể nào. Đam mê đó cần sự thức tỉnh và thông minh tuyệt đỉnh. Vì cuộc sống là tập hợp của rất, rất nhiều hoạt động khác nhau. Cớ sao ta chỉ thiên vị một vài hoạt động?

Làm thế nào để có đam mê thật sự?

Cần một cuộc cách mạng nội tâm

Việc đầu tiên là phải hiểu rõ toàn bộ hệ giá trị mà bạn đang mặc nhiên tin vào là do xã hội, chính trị, tôn giáo bày ra. Bạn phải tự mình xem xét điều đó. Khi bạn đọc nội dung tôi viết thì đó chỉ là thông tin được truyền tải, rất hời hợt. Chỉ khi bạn bắt đầu xem xét, truy xét đến tận cùng xem thử điều tôi nói là đúng hay sai thì lúc đó mới có sự thay đổi nhận thức xảy ra.

Khi bạn tự nhận ra bạn bị lừa!

Hãy suy nghĩ về điều đó thử xem, khi bạn bừng tỉnh!

Tôi đã bừng tỉnh vào một thời khắc rất đặc biệt trong đời mình. Cuộc sống của tôi từ đó mới có trật tự. Tôi mới nếm trải được đam mê sống có nghĩa là gì. Tất thảy những gì tôi nghe từ người khác về đam mê đều là thứ rẻ tiền và ngu ngốc thảm hại.

Hãy tự hỏi chính bạn rằng nếu bạn cứ đeo đuổi một vài thứ mà bạn cho là quan trọng (thật ra thì cũng là ai đó nói cho bạn nó quan trọng) và bỏ qua nhiều thứ khác thì bạn có thực sự cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hay không?

Cuộc sống thì quá nhiều, vậy mà chúng ta lại chọn quá ít. Thế là thông minh sao?

Hãy nghĩ về điều này: Đi tắm cũng cần phải đam mê! Khi bạn tắm với đam mê, khi bạn cười với đam mê, khi bạn ngủ với đam mê, khi bạn nhìn ngắm với đam mê, khi bạn lái xe với đam mê, khi bạn viết lách với đam mê. Khi bạn sống với đam mê!

Tôi cá với bạn, đó là cuộc sống như trong mơ! Mà mơ là thế nào, ngay cả trong giấc mơ hoang đường nhất của bạn, bạn cũng chưa bắt gặp cuộc sống đó đâu!

 

 

Mr. Bow

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

49 BÌNH LUẬN

  1. bài nay hay quá, đúng là ngày nay chữ đam mê bị ” lợi dụng” ko ít, mình cũng đang tìm kiếm đam mê, thực ra trước kia mình đã từng nếm trải rồi, đó là môn hóa học, ngày trước mình mới học lớp 7, qua nhà ông anh họ, thấy cuốn hóa lớp 8 thì cầm đọc chơi, kể từ đó với mình đọc hóa và thí nghiệm là sự say mê, dù nhiều khi đọc hóa 11-12 mình chả hiểu gì vì chưa học tới, sau đó lên lớp 11 mình đc ông thầy luyện thành “gà chọi” thi học sinh giỏi quốc gia, mình làm nhiều bài tập dù ko thích lắm, và đc vào đội tuyển thi, nhưng thú thực kể từ đó mình học hóa chỉ vì mơ tưởng1 ngày đó thi Olympic SV, đoạt huy chương..chứ chẳng vì đam mê, yêu thích gì hết. nói dễ hiểu theo mình đam mê nó khó sống chung với thành công lắm ( danh tiếng, tiền bạc), nếu theo đuổi đam mê ( xem là nghề tay trái hay nghề chính) thì đơn giản vì bạn yêu thích, chịu khó, chịu khổ thôi ( trong cái khổ có cái sướng) chứ đừng theo tụi nhà báo nó thêu dệt mà mơ tưởng mình sẽ giàu có vãi ra, hay ai ai cũng biết tới, như thế nó buồn cười lắm.. giống như 1 nhà tu hành miệng nói “sắc sắc không không ” nhưng thấy gái đẹp là thèm chảy nước ^ ^

  2. – Cám ơn trang đã chia sẻ những điều bổ ích cho cộng đồng ham học hỏi .
    – Công nhận một điều là đây là trang mình thấy có nhiều tương tác giữa quan điểm người viết và người đọc, có như thế thì quan điểm sẽ càng sáng tỏ hơn vì có rất nhiều quan điểm tương tác .
    – Riêng mình rất thích cách một đứa trẻ chơi đùa hay làm việc gì đó . Mình rất thích cái tinh thần lúc đó của chúng.

  3. Tôi thấy định nghĩa đam mê của bạn giống với sự tập trung hơn. Khi ngủ ta chỉ ngủ, khi ăn ta chỉ tập trung đến việc ăn. Tôi chưa nhận ra được sự khác biệt giữa đam mê của bạn và sự tập trung mà tôi nói.

  4. Đầu tiên tôi cảm thấy bài viết rất hay và chân thật.Nhưng cho phép tôi được đưa ra 1 vài ý kiến cá nhân của mình
    Thứ nhất. tác giả có cách đặt tựa đề khá thu hút nhĩ. !Mà hình như đâu ai khảo sát âu. Nhưng đây là cách Pr hay. Cái này tôi sẽ học hỏi.
    Thứ hai: Thật sự đọc bài viết này xong tôi càng khá mơ hồ với từ đam mê. Vơi ý kiến cảu tác giả ” đam mê là sự dung hòa mọi thứ, cố gắng làm hết sức mình với mọi việc, cái gì cũng đổ 100% đam mê”. Thật sự điều này rất khó, ai có thể dung hòa tất cả chứ. Nếu cái gì cũng bình bình thì làm sao trở thành 1 người đặc biệt được.”Một nghề chín còn hơn chín nghề mà”.Cái gì anh cũng làm, thì làm sao anh có thể giỏi được. Cuộc sống đôi lúc phải đánh đổi chứ. Đôi lúc cũng cần thiên vị mà.
    Trên đó chỉ là những suy nghĩ cá nhân tôi thui. Vì là 1 người ăn nơi không giỏi nên có phần rời rạc. Tôi thì thích quan điểm:Làm gì thì cũng cần làm 100% nỗ lực, nhưng đôi lúc không tham lam.Chúng ta chỉ chọn 1 vài trong tất cả thui. Xin cám ơn vì đã đọc. Mong nhận được nhiều góp ý từ mọi người

  5. Bài viết rất có ý nghĩa: tôi thấy rằng nếu một người sống vì đam mê, thì ắt hẳn người đấy sống rất hạnh phúc với chính những gì mà người ấy đang làm. Và chính vì đam mê sẽ mang lại cho chúng ta những điều tốt đẹp cho chúng ta.

  6. triết học đường phố đúng là một đống hỗn độn các thể loại lý luận, và rơi vào cái đống này chắc cũng giống như rơi vào cái đống hỗn độn ngoài xã hội kia

  7. dafuq did i just read??? Thưa bạn tác giả, trừ phi là bạn đang nói về 1 sự thật khách quan nào đó, chẳng hạn như “99.99% chúng ta hiểu sai về nguyên lý hoạt động của blah blah blah gì đó hoặc là bản chất tự nhiên của cái gì đó”, thì còn được, chứ với 1 khái niệm về mặt từ ngữ mà con người tự đặt ra như “đam mê” thì một khi 99.99% chúng ta dùng từ “đam mê” theo cách đó thì đương nhiên nó là “đúng”, vì ngôn ngữ là do con người đặt ra, khi 99.99% mọi người đều dùng nó với ý đấy thì nó chính là ý đấy. Cái mà bạn gọi là “đam mê đúng nghĩa” có thể dùng những từ, những cách khác để diễn đạt, còn khi một người chỉ chuyên tâm và dành hết nhiệt huyết cho 1 nhóm nhỏ các hoạt động thì chẳng có cớ gì mà bạn có quyền phủ nhận đấy không phải là “đam mê” và bảo nó chỉ là “nghiện” cả. Cái ý bạn muốn hướng đến trong bài viết thì cũng tốt nhưng lý lẽ, cách áp đặt quan điểm và giật tít thì… ko chấp nhận được

  8. Em đã tìm thấy đam mê của mình trong 1 công việc, đã theo đuổi nó 3 năm nay và vẫn tiếp tục theo đuổi. Với em, nó xuất phát từ 1 biến cố rất lớn với cuộc sống, làm cho chúng ta bị ” nhục “, bị ” đớn hèn ” trước sự kiện đố đến tận đáy của bản thân. Đó cũng là lúc chúng ta quyết định đương đầu với nó hay ko. Nếu đương đầu, chúng ta sẽ gặp những sự kiện liên tiếp khác mà nó bổ sung cho đam mê về sau. Sức mạnh lớn nhất là tri thức. Em nhận ra kiến thức chúng ta đang biết nó rất nhỏ so với thế giới đang có. Em chọn cách đương đầu với nó bằng cách nghiên cứu rất nhiều tài liệu nước ngoài về cái thất bại đó, và nhận ra càng hiểu nó thì mình ko còn sợ nó nữa, mà còn có thể mang điều đó giúp người khác vượt qua nỗi sợ như mình hồi trước. Và em nhận thấy chỉ với lí do ” nhân văn ” – vì người khác, chúng ta mới tiến xa được trong đam mê, vì càng làm càng có nhiều ý tưởng. Còn nếu chỉ vì tiền bạc và danh vọng, chúng ta sẽ ko mở mắt để nhìn cái lớn hơn 🙂

    • Vậy thì chúc mừng bạn nhé. Còn mình thì vẫn chưa tìm được đam mê của riêng mình. Một phần có lẽ vì nhút nhát và tự ti, không dám hòa hết mình vào cuộc sống. Cái gì cũng tham gia một tí, đụng chạm một tí, nhưng chỉ “một tí” thôi. Nên vẫn loay hoay trong vòng lẩn quẩn của chính mình.

  9. Chỉ cần tìm cách phát triển bản thân , chính bản thân mình thì mới tìm thấy đam mê trong tất cả mọi lĩnh vực chứ chẳng riêng 1 thứ gì mà giá trị xã hội đã công nhận .

  10. Định nghĩa “đam mê” của tác giả giống như là “sống hết mình – ko giới hạn bản thân”. Tôi cho rằng đó là “phong cách sống tích cực” chứ ko phải đam mê.
    Đam mê là điều làm nên khác biệt giữa A. Einstein và Bethoven. Tác giả có thể chửi họ vì ko chịu tập GYM. :))

  11. Cái đam mê mà anh nói nó có phải là đam mê sống? Em nghĩ là có người đam mê sống, có người đam mê thứ khác hoặc cũng có thể đam mê một cuộc sống gắn liền với một cái gì đó hữu hình lắm chứ. Chẳng phải để có câu trả lời đúng thì việc đầu tiên là cần có một câu hỏi thật rõ ràng hay sao? Để họ biết rõ mình cần gì, làm gì, làm như thế nào. Nếu không thì có khác gì người mù?

      • Đa số chúng ta vẫn mù, nhưng cái cách anh định nghĩa đó là đam mê sống. Trong khi bên cạnh đó cũng có rất nhiều đam mê khác. Để đc như anh nói thì nó quả là lý tưởng nhưng trạng thái lý tưởng vốn không tồn tại trong thực tế. Chúng ta vẫn có thể có đam mê dù cho hàng ngày có phải trải qua những việc mà mình chả đam mê tí nào!

        • Thế này nhé: làm thế nào bạn biết trạng thái lý tưởng không tồn tại trong thực tế khi chính bạn chưa trải qua nó? Bạn dùng logic gì để chứng minh điều đó? Trạng thái của Phật, Chúa… là rất lý tưởng nhưng vẫn tồn tại thực tế đó thôi, mặc dù là số cực ít, hiếm hoi! Và 1 điều quan trọng nữa: tôi đang muốn nhấn mạnh rằng đam mê là 1 TRẠNG THÁI, bạn không có nó thì mọi thứ mà bạn tưởng bạn đam mê chỉ là sự nghiện ngập mà thôi. Nghiện ngập cần đối tượng, đam mê thì không!

  12. từ ” passion ” mình từng được giải thích, có nguồn gốc nghĩa là “nỗi đau”, thế nên ko phải ai cũng chịu đựng được nỗi đau nó mang lại khi theo đuổi nó, cũng như khi ngoảnh mặc với mps, bạn cũng sẽ cảm thấy sự “đau nhói” đâu đó trong tâm hồn bạn. Thế nên cách tốt nhất mà mọi người làm giảm đi nổi đau ấy chính là quy đổi nó ra 1 thứ hữu hình, dễ theo đuổi, dễ sờ thấy, thiết yếu là tiền.

    • mình góp ý là có nhiều bài viết đả thông tư tưởng về định nghĩa “đam mê” nhưng vắng bóng những bài viết chỉ làm thế nào để tìm ra đam mê, khi tìm ra và trải nghiệm nó rồi, tự khắc bạn sẽ biết đó có phải là định nghĩa “đam mê” dành riêng cho bạn hay ko thôi à……

  13. hình như chính tác giả mới là ng hiểu lầm ^^ …………. đừng tự đặt ra 1 định nghĩa rồi cho định nghĩa đó là đúng ,con ng k có 1 mẫu số chung nào hết ,có thể bạn giác ngộ theo hướng này ,nhưng ng khác lại tìm được 1 thứ khác dẫn đường ………. cái bạn nói là sở thích ,sở thích thì nhiều nhưng đam mê chỉ có 1

    đam mê là cái bạn sống cho nó & cũng là thứ bạn có thể chết cho nó ,đam mê gần giống sự hưởng thụ ,bạn nếm trái nó ,hưng phấn với nó ,ngất ngây & hài lòng với nó ……… nó là chất kích thích ,1 loại ma túy tinh thần 😀 bạn đam mê giống như bạn yêu ………… khi nó thật sự tới thì k cần lý do với ng khác nó vô nghĩa – vô bổ ,nhưng đối với bạn nó là tất cả cuộc sống

    ” Khi họ làm việc kiếm tiền họ sẽ làm hết mình.

    Khi nghỉ ngơi họ sẽ chẳng quan tâm đến công việc.

    Khi yêu họ sẽ yêu.

    Khi chơi thể thao họ sẽ hòa làm một với thể thao.

    Khi ăn họ sẽ ăn ngon lành.

    Khi trò chuyện họ lắng nghe theo cách đặc biệt và trao đổi với mọi người ân cần, cởi mở.”

    còn cái này xin thưa đó là nhiệt huyết ,khi bạn có lý do để phấn đấu ,để yêu đời ,lý do đó cũng có thể đến từ đam mê ,bạn cần sống ,cần học ,cần làm ,cần kiếm tiền để nuôi dưỡng đam mê của mình ……… & quan trọng đừng nên lấy giá trị của mình áp đặt lên kẻ khác bạn à ,không có đam mê thì đã k có Steve Job k có Bill Gate

    • Hình như Steve Jobs không hạnh phúc gì lắm, Bill Gates cũng vậy! Vả lại tôi không có ý áp đặt gì ai phải nghe theo hay tán thành, vỗ tay nhiệt liệt gì cả.
      Lời cần nói thì nói thế thôi, như gió cứ thổi và loài người cứ nẹt pô xe 🙂

    • rất đồng ý với bác!
      mình nghĩ tác giả đang muốn nói tới “sống hết mình từng giây từng phút ở hiện tại”, điều này rất hay.
      nhưng để được như vậy, cần có động lực, một nguồn cảm hứng bất tận đến từ cái mà ta gọi là đam mê.
      đam mê khác với nghiện ở chỗ, đam mê có ý nghĩa, tạo ra giá trị, nhờ có ý nghĩa mà đam mê trở nên đúng đắn, còn được gọi là “thôi miên trong trạng thái tỉnh”.

      nói một hồi giống review cái của bạn quá.

      một ngày tốt lành nhé 🙂

  14. Khi được làm 1 việc mình đam mê thì đó là sống với niềm yêu thích thật sự, đó là một niềm vui chứ đâu phải khổ hạnh như bạn nói. Còn những người truyền đạt về niềm đam mê là những nhà diễn giả được cả thế giới lắng nghe, chứ đâu phải sếp của bạn, bạn tự cho mình là quá thông minh nên nói mà không cần suy nghĩ. Bạn cho đó là ngu ngốc trong khi họ là những người thành đạt được ngưỡng mộ, truyền cảm hứng cho mọi người khắp nơi. Đúng là “triết học đường phố”, mình chả biết bạn giỏi giang cỡ nào nhưng mình chỉ muốn nói làm được như người ta rồi hãy nói nhé bạn!

  15. “Đam mê đó có nghĩa là một trạng thái sống đầy mãnh liệt nhưng không lệ thuộc vào bất cứ một việc cụ thể nào. Đam mê đó cần sự thức tỉnh và thông minh tuyệt đỉnh”

    Hoho, xin lỗi tác giả nhưng mình phải nói thẳng khó khăn lớn nhất của con người là làm sao hiểu rõ được chính bản thân mình. Trên đời này đâu phải ai cũng có thể thức tỉnh và cũng ko có nhiều người thông minh tuyệt đỉnh đâu bạn ạ. Thế nên mỗi người đều có những hệ giá trị mà họ theo đuổi và họ coi đó là đam mê. Thiếp nghĩ chỉ cần có một mục tiêu và phấn đầu hết mình vì mục tiêu đó cũng là một thành công và một niềm đam mê thú vị rồi. Dù sao cũng cảm ơn tác giả vì bài viết mặc dù chúng ta không cùng quan điểm ^^

  16. Bài viết đưa ra 1 vấn đề cũ nhưng suy nghĩ lại mới…mình chỉ thắc mắc là bạn đưa ra vấn đề nhưng chỉ dừng lại ở đó..chứ chưa thực sự nêu ra 1 hướng giải quyết cụ thể…hóng bài viết nữa của bạn về cách giải quyết 🙂

    • Đồng ý với ý kiến trên. Cái mà Mr.Bow viết ở trên là sự ý thức có mặt hoàn toàn ở hiện tại. Tất nhiên nó có nhiều nét tương đồng với đam mê, vì bạn làm một việc gì đó cùng với đam mê có nghĩa là bạn cũng đang có mặt 100% ở hiện tại,tập trung hoàn toàn vào công việc bạn đang làm, bạn quên đi mọi thứ xung quanh, nhưng theo tôi đam mê có tính vô thức, có cường độ cao hơn, có sự thiên vị. Ví dụ như bạn là một nhạc sĩ và bạn ý thức được “sức mạnh của hiện tại” thì khi bạn thực hiện những công việc đối với bạn là bình thường như rửa bát nấu ăn.. bạn cũng làm việc một cách thích thú, không khó chịu và khi công việc kết thúc là thôi, nhưng việc sáng tác nhạc mang lại cho ban nhiều niềm vui hơn, bạn muốn dành nhiều thời gian của hơn so với những việc khác, thậm chí quên ăn, quên ngủ, 24h đối với bạn là chưa đủ,… Bạn không thể nào làm mọi việc với một đam mê như nhau và lớn như thế được, và bạn cũng chẳng cần phải như vậy, đồ thị đam mê cũng có lúc lên xuống theo thời gian, nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu bạn cố gắng có mặt hoàn toàn,sử dụng hết các giác quan, tập trung vào từng công việc bạn đang làm, như thể bạn làm công việc đó lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng

  17. Tôi tán thành cách nghĩ của tác giả nhưng hình như tác giả đang nói đến đam mê sống,chứ k hẳn là đam mê riêng 1 linh vực,ai cũng biết khi khả năng con người là có giới hạn chứ k phải là mênh mông như tự nhiên!Chỉ khi ta thực sự quan tâm đến 1 vấn đề,1 lĩnh vực,1 công việc thì ta mới đào sâu và phát huy hết những gì tinh túy nhất của mình!Còn cuộc sống thì vẫn phải yêu chứ!

    • “ai cũng biết khi khả năng con người là có giới hạn chứ k phải là mênh mông như tự nhiên”

      Có (ít nhất) một vĩ nhân không biết . Tên ông ta là Mác, và rất nhiều vĩ nhân tin vào cái không biết của ông ta, trong đó có Bác Hồ vĩ đại của chúng ta . Suy ra, dựa trên những liên hệ biện chứng, chúng ta một phần nào đó không biết .

  18. Bản thân tôi là một người không biết mình đam mê cái gì, không phải là có quá nhiều thứ, quá nhiều lựa chọn như tác giả nêu ra, và tôi cũng đều đặn đấu tranh nội tâm để biết rằng bản thân mình là ai, để bất động nhất có thể trước sự xoay chuyển của cuộc sống. Đối với tôi, đến bây giờ, cuộc sống là cái nghĩa vụ với việc mình được sinh ra và nuôi dưỡng, đồng thời cũng tận hưởng cuộc sống.
    Nói chung rằng, tôi có động lực sống, tuy nhiên, cái hiện giờ tôi cần là 1 hướng đi – có vẻ đó là cái đam mê mà hay được nhắc đến. Liệu có lời khuyên nào cho tôi không ? Về tìm được phù hợp cho mình là đam mê ấy.

  19. Rất tán thành với ý kiến này: “Nó phải bị hiểu sai thôi vì có nhiều người muốn bạn hiểu sai về đam mê, càng sai càng tốt. Họ sẽ cực kì có lợi từ việc đó! Khi bạn bị dính vào sự nghiện ngập đó, bạn cực kì dễ bị sai khiến!”

    Nhiều lúc tôi nghĩ những của cải vật chất và thành tựu xã hội này một phần lớn được tạo ra từ những sai lầm của những người bị định hướng, lao theo lý tưởng của người khác mà tưởng đó là của chính mình, để rồi bỏ cuộc nữa đường, bỏ luôn những công sức họ bỏ ra…

  20. rất hay , bạn có thể ” bật mí ” cho tôi thời khắc bạn bừng tỉnh được không ? Hiện tại tôi cũng đang cảm thấy mất phương hướng trong niềm ” đam mê ” của chính mình . Xin cảm ơn bạn !

Trả lời Mr. Bow Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI