19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tại sao đời không như là mơ?

*Tranh: Barbara Spring

 

Có lần trong một buổi đào tạo, khi đang trao đổi với sinh viên về vấn đề ước mơ, có một cậu sinh viên hỏi tôi: “Mơ ước làm gì hả thầy? Vì mơ ước nhiều thì chỉ thất vọng nhiều mà thôi.” Sau đó, một số sinh viên khác cũng đồng thanh ủng hộ và lớp học trở nên xôn xao. Thấy vậy, tôi liền hỏi cậu sinh viên “Vậy ước mơ của em là gì?” “Em muốn làm một doanh nhân thành công, em muốn trở thành Bill Gates của Việt Nam.” Cậu sinh viên trả lời. “Vậy em đã làm gì để đạt được ước mơ đó?” Tôi hỏi tiếp. Đến đây, cậu sinh viên ngập ngừng không nói. Tôi hỏi tiếp câu nữa: “Em có chắc chắn đó là ước mơ của em không?” Cậu sinh viên trở nên lúng túng không thể trả lời được. Dĩ nhiên, tôi hiểu đó không phải là một ước mơ đúng nghĩa.

Thật lạ, ngày nay chúng ta nghe quá nhiều về hai từ “ước mơ” nhưng lại ít khi dành thời gian để nghĩ về nó, giải thích nó, để làm rõ nghĩa ước mơ thực chất là gì. Và rồi vì cái sự hiểu một cách không rõ ràng, cộng thêm hàng đống sách vở và hội thảo thổi lửa cứ làm cho các bạn trẻ lao mình vào một vùng mù mờ hư ảo, để rồi sau đó đau đớn nhận ra đời không như là mơ.

Vì sao đời không như là mơ?

Bởi vì vốn dĩ, cuộc đời là thật, là rất rõ ràng. Còn trong khi ước mơ của nhiều người lại quá mù mờ, hư ảo thì dĩ nhiên, nó khác là phải. Nhưng tại sao vậy?

Hãy quay lại câu hỏi của tôi ở trên: “Bạn có chắc đó là ước mơ của chính mình không?” Tôi hỏi câu này vì nhiều người đang mơ sai. Phải! Mơ cũng dễ bị sai lắm nếu ta không thực sự hiểu mình, không thực sự chắc chắn ta thiết tha điều gì. Tôi còn nhớ có một thời gian cách đây vài năm, khi nền kinh tế phát triển tốt, ngành “hot” lúc đó là công nghệ thông tin và đặc biệt là ngân hàng. Thế là rất nhiều bạn trẻ “ước mơ” thi vào các ngành này, tốt nghiệp xong thì tìm mọi cách để có chỗ làm trong các ngành này. Hiện nay, với phong trào “khởi nghiệp” đang lên cao, nhiều bạn trẻ lại chuyển hướng qua “ước mơ” khởi nghiệp, trở thành doanh nhân mà không biết rằng mình có thực sự phù hợp hay không.

Mơ sai là như vậy. Để sống tốt trong cuộc đời này, bạn phải biết cách mơ đúng và bỏ đi những ước mơ sai. Ước mơ chỉ đúng khi nó phù hợp với sở trường của bạn, hay nói cách khác bạn có tố chất phù hợp với ước mơ đó. Để biết được  ước mơ thực sự của mình không phải lúc nào cũng dễ. Bạn cần dành thời gian để hiểu chính mình, để lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Còn nếu bạn chỉ hướng theo những luồng thông tin bên ngoài, bạn sẽ rất dễ bị rơi vào cái bẫy chạy theo những ước mơ sai, những điều mà thực chất người khác hoặc các phương tiện truyền thông đã gieo vào đầu bạn chứ nó không xuất phát từ bên trong bạn. 

Và khi bạn mơ sai, bỏ cuộc giữa chừng là chuyện bình thường, bạn mà theo được đến cùng thì mới là chuyện lạ. Bởi nguồn cảm hứng và động lực lớn nhất để con người làm việc gì đó đến từ bên trong, nó khởi phát từ cái tâm thực sự mong muốn làm việc đó. Còn những yếu tố bên ngoài có thể khiến bạn có cảm hứng trong chốc lát nhưng sẽ rất sớm lụi tàn.

Để đời như là mơ, bạn sẽ trải qua những nỗi đau

“Kẻ ước mơ để trốn tránh thực tế, kẻ mơ ước để thay đổi thực tại vĩnh viễn.” ― Soichiro Honda

Cho tôi hỏi bạn câu này. Khi nói đến từ “đại bàng“, hình ảnh hiện lên trong đầu bạn là gì? Hãy dành thời gian tưởng tượng trong chốc lát rồi hãy đọc tiếp.

Có phải bạn nghĩ đến hình ảnh một con đại bàng to lớn, hùng dũng sải đôi cánh dài chao lượn trên bầu trời xanh và phóng tầm mắt quan sát không gian rộng lớn?

Nhưng bạn có nghĩ rằng những con đại bàng hùng dũng đó cũng từng là những con đại bàng con? Nghĩa là khi chúng mới vừa được sinh ra, chúng cũng từng là những con đại bàng nhỏ xíu, yếu ớt và chúng phải trải qua quá trình tập bay, tập săn mồi và phải đối mặt với những khoảnh khắc mà chúng có thể bị loài khác cướp mạng. Phải! Chúng phải trải qua những khó khăn và những nỗi đau, cho phép tôi gọi như vậy.

Con người cứ hay mơ tưởng đến những khoảnh khắc tỏa sáng, những khoảnh khắc mình được người khác dõi theo với những cặp mắt tôn sùng và ngưỡng mộ, được tận hưởng những điều kiện vật chất lý tưởng, có một gia đình vợ đẹp, con ngoan, có những mối quan hệ thân thiết. Thế nhưng, họ lại không nghĩ đến quá trình mà những người thành công, giàu có, hạnh phúc phải trải qua để có được những thứ đó.

Để có thể thành công, họ đã phải trải qua không ít lần thất bại ê chề. Để có thể giàu có, họ đã phải chấp nhận những lúc trắng tay hoặc thậm chí là nợ nần chồng chất. Để có những mối quan hệ chân thành, họ phải chấp nhận đối xử với người khác chân thành trước dù họ có thể bị phản bội, bị lừa dối. Để có thể tỏa sáng, họ phải dành biết bao thời gian, mồ hôi công sức luyện tập âm thầm. Và trên hết, họ biết rằng những nỗi đau là không thể tránh khỏi. Nhưng điểm khác biệt là họ chấp nhận những tổn thương đó và vươn lên sống mạnh mẽ hơn.

Nếu phải trải qua những nỗi đau như vậy, sao ta lại cứ phải mơ? Chẳng phải cứ sống bình thường cũng được sao?

Nếu bạn đặt câu hỏi này, đây không phải là một câu hỏi sai. Không có gì là đúng hay sai ở đây cả, tất cả là sự lựa chọn. Phải, bạn có quyền lựa chọn sống không cần ước mơ, hoặc chăng nếu bạn có thì cũng giấu nó đi, giả vờ như mình không có. Nhưng trước khi bạn chọn, tôi chỉ muốn nói với bạn rằng những người tạo ra những điều tuyệt vời nhất thường là những người đã trải qua những nỗi đau tột cùng nhất. Nếu không có bóng đêm thì làm sao thấy được những vì sao, phải không bạn?

Còn nếu như bạn quyết định sẽ mơ, hãy nhớ mơ cho đúng. Ước mơ quan trọng lắm, nhất là với bạn nên cứ lắng nghe tiếng lòng mình thôi, đừng để ý gì đến những thứ khác xung quanh.

 

 

Đỗ Tiến Minh

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI