18.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nếu… Lỡ một nhịp sống

*Photo: Uwe R. Zimmer

Gõ “sống chậm” vào google nào: 24.100.000 kết quả trong 0.24 giây, khá ấn tượng đấy chứ! Số kết quả kia khiến tôi mừng thầm vì xã hội dần văn minh hơn qua việc tìm ra giải pháp chung cho lối sống đang quá tốc độ. Phương pháp “sống chậm” có vẻ là liều thuốc phổ biến được kê vào đơn thuốc chữa các bệnh thời đại như sống vội, hời hợt, nông cạn, chán trường, vô tâm của giới trẻ mà chúng ta thường nghe và thấy trong khá nhiều sự kiện và thông điệp của cuộc sống.

Qua bài viết, xin mạn phép nêu một vài quan điểm về động từ khá “hot” này, có thể thứ tôi nghĩ không còn mới mẻ, nhưng hy vọng chúng có tác dụng nhắc nhở.

Chưa…

Tôi không băn khoăn về bệnh “sống vội”, vì suy cho cùng, tuổi nào suy nghĩ đó, tuổi trẻ là như thế (cũng như bạn không thể bắt trẻ lên 4 ngồi yên 15 phút) . Phải nói rằng khá may mắn khi người trẻ hơn một lần biết đến từ “sống chậm”, nhanh tha hồ, lâu lâu chậm một tẹo, thế là ổn rồi.

Cũng chẳng buồn cho “tôi hôm qua”, cho những ai chưa có khái niệm về sống chậm, vì đơn giản là.. Họ chưa cần gõ cánh cửa của thế giới nội tâm. Nhưng tôi chỉ muốn nhắc một điều: Dẫu lúc này chưa muốn, rồi có lúc, ai cũng cần chậm lại, cũng như khi những thứ bạn vội vàng tạo ra đã là quá nhiều, thì xem lại đồng hồ để… vội vàng lần nữa….hưởng thụ thứ ấy trước khi quá muộn.

Cần…

Khi nào thấy mệt, đơn giản là chậm lại và thư thả, lấy lại sức rồi sống nhanh trở lại. Đó là suy nghĩ của kiểu người thích bận rộn, thế cũng tốt để quên những gì cần quên, để phong phú hơn cho điều mà ta gọi là vốn sống, luôn có nhiều điều mới lạ đến và đi, hoặc đơn giản, để không còn cảm giác trống trải, không có thời gian chết để vẩn vơ, mơ màng.

Theo khía cạnh nào đó, sống chậm chưa chắc phù hợp, là phong cách định hình lâu dài đối với một nhóm người nhất, chỉ có điều, phần lớn tốc độ tỉ lệ nghịch với chiều sâu của tư duy và chiêm nghiệm, phần lớn con người không thể nghĩ nhanh lại vừa nghĩ sâu. Ngay cả khi đang sống chậm, họ vô thức nghỉ ngơi và tận hưởng… thật nhanh. Vấn đề của họ lúc này đơn giản là: Họ cần sống chậm và chậm hoàn toàn.

Muốn….

Với những ai muốn sống chậm, hoặc tăng khả năng làm chủ tốc độ sống của mình, luôn dễ dàng tìm được một quyển sách, một ly cafe, một không gian yên tĩnh, một khoảng không để quan sát từng khung ảnh xung quanh.. Những thứ cho họ cảm giác: “À, tôi đang chậm giữa dòng đời bôn ba.” Chủ động tạo ra hiện thực khách quan để chúng làm chất xúc tác, cũng như làm “sống chậm” thêm đậm đà, đó là việc cần thiết cho người đang tập tành bỏ lỡ vài nhịp sống.

Đang…

Tôi muốn nói với những ai đang chậm rãi, thậm chí đang chầm chậm lướt mắt qua từng dòng chữ này rằng, sống chậm không nhất thiết phải là thong dong, là tản bộ, là cafe một mình,v..v.. Ngay cả khi buộc phải tất bật trong cuộc sống với cường độ cao và trường độ lâu, bạn vẫn còn khả năng để kịp thưởng thức cuộc sống. Tin tôi đi, bạn có thể tạo ra khẽ hở trong cái guồng quay vô độ, để than thở một tẹo, rồi thở dài một hơi, và cơi nới nụ cười trước gương vài phút. Nếu sự bình yên trong cơn bão là ý nghĩa nhất, thì sống chậm ngay khi đang quay cuồng, cũng chẳng khác là bao.

Lời kết

Tôi cược rằng kiểu gì chúng ta cũng lọt thỏm vào 4 giai đoạn trên. Thú thật, tôi đang ở giai đoạn “Cần…”, cần thời gian để trở mình và trực diện với thực tại, thực tại… không của riêng tôi.

Đã quá nhiều lần chúng ta vô thức trong suy nghĩ và hành động, trong khoảnh khắc hoặc thời kỳ dài, nếp sống máy móc khiến ta cảm thấy khó khăn khi đặt lại câu hỏi cho chính mình, thậm chí, chất vấn xong rồi đấy, nhưng tự mình hoảng hốt, rồi xuề xòa bỏ ngỏ câu trả lời. Chúng ta không biết quán tính, thói quen đã thành gánh nặng cho sự thay đổi từ khi nào. Có lẽ chúng ta dám sống chậm, nhưng chậm…chưa đủ. “Tôi đang nghĩ cái quái gì đây?” “Tôi ở đây để làm gì?” “Tôi làm việc này có nghĩa gì không?” “Rốt cuộc tôi sống vì ai?” “Nếu trả lời được câu hỏi này, liệu tôi có hiểu rõ mình hay không?”

Sống chậm không phải là trào lưu, càng không phải là đích đến, tôi không biết là gì, nhưng biết sống chậm để làm gì.

Trí Xích Lô

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI