30 C
Nha Trang
Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sự ảo tưởng về giá trị bằng cấp của người Việt

Bằng cấp nói cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai. Năng lực nói cho cả thế giới biết bạn là ai.

Trước khi đọc bài này, tôi muốn dành 4 câu hỏi cho các bạn.

  1. Nếu bạn đang là sinh viên, bạn đang tự hào về ngôi trường mình đang học không? Bạn đang cảm thấy tự hào về tấm bằng mà mình sẽ nhận phải không?
  2. Nếu bạn là một người đã đi làm, bạn thấy rằng bằng cấp có mang lại những gì mà bạn đã từng tượng tượng khi đi học không? Bạn đã thấy hài lòng với những gì mà tấm bằng mang lại chưa?
  3. Nếu bạn là một người đi làm, đã có những thành công nhất định. Bạn đã thầy rằng thành công của bạn nhờ bao nhiêu phần trăm vào bằng cấp? Bạn có thầy rằng những thành công đó có do bằng cấp mang lại không?
  4. Nếu bạn là một người không sỡ hữu bằng cấp những đã thành công. Bạn có thấy rằng nhiều khi bạn chẳng cần có một tấm bằng mà bạn vẫn thành công không?

Sau khi có những đáp án trả lời nhất định nào đó thì tôi bắt đầu nói cho bạn về sự ảo tưởng mà bằng cấp mang lại cho giới trẻ Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung.

Chắc hẳn từ bé, bạn đã được gieo vào đầu những tư tưởng rằng mình học giỏi, mình có một tấm bằng tốt thì mình sẽ có một công việc ổn định và sẽ thành công trong cuộc sống. Lớn dần lên, bạn thấy rằng hầu như mọi người đểu nghĩ vậy, cha mẹ bạn nghĩ vậy, thầy cô bạn nghĩ vậy, xã hội Việt Nam này nghĩ vậy và rồi bạn cũng nghĩ vậy.

Nhưng bạn không ngờ rằng! Bằng cấp chỉ có giá trị thật sự khi bạn là con người có giá trị thật sự.

Sẽ thế nào nếu tôi nói rằng, bạn đang sống trong ảo tưởng về giá trị mà ngôi trường Đại Học mà bạn đang học và tấm bằng mà bạn sẽ nhận. Ôi! Thật là buồn cho bạn vì bạn chỉ biết rằng, bạn đang là một cái máy trong cái guồng quay của xã hội. Bạn chỉ là kẻ chạy theo những suy nghĩ do người khác vạch đường.

Ở cái đất nước Việt Nam này, có hơn 200 trường Đại Học, Cao Đẳng và trong số đó chẳng có trường nào lọt vào top 200 trường ĐH lớn nhất thế giới. Bạn nghĩ như thế nào? Bạn đang tự hào về ngôi trường mình đang học sao? Sẽ thế nào nếu bạn đem tấm bằng đó ra nước ngoài và xin việc ở một tập đoàn đa quốc gia. Người ta sẽ cầm tấm bằng của bạn và đập thẳng vào mặt bạn mà nói rằng: “Mày đùa bố à!”

Bạn hiểu ý tôi chứ! Đừng ảo tưởng về giá trị của bằng cấp mà bạn đang theo đổi hay sỡ hữu

Nước Úc chỉ có 39 trường Đại Học – Cao Đẳng, trong khi đó họ có 8 trường lọt vào top 200 trường ĐH tốt nhất thế giới. Bạn thấy không? Họ học trong những trường Đại Học như vậy mà họ còn thấy chưa bằng lòng, chưa tự hào về những gì họ được dạy.

Trong khi đó, bạn đậu Đại Học, bạn vui mừng, gia đình bạn vui mừng, dòng họ bạn vui mừng, để rồi bạn vác cái mặt bần thần của bạn lên giảng đường chỉ để ngủ, để ngồi tán dóc, để tán gái và rồi sau 4 năm bạn chẳng có gì ngoài một tờ giấy trên đó có ghi dòng chữ “Bằng cử nhân”. Và rồi bạn chẳng có gì hết, ngoài một đống kiến thức tạp nham không áp dụng vào cuộc sống này.

“Không phải con bò đi qua cổng trường Đại Học rồi cũng trở thành kỹ sư.” – Nguyễn Đình Cống

Thật là buồn cười, khi bạn cứ nghĩ rằng bạn sỡ hữu một tấm bằng Đại Học thì rồi bạn sẽ có một công việc tốt và có thật nhiều tiền. Bạn sẽ sở hữu những nhà lầu, xe hơi… Bạn tỉnh lại đi, đừng có nằm mơ nữa. Tỉnh lại với cái thực tại phũ phàng rằng bạn đã làm được gì với tấm bằng để đạt được những điều đó.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương có nói một câu rất hay: “Nhiệm vụ của tấm bằng chỉ là để gõ cửa nhà tuyển dụng… Cốc cốc cốc… Em có bằng nè anh. Hết nhiệm vụ cái bằng.”

Đúng là vậy. Bạn chỉ sử dụng cái bằng cho nhiệm vụ ra mắt nhà tuyển dụng rằng mình đã được đào tạo. Nhưng tấm bằng chẳng nói lên rằng bạn sẽ làm việc như thế nào? Năng lực, kinh nghiệm của bạn mới nói lên rằng bạn là người như thế nào khi bạn làm việc thực sự.

Hay Ông Nguyễn Lâm Viên (Chủ tịch tập đoàn Vinamit) trong một lần tôi gặp mặt ông ấy nói rằng: “Sinh viên Việt Nam nhiều khi quá ảo tưởng về bằng cấp, khi chúng tôi tuyển dụng thấy rằng hầu như các bạn đều chỉ có bằng mà chả có tí kiến thức nào có thể áp dụng cả và rồi chúng tôi phải đào tạo lại.”

Có lẽ tôi cũng không nên nói quá nhiều, vì dù sao bạn cũng đủ thông minh để hiểu những điều tôi muốn nói

Những ông chủ bỏ học không sỡ hữu một tí bằng cấp nào nhưng họ đi lên bằng ý chí, nghị lực và niềm tin vào chính bản thân …. Bill Gates, Mark Zurkerbeg, Steve Jobs hay Đoàn Nguyên Đức, Lê Phước Vũ… Tất nhiên họ là số ít, nhưng bạn biết không họ chẳng có bằng Đại Học, họ cũng chẳng cần đi học mà họ sỡ hữu hàng trăm người hay hàng triệu người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư… Mà trong khi đó bạn bám víu niềm tin của mình vào bằng cấp để rồi thứ bạn nhận được chỉ là bằng cấp.

Nói đi thì phải nói lại, tôi không bảo là bạn không nên sỡ hữu cho mình những tấm bằng. Mà điều tôi muốn nói rằng, bạn hãy nghĩ rằng tấm bằng chỉ là một tấm vé để thông hành để bạn bước vào cuộc đời này vậy. Mà tấm vé thì chỉ có giá trị ở cửa vào, còn việc làm như thế nào với cuộc đời bạn lại là chuyện khác.

Bao nhiêu người trong các bạn sau khi sở hữu một bằng cấp chỉ dùng tới một lần rồi cất vào hộc tủ, treo lên tường hay dùng để làm đế lót chuột?

Thật sự, tôi mong rằng giới trẻ hãy tỉnh ngộ trước những ảo tưởng bản thân, nhìn ra xa hơn ra ngoài thế giới, nhìn vào sâu bên trong mình để thấy mình còn nhỏ bé, để thấy mình cần phải học hỏi, để thấy mình cần phải tìm hiểu.

Hãy tỉnh dậy sau giấc ngủ vinh quang đậu ĐH và sở hữu một tấm bằng ĐH. Hãy thể hiện hết khả năng của mình cho người khác thấy. Hãy ham học hỏi, hãy tìm hiểu những kiến thức bạn được học ở trong trường học. Hãy đi ra bên ngoài, hãy cọ xát với thực tế phũ phàng. Rồi một ngày bạn sẽ thấy rằng, chính bạn định nghĩa con người bạn, chứ không phải những tấm bằng hay phần thưởng định nghĩa con người bạn.

Bạn có thấy lạ lùng không? Khi mà những chàng trai cô gái ca sĩ, người mẫu không cần phải sỡ hữu một tấm bằng nhưng họ kiếm được một đống tiền, họ có xế khủng để đi. Trong khi đó bạn được đào tạo bài bản từ A đến Z và rồi bạn đi làm 8 tiếng một ngày, cố đợi đến cuối tháng để nhận lương. Và rồi những ước mơ về nhà lầu, xe hơi của bạn tan vào mây khói vì bạn thấy rằng bản thân mình chẳng làm gì được?

Bạn biết sao mà mấy cô người mẫu, ca sĩ họ có nhiều tiền vậy không? Bởi vì họ tạo giá trị cho nhiều người, họ tạo giá trị cho xã hội, họ làm việc bằng đam mê. Thay vì bạn, bạn chỉ tạo giá trị cho chính bạn, bạn tạo giá trị cho ông chủ của bạn và bạn sẽ nhận được lại giá trị tương xứng.

Lời cuối cùng tôi muốn nói rằng: Đừng mãi ngủ mê trong cái tư duy bằng cấp của xã hội này, đừng tự hào những gì trong quá khứ bạn đã đạt được. Hãy nhìn lại bản thân mình để thấy rằng mình đang còn kém cỏi, để mình cần phải học hỏi. Bạn tìm tòi, sáng tạo và không ngừng đánh giá lại bản thân. Hãy quên đi những gì mình đã đạt được, mà phấn đấu để mình đạt những thứ tuyệt vời hơn. Hãy là người tạo giá trị cho xã hội này và bạn sẽ được giá trị mà xã hội mang lại.

“Nếu bạn vẫn làm những việc mà bạn đã từng làm thì bạn sẽ nhận được những thứ bạn từng nhận.” – Khuyết danh

Quang Nam

💎 5 yếu tố làm nên một người thành công

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

34 BÌNH LUẬN

  1. Thằng đại học được trả lương cao hơn so với thằng không có bằng đại học nhé dù thằng không có bằng có kinh nghiệm nhiều hơn thằng có bằng, dù có giỏi cỡ nào thì cũng phải có bằng đại học để hợp thức hóa cái ghế của bạn trừ khi bạn là ông chủ của công ty do bạn lập ra

  2. Mình nói thật đây là lần thứ 2 mình viết bình luận trong hàng trăm lần đọc, thường thì chỉ đọc để đánh gí cái nhìn của giới trẻ. Nhưng thật chịu không nổi nên cũng phải viết vài dòng dù rằng bỏ tí thời gian này đi chơi khéo bổ ích và đỡ hại thần kinh hơn. Bài viết chẳng có gì sâu sắc mới mẻ, nó như bản sao của nhiều bài mình đã đọc trước đây. Nếu tác giả muốn nhấn mạnh vấn đề học giả hay bằng thật gì gì đó thì nên đi vào trọng tâm, thẳng vào vấn đề. Và cái ví dụ ca sỹ người mẫu này kia… Xin lỗi các bạn, bạn hiểu ca sỹ người mẫu như thế nào hay chỉ nhìn vẻ hào nhoáng bên ngoài, nhìn vào tài sản mà đánh giá. Các bạn chưa bao giờ có khi chẳng bao giờ biết đằng sau vẻ đẹp đó ẩn chứa những gì. Nói chung mình thấy bài viết cũng như đại bộ phận giới trẻ bây giờ có 1 cái nhìn hết sức kỳ lạ. Đó là lấy tiền, sự giàu có, vật chất… để đánh giá 1 vấn đề, hiện tượng, con người…Nói tóm lại, bài viết làm tôi lầm tưởng như có ý khuyến khích các bạn trẻ hãy ra ngoài mà cọ sát, khối người không học mà vẫn giàu…Thế mà những người có điều kiện lại càng cố gắng cho con mình học những trường tốt, học hết trường này trường kia, rồi du học… Tại sao không nghĩ rằng nếu chúng ta học thật, cố gắng thật, xây dựng được mô hình học và làm thật.. thì sẽ tốt như thế nào. Đừng vội kết luận mà hãy xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh, và hãy nghỉ đến thiếu sót của mỗi cá nhân chúng ta đã góp phần vào thực trạng như ngày nay. Bớt đổ thừa đi!

  3. Cứ cho nó học bách khoa 1 ngày,nó sẽ biết giá trị của bằng cấp. Thật sự cầm đc cái bằng bách khoa ra trường,là một quá trình mệt mỏi,đòi hỏi rất nhiều mồ hôi nước mắt

  4. thật ra đừng phủ nhận nó
    bằng cấp ko là tất cả nhưng là sự nỗ lực , cố gắng trong quá trình học
    có phải ai học cũng đỗ đại học đâu
    có phải ai vào trường rồi cũng cầm bằng cấp ra đâu
    chê nền giáo dục, chê chất lượng đào tạo
    vớ vẩn, chính bản thân đã bao giờ cố gắng chưa
    Tóm lại là: nỗ lực lên, cố gắng lên, hết mình sống vì cuộc đời chỉ có 1… đời có bao lâu mà hững hờ

  5. ko thấy tác giả phản biện gì nhỉ? ko biết tác giả tốt nghiệp đại học chưa và nếu tốt nghiệp đại học rồi thì trường đó chăc phải là “top” của thế giới! nhưng tóm lại là mình thấy khả năng sử dụng ngôn từ của tác giả kém!

  6. Rất nhiều lãnh đạo công ty ở Việt Nam thường xuyên than vãn rằng “Sinh viên Việt nam thiếu quá nhiều kiến thức, chúng tôi phải đào tạo lại từ đầu”. Vậy tại sao họ lại không tuyển một tú tài tốt nghiệp 12 để trả một mức lương thấp hơn so với mức phải trả cho một cử nhân. Rõ ràng một chén nước vơi sẽ chứa nhiều hơn một chén nước đầy mà.
    Họ vẫn chưa nhận thấy đúng giá trị của “Giáo dục” và thường nhầm lẫn giữa “Giáo dục” và “Đào tạo”

  7. Nếu như vào làm việc nhà nước không có bằng đại học thì làm sao mà lên chức lên lương. Vì thế nên họ chen nhau vào đại học và bằng mọi cách chui vào nhà nước để hưởng lộc trời vì chổ này là chổ chứa bằng cấp mà.

  8. Bài viết hay.nhưng cũng không thể nói học không quan trọng.việc học chỉ tạo nên 29 % thành công trong bạn mà thôi.còn 70% là do bạn học được những j ngoài cuộc sống.bạn đón nhận cuộc sống nhanh như thế nào.và 1% là may mắn.mà may mắn đó không tự đến với bạn mà chính bạn tao ra cho bản thân mình.

  9. Nen nho bang cap la mot chuyen ma kha nang lai la mot chuyen khac ! thuc te no cha di doi voi tat ca moi nguoi, ta nen hieu rang thieu gi nguoi tot nghiep cao dang lung danh the gioi tuy nhien ho khong lam nen tro trong gi,va chang lam ra chuyen lon hoac dai su, va cung chi vi khong tai va cha co kha nang ! va nhu the ta co the thay rang van bang va kha nang hoan toan khong di doi voi tat ca moi nguoi dung quen dieu nay! ay la chua ke den chuyen bang ma, bang mua ma cac xu kem van minh lac hau van thung xay ra, va chuyen tien si giay thieu gi, va chuyen mua bang khong he hiem o A CHAU! va cung vi the o cac xu AU MY khi mot nguoi duoc tuyen vao thi di nhien van bang la khong the thieu tuy nhien van de thuc hanh la quan trong nhat do moi la luc de danh gia tai nang va su that cai van bang cua nguoi duoc tuyen nen hieu nhu the, ay la chua ke khi nop don nhieu tap doan lon buoc phai thi tuyen vao theo quy dinh cua moi tap doan va thu hoi cac loai bang giay hoac mua thi co qua noi khong day? chang nhu o AU CHAU cac bac si VIETNAM khi den de lam viec bat buoc phai trai qua mot khoa tu nghiep vua ly thuyet vua thuc hanh ngay trong benh vien gioi su giam sat cua cac bac si chuyen khoa theo quy dinh thi moi duoc cap chung chi de hanh nghe chu khong don gian nhu moi nguoi tuong dau .

  10. -Học đại học nhìn đời với thái độ khác.
    -Học đại học giải quyết vấn đề theo kiểu khác.
    -Học đại học biết mình nên đọc những gì khác.
    -Học đại học quen nhiều thành phần khác.
    -Học đại học khác với không học đại học.
    Tóm lại không học đại học thì bây giờ tôi rất khác.
    P/S: Khác câu kết là khác tiêu cực

  11. “Bạn biết sao mà mấy cô người mẫu, ca sĩ họ có nhiều tiền vậy không? Bởi vì họ tạo giá trị cho nhiều người, họ tạo giá trị cho xã hội, họ làm việc bằng đam mê. Thay vì bạn, bạn chỉ tạo giá trị cho chính bạn, bạn tạo giá trị cho ông chủ của bạn và bạn sẽ nhận được lại giá trị tương xứng.” => câu thắc mắc xưa nay của mình nay đã tìm được câu trả lời.

  12. 1. Hết thời sinh viên rồi
    2. Chưa thấy được lợi lộc gì
    3. Không! Thành công của tôi k dựa vào bằng cấp.
    4. Ừ. Đúng

    Nhưng bạn không biết một điều. Khi bạn đi học tức là bạn đang học được cách tư duy khi gặp phải một vấn đề nào đó trong công việc. Tôi trích dẫn lại ví dụ của “thầy” tôi. “Cùng một vấn đề nhưng gặp một người đã học qua đại học và một người chưa học qua đại học họ sẽ có cách xử lý khác nhau. Vậy người học qua đại học tốt hơn hay người chưa học qua đại học tốt hơn? “

    • Nếu học có hiệu quả thì khỏi nói, nhưng trong bài viết thì có nói : ” Trong khi đó, bạn đậu Đại Học, bạn vui mừng, gia đình bạn vui mừng, dòng họ bạn vui mừng, để rồi bạn vác cái mặt bần thần của bạn lên giảng đường chỉ để ngủ, để ngồi tán dóc, để tán gái và rồi sau 4 năm bạn chẳng có gì ngoài một tờ giấy trên đó có ghi dòng chữ “Bằng cử nhân”. Và rồi bạn chẳng có gì hết, ngoài một đống kiến thức tạp nham không áp dụng vào cuộc sống này. ”

      Đó chính là vấn đề ._.

      • đồng ý, vấn đề phổ biến, lại còn một loại tâm lý sinh viên là kết quả thi đại học rất tốt, nhưng khi vào đại học lại tỏ ra chán chường, thành tích học tập sa sút, ra trường không có kiến thức vững vàng, thất bại.

    • Theo mình, tác giả viết bài này không có ý coi nhẹ tấm bằng đại học mà chỉ nhấn mạnh việc một bộ phận sinh viên…đề cao quá mức tấm bằng đại học, coi nó là tất cả, có một tấm bằng giỏi, bằng xuất sắc đồng nghĩa với việc chắc chắn có 1 tương lai tươi sáng, có nhà lầu, xe hơi.
      Mình đồng ý với bạn tấm bằng đại học có những ý nghĩa nhất định, ngoài việc nó là tấm vé gõ cửa nhà tuyển dụng như tác giả đề cập.
      Thứ nhất, có những người không học đại học, nhưng họ vẫn thành công. Mình thừa nhận nhưng điều đó không có nghĩa là họ không học. Họ thậm chí còn phải học hỏi nhiều hơn trên trường đại học rất nhiều, họ phải “tầm sư học đạo”, phải trải nghiệm thực tế từ sớm. Thêm vào đó, họ thực sự phải kiên nhẫn và lỗ lực rất nhiều để vượt qua khó khăn, khổ ải. Cho nên, tư tưởng: Không học mà vẫn thành công là phi lý. Chỉ có điều là bạn chọn con đường nào? “Học đại học” hay ra tự lập sớm? Mỗi người có 1 lựa chọn cho riêng mình. Người lựa chọn đúng sẽ là người thành công.
      Thứ hai, khi học đại học, có người học thực chất, có người không nhưng xét trên phạm vi cả nước, số người học đai học tăng đồng nghĩa mức dân trí cũng sẽ tăng (Quy luật số lớn).
      Thứ ba, mình cũng là một sinh viên và trước đây mình cũng có tư tưởng không coi trọng điểm số, không coi trọng tấm bằng, năng lực mới là tất cả nhưng: Sẽ rất khó để bạn phấn đấu nếu bạn không có 1 tiêu chuẩn cụ thể, tấm bằng và điểm số cho bạn tiêu chuẩn đó.
      Thứ tư, mình nhận thấy năng lực mới là cái cuối cùng nhưng nếu không có một tấm bằng đẹp thì bạn sẽ mất đi nhiều cơ hội, đơn cử như việc xin học bổng du học.

      Tóm lại theo mình, cũng giống như tác giả nói, tấm bằng chỉ có ý nghĩa về dài hạn khi nó phản ánh đúng năng lực của bạn. Còn để thành công thực sự trong cuộc sống, năng lực chuyên môn cũng chỉ là một phần bởi:
      – Con người muốn thành công cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố: gia đình, bạn bè, thời thế, sự may mắn…
      – Thành công thực sự đối với mỗi người là khác nhau, có người là tiền bạc, phú quý, nhà lầu, xe hơi; nhưng có người chỉ đơn giản là sự thanh thản trong tầm hồn,…Vấn đề là bạn cần biết đâu là thứ bạn thực sự mong muốn? Đâu là những thứ bạn có thể đạt được và đâu là những thứ dù bạn có khát khao đến mấy nhưng suốt đời sẽ không thể nào đạt được; để biết chấp nhận và sống một cách hài hòa.

    • Theo bạn thì Học ĐH sẽ xử lý tốt hơn hay chưa học ĐH sẽ xử lý tốt hơn? Nhưng mình dám khẳng định với bạn là dù có bằng hay ko có bằng thì người đã có kinh nghiệm thực tế khi gặp vấn đề đó sẽ xử lý tốt hơn gấp trăm lần thằng chả có tý kinh nghiệm nào ngoài mớ kiến thức hỗn độn trong đầu mà chưa biết vận dụng ra làm sao? Mình cũng tốt nghiệp ĐH nên chỉ dám phát biểu thế thôi..Nếu có cơ may học thêm thì sẽ nc sâu hơn về vấn đề này!

    • tôi nghĩ rằng ý kiến của bạn và tác giả ko trái ngược nhau mà là bổ sung cho nhau! các bạn giống nhau ở quan điểm “thực học” (tức ko phải là “giả học”-chỉ có cái bằng). Tôi nghĩ nếu như bạn đọc cuốn “KHUYẾN HỌC” của Fukuzawa Yukichi thì bạn sẽ rõ ràng hon về vấn đề “học đại học hay nên đi làm sớm? cái nào có ích hơn?”

    • Xin lỗi bạn, bạn nói đúng, nhưng vẫn còn những người không hè học đại học có suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề hơn hẳn những người được học trên giảng đường. Chúng ta không nói đến các môn tính toán gì đó phức tạp, mà chúng ta nói đến các vấn đề xã hội, diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của bạn. Những người học qua sách, học qua đời, tin tôi đi, đa số những người học đại học không sánh bằng đâu. ^^

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI