16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ăn chay và 5 lợi ích quan trọng

Con người có thiên hướng ăn chay hay ăn thịt?

Con người là sinh vật ăn động vật hay thực vật, hay là ăn cả hai? Theo tôi con người về bản chất và cấu tạo có xu hướng ăn thực vật là chính. Ta hãy xét về cấu tạo của con người xem tại sao lại phù hợp với việc ăn thực vật. Nếu quan sát ta dễ dàng nhận thấy hàm răng của con người giống với hầu hết các loài động vật ăn thực vật như trâu, bò, dê, ngựa.. Khi có hàm răng phẳng và cùn, tiện cho việc nhai nghiền thức ăn chứ không giống như răng của các loài ăn động vật có những chiếc răng nanh nhọn dài dùng để cắn xé thức ăn.

Từ đó cũng ảnh hưởng đến cấu tạo dạ dày của hai loại động vật cũng khác nhau, ở loại ăn thực vật yêu cầu cần có một sự chế biến sơ ở miệng rồi mới được đẩy xuống dạ dày, làm dạ dày bớt phải hoạt động hơn, lượng axit có nồng độ thấp hơn, loại kia thì nuốt thẳng xuống bộ tiêu hóa và dạ dày phải thực hiện luôn cả công việc nặng nhọc nhất. Ta chưa thấy con thú ăn thực vật nào mà lại không nhai, và con người chúng ta khi ăn cũng nhai rất kỹ, thật khó có thể nuốt được thức ăn gì vào bụng mà không nhai.

Hệ thống ruột của những loài ăn thực vật và con người rất dài để phù hợp với việc tiêu hóa hoàn toàn thức ăn thực vật, trong khi đó những loài ăn động vật có đường ruột rất ngắn cho phép bài tiết nhanh chóng những chất thải ra ngoài. Trong các bài học về sinh học được dạy trước kia, hệ thống ruột của con người khá tương đồng với hệ thống ruột của các loài ăn thực vật.

Theo những ý kiến trên, ta thấy con người có thiên hướng ăn thực vật nhiều hơn ăn động vật, ăn chay chính là thứ giúp con người quay trở lại với đúng bản chất tự nhiên của mình nhất. Trong bữa ăn, chúng ta có thể thiếu thịt động vật nhiều ngày nhưng không thể thiếu thực vật, nếu chỉ ăn cơm, ăn bánh mỳ con người vẫn có thể sống được, nhưng nếu chỉ ăn thịt không chắc chắn không thể nào chịu được quá vài ngày. Tôi có thể liệt kê ra đây một số ích lợi của việc ăn chay.

Ăn chay có lợi ích gì?

Về thức ăn, ta thấy thức ăn có nguồn gốc động vật tuy có cảm giác ngon hơn nhưng lại chứa nhiều nguy hiểm hơn. Những món ăn được chế biến từ thịt động vật khi ăn vào dễ khiến con người hay bị đau bụng và trong bụng có nhiều giun, bởi những chất động vật khi thối rữa thường lúc nhúc dòi bọ, có mùi hôi thối, tạo điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật có hại sinh sống trong đó, trong khi thực vật thì không như vậy, khi thối rữa chúng ít bốc mùi, và nhanh chóng tan rã.

1. Ăn chay giúp cơ thể ta gặp ít bệnh và sống thọ hơn

Hầu hết các bệnh dịch trên thế giới đều từ các thức ăn động vật truyền nhiễm vào cơ thể con người, và rất nhiều căn bệnh mà con người mắc phải đều liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều thịt động vật, đặc biệt là các bệnh do ăn nhiều chất béo. Khi mắc bệnh, các bác sĩ ít khi khuyên người bệnh nên hạn chế ăn rau củ quả, chỉ thường khuyên ta nên ít hoặc kiêng các loại thịt hay nội tạng động vật.

Các nhà khoa học phương Tây luôn khuyên con người phải ăn uống đầy đủ dưỡng chất, chất béo, protein, vitamin,… và bây giờ mọi người đều thực hiện theo lời khuyên này, nhưng thay vào đó con người lại gặp nhiều căn bệnh hơn so với việc thiếu dưỡng chất, bệnh thừa dưỡng chất mắc phải ở khá nhiều người. Quan điểm của tôi không đồng ý với việc phải có đầy đủ chất cho cơ thể sống, ta thấy rất nhiều người ăn chay, nhiều vị chân sư ăn chay quanh năm nhưng cơ thể không hề ốm đói, da dẻ lại có phần hồng hào hơn người khác.

Các vị sư học võ trong chùa, các thiền sư Yoga, họ ăn chay và ăn uống rất ít, thậm chí kham khổ nhưng cơ thể họ lại có phần khỏe mạnh hơn chúng ta. Ở ngay thế hệ cha ông ta trước kia, trong thời kỳ chiến tranh ăn uống còn không đủ vậy mà vẫn chiến đấu, vẫn phục vụ được trong chiến tranh, đầu óc độn toàn khoai với sắn mà có kém thông minh hơn chúng ta ngày nay đâu, thậm chí có phần còn ngược lại. Về vấn đề này, ta thấy quan điểm phương Đông có phần hợp lý hơn, nhưng là thiểu số.

2. Ăn chay giúp cơ thể bớt hung hăng, nóng nảy hơn, làm tâm con người tĩnh hơn

Khi quan sát một đứa bé mới lớn, hàng ngày cha mẹ chúng cho ăn rất nhiều chất thịt, cơ thể chúng tuy được gọi là đẹp nhưng nhanh chóng phát phì nộn, nếu chỉ một hoặc hai ngày thôi mà không cho chúng động vào một miếng thịt nào thì chúng trở nên lồng lộn, gào thét, khóc lóc, đòi bỏ ăn, điều đó không xảy ra với những gia đình nghèo khó ở nông thôn, một cách giáo dục và cho ăn có vẻ không hợp lý? Ở những người trưởng thành đôi khi ta cũng thấy điều đó, các cụ xưa có nói: “Miếng ăn là miếng nhục”, đánh nhau cũng vì miếng ăn, nhưng mọi người thường đánh nhau vì miếng thịt ngon chứ ít thấy ai đánh nhau vì miếng rau rẻ tiền, vì nó tầm thường quá chăng?

3. Dễ dàng thấy ăn chay là tiết kiệm về mặt kinh tế

Hiếm có khi nào rau lại đắt hơn thịt cá, trừ trường hợp mưa bão, một bữa ăn chay tiết kiệm hơn một nửa so với một bữa ăn bình thường. Tiện đây tôi nói cho các bạn cách khi chọn và mua rau củ quả, tôi có quen nhiều người bán rau ngoài chợ, họ nói rau củ quả khi rẻ ta cứ ăn thoải mái bởi lúc đó rau tự mọc lên rất nhiều, không cần phải phun thuốc kích thích mau lớn. Khi rau đắt ta nên hạn chế ăn rau, cũng góp phần tiết kiệm túi tiền hơn, đặc biệt không nên ăn rau quả trái vụ. Nếu có điều kiện, ta nên trồng ở vườn những luống rau nhỏ để thỉnh thoảng ăn.

4. Ăn chay giúp hạn chế ăn nhậu, góp phần phát triển kinh tế cho bản thân và đất nước

Nhiều người vẫn nghĩ xã hội tiêu thụ là xã hội phát triển, nhưng có quá nhiều bất cập ở cái xã hội tiêu thụ quá mức này, cái lợi có một nhưng cái hại lại đến hai. Ăn nhậu nhiều khiến xã hội tốn kém, con người yếu nhược, hiệu quả công việc thấp, chi phí cho điều trị tai nạn, bệnh tật liên quan nhiều hơn gấp nhiều lần số tiền chính bản thân nó kiếm ra.

5. Ăn chay giúp cơ thể con người sạch sẽ thơm tho cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng

Do việc ăn thịt nhiều, thức ăn thừa thường bị giắt lại ở các kẽ răng, để lâu nó phân hủy nên khi nói chuyện có mùi khó ngửi, đôi khi gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ với người khác. Còn khi nói chuyện với những người ăn chay trường ta thấy hơi thở họ không có mùi như người ăn thịt, cơ thể họ cũng không tỏa ra mùi nồng nồng như nhiều người ăn quá nhiều thịt mà khi ta đứng cạnh vẫn thường ngửi thấy. Hàm răng họ cũng có phần trắng sáng hơn.

Hãy suy ngẫm về việc ăn chay

Trên là những lợi ích cơ bản của việc ăn chay, tuy tôi không muốn nói về các vấn đề liên quan đến tôn giáo, môi trường như nghiệp sát sinh, quả báo, bảo vệ môi trường, điều kiện để thành Phật… nhưng cũng đủ để ta suy ngẫm về sự ăn chay.

Ăn chay phải có nghị lực và đôi khi cả môi trường sống bên cạnh, là việc làm khó khăn với hầu hết mọi người. Nhưng từ những kinh nghiệm của tôi, tôi sẽ hướng dẫn các bạn nếu các bạn thực sự muốn điều đó.

Làm thế nào để ăn chay?

Trước hết, ta nên xác định xem mình ăn chay kiểu gì, ăn chay trường hay ăn vài ngày trong tuần, tháng, chỉ ăn thực vật hay ăn thực vật cộng thêm một số loại cá tôm… Tôi không khuyến khích các bạn ăn chay trường, điều đó hơi khó khi ta đang quen ăn nhiều thịt.

Tiếp nữa, ta không nên đột ngột ăn chay ngay lập tức vì lúc đó dễ bị hụt hẫng, cơ thể chưa thích ứng được ngay, cảm giác thèm thịt luôn làm ta khổ tâm. Ta nên ăn một cách dần dần, mỗi ngày sẽ ăn ít thịt hơn một chút, đến lúc cảm thấy đạt yêu cầu ta có thể chuyển hẳn sang chay trường hoặc ăn chay với một số ngoại lệ, tùy thuộc vào bản thân mỗi người.

Các món ăn chay không hề kém ngon và phong phú như mọi người vẫn nghĩ, lại dễ chế biến, chỉ với vài thao tác đơn giản ta cũng bày ra được một bữa ăn ngon lành. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý chí quyết tâm, trong môi trường xung quanh thật khó ta có thể hạn chế việc ăn thịt, chỉ cần đi ngang qua một cửa hàng thịt nước bốc mùi thơm lừng là ta đã muốn dừng lại ngay để vào ăn, chỉ cần một lời mời ăn uống hấp dẫn của bạn bè cũng khiến ta khó cưỡng lại được. Nhưng nếu biết cách và quyết tâm, ta vẫn có thể làm được, cho dù không ăn chay, chỉ cần hạn chế ăn nhiều thịt cũng đã là một thành công.

Đời Thừa

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

11 BÌNH LUẬN

  1. Adam Smith, Benjamin Franklin, Percy Bysshe Selley, Leon Tolstoi, Richard Wagner, Pythagore, Leonard Da Vinci, Henry David Thoeau, Mohanda Gandhi, Bernard Shaw, Albert Einstein, Isaac Bashivis, Steve Jobs, Biz Stone, Russell Simmons, Michael Eisner, Abraham Lincoln, Henry Ford, Thomas Edison, Charles Darwin, Khổng Tử, Lão Tử, Newton, Whitney Houston, Michael Jackson, Nikola Tesla, Mahatma Gandhi,…
    Và hàng nghìn danh nhân khác, tất cả họ đều trường chay. Nếu chưa đủ thuyết phục thì… hiểu biết và tư tưởng của bạn vĩ đại hơn họ rồi.

  2. Một số điểm không hợp lý về mặt sinh học:

    – “hàm răng của con người giống với hầu hết các loài động vật ăn thực vật như trâu,
    bò, dê, ngựa.. khi có hàm răng phẳng và cùn, tiện cho việc nhai nghiền thức ăn
    chứ không giống như răng của các loài ăn động vật có những chiếc răng nanh nhọn
    dài dùng để cắn xé thức ăn.”

    Tôi có thể khẳng định rằng cấu tạo hàm răng người giống với các loài thú ăn thịt: răng cửa, răng nanh, răng tiền hàm và răng hàm. Các loài linh trưởng có họ hàng gần gũi với
    người như gorilla hay tinh tinh đều có răng nanh phát triển và dùng cho mục đích cắn xé mặc dù chúng cũng ăn tạp (thực vật, côn trùng, lưỡng cư và 1 số loài chim, thú nhỏ) như người. Sở dĩ ở người hàm răng “phẳng và cùn”vì khi phát hiện ra lửa và chế biến thức ăn việc tiêu hóa ở hàm đã không đóng vai trò quan trọng trong việc cắn xé thức ăn sống như trước. Bên cạnh đó sự tiếnhóa của tiêu hóa hóa học tại dạ dày và ruột lại càng làm giảm vai trò của hàm răng. Điều này cũng giống như vai trò của đuôi ở tổ tiên loài người cũng mất dần chức năng giữ thăng bằng. Tuy nhiên chức năng cắn xé không phải là ko còn đặc
    biệt trong những hoàn cảnh như phim “Life of Pi”.

    – “ở loại ăn thực vật yêu cầu cần có một sự chế biến sơ ở miệng rồi mới được đẩy xuống dạ dày, làm dạ dày bớt phải hoạt động hơn, lượng axit có nồng độ thấp hơn, loại
    kia thì nuốt thẳng xuống bộ tiêu hóa và dạ dày phải thực hiện luôn cả công việc
    nặng nhọc nhất. Ta chưa thấy con thú ăn thực vật nào mà lại không nhai, và con
    người chúng ta khi ăn cũng nhai rất kỹ, thật khó có thể nuốt được thức ăn gì
    vào bụng mà không nhai.

    Hệ thống ruột của những loài ăn thực vật và con người rất dài để phù hợp với việc tiêu hóa
    hoàn toàn thức ăn thực vật, trong khi đó những loài ăn động vật có đường ruột rất
    ngắn cho phép bài tiết nhanh chóng những chất thải ra ngoài. Trong các bài học
    về sinh học được dạy trước kia, hệ thống ruột của con người khá tương đồng với
    hệ thống ruột của các loài ăn thực vật.”

    Phần lớn các loài thú ăn thực vật hiện nay trong đó có các loài mà tác giả trích dẫn như
    trâu, bò, dê, ngựa đều thuộc phân bộ Nhai lại. Nếu nói dạ dày hoạt động nhiều
    thì các loài này chắc chắn là hoạt động nhiều nhất vì chúng có dạ dày 4 ngăn và
    phải đẩy thức ăn lên hàm để nhai lại trước khi tiếp tục tiêu hóa ở dạ dày,
    trong khi đó thú ăn động vật chỉ có dạ dày 1 ngăn.

    Ở loài thú ăn thịt có nhai chứ. Thú ăn thịt không thể tiêu hóa một lượng thức ăn lớn tại dạ
    dày bằng cách nuốt chửng như bò sát vì đòi hỏi mất rất nhiều thời gian (ở cá sấu
    là 2-3 tuần, trăn là 4-6 tháng). Thú ăn thịt phải liên tục kiếm thức ăn hàng
    ngày và hàng giờ để duy trì sinh lý đặc biệt là ổn nhiệt, nếu chờ vài tuần để
    tiêu hóa hết có lẽ chúng sẽ ko thể tồn tại.

    Từ những lý lẽ trên tác giả dẫn đến một kết luận bản năng: ” ta thấy con người có thiên
    hướng ăn thực vật nhiều hơn ăn động vật, ăn chay chính là thứ giúp con người
    quay trở lại với đúng bản chất tự nhiên của mình nhất”

    Nếu vậy mãi mãi con người từ thuở vượn người, người vượn và người khôn ngoan đã ko chuyển sang ăn thịt vì “bản chất tự nhiên” của con người ngay từ thuở ban đầu
    là ăn thực vật.

    – “Những món ăn được chế biến từ thịt động vật khi ăn vào dễ khiến con người hay bị đau
    bụng và trong bụng có nhiều giun, bởi những chất động vật khi thối rữa thường
    lúc nhúc dòi bọ, có mùi hôi thối, tạo điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật có hại
    sinh sống trong đó, trong khi thực vật thì không như vậy, khi thối rữa chúng ít
    bốc mùi, và nhanh chóng tan rã.”

    Một suy nghĩ tiến bộ… nhưng phi lý. Thức ăn trước khi vào bụng hay sau khi vào bụng mới “thối rữa thường lúc nhúc dòi bọ, có mùi hôi thối”. Đó là chưa kể cách đây vài ngày Viện vệ sinh an toàn thực phẩm cảnh báo về hàng loạt rau như rau muống, rau cần nước, cải xoong… nhiễm giun sán.
    Và các loại rau cạn như rau ăn sống, các loại cải, các cây họ đâu, các loại cây
    lấy củ lại càng dễ nhiễm nhưng vi khuẩn gây bệnh thương hàn, dịch tả hay kiết lỵ.

    – Hầu hết các bệnh dịch trên thế giới đều từ các thức ăn động vật truyền nhiễm vào cơ thể con người, và rất nhiều căn bệnh mà con người mắc phải đều liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều thịt động vật, đặc biệt là các bệnh do ăn nhiều chất béo. Khi mắc bệnh,
    các bác sĩ ít khi khuyên người bệnh nên hạn chế ăn rau củ quả, chỉ thường
    khuyên ta nên ít hoặc kiêng các loại thịt hay nội tạng động vật.

    Việc “hầu hết các bệnh dịch trên thế giới đều từ các thức ăn động vật… và rất nhiều căn bệnh mà con người mắc phải đều liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều thịt động vật” là chính xác tuy nhiên lý lẽ này ko đủ cơ sở để kết luận không nên ăn thịt vì giữa tác hại và lợi ích thực sự cái nào quan trọng hơn? Có cách nào để giảm thiểu tác hại? Nó cũng giống như mỗi năm trên thế giới có quá nhiều người chết vì hỏa hoạn có nên cấm sử dụng điện, các chất đốt như gas, than, dầu hỏa…?

    – “Quan điểm của tôi không đồng ý với việc phải có đầy đủ chất cho cơ thể sống, ta thấy rất nhiều người ăn chay, nhiều vị chân sư ăn chay quanh năm nhưng cơ thể không hề ốm đói, da dẻ lại có phần hồng hào hơn người khác.” Và “Các vị sư học võ trong chùa, các thiền sư Yoga, họ ăn chay và ăn uống rất ít, thậm chí kham khổ nhưng cơ thể họ lại có phần khỏe mạnh hơn chúng ta. Ở ngay thế hệ cha ông ta trước kia, trong thời kỳ chiến tranh ăn uống còn không đủ vậy mà vẫn chiến đấu, vẫn phục vụ được trong chiến tranh, đầu óc độn toàn khoai với sắn mà có kém thông minh hơn chúng ta ngày nay đâu, thậm
    chí có phần còn ngược lại.”

    Nếu phân tích kỹ chúng ta có thể thấy rằng nhiều nhà sư khi giữ chay trường vẫn lao động nặng nhọc tuy nhiên chắc chắn rằng sự lao động sẽ không vượt quá sức chịu đựng và sự đòi hỏi về nhu cầu dinh dưỡng. Chưa kể sự tiêu hao năng lượng ở các thiền sư Yoga là tối
    thiểu chứ không như những người sống cuộc sống giữa đời vốn biến động và nhiều
    áp lực đòi hỏi nguồn năng lượng lớn và liên tục, hiếm có thực .

    (Tác giả có thể đọc thêm các giáo trình về “Sinh lý người và động vật” của
    các tác giả như Trịnh Hữu Hằng, Nguyễn Đình Giậu)

  3. mình xin được chia sẻ thêm nhé!

    “Công việc của chúng ta là phải nới rộng vòng tay thương yêu đến tất cả sinh
    vật, bảo bọc toàn thể thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó”
    Albert Einstein (1879-1955)
    “Ăn chay ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần và hành động cũng như ảnh hưởng
    đến sức khỏe và sinh lực của thân thể. Trừ khi chúng ta ngừng giết hại
    những chúng sinh khác, chúng ta vẫn còn là loài hung dữ”. Thomas Edison (1847-1931)
    Nhân vật mà cả thế giới tôn kính gần đây nhất- Steve Jobs (1955-2011) cũng là người trường chay, điều này khiến mình thấy người trường chay ko hề kém thông minh tí nào, và sự làm việc cống hiến cho thế giới có ít ai mà nhiều như ngài Jobs cả.

    Một vài tài liệu cho thấy việc ăn chay còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do ngành công nghiệp chăn nuôi thải ra. ít nhất cũng vì bảo vệ môi trường- ngôi nhà chung của chúng ta mà tập ăn chay nhé!

  4. Tiến hóa dần dần thì con người sẽ phù hợp với thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn thôi. Ăn thịt là một sự tiến hóa cần thiết trong giới tự nhiên, ko có gì lạ cả. Con người ăn chay hay ăn thịt cũng chỉ để sinh tồn, cớ sao phải phân biệt?

    Ngoài ra, ý nghĩa thật sự của ăn chay là HÀI LÒNG VỚI MỌI THỨ MÌNH CÓ. Người ăn chay phải biết cảm tạ những thứ làm nên bữa ăn, cảm tạ công sức nấu lên bữa ăn. Người ăn chay không chê món ăn dở, cũng không khen ngon, ăn chỉ là để phục vụ cho mục đích sống cao cả trong tu hành. Còn việc định nghĩa ăn chay là không ăn thịt, đó là để tránh phạm vào đại kị sát sanh của Phật mà thôi.

    Tôi vẫn thấy nhiều người vỗ ngực ăn chay đấy thôi, mà đòi ăn toàn đùi gà, tôm chiên,… dù là món chay nhưng tâm họ có chay không?

    • để sinh tồn mà làm ảnh hưởng hay giết hại những đời sống chung quanh sao? những loài như sói, sư tử, cọp,… chúng không có sự lựa chọn đã đành, ta có thể chọn lựa mà lại hành động man rợn vậy sao? tổ tiên chúng ta là loài linh trưởng, chúng có ăn thịt đâu mà vẫn tiến hóa thành người?
      Đùi gà chay hay tôm chiên chay cũng chỉ là tên gọi cho món ăn, để dễ dàng cho những người mới làm quen với việc ăn chay,

  5. Tại sao bò chỉ ăn rau cỏ nhưng thịt lại bổ và chắc hơn thịt người?
    – Tại vì bò có 1 đoạn ruột tiêu hóa rau cỏ thành dinh dưỡng. Con người dần dần chuyển sang ăn thịt nên gien bị biến đổi làm cho đoạn ruột đó thoái hóa và gọi là “ruột thừa”.
    –> cho nên mình thấy câu “Theo tôi con người về bản chất và cấu tạo có xu hướng ăn thực vật là chính” của bạn nghe không ổn.
    – Để tiêu hóa thực vật tốt bạn phải tiến hóa đoạn “ruột thừa” đó bằng cách cho mấy chục đời con cháu bạn phải chịu đựng ăn thực vật cả trăm năm để gien thúc đẩy phát triển đoạn “ruột thừa” đó.
    – Suy nghĩ riêng của mình, có gì sai bạn cứ góp ý. 🙂

    • Bạn có gì sai đâu, chỉ là làm sao để biết thịt bò lại bổ hơn thịt người, có chắc vậy không. Hihi. Không phải lúc nào điều ngay trước mắt ta cũng là chính xác, chuyện trái đất quay quanh mặt trời cả mấy ngàn năm ai cũng cho là sai kia kìa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI