28 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tình yêu ở đâu giữa cuộc đời này?

*Photo: Philip Jones Griffiths

 

Thang máy Sài Gòn là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của nhà văn Thuận, mới ra mắt độc giả năm 2013 tuy đã được hoàn thành từ ba năm trước. Sau 11 năm kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên được ấn hành vào năm 2002, người đọc đã quen thuộc và háo hức chờ đợi các tác phẩm của Thuận, và tất nhiên, có một chút kỳ vọng. Bởi văn của Thuận tuy lạ so với người khác, nhưng nếu không mới cho với chính mình, thì món lạ ăn mãi cũng quen.

Thang máy Sài Gòn, đọc qua thì thấy hoàn chỉnh hơn hẳn so với các tiểu thuyết trước, nhưng vẫn thấy những dáng dấp quá thân quen. Vẫn nhân vật nữ tha hương nơi đất Pháp, làm nghề dạy học, sống một mình cũng với đứa con nhỏ (giống trong Chinatown). Vẫn mở đầu tác phẩm bằng một biến cố, sau đó nhân vật biến thành thám tử đi theo dõi người khác (giống trong T mất tích). Vẫn những câu chuyện về bố mẹ trong thời bao cấp ưa bệnh thành tích và tình cảm chẳng mặn nồng (giống trong VânVy).

Vẫn có một người anh ở Việt Nam giầu có tiêu tiền như nước và một người em gái sống xa quê trong tằn tiện (giống Paris 11.8). Vẫn một Paris rất khác với những câu chuyện kể về người dân nhập cư, chuyện ngoại tình. Vẫn một Việt Nam quen thuộc với bệnh ưa thành tích, lối sống giả tạo, quan hệ gia đình lỏng lẻo, bi kịch hạnh phúc của từng cá nhân… Và cuối cùng, vẫn giọng văn giễu nhại, hài hước, bông đùa trước mọi vấn đề nghiêm túc, kể cả chính trị, chiến tranh hay tình yêu đôi lứa.

Những độc giả có kỳ vọng cao hẳn sẽ thất vọng vì họ không tìm thấy điều gì mới sau hơn mười năm ăn vẫn mãi một món. Thậm chí họ còn có ý mong mỏi ở những tác phẩm sau, nhân vật của Thuận bớt tưởng tượng đi, hành động nhiều hơn và nhân vật “tôi” hay “cô” gì đó đừng là một cô gái mặt khó đăm đăm, kém nhan sắc, học hành giỏi giang nhưng suốt ngày suy tưởng.

Như trong bài viết Đi vào “cuộc chơi” của Thuận, tôi đã chia sẻ rằng, khi tiếp cận văn bản của Thuận, nếu không tìm được chiếc chìa khóa thì rất dễ bị đứng lơ ngơ giữa mê cung của ngôn từ. Nhưng khi đã có chìa khóa rồi, tôi cho rằng bạn sẽ mở ra được khá nhiều điều thú vị.

Về vỏ bề ngoài của ngôn ngữ, giọng văn Thang máy Sài Gòn bớt lạnh lùng hơn ở những chương cuối. Ở kết thúc mỗi chương, tác giả khuyến mại thêm bạn đọc vài câu văn tả cảnh khá mượt mà về mưa rơi, lá vàng… Vậy, bên trong mê cung đầy rẫy những sự kiện, những dịch chuyển của thời gian, không gian và những gương mặt người diễn qua diễn lại trong tác phẩm ấy, ẩn chứa những câu chuyện gì?

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được trình bày ba chồng hộp mà tôi nghĩ là mình đã khám phá được sau khi tiếp cận văn bản.

1. Tình mẫu tử:

Mười mấy năm liền một bên kiên nhẫn gọi để chỉ nhận được những tiếng nhấc bỏ máy, một bên kiên nhẫn nhấc máy để lại bỏ máy ngay sau khi nghe thấy tiếng a-lô. Mười mấy năm một số điện thoại duy nhất. Lấy chồng, sinh con, ly dị, lấy chồng khác, ly dị…vẫn một số điện thoại duy nhất. Như một tình yêu duy nhất. Người ta thường nói nhiều về tình mấu tử”.

Một trong những chiếc chìa khóa của cả cuốn tiểu thuyết là ở đoàn văn này. Một câu chuyện nhỏ về tình cha con của chú Điền, người hàng xóm với cô con gái nằm trong những chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết. Trong suốt hành trình dài, nhân vật “tôi” lần theo dấu vết của một bức ảnh cũ được cô cho rằng đó là ảnh người tình Pháp của mẹ. Cô theo dõi người đàn ông mang tên Paul Polotski, gặp gỡ những đồng đội và bạn bè cũ của mẹ ở cả Việt Nam và Pháp.

Cô chắp nối hình ảnh mẹ qua những câu chuyện kể và những gì còn nhớ được trong ký ức. Tất cả chỉ là những điều xa vời, chỉ là những dấu vết mong manh, không sao nắm được trong tay một chút tình cảm. Mẹ cô với Đảng, với hoạt động đoàn thể của nhà nước là một người chiến sĩ anh dũng, là một cán bộ xuất sắc. Ai chăm cô, ai nấu cơm cho cô, ai đưa cô đi học? Không phải là mẹ. Mẹ cô có những tâm tư tình cảm thầm kín nào? Cô không biết. Mọi thứ mong manh và xa vời quá, lạnh lùng quá, đến mức trong suốt cả một câu chuyện dài, không hề có một câu văn nào biểu hiện xúc cảm.

Thuận có tài trong việc lấy người này để phản chiếu người khác, lấy câu chuyện này để phản chiếu câu chuyện khác. Trong đó, ở đây, câu chuyện nho nhỏ về tình phụ tử của cha con ông Điền, như một tiếng khóc vỡ òa kìm nén trong lòng bấy lâu của nhân vật tôi. Phải chăng, cô cũng thèm khát sự quan tâm đó, tình cảm đó, dẫu chỉ không lời, nhưng mười năm vẫn còn bền chặt và duy nhất.

Tình cảm của mẹ con cô là chiếc hộp lớn mênh mang mà trống rỗng, được kéo dài ra suốt cả không gian và thời gian của cuốn tiểu thuyết. Tình cảm của cha con chú Điền là chiếc hộp nhỏ, chỉ nằm trong một hai chương cuối của cuốn tiểu thuyết, nhưng là chiếc chìa khóa mở ra dòng cảm xúc về tình mẫu tử bị gói ghém quá chặt và quá sâu.

2. Tình yêu:

Anh phải nói với Paul là dù thế nào tôi cũng không quên anh ấy.”

Trong câu chuyện tưởng tượng của nhân vật “tôi”, ở chương gần cuối của cuốn tiểu thuyết. người mẹ nhờ chú Điền sang Pháp tìm gặp Paul để nói với ông ấy như thế. Câu nói này được lặp đi lặp lại nhiều lần, như một day dứt khôn nguôi từ đáy lòng ai đó bị gói ghém quá kỹ càng và muốn thổ lộ ra. “Dù thế nào tôi cũng không quên anh ấy” là sợi chỉ đó xuyên suốt câu chuyện dài của người mẹ, xuyên suốt từ thời chiến tranh cho đến thời bình, chuyển từ không gian của nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, Sài Gòn, Pháp.

Trong chiến tranh, trong những vỏ bọc giả tạo của thời bao cấp, người ta sống phải diễn, người ta sống phải giấu đi con người và tình cảm thật của mình. Yêu đương là bị giám sát, yêu đương là bị kỷ luật, có gia đình rồi lại còn yêu người của phía bên kia chiến tuyến còn là tội tày trời. Đó là sự thật hiển nhiên. Tác giả dầy công kể lể trong rất nhiều trang, đưa ra nhiều tình huống tưởng tượng về chuyện tình của người mẹ với ông Paul, còn lấy thêm dẫn chứng về tình yêu của những người đồng đội của mẹ trong chiến tranh. Nhưng, chuyện này cũng có gì là mới mẻ trong cuộc sống mà chúng ta đã biết, trong văn chương Việt Nam cũng đã cũ mòn.

Cô muốn nói với Kai là dù thế nào cô cũng không quên anh ấy.”

Một câu nói ngắn ngủi này thôi, trong một chương ngắn nhắc đến Kai thôi, chính là chiếc chìa khóa thứ hai mở ra những điều bí ẩn của cuốn tiểu thuyết. Như trong bài viết Đi vào “cuộc chơi” của Thuận tôi đã phân tích, Thuận giỏi trong việc chọn cách phản chiếu cuộc đời ai đó thông qua một câu chuyện khác song song với câu chuyện mình muốn kể. Không ai biết nhân vật “tôi” là ai, “tôi” đã từng có quá khứ về tình yêu ra sao, cha của con “tôi” là ai.

Nhưng “tôi” có một mối tình với Kai, nếu được gặp lại “tôi” chỉ muốn nói với Kai rằng, dù thế nào, “tôi” cũng không quên anh ấy. Hình ảnh về Kai chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc khi cô đứng trước gương thử quần áo ở một cửa hiệu. Câu chuyện của cô và Kai, câu chuyện của mẹ và ông Paul, chuyện nào là chính, chuyện nào là phụ? Nào ai biết. Bởi nhân vật của Thuận bao giờ cũng gói ghém những khao khát thầm kín quá kỹ, chỉ chờ một cơ hội để được vỡ òa ra. Cái người ta ít nói đến, đôi khi là điều mà người ta muốn lảng tránh, không muốn chạm đến vào nỗi đau, chứ không phải là không quan trọng.

Và như thế, chiếc hộp thứ hai về tình yêu đã hiện ra trước mắt bạn. Một câu chuyện nhỏ về tình yêu được lồng trong một câu chuyện lớn về tình yêu. Chuyện nào là hư, chuyện nào là thực, không phụ thuộc vào độ dài hay độ ngắn của câu chuyện. Điều quan trọng nhất vẫn là một tình yêu được giấu sâu kín trong lòng không thể cất lên lời.

3. Mỗi cuộc đời là một sân khấu nhỏ:

Trong chiến tranh, trong thời bao cấp, tại Việt Nam, tình yêu phải giấu kín. Vậy thì giữa thời bình, ở Pháp, nơi bối cảnh những người đàn ông ngoại tình công khai ở khắp nơi và trong những quán cafe, vì sao một lời nói yêu thương lại khó cất lời đến thế? Nhân vật không biết. Tác giả không biết. Tôi cũng không biết. Ai biết được hết thế giới của tình yêu đâu.

Nhưng một điều chúng ta biết chắc chắn rằng, mỗi cuộc đời là một sân khấu nhỏ. Trong Thang máy Sài Gòn, mọi nhân vật đều diễn rất tài tình. Mẹ diễn, bố diễn, anh Mai diễn, chú Điền diễn, cô Hòa diễn… Cả tiếng Việt cũng còn diễn. Tiếng Việt khi dạy cho người nước ngoài thì khác nhưng nếu người nước ngoài mang đến sử dụng tại Việt Nam thì cần phải hiểu ngược lại trong một số trường hợp đặc biệt. Cả đám tang người ta cũng diễn. Người sống diễn, người chết rồi cũng diễn.

Và tình yêu, tình yêu ở đâu giữa cuộc đời này?

 

 

Đoàn Minh Hằng 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI