16.2 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bạn thật sự giàu có khi nào?

Photo: Florian Poulin

 

Tôi muốn viết một cái blog dịp trong đêm cuối năm về sự giàu có (nhưng thực ra thì nó đã được viết từ trước đó, chờ tới lúc mới up lên cho có vẻ kịch tính thôi). Giàu nghèo là vấn đề được bàn đến muôn thuở, từ cái thời còn có con chim ăn một quả khế trả nguyên cục vàng. Con chim ấy còn thông minh đến mức độ biết là nó chỉ chở được một túi đầy ba gang vàng không hơn. Giống chim ấy có thể vì lông đẹp quá mà bị săn bắt nhiều gây ra tuyệt chủng cả rồi. Dù sao thì giống chim ấy có tuyệt chủng hay chưa cũng không liên quan đến việc cái entry này dài thật là dài!

Tôi chọn viết về điều này chẳng qua là vì đọc được một bài viết trên Slate (bài viết ấy thực ra chẳng có nhiều thông tin cho lắm đâu), có nhắc đến một nhân vật mà chúng ta có thể đã biết đến nhiều: Người đã từ chối bán Snapchat cho Facebook với giá 3 tỉ USD – Evan Spiegel. 3 tỉ USD (một con số nghe mà giật mình, bởi vì 3 tỉ đó có thể giúp chúng ta có thể bắt đầu bao nhiêu là thứ khác, tôi mà có từng đó thì tôi đi quanh thế giới mở ra hàng đống trường học).

Bài trên Slate đã giải thích là ngoài việc tin vào khả năng phát triển của Snapchat, bạn Evan này còn có một lợi thế khác nữa. Bạn là con của một ông tỉ phú. Và bạn có nhiều hơn 3 tỉ (mà kể cả khi không có nhiều tới từng đó tiền, thì bạn cũng chẳng quan tâm nữa, vì bạn đã có đủ nhiều tiền). Bạn muốn phát triển về mặt công nghệ với snapchat, và khi bạn có điều kiện để làm thế, thì tội gì bạn không làm.

Tôi ước gì mình được như bạn. Không phải về mặt tiền bạc, mà ở việc tạo ra được một cái gì đó và có điều kiện để phát triển nó tới tận cùng.

Và chẳng phải đó là ước mơ của rất nhiều người trong số chúng ta? Chúng ta bỏ ra phần lớn cuộc đời mình để đạt đến một ước mơ – nếu chúng ta may mắn biết ước mơ của mình là gì – và tìm mọi cách để giữ gìn, phát triển nó. Sự giàu có, có thể không mang lại cho bạn hạnh phúc trong tình yêu, có thể không đảm bảo bạn biết rõ mình cần gì, ước mơ của mình là gì, thế giới quanh mình có tốt đẹp hay không, nhưng chắc chắn cho bạn một điều: sự đảm bảo khi bạn muốn làm điều gì đó.

Một trong những đặc điểm của người cha trong Khởi Sinh Của Cô Độc là nỗi sợ phải tiêu tiền. Ông làm ra rất nhiều tiền, nhưng ông không tiêu nó trừ khi bắt buộc, ông giữ lấy tiền quanh người, để mua lấy “cảm giác an toàn”. Bởi vì từ bé đến lớn, ông phải sống trong cảnh nghèo khổ, túng thiếu. Người cha ấy tất nhiên là bi kịch hơn Evan Spiegel, vì ông có thể làm được rất nhiều điều mình muốn, nhưng ông không muốn làm gì cả. Tuy nhiên, chính sự tiết kiệm của ông lại tạo ra cơ hội cho vị nhà văn, con trai ông, sau khi ông mất. Nhờ có tiền của cha để lại, Paul Auster đã thực sự được tĩnh tâm mà viết, không bị phân tán vì tất cả các công việc dịch dọt lặt vặt mà ông vẫn phải làm để kiếm sống.

Cách đây mấy năm, bạn tôi sống chung nhà với một người bạn khác. Hai người thanh niên bằng tuổi nhau, hơi hâm hâm giống nhau, đầy lý tưởng giống nhau, nhưng có hai gia đình rất khác biệt – một người không giàu có, nhưng gia đình luôn ổn định về kinh tế, một người thì (như bạn từng nói trong một bài phỏng vấn) đã trải qua một thời tuổi thơ và tuổi trẻ rất vất vả. Tất nhiên, tôi sẽ không bàn luận về đời tư của họ. Tôi chỉ muốn nói rằng sự khác biệt về nền tảng ấy không làm cho cả hai thực sự hài lòng với thế giới xung quanh họ. Vì họ có rất nhiều nỗi dằn vặt giống nhau, dù xuất phát từ những lý do khác nhau.

Hơn một năm trước, tôi cũng phải lòng một bạn trai. Người này có một hoàn cảnh rất khó khăn. Gia đình tôi cũng từng có lúc khó khăn như thế, nên tôi hiểu điều bạn phải đối mặt. Tất nhiên, sự thấu hiểu đấy không giúp chúng tôi ở gần nhau. Lý do lớn nhất là vì chúng tôi không yêu nhau gì cả. Nhưng bên cạnh đó, có một điều mà tôi luôn thấy khi ở cạnh bạn: Sự bất an. Sự khó khăn của gia đình đã ngăn cản bạn tận hưởng rất nhiều điều của cuộc sống. Và trong số đó, có những điều không hề tốn kém. Bạn chọn không tận hưởng. Và dù lối sống ấy đã góp phần ngăn cản sự gần gũi về mặt tinh thần của cả hai chúng tôi, tôi cũng chẳng bao giờ cảm thấy phiền muộn. Tôi đồng ý với lựa chọn của bạn, cho dù tôi có một lựa chọn khác.

Nếu search google, bạn sẽ tìm thấy những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những biến động thời ấu thơ sẽ làm người ta luôn thấy không được an toàn khi lớn. Những người sống một tuổi thơ nghèo khó sẽ coi trọng lao động hơn, coi trọng việc kiếm ra tiền hơn, nhưng họ sẽ tiêu tiền ít hơn. Họ ít mạo hiểm hơn trong cuộc sống, và họ cũng ít thể hiện nhu cầu cá nhân của mình hơn. Họ ít cầu toàn hơn. Và đặc biệt, họ hay than thân trách phận, cay nghiệt với xã hội và dễ có xu hướng trở thành cực đoan.

Tuy vậy, sự giàu có không đảm bảo điều ngược lại. Có rất nhiều người bạn sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình sung túc, hoặc rất giàu có, nhưng tôi chưa bao giờ nghe họ nói họ muốn tạo ra cái gì, theo đuổi cái gì. Họ đòi hỏi cao ở người khác, hay than phiền, ít động lực và quan tâm nhiều tới điều kiện của môi trường xung quanh hơn là mục đích cốt lõi của công việc. Và như bạn đã biết, Alexander Hamilton đã nói:

“When you stand for nothing, you fall for everything.”

Dù sao đi nữa, tôi mừng cho họ, họ sẽ fall trên một đống tiền.

Và bây giờ là phần câu chuyện của tôi trong một năm qua. Tôi chính ra đã có một năm tuyệt vời, khi mà tất cả đều tuyệt vời. Chuyển sang được một khu dân cư tuyệt vời, đi xa khỏi đám đông điên loạn (bắt chước Far from madding crowd – tên một cuốn sách thực ra chả có đám đông điên loạn nào), bước vào một môi trường làm việc mới thú vị hơn, gần như tháng nào cũng đi đâu đó dù không rõ là đi đâu, mâu thuẫn bạn bè tưởng không gì cứu nổi bỗng một ngày lại đâu về đó, sách picture book được in ra, sách dịch được in ra, bố mẹ gia đình khỏe mạnh, lâu lâu cãi nhau với em gái nhưng năm phút sau lại quên mất, khởi động Vẽ Kể Chuyện… Đại khái, là một cuộc sống tuyệt vời trừ việc lại già thêm một tuổi. Nhưng nếu sau một năm mà ta lại không già thêm một tuổi thì quy luật tự nhiên có ý nghĩa gì đây?

Ấy vậy, chuyện đời sống của tôi vui vẻ thì có liên quan gì đến sự giàu có hay không? Chắc chắn là không, thu nhập của tôi về cơ bản cũng như năm ngoái. Tôi có một khoản tiền tiết kiệm không đủ mua bất cứ cái gì lớn lao, cũng chẳng ít để đến nỗi nghỉ làm hai ba tháng tôi sẽ chết đói. Tuy nhiên, điều quan trọng là cuối cùng tôi thấy mình thoát khỏi đứa trẻ bất an vẫn ám ảnh về sự thiếu thốn ngày nào. Tôi tin vào mọi người, tôi lạc quan, tôi buồn những chuyện cần buồn và có một giấc mơ để theo đuổi.

Tôi kể lể về một đống các thứ về người khác bên trên, thực ra chỉ để nói về chính mình. Tôi là một người lớn lên ở nông thôn và trong một gia đình đã có lúc suýt không có cả nhà để ở. Tôi đã sống qua những cảnh mùa đông đói rét trong nhà không có gì ăn và phải đi xin rau nhà hàng xóm. Và tôi cũng là một trong những người tỉnh lẻ lên các thành phố lớn học tập, mong có một công việc tốt, một nơi để khẳng định mình. Và đã có những lúc tôi tràn ngập trong nỗi buồn. Rồi tôi đã gặp mọi người, có những người rất giàu có, có những người luôn nghèo khổ. Và tôi nhận thấy dù thế nào đi nữa, điều quan trọng là phải biết rằng mọi biến cố vẫn có thể xảy ra, ngày mai tôi có thể ngã trên đống tiền nhưng cũng có thể ngã trên đống bùn, nhưng không có thứ tiền của nào hay sự bất hạnh nào ngăn cản mình mơ mộng.

Và nhờ điều ấy, tôi đi đến một kết luận là sự giàu có thực sự là khi bạn cảm thấy sự bất an giảm mạnh, niềm hi vọng và tự tin vào chính mình và điều kiện xung quanh tăng mạnh, trong sự cân nhắc và tỉnh táo, bớt cay nghiệt khi nhìn vào những bất hạnh của mình và bớt cay nghiệt với toàn bộ xã hội xung quanh mình. Yêu những người không cố tình gây hại cho ai. Bạn giàu có khi bạn can đảm. Tôi nhớ không rõ, nhưng đại khái có câu hát mà lâu lâu, mỗi khi xã hội ta có cái gì loạn lạc, các bạn lại khoái share lên Facebook: Chúng ta giàu mọi thứ, chỉ nghèo mỗi tình người. Thực ra thì tình người vẫn luôn có ở đó, luôn giàu mạnh dồi dào, nhưng tấm lòng của mình cũng phải đủ giàu thì mình mới có thể đón nhận được nó.

Và nên vui, và luôn tận hưởng, và yêu, cuộc sống ngắn ngủi lắm (vầng, tôi đã già thêm 1 tuổi).

 

Phương Huyên

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

  1. Phải chăng đây là người đã dịch Khởi Sinh Của Cô Độc?
    Gửi đến chị sự ngưỡng mộ
    nhân tiện cám ơn chị đã dịch cuốn sách hay đến như vậy.

Trả lời Michael Nguyen Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI