21.2 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Trở lại Hong Kong

*Photo: Tomasito.!

 

Trở lại Hồng Kông cho một hội nghị. Trong chuyến đi chớp nhoáng lần trước, Hồng Kông đối với mình chỉ là các tòa nhà chọc trời và những thương hiệu hào nhoáng không thể nào sờ nổi. Lần này, mình quyết tâm tìm kiếm những góc nhìn khác về vùng đất này.

Ở lại thêm vài ngày sau hội nghị, mình dành thời gian lang thang bên ngoài các địa điểm du lịch. Bắt một chuyến xe buýt bất kỳ rồi để nó đưa mình đến nơi chẳng biết là đâu rồi loanh quanh khắp các ngõ nhỏ, dạo quanh một khu chợ địa phương và nhìn người ta buôn bán, hay đi bộ lên đỉnh núi và nhìn xuống bao quát biển đông.

Và Hồng Kông cho mình thấy những góc nhìn sâu hơn vào lòng thành phố.

Hồng Kông không chỉ là những cô gái ăn mặc thời trang như đang trên sàn catwalk bước đi kiêu hãnh qua đại lộ đầy những thương hiệu nổi tiếng. Hồng Kông còn là những tòa chung cư cũ nát với những căn hộ san sát bé như tổ chim cúc cu, những hẻm vắng đọng rác mờ tối trong đêm khuya vẳng bước chân người đi làm về muộn.

Hồng Kông là những công viên rộng lớn với nhiều tiện nghi, cũng là nơi những người giúp việc nhập cư tụ tập trải bạt ăn uống trò chuyện dịp cuối tuần, là những tòa nhà chọc trời sáng rực phản chiếu trong ánh mắt mờ đục của người vô gia cư vừa ngước lên nhìn khách qua đường vừa phủ chiếc chăn rách che đôi chân lạnh cóng trong tiết trời sương giá.

Hồng Kông với đoàn người đông đúc lũ lượt kéo nhau đi hết ga tàu này đến ga tàu khác như những kẻ mộng du cùng bị lùa đi về một phía, những con người bị giam mình trong không gian chật hẹp và cuộc sống tù túng, cố gắng xoay xở với cái tiện nghi đôi khi khiến ta nghẹt thở. Nhưng Hồng Kông cũng là cảm giác chưa bao giờ thấy tự do hơn khi đứng trên đỉnh núi, nhìn bầu trời mênh mông chao lượn những cánh đại bàng, tiếng gió thổi rừng trúc lao xao trên con đường leo núi Lưng Rồng, mảng trời xanh vắt hiện lên trong rừng già, và bãi biển đầy người phơi nắng với bầu trời xanh không gợn mây trong buổi chiều mùa xuân mát lạnh.

Hồng Kông không chỉ là chi phí sinh hoạt đắt đỏ với bốn mẩu thịt gà tí hon bằng giá nguyên một con gà ở Việt Nam, mà còn là những quả táo quả dâu đỏ tươi căng mọng rẻ bất ngờ, khiến mình phải mua liền cả ký ăn cho đỡ ghiền. Khu chợ địa phương người mua kẻ bán nhìn không chán mắt, nông sản tươi xanh ngon lành bày bán khắp nơi, người bán hàng cạy vỏ hàu và cười với mình thật vui, dân bản địa thong dong mua bán với thần thái an yên tỏa ra từ khuôn mặt. Vừa gặm táo vừa đi dạo một vòng khu chợ, mình cảm nhận thật rõ cái hương vị rực rỡ sinh động của cuộc sống, đầy màu sắc và mùi vị, âm thanh và cảm giác. Quà về Việt Nam là một túi đầy dâu tây và dưa chuột.

Hồng Kông không chỉ là những trung tâm thương mại nêm kín người qua lại, đông đến nỗi tưởng như chẳng đủ không khí để thở, mà còn là những con phố dài thênh thang phủ đầy cây cối, những lane đường dành riêng cho xe đạp, những hàng xe đạp dài dựng dọc hè phố cứ thế để qua đêm, những đứa trẻ mặt tươi như hoa tung tăng đi học, và không khí tinh khiết thoáng đãng vùng New Territories.

Dịp cuối năm, Hồng Kông càng thêm đông đúc vì người Trung Quốc đổ sang mua sắm chuẩn bị cho tết âm lịch. Có thể dễ dàng phân biệt người Hồng Kông với người Trung Quốc, người Hồng Kông thường có phong cách cực kỳ lịch sự, thời trang, có phần lạnh lùng, còn người Trung Quốc đại lục có vẻ ngoài hơi quê mùa, thần thái kém hơn, ăn mặc xanh đỏ tím vàng lạc mốt, và ăn to nói lớn, hễ người Trung Quốc đi đến đâu là tiếng ồn ào trò chuyện vang lên đến đấy.

Người Hồng Kông có tiếng bảo thủ và hơi khép kín, nhưng một khi đã có được lòng tin nơi họ, mối quan hệ hữu hảo sẽ kéo dài bền lâu và tạo thâm tình khiến ta phải cả đời trân trọng. Người Hồng Kông cũng nổi tiếng là lịch sự, tờ The Economist viết: “It is almost impossible to be too polite in Hong Kong”. Vô tình đụng vào người khác vì đường quá đông, nhưng họ luôn nhanh chóng xin lỗi, dù chẳng phải là lỗi của họ. Xin lỗi và cảm ơn cũng là những từ mà mình thường xuyên được nghe trên phố.

Người Hồng Kông giao tiếp với một phong cách lịch thiệp và trân trọng làm mình liên tưởng tới những giá trị đạo đức tốt đẹp của Nho giáo xa xưa, mà chính người Trung Quốc đại lục bây giờ ít ai còn giữ vì nền văn hóa chạy theo vật chất. Giới trẻ Hồng Kông cũng mắc bệnh chúi mũi vào sản phẩm công nghệ, mắt cứ gắn chặt vào điện thoại trong khi di chuyển. Cả tuần liền chỉ thấy một quyển sách duy nhất được đọc bởi một cô gái trẻ trên tàu điện ngầm, quyển Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất.

Mình ngưỡng mộ hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng ở Hồng Kông. Những con đường leo dốc được phủ xi măng và lưới xanh để chống xói mòn, các rãnh thoát nước chảy dọc từ trên núi, từng bậc thang nhỏ trên khắp các dốc núi cho người đi bảo trì đồi núi, những cây cầu nối biển giữ kỷ lục thế giới, các tòa nhà cao tầng xây dựng theo kiến trúc đô thị hiện đại, nổi bật mà vẫn hài hòa, mang lại cho Hồng Kông vẻ rực rỡ hoành tráng thuộc top những skyline đẹp nhất thế giới.

Đi hiking qua những ngọn núi chẳng một mẩu rác, mình không khỏi bật lên một tiếng thán phục. Từ đỉnh núi nhìn xuống, một bên là mặt biển đầy những cánh buồm bé xíu của người lướt ván, bán đảo bên kia vịnh với những căn hộ xây dọc triền đồi đẹp như tranh vẽ trong phim của Ghibi, một bên là thị trấn đánh cá nhỏ bé mà hiện đại, xinh đẹp nép mình ngay dưới chân núi bên bãi biển xanh trong. Vùng đất này sao mà giàu đẹp thế. Người ở đây làm việc như điên và hưởng thụ cũng dữ, lại thoáng chạnh lòng nghĩ dân nước nghèo phải dành cả đời để kiếm miếng ăn.

Tự hỏi Hồng Kông đã làm thế nào để biến một làng chài chuyên nghề làm muối và đánh bắt cá thành một đô thị hiện đại như thế, với GDP đầu người đứng thứ sáu thế giới. Với tất cả những đầu tư và tiền bạc để xây dựng thành phố trên một vùng đồi núi nhấp nhô ven biển này, không rõ Hồng Kông của thời khai hoang vỡ đất ra sao, không rõ những hiện đại tiện nghi này đều là do người Anh đem đến hay bao nhiêu phần trăm là người Hồng Kông tạo dựng? Và mình không khỏi ghen tỵ và lại tự hỏi, tại sao con người lại đổ tiền của vào xây dựng vào một mảnh đất này, mà không phải là nơi khác, Việt Nam chẳng hạn, khi quê hương mình cũng có vị trí địa lý hết sức thuận lợi.

Trời Hồng Kông gần tết âm lịch thật lạnh, đêm đầu tiên đến nơi mặc hai ba lớp áo mà vẫn run cầm cập. Nhưng sang những ngày sau, không biết vì trời đỡ lạnh hay vì mình đã quen, mà bắt đầu thấy thích cái tiết trời nơi đây. Thích cái cảm giác se se len lỏi vào lớp áo thể dục, thích cảm giác khô ráo không nhễ nhại mồ hôi sau gần mười cây số leo núi, thích cái cảm giác ước ao có một ai đó để vùi mặt vào lồng ngực to lớn, hít hà cái mùi hương cơ thể, và ôm thật lâu.

Lần trước lang thang một mình Ladies market, mình đã suýt bật khóc vì cô đơn giữa biển người trong đêm lạnh. Lần này cảm giác vui vẻ và ấm áp, bật cười nhìn người đàn ông già nhảy moon walk và lẩm nhẩm theo giai điệu của Billie Jean, len lỏi giữa khu mua sắm đông nghẹt rồi gật gù nhấm nháp món súp rong biển ăn kèm cơm phá lấu. Thấy mình đã đi một quãng đường dài, đã trưởng thành hơn trong suốt hai năm.

Lần trước visa Hồng Kông được cấp riêng, lần này chỉ là một mảnh giấy lưu trú mà không có cả con dấu, dường như Hồng Kông đang dần bị mất đi quyền đặc khu tự trị của mình, sắp chính thức trở thành một phần thật sự của Trung Quốc, với chính sách hải quan và hệ thống thuế mà Trung Quốc đang áp dụng, có lẽ sẽ mất đi một phần lợi thế. Khi Trung Quốc chính thức sở hữu một trong bốn trung tâm tài chính lớn nhất thế giới này, thế lực của họ sẽ lớn đến mức nào.

Ở gần Tsim Sha Tsui, người ta đang đào công trình để xây đường tàu cao tốc nối liền Hồng Kông với Bắc Kinh, chỉ mấy năm nữa, vùng đất phồn hoa đô hội này sẽ tràn ngập người từ đại lục. Trong đầu mình vang lên câu hỏi: lẽ nào dân Hồng Kông cam chịu như vậy? Để rồi tự trả lời: cũng không có lựa chọn nào khác ngoài thích nghi theo thời cuộc, số phận của họ đã an bài từ cách đây gần hai mươi năm trước, khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, cái mình thấy bây giờ chỉ là những kết quả của cuộc đàm phán ngày đó.

Dù gì, thì những cảm hoài cũng không làm mình vơi bớt niềm vui du lãng. Trong những chuyến đi, mình thường “đóng băng” một khoảnh khắc trên đường hành trình, để cái không gian đẹp đẽ xung quanh thấm đẫm vào tim, khắc in hình ảnh đó, lưu nó vào trong bộ nhớ. Rồi mỗi lần buồn chán mài quần ở công sở, lại lấy ra gặm nhấm những kỷ niệm đẹp đẽ đó, mà có thêm động lực cày bừa tiếp.

Và cái buổi chiều mình nằm dài trên bãi biển mùa xuân nhìn những người lướt ván đang lộn nhào trên từng ngọn sóng, nhìn người đàn ông dịu dàng bế đứa trẻ trên tay sưởi nắng cuối chiều, nhìn bầu trời xanh ngắt không một gợn mây chao cánh đại bàng, mình đã nghĩ, có thể cho cái khoảnh khắc đó vào “favorite moment list” của mình, và lại một lần nữa để cảm giác vui sướng dâng lên, len lỏi tràn khắp lồng ngực, làm tim mình thắt lại vì tình yêu cuộc sống.

Tạm biệt Hồng Kông, nhìn thành phố lộng lẫy bên bờ vịnh biển đông đang mờ dần dưới làn mây khi máy bay cất cánh, mình thở một hơi dài thật chậm, tự hỏi làm thế nào để Việt Nam mới giàu đẹp như thế, người Việt Nam mới văn minh như thế. Và mình sẽ làm gì để góp phần vào tương lai ấy?

 

 

Rosie Nguyen

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Chưa đi Hồng Kong bao giờ nhưng u già nhà mình đi du lịch về bảo toàn nhà là nhà, chả có gì hay. Bản thân mình chỉ đọc về Hồng Kong qua sách vở thì cảm tưởng mình không hợp để sống ở xứ này. Nghĩa là làm việc như điên và hưởng thụ cũng như điên nốt. Mình vốn đại lãn, coi trọng cái sự NHÀN nhất ở trên đời. Tiền ít cũng được nhưng phải được tự do thoải mái nhàn nhã không bị đồng tiền sai khiến… Nhưng cảm giác về HK thực sự như thế nào thì mình phải đích thân đến và trải nghiệm mới có kết luận chính xác được… 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI