20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Học từ “cái chết” để thực sự “sống”

*Photo: Michael Wifal

 

Thật ra, tôi cũng nghĩ rằng vào dịp đầu năm mới thì không nên viết về những thứ mang màu sắc u ám hay tiêu cực (theo cách nghĩ của nhiều người) như cái chết. Theo lẽ thường, ta nên viết về cái gì đó thật vui, thật hân hoan. Nhưng tôi vẫn muốn viết, bởi vì với tôi, khi có cảm xúc thì mọi suy nghĩ và từ ngữ sẽ tự động xuất hiện, và việc còn lại tôi phải làm là dùng tay để thể hiện những suy nghĩ đó ra văn bản. Mặt khác nữa, tôi nghĩ rằng bản chất của mọi thứ đều có hai mặt, quan trọng là cách chúng ta nhìn mà thôi, có những điều tích cực về cái chết mà tôi muốn chia sẻ với bạn.

Đầu tiên cho tôi hỏi bạn một câu. Bạn có sợ chết không?

Riêng tôi thì sợ lắm, mỗi lần tôi nghe tin một người nào đó qua đời thì tôi lại bị ám ảnh. Mới mấy hôm trước, bà ngoại của một người bạn của tôi qua đời và thế là dòng suy nghĩ về cái chết lại được khơi dậy trong đầu tôi. Tôi từng đối mặt không dưới năm lần với cái chết. Lúc còn nhỏ, khoảng tám tuổi, tôi đã suýt chết đuối vì không biết bơi nhưng vẫn theo bạn tắm sông. May mắn thay, có người đã thấy và cứu tôi lên. Một lần khác, tôi đang ngồi trên một chiếc taxi ra sân bay, đột nhiên chiếc taxi bị nổ lốp và đâm vào dải phân cách. Một lần nữa, tôi may mắn thoát chết.

Bạn đã có trường hợp nào đối diện với cái chết chưa?

Nếu đã từng, bạn hẳn sẽ hiểu được cảm giác của tôi lúc đó. Đó là một trạng thái hỗn độn với những cảm xúc khác nhau: Nỗi sợ hãi, sự kinh hoàng xen lẫn cảm giác hạnh phúc và may mắn vì thoát chết. Nhưng sau những thời khắc như vậy, nhiều câu hỏi lại xuất hiện trong đầu tôi: “Tại sao tôi lại thoát chết?” “Nếu không may tôi chết đi, tôi sẽ tự hào về điều gì? Tôi sẽ hối tiếc về điều gì? Tôi để lại gì cho cuộc đời này?” “Rốt cuộc, tôi sống trên đời này để làm gì?”

Những câu hỏi đó cứ làm tôi trăn trở và suy nghĩ mãi về cuộc sống mà tôi đang sống. Và rồi tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Có một câu như thế này “Cứ gõ, cửa sẽ mở. Cứ đi, sẽ đến. Cứ tìm, sẽ thấy!”  Theo thời gian, tôi cũng đã tự tìm thấy cho mình những câu trả lời. Và những câu trả lời đó giúp tôi có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình nhiều hơn. Tôi cũng nhận ra rằng, suy nghĩ về cái chết không phải là điều gì tiêu cực, và có nhiều điều chúng ta học được từ cái chết để sống một cuộc sống xứng đáng hơn.

Bạn đang sống cuộc đời của mình chứ?

“Hầu hết mọi người là người khác, những suy nghĩ của họ là ý kiến của người khác, cuộc sống của họ là sự bắt chước, cảm xúc của họ là một câu trích dẫn.” – Oscar Wilde

Nếu bạn biết được rằng hôm nay là ngày cuối cùng của bạn trên cuộc đời này, bạn sẽ làm những điều mình thích, những dự án mình tâm huyết và thực hiện ước mơ lớn nhất của đời mình?

Tôi nghĩ rằng câu trả lời của bạn sẽ là “Có”. Chỉ tiếc một điều rằng, có quá nhiều người trong chúng ta không ý thức về điều này. Thay vì sống cuộc sống của chính mình, thực hiện ước mơ của đời mình, họ lại để những định kiến, áp đặt của người khác chèo lái cuộc đời của mình. Hết ngày này qua ngày khác, họ mải mê trên con đường xây dựng ước mơ cho người khác và quên đi ước mơ của chính mình. Đến khi nhận ra thì mọi thứ đã quá muộn. Tôi có đọc được một câu chuyện về một người y tá đã ghi chép lại năm điều hối tiếc nhất của những người hấp hối. Bạn biết điều hối tiếc lớn nhất là gì không? Đó là: “Tôi ước rằng tôi có đủ can đảm để sống cuộc sống của mình chứ không phải sống theo sự mong đợi của người khác.”

Còn bạn, bạn có muốn khi hấp hối, bạn cũng sẽ hối tiếc về điều này?

Có nhất thiết phải thành công bằng mọi giá?

Trước tiên, tôi không có ý rằng thành công là xấu và ta không nên cố gắng để thành công. Thành công là điều tốt nhưng tôi muốn bạn chú ý đến cụm từ “bằng mọi giá”. Điều hối tiếc đứng thứ hai của những người hấp hối chính là họ đã dành quá nhiều thời gian cho công việc trong khi dành quá ít thời gian cho vợ, con, gia đình và bạn bè. Tôi chưa có gia đình riêng, nhưng một trong những điều tôi day dứt nhất chính là vì tôi quá tập trung vào công việc đến nỗi khi mẹ tôi ốm nặng, tôi không ở bên cạnh chăm sóc nhiều, và khi mẹ tôi mất, tôi cũng không về kịp để nhìn mẹ tôi lần cuối.

Có những người khác, vì thành công, vì tiền bạc mà sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để vơ vét tài sản về phía mình, để được thăng quan tiến chức. Nhưng những gì họ có được là những mối quan hệ dựa trên sự vụ lợi và có thể đỗ vỡ bất kỳ lúc nào khi hai bên không còn giúp ích được gì cho nhau. Họ nhận được sự xa lánh và coi thường của những người chính trực, thậm chí bi kịch hơn là từ người thân của họ.

Như vậy có đáng không? Khi bạn ra đi, những gì bạn để lại cho cuộc đời là gì?

Sống hết mình cho hiện tại

Chúng ta phải ý thức được một điều rằng chỉ có hiện tại mới có ý nghĩa và thời gian của chúng ta trên đời này có thể kết thúc bất kỳ lúc nào. Vậy thì có cần thiết phải day dứt về những lỗi lầm trong quá khứ, ôm lấy nó vào người, khiến nó trở thành gánh nặng suốt đời của chúng ta? Hãy chấp nhận quá khứ và để quá khứ mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm, những bài học giúp chúng ta sống tốt hơn ở hiện tại.

Còn tương lai là một điều gì đó bất định, có thể ngày mai sẽ không bao giờ đến với bạn hoặc tôi. Vì vậy, tất cả những gì bạn muốn làm, tất cả những lời yêu thương bạn muốn nói, hãy làm ngay bây giờ, đừng để đến ngày mai, đừng để đến tuần tới. Bởi lẽ có khi chúng ta sẽ không còn cơ hội để thực hiện nữa.

“Cuộc sống là một hành trình, không phải là một đích đến.” – Ralph Waldo Emerson

Có nhiều người đợi đến lúc mình đạt được điều gì đó mới thấy hạnh phúc. Họ đặt ra những mục tiêu và chỉ khi đạt được mục tiêu thì mới cảm thấy hài lòng. Nhưng những người như vậy thường có gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống bởi vì không phải lúc nào họ cũng đạt được những mục tiêu họ đặt ra. Vậy thì đến lúc mới được hạnh phúc?

Cuộc sống là một hành trình, vậy nên cứ tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống mà chúng ta có được. Hãy cứ vui với những điều bình dị nhất, hãy cứ sống hết mình mỗi ngày và hạnh phúc với điều đó.

Những điều cần làm trước khi chết

Bộ phim “The Bucket List” ra đời năm 2007 đã làm dấy lên một làn sóng trong một lớp trẻ. Bộ phim nói về hai ông già mắc bệnh ung thư gặp nhau trong bệnh viện. Họ được bác sĩ cho biết cơ hội của mình chỉ còn vài tháng nữa. Khi nỗi tuyệt vọng ban đầu qua đi, họ quyết tâm cùng nhau thực hiện những ao ước lâu nay vốn bị công việc, cuộc sống bộn bề cản trở.

“Bucket list” – danh sách những điều cần làm trước khi chết ra đời. Sau đó, họ cùng nhau trải qua một trong những khoảng thời gian ý nghĩa nhất cuộc đời: Nhảy dù, leo núi, đua xe, viếng thăm những kỳ quan của thế giới như Vạn lý Trường Thành, cung điện Taj Mahal, Kim tự tháp Ai Cập hay hát sảng khoái trên những cánh rừng hoang dã Châu Phi bên những đàn linh dương, voi và sư tử. Bộ phim kết thúc khi dòng cuối cùng của danh sách được gạch bỏ, cũng là lúc họ yên nghỉ thiên thu trên đỉnh Himalaya tuyết phủ trắng xóa, ngắm nhìn thế giới.”

Thời gian chúng ta có mặt trên cuộc đời này là hữu hạn, đừng tốn thời gian vào những định kiến của người khác, hãy cứ làm những gì bạn ao ước trong cuộc sống miễn là những điều đó không trái với đạo đức và pháp luật. Tôi đã lập danh sách 101 điều cần làm trước khi chết của mình, trong danh sách đó có những điều thật lớn lao, có những điều thật nhỏ nhưng cứ mỗi khi đọc lại danh sách đó, tôi lại cảm thấy mình có động lực hơn để sống cuộc sống của chính mình.

Tôi không biết bạn thế nào nhưng riêng tôi học được rất nhiều điều từ cái chết. Những điều tôi học được giúp tôi sống cuộc sống của mình ý nghĩa hơn. Và tôi biết rằng, nếu tôi tâm niệm và áp dụng những điều tôi học được từ cái chết để sống, một ngày nào đó khi ra đi, tôi sẽ không còn sợ hãi, không còn hối tiếc nữa.

 

 

Đỗ Tiến Minh

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Nhưng dù sao sau khi đọc bài viết của bạn mình cũng thấy có điều gì đó ảnh hưởng,có lẽ tốt với tôi và giuoz tôi chiêm nghiệm đươc những điều vô cung có ý nghĩa về c.đ này,cảm ơn bạn!

  2. Tôi rất thích bài viết này của bạn,quả thật bạn đã nói được những điều mà tôi vẫn suy nghĩ,suy nghĩ về cuộc đời và học cách sống sao có cho có ý nghĩa..tôi cũng rất muốn bàn luận hay trao đổi với ai đó về cuộc đời này về cái chết(hơi tiêu cực phải không ạ)…
    Bạn nói đúng nên học cách sống hết mình cho hiện tại,tôi cũng muốn như vậy,tôi cũng biết cuộc sống không là vĩnh cửu,tôi luôn muốn sống hết mình,muốn sống vui vẻ,vô tư và làm được điều gì đó không cần to lớn nhưng đủ để tôi và gia đình được tự hào và để tôi biết rằng tôi đã không sống vô ích…Tuy vậy ám ảnh về cái chết luôn làm tôi thấy sợ hãi,nhất là về đêm,người ta nói “khi người ta cô đơn thì hay nghĩ vẩn vơ”tôi đã đặt ra cho mình câu hỏi “nếu tôi chết đi thì sẽ như thế nào?” còn tiếp theo những gì sẽ xảy ra tôi không dám nghĩ đến…Lắm khi nghĩ lại cũng thấy mình điên thật,sao lại nghĩ linh tinh thế nhỉ,ý nghĩ ấy có từ bao giờ?lại có lúc nghĩ những người điên không nhận thúc có lẽ lại vui,sống vô tư chẳng biết thế nào là chết cũng chẳng suy nghĩ gì..tôi lại cười nhạt “có lẽ mình suy nghĩ thế này còn điên hơn người điên”
    Tôi rất muốn tìm cách nào đó để xóa đi những ý nghĩ này,để tôi sống vô tư vui vẻ và quan trọng nhất là tôi có thể sống 1 cách đúng nghĩa,có niềm tin,hy vọng và có điều gì đó đẻ tôi phấn đấu,để tôi thấy rằng cuộc đời vô cùng tươi đẹp và có nhiều điều tôi cần làm hơn là chỉ nghĩ về điều chết tiệt ấy.

  3. Có một lần,mình nằm mơ thấy mình bị tai nạn xe và chết.Lúc đó cảm thấy cô đơn và cực kỳ hoảng sợ.Vội vã đi tìm về nhà,tìm ba mẹ,tìm người thân.Hi vọng có họ bên cạnh,nhìn thấy và chia sẻ với mình.
    Rồi khi chợt tỉnh giấc nhận ra đó chỉ là ác mộng.Mình cảm thấy thật may mắn vì mình vẫn còn đang sống.Kiểu như từ địa ngục trở về thiên đường.
    Từ đó trở đi,mình luôn tâm niệm rằng “Sống làm sao khi ra đi thì sẽ có người bên cạnh.Sống làm sao để ko hối tiếc.Sống hết sức mình từng ngày”.Đời là vô thường,sống gửi thác về.

  4. có thể đúng.. có thể chưa đúng… cuộc sống nó ko hẳn nằm trong 1 khuôn khổ nhất định nào hết mà để ta có 1 công thức chung…
    sống vì đam mê.. ước mơ, sự lựa chọn của mình.. đừng sống vì suy nghĩ người khác… nhưng thử hỏi khi cái người khác kia chính là gia đình, người thân.. bậc mẫu thân của mình.. khi mà mình chưa báo hiếu dc gì.. thì cố gắng dung hòa theo suy nghĩ của ” người khác” đó cũng là 1 điều đáng suy ngẫm.
    p/s: ko biết suy nghĩ mình đúng hay sai.. nhưng đó là cái mình đang nghĩ

Trả lời vô danh Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI