25 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Về sự mất tập trung và thói quen ngại đọc dài

*Photo: Jeniee

 

Chưa có thời đại nào mà con người mất tập trung như bây giờ, sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, mở rộng của các ngành nghệ thuật và phát triển kinh tế tưởng chừng sẽ làm con người và những phong tục cũng trở nên lành mạnh hơn nhưng có vẻ như là điều ngược lại. Nhận thấy khoa học kỹ thuật phát triển chỉ làm con người ngày càng trở thành nô lệ của máy móc và công cụ, sự tiến bộ của các ngành nghệ thuật thực ra chỉ là sự huyễn hoặc và phát triển kinh tế chỉ làm con người thêm xa rời thiên hướng tự nhiên.

Một điều dễ dàng nhận thấy rằng, càng ngày dân trí của con người càng cao, nhưng vĩ nhân ngày càng hiếm. Trong hầu hết xã hội dân chủ ngày nay, con người trong xã hội đó mong muốn nhất không phải là tự do, mà chính là bình đẳng, chắc chắn họ luôn muốn bình đẳng cả khi không được tự do. Bình đẳng nghĩa là con người phải được đối xử ngang bình với nhau, nghĩa là cho phép mỗi phần tử trên cơ thể của xã hội làm bất cứ cái gì nó thích, có nghĩa là sự đứt mạch lạc, sự lên ngôi của phóng túng và hỗn loạn.

Và điều để phát triển vĩ nhân lại chính là tự do chứ không phải bình đẳng. Một cây mầm tốt không thể phát triển tối đa trong cùng một điều kiện chăm sóc như nhau được, và đặc biệt chúng không để những mầm cây khác hút hết chất dinh dưỡng đáng ra chúng được ưu đãi, chúng phải được chế độ nuôi dưỡng riêng biệt. Tại sao tôi nói về vĩ nhân? Theo tôi vĩ nhân là những người thực sự tập trung và hướng ý chí vào một vấn đề nào đó chứ không phải là cái gì cũng biết một ít, thông tin gì cũng nắm được một chút, mà đa phần chúng ta bây giờ là như vậy.

Phải nói rằng, trong chúng ta ai cũng muốn được tập trung nhưng lại rất khó để tập trung, có quá nhiều thứ làm ảnh hưởng đến sự tập trung đó. Riêng việc tập trung để đọc hoàn thiện một cuốn sách đối với chúng ta cũng là điều vất vả. Ta mua một quyển sách hay về và dự định đọc trong vòng một tuần sẽ xong. Sáng sớm tỉnh dậy là lúc tinh thần minh mẫn nhất, là thời điểm tốt để đọc sách, nhưng đã gần đến giờ đi học rồi, thôi đành mang đến lớp giờ nghỉ giải lao sẽ đọc. Đến giờ nghỉ giải lao trên lớp chuẩn bị lôi sách ra đọc thì đám bạn rủ ra ngoài nói chuyện cho vui, thôi đành cất lại về nhà sẽ đọc.

Tối về đến nhà thì tiếng ti vi của mẹ đang xem phim ồn áo khó tập trung được. Định lên phong đọc sách cho yên tĩnh thì nhớ ra hôm nay hình như mình chưa lên mạng, thử lên kiểm tra face xem có thông tin gì mới không đã! Vèo cái đã 10-11 giờ đêm rồi, chết rồi còn bài tập chưa kịp làm, làm cố cho xong đến 12 giờ đêm. Lúc này mới giở ra được trang sách đầu tiên, nhưng sao mắt của mình nó cứ ríu lại thế nhỉ? Đọc chẳng hiểu gì cả, chữ nghĩa cứ mờ dần mờ dần và chìm vào trong giấc ngủ. Sáng hôm sau tất nhiên lại ngủ dậy muộn, và cứ thế sang các ngày khác.

Cuối cùng chắc chỉ có ngày lễ hay ngày nghỉ mới có thời gian, nhưng cũng vừa mới lật vài trang sách thì tiếng chuông điện thoại bên cạnh reo: “Ê, hôm nay ngày nghỉ trời đẹp quá, anh em lâu chưa gặp nhau, đi đâu gặp nhau tí.” Và cứ thế, mấy tháng sau may ra mới đọc xong cuốn sách, nhưng điều quan trọng là có khi chẳng nhớ mình đã đọc xong cái gì. Những người sống nội tâm đôi khi lại là người có sự tập trung cao hơn người khác rất nhiều, nhưng khi bị tác động họ lại dễ bị ảnh hưởng hơn.

Những phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại như internet, điện thoại, tivi… Là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất tập trung này. Đôi khi chúng ta không biết lên internet để làm gì nhưng không đủ can đảm để rời màn hình. Đôi khi không có cuộc gọi hay tin nhắn nào nhưng thói quen vẫn giơ điện thoại ra trước mặt kiểm tra, và đôi khi không có chương trình tivi nào hấp dẫn nhưng chúng ta không đủ can đảm để tắt nó đi, CHÚNG TA SỢ SỰ IM LẶNG, chúng ta muốn tập trung nhưng lại sợ tập trung.

Quá mâu thuẫn. Có quá nhiều thông tin không cần thiết đến với chúng ta hàng ngày, nhiều người vẫn tưởng đó là kiến thức, nhưng thực ra không phải, đừng khoe mình biết (know), hãy làm sao để mình hiểu (understand) và biết phân tích. Có quá không khi tôi nói rằng những người còn nghiện coi tivi, facebook là những người bình thường, thậm chí là tầm thường? Các chương trình tivi, phim ảnh vừa giết chết thời gian của chúng ta, chúng lại con giết chết cả điện ảnh và nghệ thuật. Hầu hết các chương trình này là vô bổ, gây độc hại nhưng lại gây được sự quan tâm nhiều nhất. Nguyên nhân không phải là chúng ta thích xem tivi, phim ảnh đâu, mà chính sự sợ hãi, buồn chán đã kéo chúng lại với chúng ta.

Một nguyên nhân nữa chính là sự phát triển của kinh tế, con người quá bận rộn cho miếng cơm manh áo của mình mà không còn nghĩ gì về những thứ khác, họ bỏ ra quá nhiều thời gian để kiếm tiền và rồi họ lại dùng tiền kiếm được để giết thời gian. Các quốc gia nghèo có vẻ luôn đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu. Cụ Phan Châu Trinh đã đi trước chúng ta hàng trăm năm khi đề ra cải cách bằng cách: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Tức là kinh tế, các điều kiện sinh sống chỉ đứng hàng thứ ba, đầu tiên là phải khai trí. Vậy mà chúng ta bây giờ ít người hiểu được lời dạy này.

Trong vấn đề này, thiết nghĩ chúng ta nên có một môi trường phù hợp cho yêu cầu muốn tập trung của mình. Tôi nghĩ đôi khi chúng ta nên về các vùng nông thôn yên tĩnh (không phải đi phượt), đôi khi chúng ta nên rời xa bạn bè mình, đôi khi chúng ta nên vứt bỏ internet, điện thoại, tivi và đến một nơi nào đó thực sự yên tĩnh, và cũng đôi khi chúng ta nên cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên bằng cặp mắt của mình thay vì cái máy ảnh.

Một vấn đề liên quan đến vấn đề tập trung là thói quen ngại đọc dài, hầu như trong mỗi người bình thường chúng ta cứ nhìn vào một quyển sách dày hay một bài viết chi chít chữ là đã ngán ngẩm không muốn cầm lên đọc tiếp rồi. Không biết nó hay hay dở, chỉ cần thấy nó dài là đã chán rồi. Không phải ngẫu nhiên các trang báo mạng hay có cái gọi là “giật tít”, về cơ bản họ hiểu con người chúng ta là những thành phần lười, mà thông tin của họ có quá nhiều nên phải dùng cách đó để lôi kéo lượng độc giả. Cũng có quá nhiều câu nói: “Dài quá, ngại đọc, tóm tắt coi!” Cũng không thể trách họ được, họ có quyền lựa chọn thông tin bổ ích cho mình trong vô số các thông tin, chính chúng ta chứ không ai khác vừa là người gây ra, vừa là nạn nhân của vấn đề này.

Có một điều là chúng ta ưa đọc trích dẫn hơn đọc toàn bài, các câu nói trích dẫn (quotes) thường được mọi người nhớ lâu và ưa thích hơn toàn bộ tác phẩm. Giống như món mì ăn liền, đã được người khác chế biến và dọn dẹp cho sạch sẽ, chỉ việc đổ nước vào và bê lên ăn, đọc trích dẫn cũng vậy, cũng được người khác tổng hợp, tìm kiếm và đưa lên cho, nhưng nó vẫn có ích lợi. Điểm bất lợi của việc chỉ đọc trích dẫn mà không tìm hiểu chi tiết thì cũng có nhiều, giống như chỉ hiểu cái chung mà bỏ qua cái riêng, những cái hay của tác phẩm đôi khi không phải ở cái chung mà chính là cái diễn giải ý chung đó. Chúng ta thích tổng hợp hơn phân tích, bởi tổng hợp đã có người khác làm cho rồi, tri thức của chúng ta là tổng hợp những cái tổng hợp đó.

Ta thường thấy trong các tác phẩm văn học, lịch sử, triết học… Cổ xưa họ viết khá dài, đôi khi có những điều hơi rời xa ý chính của tác phẩm, điều đó chỉ để diễn giải có cái ý chính đó. Các tác phẩm văn học kinh điển thường ít thành công trên điện ảnh bởi điện ảnh chỉ diễn tả được cái bề nổi của tâm lý nhân vật, chỉ có đọc chính tác phẩm văn học ta mới hiểu hết diễn tiến tâm lý đó.

Mọi người hãy cứ chọn những gì mà tự cho là tốt nhất với chính mình.

 

Đời Thừa

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Mình lại không cho rằng phim ảnh là vô bổ (trừ các loại phim nhảm hay tình cảm sến súa ra)
    Nếu bạn không quá câu nệ việc phim ảnh cắt xén tư liệu gốc, hay ko truyền tải hết tư tưởng tác phẩm (với phim chuyển thể) thì phim ảnh hoàn toàn là 1 cách hay, sinh động, nhanh chóng để truyền tải thông tin qua hình và tiếng thay vì chữ. Có khi xem phim ghiền quá lại kích thích bạn tìm sách để đọc ấy chứ?
    Cũng không ai chắc chắn đọc sách thì 100% lượng thông tin mà bạn tiếp thu là có ích và sẽ đọng lại trong bộ nhớ. Trong khi đó có lẽ 1 bộ phim đã phải qua khâu chắt lọc kha khá và chỉ giữ lại những chi tiết có giá trị, vì vậy nên ngoài tiết kiệm tgian thì nó còn tiết kiệm công sức sàng lọc thông tin cho bạn nữa (là lợi hay hại đây??)
    Vậy nên mình nghĩ nói phim ảnh giết chết nghệ thuật là không đúng, bởi phim ảnh, bản thân nó chính là nghệ thuật.

  2. Dù biết rằng sự tập trung 1 phần phụ thuộc vào sự kiên định của mỗi người
    Nhưng đối với những người muốn sự tập trung mà thiếu kiên định (trong đó có mình ^^!) thì đây là 1 bài viết hữu ích, bài viết giúp nhận ra các tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến sự tập trung và tránh xa nó.
    mình sẽ lưu bài này lại, khi nào thiếu tập trung sẽ đem ra đọc lại @@!

    Cảm ơn anh vì bài viết!

  3. Rất tâm đắc ý: Chúng ta sợ sự im lặng của Đời thừa. Bài viết của bạn rất thú vị nhưng lại không có sự tập trung vào một chủ đề chính. Nếu bạn tập trung vào một trong hai chủ đề: Sự mất tập trung hoặc ngại đọc dài thì mình nghĩ sẽ có nhiều kiến giải hay.

  4. Mình thì không đồng ý lắm với tác giả bài viết. Hầu như bạn đều quy nguyên nhân của sự mất tập trung cho môi trường xung quanh, gia đình, bạn bè…Đồng ý rằng ngày nay, các chương trình TV, internet, điện thoại… đã làm sao nhãng tâm trí con người nhiều nhưng theo tôi đó không phải nguyên nhân chính. Cái chính là cách bạn sắp xếp thời gian làm việc của mình và một điều quan trọng là bạn phải biết từ chối. Bạn từ chối những thú vui giải trí, những buổi liên hoan với bạn bè, những nhu cầu cá nhân, những bộ phim bạn ưa thích, sở thích lướt face hàng ngày…để bạn tập trung vào công việc của mình. Tất cả những thứ bạn kể không có tội, chúng rất có ích nếu biết khai thác, cãi lỗi lớn nhất cho sự mất tập trung nằm ngay bản thân mình.

    • thật ra dùng các công cụ như internet, google.. cũng làm trí não chúng ta mất tập trung đi nhiều. còn về phần bạn bè thì thật sự người nào biết nói “không” thì sẽ tránh được (số này ít, và không có tôi :()

  5. “Có một điều là chúng ta ưa đọc trích dẫn hơn đọc toàn bài, các câu nói
    trích dẫn (quotes) thường được mọi người nhớ lâu và ưa thích hơn toàn bộ
    tác phẩm.Giống như món mì ăn liền, đã được người khác chế biến và dọn dẹp cho
    sạch sẽ, chỉ việc đổ nước vào và bê lên ăn, đọc trích dẫn cũng vậy, cũng
    được người khác tổng hợp, tìm kiếm và đưa lên cho, nhưng nó vẫn có ích
    lợi. Điểm bất lợi của việc chỉ đọc trích dẫn mà không tìm hiểu chi tiết
    thì cũng có nhiều, giống như chỉ hiểu cái chung mà bỏ qua cái riêng,
    những cái hay của tác phẩm đôi khi không phải ở cái chung mà chính là
    cái diễn giải ý chung đó. Chúng ta thích tổng hợp hơn phân tích, bởi
    tổng hợp đã có người khác làm cho rồi, tri thức của chúng ta là tổng hợp
    những cái tổng hợp đó.” – Đối với mình đọc trích dẫn để biết rằng bài viết đó có phù hợp với guu của mình hay không. Cám ơn bạn về bài viết, mình nghĩ mình cần làm hai ngay điều lúc này. Hì

  6. Về vĩ nhân thì thế giới bây giờ không phải là ít mà những công trình đó được nghiên cứu và khám phá dựa trên các công trình nghiên cứu của các vĩ nhân thời xưa. và đâu đó ở VN nói riêng và trái đất nói chung vẫn có những con người đang cần mẫn tìm hiểu, mày mò nhưng vì điều kiện kinh tế ràng buộc….

    • Thật ra thì trên thế giới bh rất ít vĩ nhân, ngay tại những nước quyền lực nhất như Mỹ, Trung Quốc cũng chỉ toàn dạng tầm thường, ít nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Mọi thứ đều rất lẻ tẻ, có thể có nhiều học sinh học nghệ thuật thật đấy, nhưng ko tạo được trào lưu, vì họ không xuất sắc, cũng vì người thưởng thức hầu hết chú trọng nghệ thật đại chúng (pop) mà ko thích khám phá những thứ hơi hơi khó. 500 năm nữa nhìn lại thì giai đoạn cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21 sẽ bị mất hẳn, tắt ngóm trước nghệ thuật trước thế chiến thứ 2, kiểu như nghệ thuật trước thế kỉ 14 sẽ ko còn ai để ý đến so với thời Phục Hưng, Có lẽ đây là 1 cái giá phải trả cho bình đẳng và tự do, vĩ nhân chỉ tồn tại trong những lúc khó khăn nhất.

  7. Theo mình nghĩ bài viết của bạn rất hay! Nhưng chổ giải thích và phân tích giữa bình đẳng và tự do có chút vấn đề. Vì mỗi xã hội và một đất nước hiện đại ngày nay, điều trước tiên hướng đến phải là bình đẳng, nếu không đó là một bước thụt lùi của xã hội đó.
    Về câu nói của tác giả là”Vĩ nhân xuất hiện ngày càng hiếm”. Có thể quan điểm về “vĩ nhân” của mỗi người sẽ khác nhau rất xa. Nhưng theo mình cách nhìn nhận này chưa hợp lý.

    • Trước tiên mình nên thống nhất khái niệm bình đẳng muốn bàn luận ở đây là gì. Bình đẳng kiểu như mọi người đều có quyền lợi như nhau, vd như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do thị trường, tự do giới tính… thì là 1 mục tiêu cần theo đuổi. Chứ còn bình đẳng theo ý mọi người đều có tài sản như nhau theo mình là không bao giờ xảy ra.

  8. Giá mà chúng ta có thêm nhiều thư viện và nhiều người muốn đọc sách. Thư viện là một môi trường tuyệt vời để lắng đọng tâm trí và kích thích tư duy.

  9. Em nghĩ chữ “hậu” trong hậu dân sinh không phải là “sau”, “sau cùng” hay “sau đó” đâu ạ. Hãy xét cả 3 vế sẽ thấy sự đối xứng về mặt từ vựng, cả hai về trước đều là động từ đi liền với danh từ bổ nghĩa nó, “khai” với “chấn”, “dân trí” với “dân khí”… vậy mà chữ “hậu” lại là một trạng từ thì không chuẩn với phong cách đối, song song trong cách hành văn của các cụ ta thời đó.

    Em nghĩ “hậu” ở đây là một dạng động từ phát triển ý từ tính từ trong “thưởng hậu”, “tối hậu thư”, … có nghĩa là “làm cho hậu”, “làm cho thật đầy đủ”, nói cách khác ý của vế thứ 3 là phải “làm cho đời sống nhân dân ấm no đầy đủ”.

    Ngôn ngữ ta có nhiều động từ như vậy, chẳng hạn “khó” tính từ —> “khó” động từ (gây khó dễ, làm trở ngại, VD: “đừng khó nhau nữa”, …), “dễ” tính từ —> “dễ” động từ có nghĩa là thiên vị, giúp ngầm (“cô giáo dễ cho con tôi”, “tôi làm vậy là dễ với các em lắm rồi”)…

  10. Tất cả nội dung bạn viết hầu như đều có trong cuốn sách Trí Tuệ Giả Tạo (The Shallows) của Nicolas Carr). Một trong những cuốn sách mà mình thích nhất. Cũng nhờ nó mà mình bớt sử dụng Facebook đi rất nhiều 🙂

    • tôi cũng thích cuốn này cực kỳ, nhưng bỏ máy tính được một thời gian rồi đâu lại vào đấy, nên giờ vẫn xài cục gạch chưa dám mua smart phone :))

      • Chinh tac gia cung thua nhan ong dang quay tro lai su dung may tinh sau khi viet xong cuon sach ma. Nhung dieu ong dua ra la nao nguoi luon van dong va dang bi thay doi boi internet thi rat dang nho
        ( Xin loi ko viet co dau duoc)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI